Cha cõng con: Vẻ lãng mạn của tình phụ tử
Nếu Cha cõng con (2017) của Lương Đình Dũng chỉ kể về tình phụ tử không thôi thì có lẽ nó không thật sự gây chú ý. Cùng lắm, nó sẽ làm người xem thấy thứ tình cảm tưởng khó diễn đạt ấy, thật ra, quen thuộc, gần gũi, tự nhiên như khí trời, cây cỏ và muôn vàn điều bình dị xung quanh cuộc sống. Điều khiến bộ phim này đáng để bình luận thêm nữa, theo tôi, còn là việc nó vừa có được cái nhìn riêng, tinh tế của đạo diễn, nhưng mặt khác, nó vẫn đi theo lối làm phim “có cảnh quay đẹp” đã thành khuôn mòn rất cần phải xem xét lại của điện ảnh Việt mươi năm qua.
Kĩ thuật quay từ trên cao: cảnh người cha đưa con đi chữa bệnh giữa sông nước mênh mông. Ấn tượng chung là vẻ đẹp không gian át đi tình thế cô độc, nhỏ nhoi của hai cha con.
Vùng cao, người nghèo và đô thị
Dễ thấy Cha cõng con, ngay từ đầu, đã lựa chọn lối đi không đơn giản: kể câu chuyện về nhóm người vùng cao, nghèo khó và đơn độc chống lại thiên tai, bệnh tật. Cũng đã khá lâu điện ảnh Việt mới quay trở lại miền núi, nơi mà trên thực tế, dù đã có nhiều bước phát triển, vẫn còn kém xa đồng bằng/đô thị về mọi mặt, tình cảnh cơ cực của người dân vẫn diễn ra hằng ngày. Trong diễn ngôn báo chí và nhất là trong cảm nhận của số đông cộng đồng thiện nguyện hoặc du lịch, vùng cao vẫn là nơi chốn cần đến yêu thương, chia sẻ, cần thái độ cảm thông tận đáy. Ngoại trừ thiên nhiên, chứng kiến sinh kế ở vùng cao vẫn phải buông tiếng thở dài.
Cha cõng con khiến người xem, trước tiên, là nén tiếng thở dài, vừa ái ngại vừa xót xa cho tình cảnh cha con Mộc và Cá. Hai cha con sống lủi thủi trong căn nhà tạm bợ nằm chơ vơ bên bờ sông. Người cha đánh cá, khi có khi không, đủ kiếm ăn qua bữa và nếu may mắn hơn, đủ mua cái áo mới mươi lăm ngàn cho con. Khi mùa lũ đến, cha con Mộc phải di chuyển lên ngôi nhà trên đồi, cũng là nơi tạm trú của vài gia đình khác. Họ cũng nghèo khó, líu ríu nương tựa bát cơm, manh chiếu dưới mưa rừng ngút trời. Tuy nhiên, với cậu bé Cá, những ngày tránh lũ trên ngọn đồi này thì cậu có thêm nhiều người bạn, đều lem lem mặt mũi, háo hức nghe chú Mù kể chuyện thành phố. Chú Mù từng là công nhân xây dựng tòa nhà chọc trời ở thành phố, không may bị tai nạn, giờ đây là người vẽ ra những sắc mây, những con chim sắt (máy bay) cho bọn trẻ thỏa sức tưởng tượng. Trong trí tưởng tượng hồn nhiên đó, thành phố đầy thân thiện chứ chưa hề là con ngáo ộp tàn nhẫn.
