Câu chuyện Hội An
Viết thay Mai Lan cúng dường Phật đản
“Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời nào mẹ con cũng gặp nhau…
“Khi tâm chúng sinh tưởng nhớ đến Phật thì tâm ấy là Phật, tâm ấy làm Phật” (Quán kinh).
Lần này chúng tôi hẹn gặp nhau tại Hội An.
Mai Lan đang bận bịu với nhóm nhạc Jazz đến từ Frankfurt sắp trình diễn vào buổi tối hôm ấy tại khu phố cổ. Em một mình cáng đáng mọi chuyện tổ chức do Viện Goethe ủy nhiệm giúp 30 nhạc công và ca sĩ trẻ Đức thực hiện trình diễn, lại thêm trước buổi hòa tấu, có cuộc khai mạc cắt băng khánh thành tác phẩm điêu khắc của các nghệ sĩ điêu khắc Đức và Hội An do Cộng đồng Âu châu bảo trợ trong chương trình “tháng văn hóa Đức” của Viện Goethe.
Công việc tưởng không có chi, ấy thế mà bề bộn. Nội việc lo kỹ thuật dựng sân khấu và chuẩn bị âm thanh chuẩn xác cho buổi hòa nhạc Jazz khá tầm cỡ ở một thành phố chưa được trang bị kỹ thuật hiện đại, nói đàng này cho người Đức, giải thích đàng kia cho người Việt, cũng đủ bở hơi tai.
Lại thêm con người, mà mỗi người một ý! Không kể người Hội An noái tiếng chi lạ nhiều khi Bé nghe không hiểu, xoay quần với đám nhạc sĩ Đức cũng đủ chóng mặt! Họ còn trẻ, lêu nghêu có, vạm vỡ có, thiếu nữ đẹp lạ lẫm đến níu chân mấy người Quảng không “ra Huế đi thi” dừng lại lớ ngớ nhìn! Cả phố Hội nhộn nhạo hẳn lên và hầu như thun lại bé hơn một chút từ khi cái khối đồ sộ 30 người kia đến đứng chật góc đường nhỏ hẹp hun hút hoang sơ đó, đứa này cần cái này, đứa kia cái nọ, cứ là tíu tít như trẻ con, lao xao đến tận con sông Hoài đang bình yên.
“Con rất bận”, Mai Lan cảnh báo trước, nhưng con muốn gặp mẹ, còn tôi thì giờ nào gần được con là vui giờ ấy nên vội vã đến Hội An.
Gặp nhau mà “an” mới là “hội”! Mà “hội” rồi thì có “an” không ? Hội An! Tôi nôn gặp con.
Trên đường đã nghe con báo trước trong điện thoại, “Mami, chắc con không có giờ về khách sạn gặp Mami, gần giờ khai mạc mà chuyện chi cũng chưa xong cả. Mami tự đi đến nơi biểu diễn nghe!”. Điện thoại tắt phụt như thể con vừa vụt chạy. Tôi đã nghe gai gai hai chữ “không có giờ”. Có đời mô mẹ nói không có giờ với con chưa? Nhưng cẩn thận, tôi cũng chuẩn bị tư thế “ không có giờ” của con, để đừng có cái giận lẫy vòi vĩnh mà những người mẹ thường cho mình có quyền.
Đến khách sạn bỗng thấy đứa con tất tưởi chạy về, từ bờ sông phía bên kia thành cổ, nơi triển lãm điêu khắc sắp khai mạc, một hình chữ S bằng đá nằm cạnh bờ sông với địa danh các thành phố Việt Nam, còn nhùng nhắng nhùng nhằng chưa xong, cứ người này nói, người kia chưa hiểu hết nên sửa đi rồi sửa lại (mà mãi sau khai mạc vẫn còn chưa hoàn tất), nơi nên mài nhẵn thì không mài, nơi không nên mài thì mài nhẵn bóng… – nghe nói công trình đã kéo dài hằng tháng…
Ôm con, thật mừng, nhưng trong tiếng hôn đã nghe con bảo: “Con phải đi ngay, mấy người làm chưa xong mà gần đến giờ khai mạc rồi. Mạ nghỉ một chút rồi đi sau, mà đừng có đi trễ hí!”. Nó cười, đuôi con mắt tinh quái, biết rõ tim đen của tôi. Tôi níu kéo vì không muốn đi một mình giữa phố lạ: “thì chờ một chút có răng không!”. Con chiều mạ, ngồi chờ, nhưng nhấp nha nhấp nhổm, nóng nảy giục phải mau mau. Hình như nó nghĩ, vài phút dành riêng cho mình giữa hai công việc là quá nhiều… Cho nên cả sự hiện diện của mẹ cũng đã thấy hơi nhiều…
Thay cái áo vừa xong là đã bị kéo chạy. Khi đến nơi, nghe người này kêu Mai Lan người kia réo Mai Lan… mà xốp phổi. Không phí một giây, nó đã thót vào giữa đám người và túi bụi với công việc, quên bẵng cả chính mình, nói chi đến bà mẹ đang lẽo đẽo theo đuôi.
