Cánh bay và lời nguyện cầu: Vẻ đẹp trường tồn của “Chim chiền chiện vút bay”

Sau một thế kỷ, các nghệ sỹ violin hàng đầu cho chúng ta biết tại sao tác phẩm “Chim chiền chiện vút bay” của nhà soạn nhạc Ralph Vaughan Williams lại giống như “du hành trên những vì sao” và có được vị trí đặc biệt trong trái tim con người.


 Nữ nghệ sĩ Jennifer Pike trình diễn “Chim chiền chiện vút bay” bên dưới bức chân dung nhà soạn nhạc Vaughan Williams tại Bảo tàng tranh chân dung quốc gia ở London. Nguồn: The Guardian.

Giễu cợt Chim chiền chiện vút bay (The Lark Ascending) thì rất dễ. Với nhiều năm đứng đầu Bảng xếp hạng nhạc cổ điển của Classic FM, tác phẩm đã trở thành câu chuyện cười về sự bảo thủ của cả người biên tập chương trình lẫn thính giả. Thậm chí chính tôi từng viết một cách qua loa thiếu cân nhắc rằng tác phẩm lười biếng đó thật “nhạt nhẽo”. Vì vậy, hãy xem đây là “mea culpa – lỗi tại tôi”: 100 năm sau buổi biểu diễn đầu của Chim chiền chiện vút bay, tôi đã tìm đến một nhóm chọn lọc gồm các nghệ sỹ violin nổi tiếng thế giới để hỏi họ liệu tác phẩm có xứng đáng được nghe theo cách mới mẻ không.

Tác phẩm này được nhà soạn nhạc đề tặng nghệ sĩ Marie Hall, người trình diễn nó lần đầu tại Shirehampton Public Hall ở Bristol vào ngày 15/12/1920. Bà cùng nghệ sỹ piano Geoffrey Mendham đã biểu diễn bản chuyển soạn cho vioin và piano của Vaughan Williams ; phiên bản cho violin và dàn nhạc được Hall công diễn lần đầu tại Queen’s Hall ở London vào tháng sáu năm sau đó. Và chính tại hội trường làng ở Bristol đúng một thế kỷ sau, nghệ sỹ violin người Anh Jennifer Pike đã tái hiện không khí buổi biểu diễn đầu tiên của tác phẩm này trong một chương trình hòa nhạc thành công được phát trực tiếp vào ngày 15/12/2020.

Vaughan Williams viết tác phẩm này vào năm 1914, có lẽ thoạt tiên là phiên bản dàn nhạc mà sau năm 1921 sẽ trở nên nổi tiếng nhất. Nhưng chiến tranh trì hoãn buổi công diễn lần đầu và sau đó, ông đã sửa thành phiên bản dành cho violin và piano cho buổi biểu diễn ở Bristol, nơi Hall đang ở cùng một nhà bảo trợ giàu có. Pike tin rằng bóng đen của chiến tranh lởn vởn trong tác phẩm này. Cô nói: “Sự kề cận của chiến tranh và những căng thẳng dẫn đến một ảnh hưởng khác thường lên tác phẩm. Cảm giác tĩnh mịch, khao khát hòa bình và tình yêu thôn quê của Vaughan Williams đều được chắt lọc và đưa vào tác phẩm này một cách vô thức”.

Nhà biên tập âm nhạc người Mĩ Richard King, trong cuốn sách “The Lark Ascending” năm 2019 đã liên hệ bản nhạc với Pastoral Symphony (No. 3) của Vaughan Williams, bản giao hưởng phản ánh trải nghiệm của ông về mặt trận phía Tây. Nhưng mối liên hệ với chiến tranh, được thúc đẩy bởi câu chuyện kể rằng nhà soạn nhạc được truyền cảm hứng để viết Chim chiền chiện vút bay sau khi trông thấy những con tàu đang tập trận vào năm 1914, vẫn có thể còn gây tranh cãi. Cây bút và phát thanh viên Andrew Green, người đã viết về nguồn gốc của tác phẩm trên Tạp chí Âm nhạc BBC số mới nhất, thích đóng khung bản nhạc như một phần của phản ứng với tình trạng suy thoái nông nghiệp ở Anh trong 40 năm đầu đời Vaughan Williams hơn. Bảng niên đại ủng hộ quan điểm của Green.

Bản nhạc có thời lượng 15 phút được lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của George Meredith, viết năm 1881. Pike giãi bày: “Anh không cần phải đọc bài thơ mới có thể thưởng thức tác phẩm. Nhưng ý niệm rất giản dị về một con chim đang tự do vút bay vào không gian vô tận là điều sâu sắc mà tôi thực sự cảm thấy khi chơi đàn.” Theo lời cô thì các đoạn violin độc tấu cho phép một cách tiếp cận tự do và gần như ngẫu hứng mà các nghệ sỹ violin khác cũng ngợi khen.


