Câu chuyện một thế hệ
Khi cuộc chạy đua giữa Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca vào ghế tổng đạo diễn Thế vận hội Bắc Kinh 2008 phơi bày những tham vọng chẳng còn dính gì đến điện ảnh, nhiều người đã bắt đầu nói về sự thoái trào của một thế hệ đã đưa nền điện ảnh đại lục từ bóng tối lãng quên đến vinh quang quốc tế... Và câu chuyện ly kỳ về thế hệ này cho chúng ta biết thêm điều gì về mối liên hệ giữa điện ảnh và nền chính trị của Trung Quốc hiện đại?
Sau Cách mạng văn hóa, hàng vạn thanh niên yêu điện ảnh trở về từ các cơ sở cải tạo lao động ở nông thôn đã đăng đơn vào Học viện Điện ảnh Bắc Kinh ( ngôi trường bị đóng cửa suốt thời gian diễn ra cách mang văn hóa) và tạo ra một kì thi có số lượng thí sinh dự thi kỷ lục. Thế hệ thứ năm của điện ảnh Trung Quốc chính là những người vượt qua được kì thi cam go này… Họ, những thanh niên chủ yếu xuất thân từ gia đình trí thức thành phố, có học thức, có tài năng nhưng trước khi đến với điện ảnh đều đã phải học để trở thành lực lượng công nông binh theo đúng yêu cầu của cách mạng. Những trải nghiệm mà về sau nhiều người vẫn xem như sự đầy đọa này trên thực tế đã giúp thế hệ thứ năm có một diện mạo riêng biệt, hun đúc nơi họ một ý chí kiên cường, một tinh thần thực dụng và một khả năng thích ứng với hoàn cảnh để cuối cùng đưa họ đến với những thành công vang dội.
Họ, những thanh niên chủ yếu xuất thân từ gia đình trí thức thành phố, có học thức, có tài năng nhưng trước khi đến với điện ảnh đều đã phải học để trở thành lực lượng công nông binh theo đúng yêu cầu của cách mạng. Những trải nghiệm mà về sau nhiều người vẫn xem như sự đầy đọa này trên thực tế đã giúp thế hệ thứ năm có một diện mạo riêng biệt, hun đúc nơi họ một ý chí kiên cường, một tinh thần thực dụng và một khả năng thích ứng với hoàn cảnh để cuối cùng đưa họ đến với những thành công vang dội. |
Là nạn nhân của một giai đoạn lịch sử, nhưng những cá nhân của thế hệ thứ năm có một thái độ vừa kiên cường, vừa khôn ngoan khi ứng xử với thực tế này. Không chống đối, không bất mãn, họ luôn tìm được con đường (dù thẳng hay vòng) để đi đến đích. Trương Nghệ Mưu vốn sinh ra trong một gia đình có cha là sĩ quan cao cấp Quốc Dân Đảng, anh trai bỏ đại lục chạy sang Đài Loan, thời trẻ đã hết sức lận đận vì lí lịch. Khi đỗ vào khoa quay phim lại quá tuổi quy định. Để được nhận vào học ông không ngần ngại viết thư trình bày năng lực và khát khao của mình với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc lúc đó là ông Hoàng Chấn để ông này tác động cho vào học.
Khi lần đầu tiên được giao đạo diễn bộ phim “Cao lương đỏ”, với số tiền ít ỏi mà Hãng phim Tây An giao, Trương Nghệ Mưu đã đến tận địa phương được chọn làm bối cảnh để cùng nông dân gieo ruộng cao lương theo đúng ý mình, ông cũng dẫn theo Củng Lợi, lúc đó còn là một cô sinh viên vô danh của học viện điện ảnh Bắc Kinh đến địa điểm quay để cô học làm nông dân cả tháng trời trước khi bấm máy.