Cứ thế suốt hai ngày gặp nhau, nào có đựợc phút nào bá vai nhau đi chơi phố rõ lâu ngoài giờ ngủ. Tôi xớ rớ bên công việc của Bé như một kẻ vô tích sự. Sợ gàn quải con, tôi thu mình tối đa làm một người chỉ đứng nhìn, và thấy bên tôi là một con vụ đang quay. Không chỉ bằng lực mà bằng cả tâm. Tự dưng nghe ái ngại trong lòng. Hắn nồng nhiệt quá, thì khổ, nghĩ theo cách của các bà mẹ trên đời, là khổ quá!
Tim tôi cứ thót theo con. Mai Lan lo quăn quắn khi trời đổ mưa, đúng hai phút trước giờ khai mạc. Mai Lan cười tíu tít khi trời tạnh mưa, năm phút trước hòa tấu Jazz. Mai Lan kêu trời vì nghệ nhân không làm đúng lời chỉ dẫn. Mai Lan nhăn mặt vì âm thanh chưa hoàn chỉnh. Mai Lan dậm chân vì ông giám đốc chưa đến… Và dậm chân luôn cả vì… tôi… không đúng giờ, chỉ một lần thôi nhé trong hai ngày ở Hội An mà đã nghe càu nhàu: “Tụi Đức hắn đã làm con stressig mà mami còn làm con stressig thêm nữa đó!”. Ui chao, tôi thấy một phó bản của tôi đang ngọ nguậy bên tôi.
Khi bản hòa tấu Jazz trỗi lên loạt kèn vui nhộn yêu đời dồn dập ùa ra bờ sông, tôi quay sang nhìn con vừa thở phào ngồi xuống với ánh mắt lấp lánh, nghe tim chùng xuống vì thấy nó giống mình, nghe chao đảo vừa tội vừa thương, thấy rõ là con lo lắng hết lòng cho công việc là điều tốt, nhưng xót vì sợ con nhọc nhằn lại chan chát trong dạ.
Đêm về nó lăn quay ra ngủ vì mệt, tôi chỉ còn ôm đầu nó hôn lên trán và thè thẹ ấp tay em giữa hai tay mình mà ngủ.
Ngày thứ hai, thì “mami phải tự lo liệu” vì Mai Lan phải đưa đoàn ra Đà Nẵng biểu diễn.
A, mình đã đi nhiều, thế mà sao hôm ấy thấy bơ vơ như CON vắng MẸ!
Hội An một mình, thì tâm thật khó an! Tôi lang thang qua các phố lụa và nhớ đủ thứ chuyện trên đời. Bên giòng sông nhánh Thu Bồn, Hội An nhỏ bé, nên thơ, an bình nhưng cũng khắc khoải buồn. Đèn lồng trái ú gói nhiều ánh mắt nhớ nhung long lanh trong bóng sông như gọi người bên nớ về mau. Đến tối khuya, khi con về thì tôi đã ngủ “bén”… nói theo tiếng Quảng – mất rồi.
