Cần thay đổi cái nhìn về thời kỳ thuộc địa

Đầu năm tới, phim tài liệu Công Binh – đêm đen dài của Đông Dương (Cong Binh, la longue nuit Indochinoise) do đạo diễn gốc Việt – Lâm Lê thực hiện dựa trên cuốn sách của nhà báo Pháp Pierre Daum sẽ ra mắt khán giả. Nhân dịp này, nhà báo Pierre Daum đã có cuộc trả lời phỏng vấn.

Tháng 8/2009 cuốn sách có tên Di cư cưỡng bức – những người lao động Đông Dương tại Pháp (tên gốc tiếng Pháp: Immigrés de force, Les travailleurs Indochinois en France (1939 – 1952) của nhà báo 43 tuổi Pierre Daum đã được xuất bản tại Pháp. Với gần 300 trang, cuốn sách đã dựng lại hành trình đau khổ của 20.000 thanh niên Đông Dương mà đa phần là người Việt Nam bị đưa sang Pháp để phục vụ chiến tranh Thế giới thứ 2 vào năm 1939.

Con đường nối từ sách tới phim tài liệu như thế nào, thưa anh?

Thực tế dự án phim đã được khởi động trước khi tôi sang Việt Nam, chỉ hai ngày sau khi cuốn sách của tôi được xuất bản, người biên tập ở NXB Actes Sud nói với tôi rằng đạo diễn Lâm Lê muốn gặp tôi. Ông nói rằng đã định làm một bộ phim về chủ đề này từ nhiều năm trước nhưng điều ông thiếu là những nguồn tư liệu tốt. Và quyển sách của tôi chính xác là những gì ông cần để dựng bộ phim dựa vào những nghiên cứu, điều tra sâu và lâu dài. Cuối cùng, bộ phim tài liệu Công Binh – đêm đen dài của Đông Dương ra đời với rất nhiều sự sáng tạo mà không chỉ lấy từ hình ảnh trong quyển sách của tôi. Lâm Lê là một đạo diễn có tiếng ở Pháp và bộ phim của ông là một tác phẩm sáng tạo nghệ thuật thực sự trí tuệ. Thực tế, Lâm Lê đã đơn giản sử dụng những tư liệu lịch sử chứa trong quyển sách của tôi để dựng nên bộ phim chứa sự thật trần trụi đáng suy nghĩ về chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương và về hiện tại ở Pháp và ở Việt Nam.

Anh là người đứng về phía quan điểm muốn lý giải tại sao nước Pháp được coi là đất nước của tự do – bình đẳng – bác ái nhưng tự cho mình cái quyền được đi áp bức các dân tộc khác trong thời kỳ thuộc địa. Chính anh cũng nói rằng, quan điểm này đang có nhiều người ủng hộ. Vậy theo anh, với những cuốn sách hay bộ phim bóc trần những “khoảng tối” của nước Pháp thời kỳ này, sự tiếp nhận của người Pháp như thế nào?

Bộ phim Công Binh – đêm đen dài của Đông Dương sẽ tham dự ba liên hoan phim trong năm tới: liên hoan phim tài liệu Amsterdam tại Hà Lan, liên hoan phim lịch sử Pessac và liên hoan phim quốc tế Amiens tại Pháp.

Tại Pháp, có rất nhiều chia rẽ trong nhóm những người đã trải qua chế độ thực dân. Nhưng về tổng quan có ba nhóm chính. Thứ nhất, vẫn có một ít người nghĩ chế độ thực dân là một lựa chọn tốt. Họ tiếc nuối sự kết thúc của chế độ này. Nhóm thứ hai nghĩ rằng sự kết thúc của chế độ thực dân là điều bình thường nhưng nước Pháp đã mang rất nhiều điều tốt đẹp cho những đất nước bị đô hộ. Điều mà họ gọi là mặt tốt của chế độ thực dân. Nhóm này có số lượng đủ lớn để có thể tạo sức ép lên giới lãnh đạo chính trị nước Pháp. Cuối cùng là nhóm những người cho rằng toàn bộ chế độ thực dân là một scandal và điều quan trọng là người Pháp hiện tại phải hiểu tất cả những gì không tử tế mà nước Pháp đã làm trong quá khứ, Chính phủ Pháp hiện tại cũng phải chính thức công nhận những hành động xấu này. Nhóm này có số lượng lớn và đã làm cho phần lớn người Pháp nhận thức được những tội ác của chế độ thực dân. Tuy nhiên, các chính phủ Pháp khác nhau vẫn chưa quyết định công nhận một cách chính thức những tội ác này. Tôi nghĩ trong nhiều năm tới, điều này sẽ trở thành hiện thực.

Vấn đề này hiện có còn tiếp tục được nghiên cứu?

Trước tôi, tại Pháp có bà Trần Nữ Liêm Khê đã viết một khoá luận về chủ đề này tại đại học Nanterre vào năm 1988, nhưng nghiên cứu đó chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Sau khi quyển sách của tôi xuất bản, nhiều đơn vị truyền thông ở Pháp và cả Việt Nam đã bắt đầu nói về nó. Một cuộc triển lãm về chủ đề này đã được tổ chức trên đất Pháp và trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu mới đào sâu chủ đề này. Mới đây, chủ đề này cũng xuất hiện trên một tạp chí khoa học của Hoa Kỳ được một nhà nghiên cứu Hoa Kỳ viết. Điều này thực sự tốt khi sau thời gian dài bị lãng quên, những nghiên cứu này lại xuất hiện.

Quá trình viết cuốn sách có làm thay đổi gì trong tư duy nghề báo của anh không?

Với tôi, các điều tra dài mang tính lịch sử là một dạng của báo chí. Nhưng nghề báo nghiên cứu dạng này rất tiếc ngày càng hiếm trong truyền thông của Pháp và hầu hết các nhật báo. Có thể vì các nhà báo họ ngày càng buộc phải làm việc tốc độ hơn và buộc phải dừng lại ở bề mặt của các vấn đề. Tôi đang viết chủ yếu cho tờ Le Monde diplomatique với những điều tra sâu và phóng sự lớn. Đây là một nguyệt san rất nghiêm túc – cho phép tôi dành thời gian làm việc, nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu rộng. 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)