Cấu trúc và giải cấu trúc bản sắc văn hóa Hà Nội (Kỳ 2)
Được tạo dựng bởi những dòng chảy di cư, đa dạng về sắc tộc và chủng tộc, từ khắp mọi nơi đổ về, bản sắc văn hóa Hà Nội cần được hướng đến mục tiêu hài hòa và cuộc sống tốt đẹp cho tất cả thay vì chia rẽ và phân biệt.
Chủng tộc và sắc tộc
Cũng giống như mọi thành phố khác trên thế giới, Hà Nội là một đô thị đa sắc tộc. Có những sắc tộc khác nhau tham gia vào quá trình tạo dựng và phát triển của thành phố mà dấu ấn của họ còn lưu lại cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của thủ đô. Điều đáng ngạc nhiên là trong khi hầu hết các tài liệu nghiên cứu về Hà Nội đều nhắc đến sự hiện diện của các nhóm cư dân như Hoa, Ấn, Chăm, Pháp và những sắc tộc thiểu số khác trong từng thời kỳ lịch sử của thành phố nhưng tính chất đa sắc tộc ấy trong bản sắc văn hóa Hà Nội lại hay bị lờ đi, ít được đi sâu phân tích. Chính những yếu tố này, bằng những biểu hiện riêng của nó, cấu thành nên diện mạo văn hóa một đô thị, cũng giống như mỗi viên gạch tham góp vào việc tạo nên một tòa thành hoàn chỉnh mà nếu người ta rút tỉa nó đi, tòa thành ấy không còn nguyên vẹn.
Người Hoa – Hán và các sắc tộc Trung Hoa khác đến Việt Nam từ rất sớm, bằng nhiều con đường khác nhau, và phần lớn những người trong làn sóng di cư đầu tiên từ phương Bắc tới với mục đích định cư đều đã địa phương hóa để trở thành người Việt. Các làng cũ không có tên nôm và thường bắt đầu bằng một tên dòng họ nào đó phổ biến ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ thường có yếu tố của người nhập cư phương Bắc mặc dù đến nay gốc gác của họ đã không còn dấu tích. Từ khi đất nước có chủ quyền và định đô ở Thăng Long, làn sóng di cư của người Hoa vào khu vực nội đô vẫn tiếp tục, nhưng lúc này, vị thế của họ là dân nhập cư. Trong thế kỷ 15, Dư Địa chí của Nguyễn Trãi cũng có ghi chép về một phường của người Hoa ở Thăng Long có tên gọi là Đường Nhân. Chắc hẳn đó là những hạt nhân đầu tiên làm dấu gạch nối cho sự cư trú liên tục của các phố người Hoa sau này ở Hà Nội.
Mặc dù thời kỳ đô hộ trực tiếp của nhà Hán ở Việt Nam đã từ lâu chấm dứt, nhưng dòng người di cư từ các địa phương thuộc vùng Quảng Đông như Triều Châu, Phúc Kiến vẫn tiếp tục đổ về phía Nam. Các nhà nghiên cứu cho rằng, phần lớn người Hoa đã Việt hóa để thích nghi với hoàn cảnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người Hoa nhập cư không để lại dấu ấn văn hóa của mình. Đến nay, các khái niệm học thuật và tôn giáo mà ta đang sử dụng đều phải vay mượn từ tiếng Hán.
Việc nhìn nhận dấu ấn văn hóa Hoa, Pháp và các tộc người khác như những bộ phận hợp thành trong cấu trúc văn hóa của Hà Nội không làm giảm đi giá trị văn hóa dân tộc mà ngược lại, góp phần hiểu sâu hơn các giá trị nhân bản, khả năng dung hợp, tính chất hài hòa và đa dạng của một truyền thống văn hóa lâu đời mà thành phố thủ đô là một đại diện.
