Cánh diều vàng: Một cách tổ chức sai

Là một giải thưởng tổng kết năm, giống như Oscar, Bafta, César, Quả cầu vàng, nhưng Cánh diều vàng lại có lối tổ chức chấm giải theo kiểu các liên hoan phim như Cannes, Venice, Berlin.

Cánh diều vàng là giải thưởng điện ảnh quốc gia nhưng 20 năm nay vẫn tổ chức không đúng cách.

Năm nay tròn 20 năm giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh chính thức mang tên Cánh diều vàng. Nhưng ít ai để ý, giải thưởng này đã và đang được tổ chức sai cách bao lâu nay. 

Giải thưởng điện ảnh quốc gia nhưng tổ chức theo lối liên hoan phim quốc tế 

Cánh diều vàng là một giải thưởng điện ảnh quốc gia. Nhưng ngoài giới báo chí mảng Văn hóa – Nghệ thuật và một khu vực nhỏ những người yêu điện ảnh thì ít người quan tâm. Có nhiều lý do nhưng một vấn đề lớn là ở format tổ chức chưa đúng, khiến giải thưởng không tạo được hiệu ứng truyền thông.

Cánh diều vàng (và cả Bông sen vàng) bản chất là những giải thưởng tổng kết của một nền điện ảnh (Cánh diều tổng kết thường niên, Bông sen tổng kết hai năm một lần), nơi đánh giá toàn bộ các tác phẩm đã được công chiếu trong một giai đoạn nhất định. Chúng không phải là liên hoan phim quốc tế, nơi giới thiệu những bộ phim mới ra mắt (hoặc chí ít chưa được công chiếu ở địa phương tổ chức giải) được tuyển chọn vào danh sách dự thi. 

Nói cách khác, tính chất của Cánh diều vàng và Bông sen vàng giống như Oscar, Quả cầu vàng, Bafta, César, hay như Kim Mã, Kim Tượng, Kim Kê… của điện ảnh Hoa ngữ và Chuông vàng (Grand Bell), Rồng xanh, Baeksang… của điện ảnh Hàn Quốc, tức là những giải thưởng điện ảnh quốc gia chứ không phải các liên hoan phim quốc tế như Cannes, Venice, Berlin, Tokyo, Busan, Thượng Hải… 

Khác với tính chất của một liên hoan phim, một giải thưởng điện ảnh quốc gia như Cánh diều vàng hay Bông sen vàng mang chức năng tổng kết đánh giá, vì vậy phải cân nhắc toàn bộ tác phẩm đã ra mắt trong năm để xem xét chọn lọc ra các bảng đề cử những thành phần xuất sắc ở từng hạng mục.

Ở Việt Nam, Haniff (LHP quốc tế Hà Nội) hay Danaff (LHP châu Á – Đà Nẵng) có thể coi là nơi áp dụng hình thức tổ chức chấm giải của các liên hoan phim. Tức là kêu gọi các bộ phim mới hoàn thành gửi đến để các giám tuyển xem, chọn lọc, và tuyển vào các hạng mục Phim dự thi, rồi ban tổ chức mời một ban giám khảo gồm 7 – 9 người tập trung xem trong vài ngày để chấm giải. 

Các tác phẩm được giới thiệu ở các liên hoan phim quốc tế có tính chất hoàn toàn mới, chưa ai (trừ các giám tuyển) được xem, vì vậy ban tổ chức không thể công bố danh sách đề cử ở từng hạng mục mà chỉ tung ra một danh sách tổng hợp những phim dự thi. 

Khác với tính chất của một liên hoan phim, một giải thưởng điện ảnh quốc gia như Cánh diều vàng hay Bông sen vàng mang chức năng tổng kết đánh giá, vì vậy phải cân nhắc toàn bộ tác phẩm đã ra mắt trong năm để xem xét chọn lọc ra các bảng đề cử những thành phần xuất sắc ở từng hạng mục: Phim, đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên… Rồi từ đó mới bỏ phiếu chọn ra người chiến thắng ở từng hạng mục. 

Nhưng không, cả Cánh diều vàng và Bông sen vàng bao lâu nay vẫn làm theo cách thức của một liên hoan phim. 

Đơn cử như năm nay, ở hạng mục Phim truyện điện ảnh, Ban tổ chức hoàn toàn không đưa ra một bảng danh sách đề cử nào mà đến sát ngày trao giải, báo chí vẫn lụi cụi tự điểm danh một danh sách dài dằng dặc tất cả các vai diễn nam nữ chính phụ trong các phim tranh giải để phỏng đoán những ứng viên của giải nam nữ diễn viên xuất sắc nhất. 

Nếu thay đổi format của Cánh diều vàng theo đúng chuẩn quốc tế, thì mùa giải năm nay đã không thiếu vắng những ứng viên nặng ký như “Bên trong vỏ kén vàng” (Giải Camera Vàng tại LHP Cannes 2023), “Những đứa trẻ trong sương” (Top 15 phim Tài liệu xuất sắc nhất tại Oscar 2022) và “Thanh Sói” (phim hành động Việt lên nền tảng Netflix).