Với một bối cảnh như vậy, Cha cõng con lựa chọn cách kể khá chậm, mạch chuyện phim ít cao trào, xung đột. Điều này khá hợp lí vì xét cho cùng, đời sống của cả nhóm người nghèo khó ấy có gì kịch tính, bất thường hơn ngoài chuyện âm thầm mưu sinh, nhọc nhằn áo cơm hằng ngày?1 Chuyện phim cũng ít thoại, đa số là thoại ngắn, câu cú đơn giản, có phần ngô nghê. Nó thuận với môi trường sống hoang sơ, nhất là thuận với đám trẻ con lít nhít mà tâm trí chẳng cách gì để diễn đạt được những điều chưa từng thấy. Cần nhấn mạnh rằng, Cha cõng con là bộ phim có nhiều nhân vật trẻ em, gợi nhắc một cách học điện ảnh Iran luôn có tác phẩm kinh điển nhờ chọn nhân vật trung tâm là trẻ em. Và với việc sử dụng phần lớn diễn viên không chuyên vào loạt vai này2, Lương Đình Dũng dường như muốn đặt ra một thử thách cho khán giả: hãy xem bộ phim như là cách quan sát, tiếp xúc đời sống thực, những con người thực. Bỏ qua yêu cầu kĩ thuật diễn xuất, người ta sẽ bắt gặp ở đó nét tươi tắn, sinh động hiếm khi buồn bã của trẻ em vùng cao vốn thiệt thòi nhiều mặt.
Tiết chế nước mắt của những con người lép vế cũng là điều đáng kể ở Cha cõng con. Hiếm khi thấy nhân vật than thở, trách phận. Khi bé Cá bị bạo bệnh, hành động dữ dội duy nhất của cha Mộc là lật con thuyền giấu kín dưới sông lên để đưa cậu bé về thành phố chữa trị. Hành trình của Mộc và bé Cá, từ đó, phơi bày tính chất hai mặt của đô thị: hào nhoáng, lộng lẫy và lạnh lùng, cứng nhắc. Bệnh viện không phải là nơi để người nghèo tìm thấy cơ hội sống dù họ vẫn nhận sự sẻ chia nhỏ nhoi nào đó. Để chữa bệnh cho Cá, Mộc phải nộp viện phí hơn 800 triệu đồng. Anh nhẩm tính mãi không ra, cho đến khi nhân viên bệnh viện tính giúp: cần phải có 160 nghìn con cá, với giá 5 nghìn một con, thì mới có đủ số tiền khổng lồ ấy. Trong bệnh viện, “160 nghìn con cá…” vang lên như lời độc thoại lạc lõng, tuyệt vọng. Một lần nữa, khán giả phải kìm nén tiếng khóc trước nhẩm tính khó khăn của Mộc, và liền đó, chứng kiến sức mạnh thân thể của anh khi cõng đứa con leo lên tòa nhà chọc trời để con được chạm tay vào mây trắng. Cõng con từng bậc cầu thang một và tấm áo đẫm ướt mồ hôi của Mộc, theo tôi, đủ sức tạo nên cao trào cho bộ phim và nếu tinh ý, khán giả sẽ nhìn thấy vòng xoáy cầu thang sâu hun hút như một đối lập với toàn bộ không gian mênh mông của bầu trời, nơi cậu bé Cá thỏa nguyện ước mơ. Sau khoảnh khắc ấy, hai cha con lại thui thủi trở về chốn rừng núi. Đoạn kết bị kéo dài ra nhưng cần thiết để kí ức của Cá không phải chìm nghỉm trong bệnh viện, mà trong dư vị của trời cao sông rộng, của tình yêu thương rất đỗi thật thà, nhỏ nhặt từ người cha. Bộ phim không tìm cách định nghĩa tình phụ tử mà cho người xem một cách nghĩ về vẻ đẹp của tình cha con có thể hiện hữu ở bất cứ đâu dù cho thô vụng và rồi sẽ tan biến vào hư không.