Ngày cuối cùng, theo chương trình, cả đoàn hòa tấu được đưa đi du ngoạn núi Bạch Mã, chiều trở về Hội An và sáng hôm sau Mai Lan dẫn đoàn đi Hà Nội. Tôi phải vào Huế vì có chương trình dạy ở Học viện Phật học Huế nên không theo con ra Hà Nội được. Chúng tôi còn một đoạn đường chung nhau đi đến Bạch Mã, sau đó khi đoàn trở về Hội An, tôi sẽ đi tiếp ra Huế. Để chắc chắn, tôi đã lấy vé trước tại văn phòng du lịch Hội An, chặng đường từ Cầu Hai, dưới chân núi Bạch Mã về Huế. Theo lịch đi, xe sẽ đến đón ở chân núi lúc 15 giờ 15 nơi một trạm nào đó không tên, chỉ biết chừng dưới chân núi.
Ngồi bên con một quãng đường dài là thích, nhưng trong bụng thì ngay ngáy lo. Chỉ lo không biết khi xuống núi có kịp đón xe như đã hẹn, bởi vì tôi chưa lần nào đón xe theo kiểu ấy.
Quảng đường Đà Nẵng – Huế ngày nay xuyên qua hầm địa đạo, du khách không còn được dịp ngắm cảnh trời biển mênh mông khi xe lên tới đỉnh đèo Hải Vân, cũng uổng! Bỗng thấy Mai Lan đứng lên đề nghị chuyến về sẽ không đi đường hầm mà đi đường đèo cho mọi người ngắm cảnh. Một ý hay! Tôi cũng sẽ làm như thế ở địa vị của con! Nhớ lần nào qua đèo trong những chuyến đi ngày trước, bao giờ tôi cũng đánh thức bé Mai Lan dậy xem cảnh đại duơng lồng lộng dưới chân đèo. Nhưng lần này nghe thì hoảng.
Tôi bảo con: “Con tính như rứa là đoàn phải về sớm mới xem phong cảnh được, vì trời 16 giờ đã tối, một hay hai giờ trưa là phải đi về, rứa thì con không ở với mạ đợi xe đến rước mạ hay răng? Nhỡ xe đến trễ…”
Mai Lan trả lời đơn giản: Mami phải đợi xe một mình chứ, vì con phải đi theo đoàn, làm sao con bỏ đoàn được?”. Nó nghĩ như một thanh niên, đứng đón xe đò thì có gì khó, nhất là đã mua vé rồi và tôi cũng là một… thanh niên!
Tôi nghe con có lý và vô lý mà lặng cả người, nếu mình nói chi thêm là hắn kêu mình “stressig” đấy. Tôi lặng thinh, nhìn ra cây rừng đang từng đoàn chạy ngược lại, trong tâm lờn vờn cảnh đứng đón xe giữa một nơi xa lạ mà vừa khiếp sợ vừa buồn phiền, nhỡ xe không đến thì phải làm sao? Hình như hai ngày ở với con, tôi như một cây leo, cứ tựa vào con mà vui, nên ý nghĩ đứng một mình ở quảng đường lạ lại càng ghê người. Một lát, thấy tôi im lặng không nói năng, mặt không quay về phía em như thường lệ, Mai Lan cất tiếng: “Mạ giận con há?”
Không giấu giếm, tôi nói một hơi: “Ừ, mami giận con, chơ răng mà không giận được? Mạ giận con đó tề, con nghĩ răng mà muốn bỏ mạ đứng đó một mình chơ, lỡ có chuyện chi, xe không đến thì làm răng? Mạ cứ nghĩ là con cùng đợi với mạ, đoàn đợi con một tí có sao đâu!”. Đứa con im lặng, nó đã không nghĩ đến khả năng yếu ớt của người mẹ. Tôi bảo con: “Đụng lỡ thấy mạ đứng một mình, có đứa tầm bậy giựt xách của mạ thì răng?”. Bao nhiêu võ nghệ hùng dũng, bấy lâu dày công tập luyện nội công ngoại kích mà tôi đã từng rùm beng rêu rao, đều theo câu nói ấy tan thành khói mây, nhưng nói được là hả dạ. Mai Lan cũng không cãi như mọi khi có gì không đồng ý. Cả hai mẹ con đều yên lặng.
Xe đi một quãng, cơn giận nguôi ngoai, có ai giận con lâu được? Hết giận thì thương, tôi quay sang nắm tay con, gợi chuyện, để làm ngắn đường dài.