Về phương diện tôn giáo, sự hiện diện của đạo Lão, đạo Nho và đạo Phật đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Hà Nội. Về phương diện ẩm thực, các món ăn dân dã như lạc rang húng lìu, vịt quay hay món xì-dầu cũng thấy hiện diện phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của người Hà Nội. Về phương diện y thuật, ngoài y lý cổ truyền của người Hoa được tin dùng, Hà Nội trở thành một trung tâm bán buôn và phân phối mặt hàng này trên khắp châu thổ sông Hồng. Các hiệu thuốc Bắc và khu phố bán các mặt hàng này ở Hà Nội mà ngày nay vẫn đang hiện diện trên các phố Lãn Ông, Thuốc Bắc (thời Pháp gọi là phố Phúc Kiến, có lẽ bắt nguồn từ người nhập cư có gốc từ Phúc Kiến, Trung Quốc) hay các phố bán đồ ăn Quảng Đông (vì thế mà thời Pháp có tên gọi Canton) như Hàng Buồm, Tạ Hiền, Hàng Ngang.v.v.
Về phương diện kiến trúc, có thể nhận thấy các đền miếu và hội quán của người Hoa đã mang lại một sắc thái rất riêng cho Hà Nội. Nhưng ngay cả cấu trúc các phố thị chật chội với kiểu nhà dài hình ống san sát có chức năng vừa làm nhà ở, vừa tận dụng mặt tiền chật hẹp làm cửa hàng buôn bán được cho là đặc trưng riêng “thể hiện sự khéo léo, tinh tế của người Hà Nội xưa” thực ra cũng thấy phổ biến ở tất cả các phố Tàu (China Town), từ Hội An, Chợ Lớn (Việt Nam) đến các phố Tàu ở Bangkok (Thái Lan), Yojakarta (Indonesia), Singapore, v.v. Về phương diện văn hóa thượng tầng, lối giáo dục khoa cử, các hình thức tổ chức nhà nước, hệ thống đạo đức và pháp luật của Việt Nam những yếu tố vay mượn hoặc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa mà họ nhìn nhận như là “mô hình Trung Hoa” (Chinese Model) trong văn hóa chính trị ở nước Việt Nam trước thời thực dân. Đó cũng là lý do tại sao các nhà nghiên cứu phải đi tìm bản sắc Việt ở trong mạch nguồn văn hóa dân gian nơi làng quê và gọi đó là “linh hồn” của văn hóa dân tộc.
Nhưng Hà Nội không chỉ có dấu ấn văn hóa của người Hoa. Một phần không thể thiếu của văn hóa Hà Nội là dấu ấn Âu Tây mà người Pháp đã mang đến. Chính những dấu ấn này đã làm nên một thành phố phương Đông mang đậm sắc thái kiểu châu Âu khiến nhiều du khách ngỡ ngàng như đang khám phá một “Hà Nội- Paris của Việt Nam”.
Ngay từ nhiều thế kỷ trước, các nhà buôn đến từ châu Âu như Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha đã hiện diện ở đô thị Thăng Long. Người Pháp và Hà Lan thậm chí đã mở các thương điếm ở cả Thăng Long và Phố Hiến để làm ăn buôn bán ngay từ thời Lê – Trịnh. Tuy nhiên, từ khi Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp sau Hiệp ước Philastre năm 1874 thì ý tưởng về một thành phố theo mô hình châu Âu mới được tạo ra. Người Pháp đã mang đến Hà Nội một bộ mặt khác trong khi không làm mất đi cái dáng vẻ xưa cũ tấp nập của 36 phố phường. Đó là các con phố có đường trải nhựa rộng cả chục mét, với nhà hàng, quán bar và café, dinh thự, công sở, khách sạn, các công trình công cộng như nhà thờ, công viên, nhà hát, và cả những cơ sở công nghiệp như cơ khí và in ấn, v.v. Hàng loạt các phố Tây lần lượt ra đời sau phố Tràng Tiền và Hàng Khay tạo ra cấu trúc thành phố theo kiểu ô bàn cờ nối các con phố và đại lộ với nhau, hình thành bộ phận cốt lõi của khu trung tâm hành chính thời Pháp thuộc. Sau khi cầu Long Biên và nhà ga Hàng Cỏ đi vào hoạt động hồi đầu thế kỷ 20, Hà Nội đã trở nên lung linh như một hòn ngọc ở Viễn Đông.
