Câu chuyện gọi tên

Sự sùng bái tôn ti trật tự trong nhà là một thứ áp bức đè nén “tự nhiên” mà người ta không ý thức ra nữa, thậm chí còn được tôn vinh, nó khuyên dụ người ta phủ nhận cách thức nhìn nhận mỗi cá nhân như một nhân cách độc lập và tự do, với những phẩm chất gì, năng lực gì, đức hạnh gì, nó chỉ giục người ta nhăm nhe soi mói vào “địa vị-thân phận” của mỗi người, cái được xem như “cốt yếu” mà thôi.


Chiếc điện thoại ốp trên kính xe phía trước đang chạy chương trình dẫn đường trên cao tốc chợt rung chuông và hiện tên người muốn nối gọi “chat internet”. Cô bạn ngồi bên tủm tỉm “chết nhé, có em nào gọi, tên chị em kia kìa… Trả lời đi…”. Đang mải ngó xe pháo vùn vụt nơi các làn đường đang phân chia nhánh, tôi không phản ứng gì ngay…
Lấy sang được đường nhánh bên trái rồi… thở phào. Xe cộ chỗ vừa rồi vi vút cứ như lũ máy bay sắp cất cánh vậy!
“Điện thoại vẫn đang réo kìa, anh trả lời đi!”
“Thôi, để chốc nữa thư thả gọi lại cũng được, mình đang đi đường.”
“Giấu em nào a…”
“Đây là mẹ anh gọi đấy.”
“Ơ, em thấy chỉ hiện tên không thôi cơ mà.”
 “Đúng vậy.”
“Thật á!? Phịa! Ở Việt Nam chẳng ai lại ghi tên bố, tên mẹ, tên ông, tên bà trống không trên danh bạ máy như thế đâu! Phạm thượng chết! Người ta chỉ ghi ‘bố’, ‘mẹ’, ‘ông’, ‘bà’ trên danh bạ, thế thôi!”
Tôi mỉm cười “thế mỗi người có tên riêng để mà làm gì nào? Chỉ để khai báo cho công an thôi à?”
“Anh phức tạp lắm!” – kèm theo cú đấm không hề nhẹ vào vai…
… Chúng tôi đã rời đường cao tốc, rẽ về đường miền quê yên ả rực ánh nắng vàng.
**
Các bạn đọc báo sẽ thấy truyền thống “lửng tên” tỏa khắp ở xứ sở. “Nước ta” thay cho “Việt Nam”, “làng ta” thay cho… đôi khi quên cả tên rồi, “chủ tịch ta”, “thủ tướng ta”, “bộ trưởng ta”, “người phát ngôn ta”… Có cả một số bài báo mà từ đầu đến cuối chỉ thấy chữ “thủ tướng”, thường lại còn được viết hoa lên nữa “cho nó đẹp”, và nếu không soi tìm ngày tháng của những bài báo này và không sành sỏi lịch sử về các vĩ nhân Việt Nam đương đại thì không thể nào biết “thủ tướng” đây là ngài nào.
Chuyện này, đừng đổ lỗi cho nền kiểm duyệt, những nhà báo đó nhé.
Tất nhiên, nền tảng của câu chuyện này sâu xa hơn như thế rất nhiều.
**
Ngày trước nữa, có những trường hợp nhiều đứa trẻ chỉ biết tên ông, tên bà của mình một khi… dự đám tang của ông, của bà, buồn và tiếc thay… Suốt cả thời thơ ấu, chúng chỉ biết gọi “ông”, gọi “bà” khi ở trong nhà, và lúc ra ngoài thì được hỏi, và tự gọi “ông cháu”, “bà cháu”. Đôi khi mấy ông bà có được gọi tên đi chăng nữa, thì lại là những cái “tên gọi thay” của con giai đầu của ông, của bà… thậm chí của cháu giai đầu… Kể ra gần đây thì tên tuổi của các cụ cũng đã có rõ ràng dần hơn lên vì chữ nghĩa đã được phổ cập hơn, giấy tờ hành chính đã nhiều nhặn hơn.. Tuy nhiên việc sử dụng tên tuổi vẫn là một câu chuyện khác.
Chuyện gì được ẩn sau hiện thực này?
Trong một gia đình người Việt, thường là đại gia đình nhiều thế hệ và họ hàng, người ta đặt giá trị quan trọng nhất là cái “tôn ti trật tự”, và làm sao cư xử với cái tôn ti đó. Cái tôn ti đó là căn yếu, là “cực kì quan trọng”, là “không thể nhầm”, vì nó xác định “địa vị” của một người trong cái nhà đó, và từ địa vị đó, một “thân phận” được chia cho người đó. Địa vị-thân phận này không chỉ quyết định vấn đề “quyền lợi”, nó còn quyết định luôn cả vấn đề “chân lý”: trên đúng, dưới sai.