Tôi kể cho con nghe đêm xem hát chèo “Thị Mầu lên chùa” ở Hà Nội mà Mai Lan vì bận viết chương trình cho tháng văn hóa Đức nên không xem được. Tôi kể tiếp chuyện Quan Âm Thị Kính Việt Nam chịu mọi hàm oan nuôi con Thị Mầu. Rồi như bị thói quen chế ngự – những năm thơ ấu trên các chuyến xe đò du lịch, bất cứ đi nước nào, tôi thường kể đủ thứ chuyện cho bé Mai Lan cho đến khi em gục ngủ trên tay – tôi lại huyên thuyên kể cho con những công án Thiền thâm sâu của nhà sư Hakuin (thế kỷ thứ 17) có liên quan đến tích tuồng nói trên, lại kể giai thoại về thiên đường và địa ngục của vi thiền sư Nhật này và nhiều công án Thiền có ý nghĩa phá chấp trước. Đến chuyện hai nhà sư qua dòng suối gặp cô gái, một ông cõng trên lưng, một ông cõng trong ý tưởng, chúng tôi đã hòa làm một trong tiếng cười.
Con đường đi đến thác Đỗ Quyên thật là ngoạn mục với nhiều cây lạ miền nhiệt đới. Tre lá ngà xanh thẫm vượt núi chen tìm ánh sáng, dương xỉ thì cao như cây dừa xiêm xòe tán to như mái lều tranh. Chúng tôi dùng trưa bên thác nước, trước cảnh núi mây bảng lảng.
Đỗ Quyên đã tàn theo gió, nhân diện đào hoa không còn, chỉ còn lá xanh son sắc soi bóng suối ngẩn ngơ.
Mấy chàng nhạc sĩ đã không quên đem theo kèn saxophon lên núi, cả đám trẻ đùa vui, nghịch nước, tắm nắng, hưởng những giây phút yên tĩnh sau những ngày lưu diễn ồ ạt từ Sài Gòn đến Hội An. Và trước khi xuống núi, một nhạc công trẻ đã đem hết hơi bình sinh thổi kèn, thân tặng núi rừng Bạch Mã âm thanh mang đến từ phương trời xa xôi.
Tiếng kèn rền rĩ hòa với suối reo, dội lên tầng mây trắng đang bay trên đỉnh núi… Không biết có đám mây nào, con ngựa trắng nào dừng lại không bay?
Chỉ nghe tiếng vọng “trường khiếu”, Đông hay Tây, cũng vẫn là “nhất thanh” như tiếng vang của nước núi mây ngàn, làm cho Bạch Mã nghìn năm mây trắng vẫn còn trắng bay! Đó là khúc tấu Jazz có lẽ hay nhất trong đời tôi từng nghe.
Khi đoàn người lục tục lên xe để xuống núi trở về, tôi lại nôn nao với chuyện đón xe dưới núi. Tôi đã bỏ khả năng Mai Lan cùng đón xe với tôi từ lâu và loay hoay thầm tính một mình mà cũng đang chưa biết tính làm sao, chuyện sẽ ra thế nào, đứng đợi xe ở đâu cho tiện, xe có đợi mình hay mình đợi xe không bao giờ tới…
Đoàn người lên xe, chộn rộn tìm chỗ ngồi. Tôi rảo mắt tìm con, bỗng nghe tiếng Mai Lan nói với người trưởng đoàn Đức, phía đầu xe, rõ ràng mà chững chạc: “Khi đến chân núi, các anh chị cứ theo xe về Hội An trước, còn tôi về sau, vì tôi sẽ ở lại với mẹ tôi đợi chuyến xe về Huế và sẽ đón xe ngược về Hội An sau đó!”.
Tôi sửng sốt, tim rộn trong lồng ngực! Quá bất ngờ nên chưa tin hẳn, quay lại nhìn thì thấy tên trưởng đoàn mặt mày nhăn nhó, hắn bảo giọng nhỏ nhẹ như năn nỉ, tốt hơn Mai Lan nên theo đoàn về cùng. Nhưng Mai Lan thì vẻ mặt quả quyết: “Không sao đâu, tôi sẽ về ngay, các anh chị về đến phố Hội, tắm rửa rồi chúng ta sẽ gặp nhau tại tiệm ăn, tôi đã đặt sẵn buổi cơm ở phố cổ. Hôm nay chúng ta được Viện mời”.