Cách mà Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca lầm lụi chăm chút cho những bộ phim khởi nghiệp có lẽ là cách họ học được khi quan sát những người nông dân chăm sóc cánh đồng của mình thời còn đẩy xe, gánh phân, nhổ cỏ trong cách mạng văn hóa, ở đó vừa có sự cẩn trọng, vừa có sự khôn ngoan chờ kết quả trong kiên nhẫn và im lặng…
“Cao lương đỏ” với khả năng đạo diễn điêu luyện của Trương Nghệ Mưu, gây kinh ngạc khán giả Phương tây đã trở thành bộ phim Trung Quốc đầu tiên giành giải Gấu vàng LHP QT Berlin1988. Từ đây uy tín cá nhân của Trương Nghệ Mưu, uy tín của thế hệ thứ năm bắt đầu được ghi nhận rộng rãi. Những gương mặt trước đó còn ẩn trong bóng tối qua một đêm đã một bước thẳng đến vinh quang khiến nhiều người Trung Hoa vừa giật mình vừa phấn chấn.
Trương Nghệ Mưu với “Thập diện mai phục” |
Tuy nhiên, những bước đi chắc chắn và khôn ngoan của thế hệ thứ năm về sau nhận được không ít lời chỉ trích. Trong cuốn tạp văn “Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê” từng gây chấn động giới văn nghệ Trung Quốc, Vương Sóc đã có những đánh giá: “Cuối những năm 80 và những năm 90, sở dĩ Trương Nghệ Mưu nổi lên át những người khác thuộc thế hệ thứ năm, là bởi vì ông ta biết cái gì có thể lưu hành. Trên thực tế phim của ông ta không tiên phong một chút nào, loại bỏ quan niệm lớn xây dựng trường thành tinh thần giả tạo trong phim của ông ta ra không nói, cho dù về mặt lấy tài liệu, thì ông ấy cũng hết sức thông tục, đó là ông ấy cứ bám khư khư chuyện làm tình, quan hệ tình dục, mà lại đều là những pha làm tình có tính kích thích kiêng kỵ. “Cao lương đỏ” là “chơi hoang”, “Cúc đậu” là “loạn luân”, “Ðèn lồng đỏ treo cao” là “thê thiếp từng bầy”. Ông ấy định dùng phim ảnh khoe khoang, nói vống lên tác dụng của tính dục như đã từng khoe khoang, nói vống lên sức sống người Trung Quốc. Dùng kỹ xảo phim đậm đặc, rực rỡ, đóng gói cho những “cao trào tính dục” cố tình tạo ra một cách gượng ép, đáng thương…”
Nhận xét của Vương Sóc có lẽ đã chỉ ra một đặc điểm quan trọng trong sáng tác của thế hệ thứ 5. Những bộ phim của họ quả đã gây được thích thú cho khán giả bằng cách khai thác những vấn đề hình như “rất Trung Hoa”, nhưng xem kĩ sẽ thấy đằng sau những câu chuyện được kể rất khéo, rất ấn tượng ấy thiếu một cái gì đó thuộc về sự riêng tư của bản thân tác giả, và do đó, độ thuyết phục cũng giảm đi.
Thực ra cả Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca đều không chọn cho mình thứ điện ảnh thiên về biểu đạt những vấn đề mang tính cá nhân và riêng tư. Thứ điện ảnh của họ chọn đầy tham vọng, là những đại tự sự cố kể cho hấp dẫn và sẵn sàng tìm ra tiếng nói chung với nền chính trị Trung Quốc đương thời . Mục đích của nó trong nhiều trường hợp, hướng đến những tham vọng lớn ngoài điện ảnh.Tham vọng lớn gặp nhau.