Tuy nhiên, dấu ấn văn hóa Âu Tây ở Hà Nội không chỉ là những dãy phố. Bằng việc tạo ra một hệ thống giáo dục kiểu mới nhằm đào tạo những công chức và trí thức kiểu châu Âu phục vụ nhà nước thực dân, dù người Pháp không muốn, cũng đã thổi vào đời sống của người Hà Nội một luồng gió mới, xua đi cái ngột ngạt của hệ thống giáo dục kiểu Tàu dựa trên các tôn ty trật tự chuyên chế phương Đông vốn đã ngự trị nhiều thế kỷ ở chốn kinh kỳ. Hệ thống trường học từ trung học đến cao đẳng và đại học chủ yếu tập trung ở Hà Nội đã thu hút con em các gia đình thuộc tầng lớp trên ở mọi miền đất nước tụ hội về thành phố học tập và làm việc, và hệ quả là nó đã tạo ra một lớp trí thức tinh hoa cho dân tộc. Tư tưởng bình quyền châu Âu lần đầu tiên được truyền vào Việt Nam, tạo điều kiện cho phụ nữ rời khỏi khuôn khổ chật hẹp của gia đình, đến trường học và tham gia vào hoạt động xã hội. Những giá trị nhân bản về quyền con người, quan niệm về tự do bác ái, về trách nhiệm công dân, về quốc gia dân tộc, v.v., thông qua tầng lớp trí thức Tây học mà truyền vào xã hội thuộc địa và từ đó nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm của họ đối với đất nước. Chính tầng lớp tinh hoa trí thức Tây học này đã góp phần đưa những luồng tư tưởng mới của châu Âu vào trong xã hội, làm nhen nhóm lên xu hướng cách mạng nhằm thay đổi xã hội.
Bên cạnh những yếu tố văn hóa Đông – Tây vẫn còn hiển hiện cả trong đời sống vật chất và tinh thần của Hà Nội, chúng ta cũng thấy sự tham góp của nhiều nhóm sắc tộc thiểu số bản xứ khác vào trong kho tàng văn hóa đa dạng và giầu có của thành phố. Không phải đợi cho đến khi các nhà nước phong kiến Việt Nam chinh phạt phương Nam, đem về kinh thành những chiến lợi phẩm từ vương quốc Champa như tù binh, thợ thủ công, vũ nữ, thương nhân và gia đình của họ, Hà Nội mới chứng kiến sự hiện diện của văn hóa Nam Đảo. Khảo sát của các nhà ngôn ngữ học cho thấy có những thành tố ngôn ngữ cổ gốc Mã Lai, một bộ phận còn sót lại trong tiếng nói của nhóm cư dân cổ đại, tổ tiên trực tiếp của người Việt hiện đại vẫn đang còn sống trong kho từ vựng của người vùng Hà Nội, đặc biệt là những địa danh cổ như sông Cà Lồ, Cán Khê, Càn Hải,v.v. dù cho thời gian đã phủ lên tầng ngôn ngữ nguyên sơ này một lớp Hán Việt rất dầy.
Các dự án xây dựng khu đô thị mới thường không tạo được mạch sống tiếp nối hay gắn bó với những người nông dân đã sống trên những mảnh đất của họ từ đời này qua đời khác.
Khảo sát các làng nông nghiệp tồn tại trong khu vực hoàng thành Thăng Long bị hoang phế sau thế kỷ 18 cũng cho thấy gốc tích của nhiều dòng họ ở đây vốn là người Mường và người Thái ở vùng Thanh – Nghệ được tuyển dụng làm việc phục vụ trong hoàng thành rồi sau đó định cư ở lại các trại như Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Vạn Phúc, Liễu Giai và Giảng Võ.