Nghe con nói mà thương con quá đỗi! Con đã đổi ý hồi nào mà tôi không hay? Lúc nghe câu chuyện Thiền hay khi ngắm thác Đỗ Quyên? Bối rối không ít trước mấy chục con mắt đổ dồn, tôi đến chen giữa hai người, nói gạt đi: “Ồ không, không, Mai Lan đi với đoàn chứ!”.
Quay sang con, tôi cương quyết: “Con đi với họ đi, chừ mạ hết sợ rồi. Mạ chờ xe một mình được, miễn sao mình xuống đó trước 15 giờ đế khỏi nhỡ chuyến xe con à. Mạ chỉ sợ xe chạy qua mà mình chưa đến chân núi. Mà làm răng con ở lại một mình được, chiều tối đón xe vào Ðà Nẵng biết có hay không. Thôi dễ sợ lắm nà!”.
Ý nghĩ khi tôi đi rồi, con ở lại một mình đứng đó chờ xe ngược về Ðà Nẵng làm tôi còn kinh hoảng hơn nữa. Trong xe, tôi nói với con: “Mạ đợi được, con đừng lo, đừng sợ mạ giận. Mạ đã bỏ cơn giận trên đèo Hải Vân rồi… như ông sư nọ”. Hắn cười nhưng vẫn chưa chịu bỏ ý định: “Để tránh mọi nguy hiểm, tốt nhất là con ở lại với mạ, không thôi con lo!”.
Riêng tôi, đột nhiên mọi sợ hãi biến mất. Mai Lan phải đi theo đoàn. Điều ấy chắc chắn. Khi xe đến chân núi, Mai Lan bảo anh tài dừng lại, và em xuống theo, tôi nhất quyết bảo con phải đi theo đoàn, tôi chỉ cái quán bên đường bảo: “Mẹ ngồi chờ nơi ấy, con yên tâm, lên xe đi!”.
Mai Lan vẫn chưa chịu đi, quay số gọi điện cho hãng xe để biết xe của tôi đang ở đoạn đường nào, em lấy bút ghi số điện thoại cho tôi. Khổ thay, cái handy của tôi lại hết điện, rất đúng lúc! Vậy là em phải gọi tài xế đang chạy chiếc xe, mà không bắt được. Nhìn thấy mọi người trên xe đều hướng về phía chúng tôi, mắt chờ đợi, tôi giục Mai Lan: “Con lên xe mau cả mọi người chờ. Lên mau đi con!”.
Mai Lan chưa bắt được liên hệ với chiếc xe sẽ đón tôi nên chưa chịu lên, em quay sang gắt lại với tôi: “Thì tụi nó phải chờ con không được à? Mấy bữa ni tụi hắn cũng bắt con chờ bức mệt đó tề! Chừ họ chờ con một chút (tí) có sao đâu!”. Buồn cười vì lý luận trẻ thơ của con, mà nước mắt đã tràn mi, tôi lóng ngóng, sốt ruột nhìn mấy cái đầu tóc vàng lố nhố trên xe rồi nhìn con. Nó quay lưng, không thèm để ý đến chiếc xe buýt vẫn đang nổ máy và bọn người chờ đợi, bấm hết số này đến số khác. Điện thoại mãi cho đến khi được tin xe đang đi đến, chưa vượt quá Cầu Hai, Mai Lan mới chịu lên xe.
Tôi nhìn theo con trong bụi mù bỏ lại của chiếc xe vừa lăn bánh, người lảo đảo như chân vừa bị một cơn sóng xô vào, nhưng nụ hôn của con còn nóng trên má đã đỡ tôi không ngã. Trên đường xe chạy vùn vụt qua lại không ngớt, tiếng người gọi nhau ơi ới khi có xe dừng, bóng đen của những người xe thồ ập đến tranh khách như những cánh dơi đập loạn trong nắng. Gió rưng rức hơi nóng thốc vào cơ thể, bụi u mê quất vào mắt từng loạt xót cay.