Về triết học, trong một gia đình cổ truyền không tồn tại “cá nhân”. Chỉ có những yếu tố đã được định vị như là “địa vị” và cùng với chúng là những “thân phận” bị qui định, và mỗi con người sẽ được bắt vít ứng vào những yếu tố đó. “Địa vị-thân phận” đó vững bền và chắc chắn như những chiếc đinh được đóng sâu mãi, sâu mãi vào “bức tường gia đình”, không ai đặt câu hỏi hoặc có quyền đặt câu hỏi về chúng, mấy vị chữ nghĩa thì gật gù rằng đấy là “đạo”. “Địa vị-thân phận” khuyến kéo đầu óc con người về phía “thực hiện thế nào” để thực thi tập tục, chứ không bao giờ mời gọi người ta về phía lựa chọn “làm thế này, hay bỏ, hay làm khác đi”.
Khi bạn bước vào bậc cửa của một gia đình Việt, công việc quan trọng nhất của bạn không phải là “biết tên” những người trong gia đình ấy – thậm chí bạn không có quyền biết tên những người ở “vị thế trên cao” trong nhà; mà là biết ra cái cấu trúc tôn ti “địa vị-thân phận” trên dưới ở trong nhà ấy như thế nào. Bạn sẽ gọi mỗi người trong nhà theo cái tôn ti ấy, như thế là cần-và-đủ, những “cụ”, “ông”, “bà”, “bác”, “cô”, chú”, “anh”, “chị”, “em”, “cháu”, “chắt”… Cẩn thận: có những người rất ít tuổi nhưng lại có thể là “ông”, là “bà” trong đại gia đình đó do họ thuộc về “nhánh trên” của đại gia đình.
Bạn thưa gửi với một người giờ đây không phải là thưa gửi trực tiếp với chính người đấy, mà là bạn thưa gửi với cả đại gia đình của người đấy, thông qua người đấy! Mỗi người trong gia đình là một nhân viên, một “tùy viên sứ quán” với các chức vụ tùy theo của “quốc gia gia đình” ấy.
Tiếng Việt không “chia động từ”, nhưng “chia ngôi thứ tôn ti” là điều vô cùng căn bản, chia chưa xong thì chưa bắt đầu được giao tiếp, mà chia hỏng thì là tai nạn.
**
Phức tạp quá ư? Chuyện đâu đã hết. Như thế, vẫn còn là đơn giản.
Mỗi lần bạn quay lại một gia đình đã quen, bạn phải thắp hết các giác quan của mình lên để mà nghe ngóng cho ra cái cấu trúc địa vị-thân phận của gia đình ấy có biến động không, nếu có thì ra sao.
Nói ví dụ, cặp vợ chồng son nọ bữa nay mới có một em bé đầu ra đời.
Cái gì xảy ra? Có thể rằng đó là một cuộc “cách mạng vĩ đại” đã xảy ra trong gia đình này.
Đó là việc tất cả các nhân viên của cả nhà đã “lên chức”. “Ông”, “bà” đã thành “cụ” và … “cụ”. Hai “bác” đã thành “ông” và “bà”. “Anh”, “chị” đã thành “bác” và… “bác”… Bạn phải thay đổi toàn bộ cách gọi quen thuộc của bạn với những người trong gia đình này, và kể cả… bạn phải tự gọi xưng lại chính mình cho tương hợp, đây là một vấn đề… nghiêm túc.
Tại sao như vậy?
Vì đó là cách thức duy nhất để bảo tồn các địa vị-thân phận trong một nhà, trong hoàn cảnh mới.
Bí quyết là gì? Trong một nhà người ta lấy cái địa vị-thân phận thấp nhất trong nhà mới nảy sinh, rồi qui chiếu các địa vị-thân phận cũ vào đó để mà thiết lập lại địa vị-thân phận mới. Để ví dụ, quan hệ “mẹ” – “con” vốn là quan hệ trực tiếp trước đây, thì nay vì “con” mới đẻ em bé nên quan hệ “mẹ” – “con” cũ từ nay đã bị giãn cách, đã bị gián tiếp hóa, trở thành quan hệ “bà”- “mẹ”, một quan hệ từ nay luôn luôn bị đi vòng qua cái địa vị-thân phận thấp nhất trong nhà mới nảy sinh. Trong hiện sinh này, con người bị mất đi các mối quan hệ trực tiếp giữa các cá nhân, các mối quan hệ ấy bị gián tiếp hóa vì các cá nhân đó bị xoá thêm một lần. Và cứ mỗi một thế hệ được sản sinh thêm ra thì các mối quan hệ vốn có càng trở nên gián tiếp hóa thêm ra, “xa cách thêm ra”.