Tối 9/9 đã diễn ra lễ trao giải rồi, mà khán giả vẫn còn mù mờ về những gương mặt nổi bật trong mùa giải năm nay. Đó là mới nói đến hạng mục diễn viên, còn tình hình ở các hạng mục khác như đạo diễn, biên kịch, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc… thì còn tù mù hơn. Càng không nói đến những hạng mục giải thưởng ít được quan tâm như phim tài liệu, phim ngắn… thì chắc chắn đa phần khán giả sẽ chẳng nắm được bất kỳ thông tin gì. 

Thế nên, mang tiếng là giải thưởng điện ảnh hàng đầu quốc gia nhưng đa phần công chúng chẳng mấy ai quan tâm. 

Đề xuất thay đổi cách tổ chức Cánh diều vàng và Bông sen vàng 

Những liên hoan phim quốc tế ở Việt Nam như Haniff và Danaff có thể coi là đã có mô hình tổ chức theo thông lệ quốc tế. Nhưng Cánh diều vàng và Bông sen vàng thì chưa. Nhìn từ mô hình của giải Oscar, Cánh diều vàng và Bông sen vàng có thể học tập để điều chỉnh cách thức tổ chức cho đúng vị trí một giải thưởng điện ảnh quốc gia. 

Các liên hoan phim quốc tế như Cannes, Venice, Berlin mỗi năm có một ban giám khảo theo mùa, chỉ từ 9-11 thành viên. Còn các giải mang tính chất tổng kết năm như Oscar hay Quả cầu vàng đòi hỏi phải có một hội đồng giám khảo khá cố định (chỉ bổ sung vài người hằng năm), đồng thời số lượng thành viên lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thành viên. Cánh diều vàng (của Hội Điện ảnh) và cả Bông sen vàng (của Cục Điện ảnh) có thể học tập mô hình ấy. Nghĩa là mời những người làm nghề uy tín (các thành viên của Hội và Cục) vào hội đồng giám khảo cố định. Nếu có thể mở rộng thì mời thêm các nhà báo giỏi nghề và những cây viết bình phim có gu trên mạng xã hội. Họ sẽ có nhiệm vụ xem các phim Việt ra mắt trong năm từ ngày chúng công chiếu (chứ không phải đến mùa giải mới tập trung ngồi xem trong mấy ngày như hiện nay). 

Như thế, đến mùa giải cuối năm, họ sẽ có một cái nhìn bao quát về tất cả các phim Việt trong năm. Trên cơ sở đó, Ban tổ chức Cánh diều vàng (và Bông sen vàng) có thể tổ chức cho các thành viên hội đồng giám khảo bình chọn ra các đề cử (Top 5 hoặc Top 3) ở mỗi hạng mục. 

Trước lễ trao giải khoảng một tháng, Ban tổ chức sẽ công bố danh sách bình chọn này. Đó có thể coi như một cuộc điểm danh trên diện rộng toàn bộ những thành tựu phim ảnh trong năm. Để ngay cả những khán giả ít quan tâm đến điện ảnh cũng được biết về các tác giả, tác phẩm nổi bật năm qua. Đồng thời, giai đoạn một tháng từ đó cho đến lễ trao giải sẽ khơi lên những cuộc tranh luận, bàn tán, bình chọn, dự đoán về các giải thưởng. Báo chí và công chúng cũng tha hồ có dịp mổ xẻ về sự xứng đáng hay hơn kém của các thành phần được đề cử. Như thế sẽ tạo nên sự lan tỏa truyền thông sâu rộng về giải thưởng và những ứng viên của nó. 

Sự thay đổi ở khâu tổ chức này sẽ có hiệu ứng truyền thông rất tích cực cho giải thưởng. Chứ không phải đến tận đêm trao giải, công chúng vẫn mù mờ về những cái tên nổi bật của điện ảnh trong năm. Và trong lễ trao giải, Ban tổ chức chỉ chiếu lướt chớp nhoáng vài giây những gương mặt được đề cử trước khi công bố tên người thắng cuộc. 

Lẽ ra, không chỉ những người thắng cuộc mà cả những người lọt vào đề cử ở một giải thưởng điện ảnh quốc gia cũng cần được ghi nhận là đạt một thành tựu đáng tự hào. Nhưng trên thực tế lâu nay, những người được đề cử ở Cánh diều vàng hoàn toàn không có không gian và thời gian để được tôn vinh. Thậm chí ngay giải năm nay cũng chẳng còn ai nhớ chứ chưa nói đến các đề cử trong lịch sử. 

Với việc thay đổi mô hình tổ chức giải gồm một hội đồng giám khảo cố định đông đảo và trước lễ trao giải có giai đoạn đề cử, chắc chắn Cánh diều vàng sẽ tạo được dư luận quan tâm hơn và sẽ lưu dấu sâu sắc hơn trong trí nhớ khán giả. 

Vậy mà không hiểu sao bao lâu nay giải thưởng vẫn chưa được tổ chức đúng cách.□

Hoàng Lê 

Tác giả

(Visited 70 times, 1 visits today)