Trong nhận xét đầy mai mỉa của mình Vương Sóc đã không tính đến một chi tiết quan trọng. Thời điểm mà Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca mới vào nghề nền điện ảnh Trung Quốc còn là một đám mờ mịt. Phương Tây khi đó nhìn Trung Quốc như một xứ vừa to lớn, vừa cuồng tín giáo điều và phải cảnh giác. Trong nước những thành quả của cải cách kinh tế chưa đủ sức tạo ra những nhà tư bản đủ mạnh. Giới làm phim quốc doanh thì co cụm sau một thời gian dài bị cách li với thế giới. Trong bối cảnh đó, việc dựa vào sự trợ giúp của Nhà nước để làm phim là chọn lựa duy nhất. Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca hay Điền Tráng Tráng đã thông minh hơn người khác ở chỗ không phí hoài tuổi xuân của mình để chờ đợi mà nhanh chóng tìm đến nguồn tài trợ đó. Sau bốn năm học, dù tốt nghiệp xuất sắc, cả Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu đều sẵn sàng chấp nhận điều động của cấp trên về Hãng phim Quảng Tây xa xôi chỉ vì biết rằng ở đó, họ có cơ hội thực hiện bộ phim Hoàng Thổ… Và, với nguồn trợ giúp dù ít ỏi đó, họ đã dồn hết tâm sức để làm nên những bộ phim xứng đáng. Ngày nay khi xem lại “Hoàng thổ” hay “Đại duyệt binh” ta không khỏi xúc động vì những vết xước ngang dọc do điều kiện in tráng kém, tiếng động bị vỡ một số đoạn nhưng tài năng, nhiệt huyết và cả tinh thần xả thân cho điện ảnh của đạo diễn Trần Khải Ca, quay phim Trương Nghệ Mưu lại là điều hiển hiện trong từng khuôn hình…
Cả Chính phủ Trung Quốc và ông Đặng Tiểu Bình đều nhận thấy rằng, khi một bộ phim Trung Quốc được xướng tên ở Cannes hay Venise, khi những mĩ nhân Trung Quốc mặc sườn xám sánh vai cùng các minh tinh thế giới bước lên thảm đỏ, thì hình ảnh của Trung Quốc, không cần phải thông qua những diễn từ dài dòng, đã có sức lan tỏa ghê gớm… |
Tham vọng và nỗ lực của thế hệ thứ năm không chỉ được đền đáp bằng những giải thưởng Quốc tế. Vào nửa sau những năm 80 của thế kỷ trước, khi cải cách kinh tế của Trung Quốc bước vào gia đoạn tăng tốc. Trước nhu cầu tạo ra hình ảnh một Trung Quốc tự do, cởi mở, hấp dẫn và thân thiện với các nhà đầu tư và dân ngoại quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc mà đứng đầu là ông Đặng Tiểu Bình đã có những động thái nới lỏng tự do cho giới sáng tác. Tuy thời gian này có xảy ra sự kiện Thiên An Môn nhưng về cơ bản các đạo diễn thế hệ thứ năm vẫn làm phim đều đặn và được tham gia các LHP Quôc tế. Những phim bị cho là có vấn đề như: Bá Vương Biệt Cơ (Trần Khải Ca), Phải sống (Trương Nghệ Mưu) dù gặp một số ngăn cản từ cơ quan kiểm duyệt cuối cùng vẫn được phát hành và nhận giải thưởng quan trọng tại LHP Cannes. Chỉ duy nhất phim Diều xanh (Điền Tráng Tráng) là không được phát hành vì đạo diễn không đồng ý bỏ những chi tiết nhạy cảm.
Có lẽ cả Chính phủ Trung Quốc và ông Đặng Tiểu Bình đều nhận thấy rằng, khi một bộ phim Trung Quốc được xướng tên ở Cannes hay Venise, khi những mĩ nhân Trung Quốc mặc sườn xám sánh vai cùng các minh tinh thế giới bước lên thảm đỏ, thì hình ảnh của Trung Quốc, không cần phải thông qua những diễn từ dài dòng, đã có sức lan tỏa ghê gớm
Và những nhà điện ảnh Trung Quốc hàng đầu như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, đã chứng kiến cảnh đồng nghiệp hay người thân trong gia đình mình bị đấu tố trong cách mạng văn hóa, sẽ thấy việc mình được danh tiếng lẫy lừng, thỏa sức vẫy vùng với những dự án phim khổng lồ, được chào đón ở các LHP hàng đầu cũng đáng để có những thỏa hiệp trong sáng tạo.
—————–