Tôi đứng đó, xa bên kia đường là phá Túy Vân chập chùng khói sóng, sau lưng là núi Bạch Mã mây bay thoát tục, đàng trước mang mang quốc lộ, đàng sau hư ảo chân trời, với cái va li, thùng quà lỏng chỏng, ba lô sau lưng, bỗng thấy mình như một chấm nhỏ trong cõi hồng trần mù khơi từ bao đời đời kiếp kiếp, tình cờ xuất hiện nơi đây, Cầu Hai – ai đặt tên này thật ngộ, cầu… “hai ” chứ đừng cầu “một” nghe !!! – mà mỗi xuất hiện, mỗi hiện hữu không gì khác hơn là một cuộc chờ đợi, “đứng đó mà chờ”! Chờ một chuyến xe như hôm ấy, hay trong đời người chờ gặp lại nhau, tìm lại một nửa hay phần tư của mình trong muôn kiếp trước…
Trong hằng hà “bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ” cuộc chờ ấy có thể biệt mù khắc khoải, từ kiếp này sang kiếp khác, giục hiện sinh khao khát lang thang trong cõi luân hồi. Cơn khát có thể gây lo âu, sợ hãi, nghi ngờ, ganh ghét, oán thù, nóng nảy tranh giành, gây mầm chết chóc, tiêu diệt lẫn nhau, hối hả giành tới đích.
Thời gian đợi chờ hầu như thuộc về bóng tối, là sự vắng bóng ánh sáng của người hay vật ta chờ, nó có thể là vực thẳm hư vô lôi cuốn người chờ nhảy vào tự hủy, tự sát trong vô vọng, nếu không có một điều gì có thể níu ta đứng vững bên bờ vực thẳm, cho ta sức kiên nhẫn đợi chờ.
Điều gì ấy may thay tôi đã nhận được nơi bến đợi Cầu Hai: tiếng nói của con đã kéo tôi đứng vững và đang vang dội trong tôi vừa êm ái, vừa khích lệ, vừa dỗ dành vừa thúc giục. Nghe tươi mát như tia suối nhỏ bé len lỏi khắp châu thân, tình thương của con đang xua nắng, gió, bụi mờ cho tôi, làm dịu cơn nóng nảy hoảng hốt trong tâm, chặm khô mồ hôi nhễ nhại trên lưng, biến sự chờ đợi không còn gay gắt nữa. Tôi thấy mình sẵn lòng chờ, sẵn sàng đối phó với mọi bất ngờ có thể xảy đến với tâm bình an, chịu đựng.
Và hơn thế nữa, trong tình thương ấy, mỗi phút giây đợi chờ bỗng trở nên nỗi hồi hộp của phiêu lưu sáng tạo. Nó khơi sức trỗi dậy ra khỏi mọi thụ động tắc nghẽn vì lo âu nghi hoặc, làm cho tứ chi linh hoạt, trí óc nhạy bén, để đối phó ngoại cảnh, đổ đầy khoảng trống thời gian bằng hành động có ý nghĩa xây nhịp “cầu… hai”, làm ngắn khoảng cách, làm gần cách xa.
Chính trong lúc không thấy nhau, cái tình ấy khích lệ mỗi người “gìn vàng giữ ngọc” cho nhau – hay nói nôm na là phải cẩn thận đừng trật chân vấp ngã trầy da u trán có thể làm xót dạ người kia, đừng để một giọt mưa rơi trúng có thể làm đau. Và có lẽ còn hơn thế, ánh sáng của tình thương ấy có sức thu hút của một thứ từ trường, một thứ “nhớ” bừng, trong đó con người tự nhiên “không quên” dụng tâm đẩy lùi bóng tối, để được là “sáng” như ánh sáng kia, được xứng đáng với tình thương ấy. Hình như đó là hướng đi về nơi phát tâm “tránh dữ làm lành”. Và với tấm “băng tâm” ấy như dấu hiệu tin yêu, cuộc tương ngộ không còn nan giải.
Biết bao điều tôi đã học được từ đứa con, trong 45 phút chờ xe nơi “Cầu Hai” ấy, mà mỗi phút “ chờ ” bỗng trở nên một điểm “khởi tâm đi”, đến gần với con, gần với điểm sáng trong “Tâm… tức… Phật ”.□
——-
Ảnh trong bài: Lễ Phật đản năm 2022 tại Lan viên cố tích của GS. Thái Kim Lan.