Ngày nay, với việc sáp nhập Hà Tây vào địa giới Hà Nội, các sắc tộc thiểu số như Mường, Dao đã chính thức trở thành một bộ phận cư dân gốc bản địa của thủ đô với khoảng 1% tổng số dân toàn thành phố.
Việc nhìn nhận dấu ấn văn hóa Hoa, Pháp và các tộc người khác như những bộ phận hợp thành trong cấu trúc văn hóa của Hà Nội không làm giảm đi giá trị văn hóa dân tộc mà ngược lại, góp phần hiểu sâu hơn các giá trị nhân bản, khả năng dung hợp, tính chất hài hòa và đa dạng của một truyền thống văn hóa lâu đời mà thành phố thủ đô là một đại diện.
Không gian đô thị và lối sống
Từ khảo sát không gian cư trú của cư dân khu vực đô thị Hà Nội hiện nay, ta có thể nhận ra tính chất khác biệt tương đối trong phân bố dân cư theo lãnh thổ, qua đó giúp hiểu được lịch sử cư trú, vị thế xã hội, mức sống và lối sống của các nhóm dân cư khác nhau. Hơn thế, nó là một chỉ báo cho thấy bản chất của văn hóa Hà Nội là đa nguyên, đa dạng và không đồng nhất về lối sống như vẫn thường được khái quát. Có thể phân chia không gian sinh tồn của các nhóm cư dân trong khu vực đô thị Hà Nội thành năm nhóm sau đây: 1) Khu phố cổ; 2) Khu phố Tây; 3) Các khu đô thị mới; 4) Các làng nông nghiệp ven đô đang đô thị hóa; 5) Các khu ổ chuột và xóm liều.
Khu phố cổ, hay còn gọi là khu 36 phố phường, được xem là trung tâm lịch sử của đô thị Hà Nội. Hầu hết cư dân sinh sống trong khu vực này đều đã có mặt ở đây từ trước hoặc trong thời kỳ thuộc Pháp. Đặc điểm kiến trúc điển hình của khu phố cổ là các ngôi nhà hình ống hẹp về chiều ngang và có chiều sâu. Cư dân trong các ngôi nhà chật hẹp này chủ yếu sống nhờ vào buôn bán hoặc làm nghề thủ công ngay trên các con phố mà họ sinh sống. Tuy là bộ phận thị dân có lịch sử cư trú lâu đời của Hà Nội nhưng các ngôi nhà của họ phần lớn đều đã xuống cấp, được cơi nới và cải tạo lại một cách tùy tiện không theo quy hoạch. Từ thuở khai sinh cho đến ngày nay, trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi và tu sửa, khu phố này vẫn chật hẹp và đông đúc.