Một trang bản thảo của tác phẩm. Nguồn: The Guardian.

Pike biểu diễn bản nhạc này lần đầu khi mới 15 tuổi, nhưng ban đầu cô đã vội nghi ngờ tác phẩm. “Tôi biết nó rất nổi tiếng, và lúc đó tôi đã tự nhủ một cách khá ngây thơ ‘Mình không muốn chơi bất cứ bản nhạc phổ biến nào.’ Đó là sai lầm hoàn toàn vì tôi tiến tới nhận ra nó là một tác phẩm tuyệt vời và xuất sắc biết bao. Mỗi nghệ sỹ biểu diễn đều có thể biến nó thành thứ báu vật của riêng mình. Không thể có hai nghệ sỹ violin chơi bản nhạc này hoàn toàn giống hệt nhau”.

Nghệ sỹ vĩ cầm người Mỹ Hilary Hahn cũng biết đến Chim chiền chiện vút bay từ khi còn nhỏ – mẹ cô yêu thích tác phẩm này. Cô nói: “Đó là tác phẩm mà tôi coi như một phần của cảnh quan cuộc sống. Tôi không nghĩ rằng tác phẩm đại diện cho bất cứ thứ gì khác ngoài chính nó.” Hahn đã thu âm Chim chiền chiện vút bay với Colin Davis và Dàn nhạc Giao hưởng London vào năm 2003 khi cô ngoài 20 tuổi. Vậy cách trình tấu tác phẩm quen thuộc với tuổi thơ của cô có thay đổi theo tháng năm, khi cô đã bước vào giai đoạn trưởng thành và trở nên chín chắn hơn không? Cô thổ lộ: “Bây giờ tôi tự tin hơn. Tôi không lo lắng về việc liệu mình có đang chơi đúng hay không. Lối chơi của tôi mang tính trực giác hơn”.


Một bản thu âm “Chim chiền chiện vút bay”của nghệ sĩ David Nolan với Dàn nhạc giao hưởng London. Nguồn: EMI Classical

Một số nghệ sỹ violin nói với tôi rằng bản nhạc này rất khó chơi; những người khác lại bảo không. Hahn nghĩ thế nào? Cô đáp: “Anh phải rất thoải mái với nhạc cụ để tạo cho nó sự linh hoạt cần thiết. Anh phải thoải mái khi diễn tấu bằng một nhát vĩ thật chậm rãi. Cần phải đạt đến sự hoàn hảo về âm điệu ở âm khu cao của đàn violin, một việc thường khiến mọi người căng thẳng. Điều thực sự quan trọng là kỹ thuật của anh phải tinh tế và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát nếu anh muốn có được vẻ tự do mà tác phẩm đòi hỏi. Giống như một con vịt: phía trên mặt nước anh chỉ đang nổi bồng bềnh nhưng phía dưới thì anh đang điên cuồng khỏa nước.” Hóa ra, dưới góc nhìn của cô thì loài chim chiền chiện cũng có nét giống như vịt.

Nghệ sĩ vioin khác là Tasmin Little từ lâu đã gắn bó với Chim chiền chiện vút bay với hai lần thu âm và một lần biểu diễn bản nhạc vào đêm cuối cùng của Proms năm 1995. Bà thấy nó buồn bã hay vui vẻ, diễn tả nỗi mất mát hay ca tụng tự do? Bà trả lời: “Chẳng phải cái này lẫn cái kia. Anh lấy từ nó điều anh muốn. Nó có tính chất thôi miên, thứ mang lại cho anh không gian để ngẫm ngợi”.

Tasmin Little cho rằng có một khoảnh khắc ở gần cuối bản nhạc nơi “mây mù chắc hẳn đã kéo đến che phủ Mặt trời” nhưng bà không cảm thấy âu sầu. Con chim chiền chiện tự do và vui vẻ hót vang đồng thời nhắc ta nhớ đến niềm vui và triển vọng trong đời; và khi nó bay khuất tầm mắt, nó nhắc ta về sự phù du của cuộc đời. Little sắp từ giã sân khấu hòa nhạc một cách thích đáng bằng việc hai trong số những buổi hòa nhạc cuối cùng của bà vào cuối tháng này sẽ có sự góp mặt của Chim chiền chiện vút bay.

