Cantata Carmina Burana hay vòng quay của bánh xe may mắn

Chỉ với cantata Carmina Burana, Carl Orff (1895 – 1982) mới thực sự tìm được phong cách nghệ thuật không thể trộn lẫn của chính mình.

Tập thơ định mệnh

Khi khám phá ra tập thơ Carmina Burana, hẳn Carl Orff chẳng thể ngờ rằng rồi đây tập thơ sẽ làm thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của ông. Ông bắt đầu soạn cantata Carmina Burana dựa trên tập thơ cùng tên ở tuổi 38 và hoàn thành nó ở tuổi 42. Trước đó, ông nổi tiếng ở quê hương Munich trong vai trò nhà giáo dục âm nhạc hơn là nhà soạn nhạc đa phong cách đã cho ra đời khá nhiều tác phẩm.

Carmina Burana theo tiếng Latin có nghĩa là Những bài ca từ Beuern (Beuern là tên viết tắt của thành Benediktbeuern ngày nay thuộc hạt Bad Tölz-Wolfratshausen, bang Bavaria, Đức). Cái tên Carmina Burana là do Johann Andreas Schmeller đặt cho một tập thơ xuất bản năm 1847, gồm các bài thơ trong một bản thảo viết tay của người Đức đầu thế kỉ 13 được phát hiện vào năm 1803 ở tu viện Benediktbeuern.

Tập bản thảo có lẽ là nguồn tài liệu quan trọng nhất về thi ca thế tục tiếng Latin trong một danh mục khổng lồ các thi phẩm thế kỉ 12. Ngoài ra, trong đó còn có một số bài thơ bằng tiếng Đức cổ và tiếng Pháp cổ. Một số bài đã được phổ nhạc bằng một kiểu ký âm khá hiếm vào thời ấy.

Tập bản thảo gồm hơn 250 bài thơ, có thể xếp thành bốn nhóm dựa theo đề tài: 55 bài ca luân lý và giễu nhại; 131 tình ca; 40 bài ca chuốc rượu và đùa cợt; hai tác phẩm cho nhà hát Thiên Chúa giáo thời Trung cổ.

Tất nhiên cantata Carmina Burana của Carl Orff chỉ sử dụng một phần nhỏ trong số những bài thơ đó. Về cấu trúc, Carl Orff chia cantata Carmina Burana thành năm phần lớn, gồm tất cả 25 chương nhạc. Ông dùng ký hiệu attacca ở sau mỗi chương để thể hiện ý đồ rằng các chương phải được trình diễn tiếp nối nhau ngay lập tức mà không ngừng nghỉ.

  Fortuna Imperatrix Mundi (Nữ thần May mắn thống trị thế gian): hai chương
  I. Primo vere (Lúc vào xuân): ba chương
  Uf dem anger (Trên đồng cỏ): năm chương
  II. In Taberna (Trong quán trọ): bốn chương
  III. Cour d’amours (Sự quyến rũ của ái tình): chín chương
  Blanziflor et Helena (Blanziflor và Helena): một chương
  Fortuna Imperatrix Mundi (Nữ thần May mắn thống trị thế gian): một chương

Ý tưởng về sự quay tròn của bánh xe may mắn đã góp phần hình thành nên cấu trúc tác phẩm. Tác phẩm được mở đầu và kết thúc bằng cùng một chương nhạc Fortuna Imperatrix Mundi. Đây cũng là chương nhạc nổi tiếng và dễ nhận ra nhất trong tác phẩm.

O Fortuna (Nữ thần may mắn)
Thơ thế tục tiếng Latin thế kỉ 12

Nữ thần May mắn
Tựa như vầng trăng
Người luôn thay đổi
Luôn nhạt mờ dần
Luôn khuyết hao dần;
Kiếp người đáng ghét
Thoạt tiên nặng gánh
Sau đó nhẹ bồng
Như có ước mong
Cất đi gánh nặng;
Bần cùng, quyền lực
Tan chảy tựa băng.

Trong phạm vị một cảnh, và đôi khi là trong phạm vi một chương nhạc, bánh xe may mắn cũng quay tròn khiến niềm vui chuyển thành nỗi đắng cay, niềm hi vọng chuyển thành nỗi khổ đau.


Carl Orff – Tranh: Jens Rusch

Để trình diễn cantata Carmina Burana đúng chuẩn mực, người ta cần tới các ca sĩ solo giọng soprano, giọng tenor, giọng baritone; một dàn hợp xướng nam; một dàn hợp xướng hỗn hợp; cùng một dàn nhạc cực lớn với nhiều nhạc cụ bộ gõ (14 trong số các chương nhạc của cantata này viết cho hợp xướng). Điệu bộ diễn xuất của các ca sĩ là không bắt buộc và tùy thuộc vào người dàn dựng.