Khu phố cũ hay còn gọi là phố Tây chủ yếu được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, nằm ở khoảng giữa hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm. Nó được thiết kế thành hai khu vực, bao gồm khu hành chính đầu não nằm trên nền hoàng thành cũ của kinh đô Thăng Long xưa mà trung tâm là khu vực Ba Đình, và các khu phố kiểu ô bàn cờ với các tòa biệt thự, công sở, nhà hàng, bệnh viện, công trình công cộng, và cả doanh trại quân đội. Khu vực phố Tây đã để lại cho Hà Nội một di sản kiến trúc đặc biệt hiếm có. Từ ngày tiếp quản thủ đô, chính quyền cách mạng về cơ bản vẫn sử dụng các khu vực theo như công năng mà nó được tạo ra. Khu đầu não thời thực dân được sử dụng làm công sở, khu biệt thự được dùng cho các đoàn ngoại giao, công sở nhà nước hay tư dinh của các vị lãnh đạo, và các khu phố thương mại vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò kinh doanh buôn bán dưới các hình thức khác nhau. Nhiều biệt thự đẹp đã bị biến thành chung cư và bị sửa chữa, cơi nới làm biến dạng phong cách nguyên sơ của chúng trong khi nhiều nhà cao tầng được phép xây dựng ở khu vực này, khiến cho khu phố Tây vốn được thiết kế và hoàn thiện đến từng chi tiết, nay trở nên xô bồ hỗn loạn. Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết khoảng 80% trong số hơn 900 ngôi biệt thự còn lại đến nay đã bị lấn chiếm hoặc phá vỡ nguyên trạng. Do yếu kém trong quản lý, lãnh đạo Hà Nội gần đây đã ban hành chủ trương bán khoảng 600 trong số hơn 900 biệt thự cũ của khu phố Tây cho những người đang ở thuê với lập luận rằng tư nhân sẽ quản lý di sản tốt hơn. Đây thực ra chỉ là một cách hợp thức hóa quyền sở hữu nhà biệt thự cho các công chức nhà nước đang ở trong các ngôi biệt thự này dưới hình thức nhà cho thuê. Động thái này được cho là sẽ làm tăng nguy cơ mất đi một di sản đặc sắc của Hà Nội thời thuộc địa.
Cũng như dưới thời thực dân, cư dân chính của khu phố cũ là những công chức có thế lực trong bộ máy nhà nước các cấp, những doanh nhân có máu mặt và các hộ gia đình kinh doanh buôn bán vừa và nhỏ. Cũng có một bộ phận dân cư là những viên chức, thị dân nghèo và tầng lớp trung lưu của thời bao cấp xen lẫn trong các xóm ngõ lắt léo ở sâu bên trong. Cùng với 36 phố phường, khu phố Tây ít nhiều còn giữ lại dấu vết văn hóa vật chất của quá khứ nhưng cái ruột bên trong đã thay đổi, làm cho lối sống ở khu vực này mất đi dáng vẻ kiêu sa quyến rũ từng có.
Các khu đô thị mới, còn được biết đến dưới tên gọi khu tập thể (hình thành từ sau những năm 1960) và gần đây là khu đô thị (xuất hiện sau thời kỳ đổi mới) đã góp vào diện mạo chung của thành phố những sắc thái riêng, ghi lại dấu ấn phát triển của thành phố qua từng chặng đường lịch sử. Các khu chung cư tập thể là sản phẩm của nền kinh tế bao cấp ở Hà Nội những năm 1960-1980 và hình hài của nó phảng phất nét kiến trúc của các khu chung cư kiểu Nga du nhập vào Việt Nam. Do thiết kế của khu chung cư không thích hợp với lối sống gia đình, nhiều hộ đã tự ý cơi nới ban công, cửa sổ lấy thêm diện tích sinh hoạt, làm xuất hiện các “chuồng cọp” treo không chỉ mất mỹ quan đô thị mà còn làm cho các khu chung cư xuống cấp nhanh chóng.
Từ khi thực hiện chính sách mở cửa, khu vực đô thị của Hà Nội đã được mở mang rất nhanh chóng. Người ta thấy những con đường mới và những khu đô thị mới được dựng lên ở khu Tây và Nam cầu Thăng Long, Hồ Tây, Bắc Linh Đàm, Trung Hòa, Nhân Chính, Văn Quán, Mỹ Đình, Định Công, v.v.. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng, công sở và các tòa nhà chung cư vươn lên sừng sững có kiểu dáng kiến trúc na ná nhau, vô hồn và thiếu thẩm mỹ. Trong khi đó, nông dân ở các làng cổ truyền vùng ven đô phải di chuyển nhường chỗ cho khu chung cư bỗng chốc không còn ruộng đất làm kế sinh nhai và trở thành những thị dân bất đắc dĩ. Điều đáng nói là các dự án xây dựng khu đô thị mới thường không tạo được mạch sống tiếp nối hay gắn bó với những người nông dân đã sống trên những mảnh đất của họ từ đời này qua đời khác. Những người mới đến làm chủ các khu chung cư và biệt thự mới mọc lên hoàn toàn xa lạ và chẳng có mối liên hệ nào với lịch sử và các giá trị văn hóa của các làng mạc xưa mà giờ đây đã biến thành các khu đô thị mới. Một đặc điểm dễ nhận ra trong kiến trúc các khu đô thị mới là mật độ xây dựng quá dày trong khi thiếu vắng các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, công viên, vườn trẻ và nơi đỗ xe. Có thể thấy đây là một bước thụt lùi về kiến trúc so với khu phố Tây được xây dựng từ hồi đầu thế kỷ trước.