Thomas Gould, người dẫn dắt dàn nhạc thính phòng Anh Britten Sinfonia, đã thu âm bản nhạc cùng dàn nhạc Sinfonietta Riga vào năm 2015 và biểu diễn thường xuyên trong các buổi hòa nhạc hướng tới khán giả phổ thông tại Albert Hall. Anh nói: “Yếu tố giúp nó thành công là khán giả chỉ có thể trầm tư mặc tưởng. Họ có thể quên đi chính mình. Nó không phải là một tác phẩm quá phức tạp. Không cần phải gắng sức quá: nó thiết lập một tâm trạng – một dạng trầm tư, an tĩnh và đẹp đẽ  – và nó vẫn ở không gian như thế”.

Nghệ sỹ violin người Úc Richard Tognetti nói với tôi rằng trong phần đầu sự nghiệp, ông có khuynh hướng gạt bỏ nó như gạt bỏ “một thứ rỗng tuếch kiểu Anh” và sẽ ghép cặp nó cùng bản concerto violin của Ligeti. Ông nói: “Việc lên chương trình có Chim chiền chiện vút bay bắt đầu với một cảm giác mỉa mai, nhưng khi thực sự lắng nghe nó tôi nhận ra rằng đó thực sự là một tác phẩm cấp tiến”. Ông cho rằng nó không chỉ là một thi khúc mang âm hưởng đồng quê đáng yêu mà còn là một tác phẩm “siêu việt đến độ bạn như thể đang du hành trên những vì sao”.

Nghệ sỹ violin người Canada James Ehnes đã thu âm tác phẩm cùng Royal Liverpool Philharmonic Orchestra năm 2018. Anh kể: “Đó là bản nhạc mà tôi biết đến lần đầu ở tuổi thiếu niên và ngay lập tức yêu thích. Nhưng ở Bắc Mỹ, nó thường được giao cho concertmaster [bè trưởng bè violin 1 trong dàn nhạc]. Thật hiếm khi một nghệ sỹ độc tấu được mời đến biểu diễn tác phẩm.” Ít nhất là bên ngoài Vương quốc Anh, Chim chiền chiện vút bay bị coi là quá ngắn để xứng đáng với thù lao trả cho nghệ sỹ độc tấu và việc để concertmaster biểu diễn sẽ kinh tế hơn, vì vậy Ehnes nói rằng anh đã phải đấu tranh để có cơ hội biểu diễn bản nhạc.

Nhưng đấu tranh là rất đáng. “Tôi yêu tác phẩm. Việc thu âm nó là một giấc mơ đã trở thành sự thật. Trong âm nhạc có cảm giác luyến tiếc quá khứ và nỗi luyến tiếc này là một cảm xúc vô cùng mạnh mẽ và thấm thía. Đó là một tác phẩm nắm bắt được một bầu không khí rất cụ thể nhưng rất khó phân định.” Rút cục thì đó là lý do tại sao âm nhạc tồn tại: để nắm bắt những cảm xúc mà các loại hình nghệ thuật khác không thể diễn tả. Nếu ta có thể viết ra, ta sẽ không cần đến âm nhạc”.□

 

Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2020/dec/08/the-lark-ascending-ralph-vaughan-williams-classical-chart-topper-jennifer-pike

The Lark Ascending (Chim chiền chiện vút bay) là một tác phẩm khá đơn giản với diễn ngôn âm nhạc có thể được hiểu một cách rõ ràng và dễ dàng. Song linh hồn của tác phẩm là sự sâu sắc về cảm xúc, thứ liên kết nó với các tác phẩm khác cùng thời kỳ của Vaughan Williams trong đó một cách tiếp cận kiểu đồng quê êm đềm và gần như tách biệt được sử dụng để truyền tải thứ cảm xúc tuyệt vời. Tác giả đặt tiêu đề phụ cho bản nhạc là “A Romance”, một thuật ngữ mà ông ưa dùng cho kiểu âm nhạc trầm tư chậm rãi. Tác phẩm đã đạt được tiếng tăm rất lớn ở Anh và những nơi khác cũng như được thu âm rất nhiều lần từ năm 1928 đến nay.
Năm 2020, tác phẩm lại một lần nữa đứng đầu Bảng xếp hạng nhạc cổ điển của Classic FM Vương quốc Anh, đánh bại cả các tác phẩm của Beethoven, Mozart và Tchaikovsky với hơn 130.000 phiếu bầu. Nghệ sỹ Jennifer Pike nói với Classic FM rằng: “Thực sự có rất ít tác phẩm cho ta cái cảm giác đặc biệt như thời gian đã chợt ngừng lại, không có gì xảy ra với không gian mà những nốt nhạc đã gợi ra. Giờ đây trong cuộc sống hiện đại đầy bất trắc này, chúng ta cần cảm giác đó hơn bao giờ hết. Với tất cả những gì đã gợi ra, “Chim chiền chiện vút bay” luôn có mặt trong các bảng xếp hạng cổ điển bởi đơn giản, nó đã có được vị trí thực sự đặc biệt trong trái tim mọi người”.

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)