Nói chuyện có lần tôi mời một bạn trẻ đến sửa lại căn phòng nhà. Lúc rảnh tay chuyện trò con cà con kê thế nào rồi bạn ấy kể “em tuy ít tuổi, nhưng ở quê em, em có một đứa cháu nay đã gần sáu mươi tuổi, nó làm giáo sư tiến sĩ ở tỉnh, nó phải gọi em là ông trẻ”. Trong giây phút này, bạn ấy chợt như thay đổi hoàn toàn thân phận mình, rất hăng hái… “mỗi lần ngồi ăn giỗ họ ấy à, em chỉ cần liếc mắt một cái thôi, là nó phải giang hai tay ra đón lấy bát em, đon đả ‘để cháu xới cho ông ạ’” – trong phút này ánh mắt bạn ấy nhìn tôi như chính là đứa con đứa em của đứa cháu họ gần sáu mươi của bạn ấy.
**
Sự sùng bái tôn ti trật tự trong nhà là một thứ áp bức đè nén “tự nhiên” mà người ta không ý thức ra nữa, thậm chí còn được tôn vinh, nó khuyên dụ người ta phủ nhận cách thức nhìn nhận mỗi cá nhân như một nhân cách độc lập và tự do, với những phẩm chất gì, năng lực gì, đức hạnh gì, nó chỉ giục người ta nhăm nhe soi mói vào “địa vị-thân phận” của mỗi người, cái được xem như “cốt yếu” mà thôi. Từ trong môi trường này mà mỗi đứa trẻ Việt lớn lên, và cái mà nó được nền tập tục này hướng dẫn cho đương nhiên là nhãn quan “địa vị-thân phận” chứ không phải là những cá nhân tự do với các năng lực và phẩm chất riêng tư. Nạn say mê tước vị đã được vun xén kĩ càng, bằng một cách vô cùng “tinh tế” từ đây.
Tất cả những tập tục rối rắm này không chịu dừng ở bậu cửa trong nhà.
Trong một quốc gia cổ truyền, luật lệ trong nhà ngập tràn ra làng, ra hè phố. Nói về triết học, “quốc gia cổ truyền” là “quốc gia” đang rục rịch hình thành, rất chậm chạp, rất lâu la, chả có gì để ảo tưởng. “Quốc gia” cổ truyền chỉ là dạng liên kết lan tỏa khá lộn xộn tùy hứng giữa các nhà, các làng, lúc thì mạnh lên, lúc thời rời rạc cát cứ, tuy nhiên trong xu hướng dài hạn thì liên kết ấy sẽ mạnh dần dà lên, nhất thống dần dà lên.
Vậy nên ở bên ngoài bậu cửa mỗi nhà chúng ta cũng “tự nhiên” có một xã hội na ná như thế, một xã hội khuyến dụ sự bon chen để làm sao leo lên được cái thang “địa vị-thân phận”, dẫu là nhiều cái thang ấy nhiều khi chỉ là hoàn toàn hư danh. Cái tên riêng nơi công quyền rồi thì cũng như thế thôi, không quan trọng, cứ “sếp” (to), “sếp” (nhỡ), “sếp” (vừa), “sếp” (nhỏ) là xong, thậm chí cũng tránh gọi luôn tên riêng với “sếp” (to), “sếp” (nhỡ)… Tất cả đều được quy suy ra vòng qua cái địa vị-thân phận thấp nhất… là “dân”, “dân” thì còn dưới cả “dân phòng”, “dân vệ”, “dân binh”…
Người Việt bước ra đời cảm thấy nếu mình không có một cái chức gì, không có một cái tước gì để khoác lên mình, mà chỉ có độc mỗi cái tên riêng của mình, thì nào khác gì mình tồng ngồng ở truồng vậy.
Cho nên các chức vụ cứ thế mà phải tự được nhân lên, để còn trao cho nhau, cho bớt trống trải. Không có chức gì tước gì nữa, thì ít nhất cũng có cái bằng khen, giấy khen, danh hiệu, vân vân và vân vân. Giới thiệu ai mà không có tước có vị thì nghe thật là nhạt mồm nhạt miệng, không ai muốn nghe cho phí tai.
Xã hội hão huyền háo danh có nền tảng thật là sâu xa, và thật là bền vững.
**
Tiếc thay, nhiều người Việt không hiểu rằng cái tên riêng của mình mới là điều vừa độc đáo vừa lớn lao, nó độc đáo và lớn lao đến đâu thì tùy thuộc vào những phẩm chất của chính riêng mình.
Cái tên “Nguyễn Du” thả hồn Kiều là tự đủ, không tước vị gì so bì được.
Cái tên “Lỗ Tấn” tạc hồn AQ là tự đủ, không hàm phẩm gì đáng để khoác vào thêm.
**
Con người cá nhân Việt, xã hội Việt rồi sẽ phải lớn lên, các giá trị của tự do, tài năng và phẩm hạnh cá nhân rồi sẽ phải được tôn thờ và phát triển.
Đống các hão danh rồi sẽ được tâm hồn Việt vui vẻ nâng niu đem cất chúng vào bảo tàng dân tộc học.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)