Các làng ven đô bị cưỡng bức chuyển sang đô thị là một mô hình khá phổ biến trong cơn lốc đô thị hóa ở Hà Nội những năm giao thời giữa hai thế kỷ. Bản chất của quá trình đô thị hóa này là việc bao gồm các làng vào trong khu vực đô thị do đất đai của các hộ nông dân đã bị nhà nước thu hồi cho công cuộc đô thị hóa và công nghiệp hóa. Hậu quả của tình trạng mất đất nông nghiệp đã biến người nông dân với lối sống dựa trên quan hệ cộng đồng nay buộc phải làm quen với lối sống vun vén cá nhân, thành những lao động phi nông nghiệp hoặc thất nghiệp. Một số hộ cảm thấy đời sống khá hơn sau khi nhận được một khoản tiền đền bù đất nhưng nhanh chóng rơi vào thất vọng do chưa được chuẩn bị để trở thành thị dân hay công nhân lao động có kỹ thuật. Ở các làng biến ra phố chỉ trong một đêm này, lối sống cổ truyền theo kiểu liên kết dòng họ và láng giềng vẫn ít nhiều được duy trì trong số cư dân gốc, nhưng bộ phận lớn dân nhập cư đã có cơ hội xâm nhập mạnh hơn vào trong cộng đồng, mang đến những thói quen, tập tục và thế ứng xử của riêng họ, bất chấp các giá trị truyền thống của cộng đồng gốc, tạo nên những đứt gẫy và hẫng hụt trong lối sống của cả hai nhóm cũ và mới.
Khu ổ chuột và các xóm liều, xóm nhảy dù, xóm ma là một phần của đời sống đô thị ở nhiều nơi trên thế giới. Hà Nội cũng không là một ngoại lệ, và loại hình cư trú của nhóm cư dân này cũng không phải mới xuất hiện gần đây. Quá trình đô thị hóa dưới thời thực dân đã thu hút một lượng lớn lao động nghèo từ vùng nông thôn về thành phố và họ thường tìm đến các làng ven đô, các khu vực bỏ hoang hay những dải đất bãi bồi ven sông Hồng để tìm nơi tá túc.
Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh ở Hà Nội, người ta cũng thấy xuất hiện các xóm liều đô thị như một hiện tượng song hành của sự bùng nổ dòng chảy lao động tự do từ nông thôn về thành phố kiếm việc làm. Có thể xem xóm liều như là một biểu hiện sinh động của tình trạng đói nghèo và độ tương phản trong mức sống ở đô thị đang tăng lên. Khảo sát của chúng tôi ở một số xóm liều trong thành phố cho thấy tuyệt đại bộ phận cư dân sống trong xóm liều là những người lao động tự do hiền lành di cư đến từ các vùng nông thôn nghèo khó. Họ là những người có vị thế dễ bị tổn thương nhất trong đời sống đô thị. Bên cạnh những lao động di cư, trong xóm liều còn có một bộ phận cư dân là những thị dân nghèo, những công nhân viên chức có thu nhập thấp. Ngoài ra, ở đây cũng luôn có bóng dáng của các nhóm xã hội ngầm sử dụng địa bàn này như một nơi lý tưởng để kinh doanh buôn bán ma túy, nghiện hút, mại dâm và cờ bạc.