Cantata Carmina Burana được trình diễn lần đầu tại Frankfurt vào năm 1937, lần đầu tại San Francisco vào năm 1958, lần đầu tại Luân Đôn vào năm 1960. Tháng 10 năm 2003, cantata Carmina Burana cũng đã vang lên lần đầu tiên tại Hà Nội trong một chương trình do các nghệ sĩ đến từ Viện Thanh nhạc Frankfurt phối hợp với Nhà hát Nhạc vũ Kịch Việt Nam và Dàn hợp xướng quốc tế Hà Nội thực hiện.

Thính giả có thể không hiểu cặn kẽ những câu thơ ca tụng các thú vui trần tục (rượu vang, phụ nữ và tình yêu) trong đời sống của một giáo xứ thời Trung cổ được thể hiện bằng tiếng Latin, tiếng Đức cổ và tiếng Pháp cổ trong cantata Carmina Burana. Nhưng đây không phải là một tác phẩm thuộc loại khó nghe. Là một tác phẩm thời kỳ Hiện đại nhưng bản cantata này rất đơn giản về mặt hòa âm, không như rất nhiều tác phẩm âm nhạc cổ điển được sáng tác trong thời kỳ này. Tiết tấu dồn dập và bản năng âm nhạc cơ bản luôn cho phép thính giả hưởng ứng tác phẩm ngay lập tức. Bởi vậy cantata Carmina Burana đã và sẽ tiếp tục là một lựa chọn sáng giá cho những buổi hòa nhạc lớn ngoài trời dành cho đại chúng.

Carl Orff: Âm nhạc và ca từ phải tan chảy
Sinh năm 1895 trong một gia đình Bavaria cổ, Carl Orff được học piano và cello từ khi còn nhỏ. Về sau Carl Orff vào học tại Viện Hàn lâm Âm nhạc Munich và tốt nghiệp năm 1914. Âm nhạc mà ông soạn trong thời kỳ này thể hiện ảnh hưởng của một số nhà soạn nhạc trong đó có Debussy và Richard Strauss.

Năm 1914, Orff được bổ nhiệm vị trí Kapellmeister (Giám đốc âm nhạc) tại Munich Kammerspiele nơi ông hoạt động âm nhạc cho đến khi nhập ngũ năm 1917. Năm tiếp theo ông giải ngũ và tiếp tục làm nhạc trưởng ở Mannheim và Darmstadt trong các mùa diễn 1918-1919.

Trở lại Munich năm 1919, Orff theo học sáng tác tại lớp riêng với Heinrich Kaminski trong khi kiếm sống bằng nghề dạy học. Năm 1924, cùng với Dorothee Günther, ông thành lập Trường Âm nhạc và Múa Güntherschule, dành thời gian cho việc tổ chức biểu diễn âm nhạc cho trẻ em. Dưới sự dẫn dắt của ông, một dàn nhạc gồm toàn các “nhạc cụ Orff” đặc biệt được tạo ra, cho trẻ em cơ hội chơi nhạc mà không cần qua đào tạo chính thức.

Trong năm tiếp theo, Orff dàn dựng ba vở diễn sân khấu phỏng theo các tác phẩm của Monteverdi. Tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc Baroque, Orff trở thành nhạc trưởng của Hiệp hội Bach tại Munich năm 1930.

Với kinh nghiệm biểu diễn nhạc Baroque của mình, đặc biệt là các tác phẩm tôn giáo cho sân khấu, ông tin chắc rằng một buổi biểu diễn âm nhạc hiệu quả phải làm tan chảy âm nhạc và ca từ. Orff mang theo quan niệm này vào tác phẩm Carmina Burana thành công ngoài sức tưởng tượng và đã định danh ông với tư cách một nhà soạn nhạc. Mặc dù Carmina Burana mang “tính nguyên sơ” nhưng Orff vẫn tin rằng tiếng gọi sâu thẳm của âm nhạc không chỉ là tự nhiên. Niềm tin này được phản ánh trong nhiều tác phẩm khác của ông, bao gồm các nhạc kịch dựa trên bi kịch Hy Lạp như Antigonae (1949), Oedipus der Tyrann (1959) và Prometheus (1966). Ông ứng dụng các kỹ thuật sáng tác và kịch nghệ của mình trong các tác phẩm này cũng như một số tác phẩm đề tài Cơ đốc giáo nhưng không được thành công như Carmina Burana.

Tác phẩm cuối cùng của Carl Orff, De temporum fine comoedia (Hài kịch về ngày tận thế), được công diễn lần đầu năm 1973 tại Liên hoan Salzburg. Chín năm sau đó ông qua đời tại Munich.

Ngọc Anh (tổng hợp)

Tác giả

(Visited 49 times, 1 visits today)