Đối kháng vùng cao/miền núi và thành thị từng đi vào khá nhiều diễn ngôn nghệ thuật. Trong điện ảnh Việt, một số phim về vùng cao, trước hết, thường biến không gian này trở thành xứ lạ lẫm. Trước Cha cõng con, Thung lũng hoang vắng (2002), Chuyện của Pao (2006) đều diễn tả bi kịch của con người nơi đây theo cái cách rừng núi khắc nghiệt, biệt lập, tập tục sống lạc hậu phủ ập xuống. Cha cõng con dường như muốn tách ra một bước khi cố gắng hướng về tâm thế vượt lên, kiên nhẫn đến cùng trong những giới hạn ngặt nghèo mà vùng cao phải đối mặt. Bởi thế, đằng sau câu chuyện cha con là tinh thần lãng mạn, lạc quan và có đôi lúc dí dỏm, để kịp giữ lại dư vị niềm vui, tiếng cười đã từng vang trên ngọn đồi xa lắc lơ.
“Cảnh quay đẹp”: Lợi bất cập hại
Vài năm trở lại đây, để hút khán giả đến rạp, nhiều bộ phim tự khoác lên quảng cáo rằng phim có nhiều “cảnh quay đẹp”, gắn liền với các địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Quả thật, những Cánh đồng bất tận (2010), Thiên mệnh anh hùng (2012), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016)…, luôn mãn nhãn người xem nhờ những có bối cảnh thiên nhiên đẹp, chọn lựa kĩ càng như những bức ảnh nghệ thuật được chỉnh sửa từng góc hình, ánh sáng, đường nét. Chưa cần đến “cảnh nóng” hay dàn diễn viên “chân dài”, chỉ với phong cảnh như thế, khán giả đã có thể hoan hỉ ra về mà chẳng phải giật mình rằng, nếu chỉ cần cảnh đẹp không thôi, tại sao ta không ở nhà bật các MV ca nhạc, các VideoArt hay chương trình khám phá du lịch, hoặc cùng lắm là kênh truyền hình địa lí National Georaphic nổi tiếng mà xem?
Khi điện ảnh Việt đuổi theo những bối cảnh thiên nhiên đẹp, những địa điểm quay phim “độc”, “lạ”, vô hình trung, chỉ làm thỏa mãn tâm lí khoái trá tìm cảnh sắc địa dư của cái nhìn ngoài cuộc, của người xem hôm nay coi du lịch, “phượt” là một trải nghiệm quan trọng. Nhiều khung hình đẹp chỉ nhăm nhăm thu bằng được không gian địa lí mà quên mất, với góc quay đó, với màu sắc và ánh sáng đó, chúng đem lại nhu cầu “đọc” ra điều gì ở bộ phim. Chưa kể, quá nhiều cảnh đẹp trong phim sẽ khiến người xem quên bẵng câu chuyện, hoặc bi hài hơn là rơi vào trạng thái “sống ảo” bất chấp cảnh sống trên phim lẫn ngoài đời bất thường ra sao. Kiểu duy mĩ nửa vời của đạo diễn Việt đã làm một số nhà phê bình điện ảnh liên tưởng đến thao tác photoshop trong nghệ thuật nhiếp ảnh3.
Đến lượt mình, Cha cõng con tiếp tục được báo chí dán nhãn “cảnh quay đẹp”, thậm chí, “tuyệt đẹp”, “cảnh sắc mê hồn”4… Khung cảnh núi rừng Hà Giang, Tuyên Quang phù hợp với chuyện phim, nhưng hơn hết, bắt nhịp với xu hướng thẩm mĩ nói trên. Những cú máy toàn cảnh con sông mùa lũ; những góc cận cảnh hoa sim tím trên đồi, bờ lau trắng phơ phất; những trường đoạn dùng flycam để thu hình cha con Mộc từ trên cao…, theo tôi, chỉ càng gia tăng sự ước lệ hóa chất xứ lạ (exotic). Khán giả quốc tế hứng thú vì có thể choáng ngợp trước một Việt Nam nhiệt đới dù nghèo khó nhưng thiên nhiên luôn tươi đẹp. Còn với khán giả Việt, có lẽ họ chạnh lòng vì cái đẹp kia chỉ óng ánh trong môi trường kĩ thuật số. Tất nhiên, tôi không nghĩ cứ hễ nghèo, lam lũ, lép vế là phải nhếch nhác, “xấu”. Nhưng chắc chắn, ngay cả trong đôi mắt trong veo của những đứa trẻ như Cá, cái gọi là “cảnh sắc mê hồn” kia hoàn toàn nhàm chán, đơn điệu. Thật vô vị, vô nghĩa lí nếu ta luôn muốn chiếu rọi thiên nhiên xung quanh họ bằng mĩ từ của guidebook, mà không phải bằng chính cái nhìn trong cuộc. Có thể thiên nhiên đẹp là viên thuốc liều cao để xoa dịu những nhọc nhằn, bất công trên mặt đất. Nhưng nếu mãi tìm góc quay đẹp, cảnh đẹp, bộ phim sẽ thuần túy là kĩ thuật mà thôi.