Xóm liều đô thị là hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa, phân tầng xã hội và tình trạng gia tăng dòng di dân tự do đến đô thị. Những người di cư tự do sống trong các xóm liều luôn ở trong tình trạng “lưỡng nan” của thân phận. Một mặt họ tìm thấy ở đây một thế giới riêng mà thân phận nghèo hèn của họ có thể hòa tan vào trong cộng đồng cùng cảnh ngộ để được chia sẻ và an ủi. Nhưng mặt khác, họ lại ở vào vị thế yếu đuối mong manh do bị “dán nhãn” bởi một cách nhìn méo mó đầy định kiến của các nhà quản lý, và không được thụ hưởng các dịch vụ an sinh xã hội tối thiểu. Chính sách quản lý lỏng lẻo và tình trạng làm ngơ như đang được thực hành hiện nay chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề đói nghèo và tệ nạn vốn đã nổi cộm trong đời sống đô thị.
***
Tại hội thảo về “Bản sắc văn hóa Hà Nội trong văn học nghệ thuật thế kỷ 20” tổ chức tại ĐH Mỹ thuật vào tháng 9/2010, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Ngọc Hiến đã nêu ra sự cần thiết phải làm rõ khái niệm bản sắc văn hóa trước khi có thể nói về đặc tính của nó. Theo ông, khái niệm bản sắc thường khiến người ta nghĩ đến một thực thể ổn định và cố định. Nhưng bản sắc không phải là cái gì đó bất biến. Nó là một quá trình của tiếp biến văn hóa để hình thành nên bản sắc. Ông cho rằng “nó (bản sắc) đến từ nhiều nguồn, tức là nó đa nguyên”. Tiếc rằng đề nghị của ông đã rơi tõm vào thinh không. Người ta cứ tiếp tục nói về bản sắc theo cảm xúc của mình mà không cần “khái niệm hóa” cái họ quan sát được. Tôi hy vọng bài viết này là cách để hưởng ứng lời kêu gọi không được đáp lại của ông.
Trong lịch sử, Hà Nội chưa bao giờ đứng riêng với tư cách là một thành phố độc lập như ta vẫn thấy ở các thành thị phương Tây. Là một thành phố đô thị hóa chưa triệt để, còn nhiều mối liên hệ chặt chẽ với khu vực nông thôn, quá trình đô thị hóa từ trước đến nay vẫn đang thiên về biện pháp hành chính có tính cưỡng bức hơn là quá trình phát triển tự thân nên trong đời sống văn hóa của Hà Nội, yếu tố nông dân và nông thôn luôn hiển hiện như một bộ phận hợp thành của cấu trúc văn hóa đô thị.
Hà Nội cũng là một thành phố của sự tương phản trong văn hóa và lối sống. Đó là sự khác biệt giữa lối sống nông dân và thị dân, giữa cái cũ và cái mới, giữa tính năng động và sự trì trệ, giữa cao sang và thấp hèn, giữa tinh hoa và bình dân, giữa quyền lực và bất lực. Các yếu tố đa dạng, đa chiều và tương phản trong lối sống luôn hiển hiện trong đời sống hằng ngày của thành phố nhưng chúng không hòa tan vào nhau, không làm cho cái bản ngã của mỗi nhóm bị mất đi, ngược lại, chúng tạo nên những gam màu đa sắc diện, cùng tồn tại trong một không gian văn hóa chung của thành phố. Vì vậy, bảo tồn các giá trị văn hóa của thành phố không có nghĩa là bảo tồn những giá trị chung chung và trừu tượng mà chính là giữ gìn những yếu tố vật chất và tinh thần của từng bộ phận đã tham góp vào quá trình hình thành và phát triển diện mạo văn hóa chung của thủ đô. Sự mai một của các yếu tố này cũng có nghĩa sẽ làm mất đi một phần bản sắc văn hóa của thành phố.□
Bài đăng Tia Sáng số 20/2024