Cuối cùng, phải nói thẳng rằng “bệnh” thích cảnh quay đẹp của điện ảnh Việt gần đây càng minh chứng cho sự thật rằng hầu hết các đạo diễn đều chưa có một kịch bản, một câu chuyện đủ hay. Và từ đó, tìm cách kể mạch lạc, lôi cuốn, hấp dẫn. Để khỏa lấp các trường đoạn “trống”, những lúng túng chuyển cảnh, và cả những rối rắm ý nghĩa/thông điệp, mỗi một phim thường sẽ cố trưng những gì mà thiên nhiên ban cho, thu vào màn hình niềm yêu mến non sông gấm góc vốn sâu thẳm trong từng khán giả. Động thái này, theo tôi, sẽ còn kéo dài một thời gian nữa cho đến khi người xem bỗng nhiên biết nghi ngờ “cảnh quay đẹp” chẳng qua là chiêu thức câu khách trá hình.
Giữa một mặt bằng chung như vậy, Cha cõng con vẫn rất đáng xem. Ít nhất, khi không để mình bị hút theo cảnh sắc thiên nhiên là thứ mà ta mua được ở các tấm postcard, ta có thể nhìn thấy kĩ hơn phận người trong đó.
—————
1 Cho biết lý do Ban giám khảo Giải Cánh diều vàng (2017) trao Bằng khen cho bộ phim này, ông Trần Luân Kim nói: “[…] phim này có cách thể hiện theo lối cũ, tiết tấu chậm, cấu trúc bị dàn trải, ít biến cố, kịch tính”. Như vậy, cho đến hôm nay, tiêu chí “biến cố, kịch tính” vẫn là thước đo quan trọng để định giá một bộ phim. Xem thêm: P.C.Tùng, “Đạo diễn Cha cõng con trả lại bằng khen”, báo Thanh Niên, số 101, ra ngày 11.4.2017, trang 19.
2 Vào vai này là những em bé trong làng trẻ em SOS. Trong buổi trò chuyện giữa tôi với đạo diễn Lương Đình Dũng tại trường quay kênh Truyền hình Nhân Dân, anh cho biết các cháu đều là trẻ mồ côi nên hạnh phúc của đoàn làm phim là được các cháu gọi cha, mẹ.
3 Xem thêm: Nguyễn Thanh Sơn, “Phim Việt từ photocopy đến photoshop”, nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/choi-blog/phim-viet-tu-photocopy-den-photoshop-2573885.html
4Đơn cử hai bài: “Đẹp mê hồn cảnh sắc Hà Giang trong phim Cha cõng con”, tại: http://laodong.com.vn/van-hoa/dep-me-hon-canh-sac-ha-giang-trong-phim-cha-cong-con-402603.bld; “Cảnh sắc tuyệt đẹp và chuyện khó tin trong phim Cha cõng con”, tại: http://anninhthudo.vn/giai-tri/canh-sac-tuyet-dep-va-chuyen-kho-tin-trong-phim-cha-cong-con/721090.antd