Chân dung cộng đồng LGBTQIA+ trong hoạt hình: Từ giễu nhại đến tiếng nói chân thật
Trước khi được khắc họa một cách khách quan, chân thực, chân dung cộng đồng LGBTQIA+ trên phim hoạt hình từng trải qua một lịch sử phức tạp, từ bị cấm đoán cho đến được phản chiếu một cách méo mó lệch lạc.
Những tín hiệu mới
Vào ngày cuối cùng của Tháng tự hào (Pride Month) năm 2023, bộ phim hoạt hình Nimona từ Blue Sky Studios được công chiếu trên nền tảng Netflix. Lấy bối cảnh thời kỳ Trung đại, bộ phim đưa khán giả theo đuổi hành trình Ballister Goldheart, một chiến binh da màu mồ côi và bị cả xứ sở căm ghét vì xuất thân kém cỏi cùng với Nimona – một chiến binh tóc hồng tinh nghịch có khả năng biến hóa truy tìm lại công lý, lật mặt chân tướng kẻ thực sự hại Nữ hoàng, cũng như đối mặt với những kỳ thị mà cả xứ sở dành cho mình.
Điều gì khiến một câu chuyện giả tưởng về phiêu lưu và chiến đấu, với motif tổng thể đơn giản lại có sức hấp dẫn và chinh phục nhóm khán giả từ 13 tuổi (độ tuổi phù hợp theo quy định của Netflix) đến như vậy? Mấu chốt nằm ở yếu tố biến hóa của nhân vật Nimona. Ở những bộ phim hoạt hình siêu anh hùng chiến đấu, hay thần thoại giả tưởng, việc một nhân vật hóa phép thành một con vật, một con người mang giới tính khác,… là yếu tố mang tính hấp dẫn trong mắt đồng đội họ hay cộng đồng xung quanh. Nhưng với Nimona, khả năng hóa phép lại khiến chiến binh này trở thành “con quái vật”, “kẻ đáng chết” trong mắt của tất cả những người trong xứ sở. Và dù sở hữu vẻ ngoài giống như một cô gái, Nimona không sở hữu nhân xưng (she/he) để người khác gọi mình. Nimona chỉ “muốn là Nimona” thôi. Câu thoại được lặp lại nhiều lần ở những phân cảnh gặp nhau lần đầu giữa Ballister và vị chiến binh, giúp khán giả ngầm hiểu bản dạng giới của Nimona chính là non-binary (phi nhị giới), hay cũng có thể là gender-conforming (không tuân theo chuẩn giới). Điều này khiến Ballister – một người đồng tính hợp giới (cis-gender) cảm thấy khó chịu. Anh liền hỏi người đồng đội mình rằng tại sao cứ phải hóa thân hết thành loài vật sang con người kia chứ, và cuộc sống của Nimona chắc chắn sẽ dễ dàng hơn khi chỉ đơn giản là “một người con gái”. Nimona trong bộ dạng của con khỉ đột hồng liền đáp lại “Vậy thì dễ dàng hơn với ai?”
Đoạn đối thoại ngắn là lời khẳng định cho danh tính của Nimona: rằng vị chiến binh này chỉ cảm thấy thực sự thoải mái khi sống đúng với bản dạng giới mà họ1 sẵn có. Việc hóa biến của Nimona còn là ẩn dụ cho việc chuyển giới, hay cũng có thể minh họa cho sự linh hoạt về giới – khi biểu hiện giới thay đổi theo từng thời điểm và hoàn cảnh (gender fluidity).
Bất chấp việc bị cả xứ sở căm thù, muốn tiêu diệt, Nimona vẫn không từ bỏ con người thật sự của mình. Sự kiên định và dũng cảm của vị chiến binh này không chỉ tiếp sức cho Ballister dám mạnh dạn bước ra đòi lại công lý cho mình, mà còn truyền động lực cho người yêu anh – Ambrosius sẵn sàng từ bỏ tước vị cao quý để tìm ra sự thật và công khai cho cả xứ sở biết về mối quan hệ của họ.
Sử dụng một câu chuyện lịch sử giả tưởng để nói về danh tính của những người trong cộng đồng LGBTQIA+ (cộng đồng của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới tính, vô tính,..), Nimona khai thác được những trải nghiệm chân thực mà một người phi nhị giới và chuyển giới phải đón nhận. Đó là sự dè bỉu, hắt hủi từ cộng đồng nơi họ sống vì họ “không giống với tự nhiên”, đó cũng có thể là những thắc mắc vô tình hay ác ý từ người dị tính và cả những người đồng tính hợp giới về bản dạng giới của họ. Đó là việc một đứa trẻ với bản dạng giới không theo chuẩn mực dị tính bị người lớn bắt ép đứa trẻ khác cô lập nó. Màu hồng sốc (hot pink), màu sắc gắn liền với lịch sử đấu tranh của người đồng tính và hay bị khuôn mẫu hóa cho tính nữ, được sử dụng triệt để trong phim để thể hiện thông điệp “sống đúng với chính mình.” Hai nhân vật đồng tính nam chính cũng được xây dựng với vẻ ngoài trái với khuôn mẫu “ẻo lả”, “điệu đà”, “yếu đuối” mà nhiều bộ phim từng sử dụng cho nhân vật đồng giới.
Ngoài Nimona, tác giả Nate Diana “Indy” Stevenson còn sản xuất series hoạt hình “She-Ra and The Princesses of Power” (tên Việt: She-Ra và những công chúa quyền năng), cũng nhận được phản hồi tích cực của cộng đồng LGBTQIA+ khi khắc họa chân thực về tình cảm của hai nhân vật nữ chính, và có cả sự xuất hiện của một nhân vật vô tính và một nhân vật phi nhị giới. Stevenson nhận định rằng, việc sáng tác truyện Nimona giúp anh cởi mở và thoải mái khi khám phá bản dạng giới của mình, trước khi công khai rằng mình là một người chuyển giới và kết hôn với một người phụ nữ. Bản thân anh từng rất e ngại trong quá trình sản xuất series SheR, nhưng với sự động viên của ekip làm phim gồm những người cũng trong cộng đồng, anh dũng cảm dấn thân để series được lên sóng.1
Những tín hiệu mới gần đây như phim Nimona hay “She-ra và những công chúa quyền năng” nằm trong một xu hướng mới cho thấy sự thay đổi trong chính cộng đồng làm phim và cộng đồng khán giả tiếp nhận phim hoạt hình sau một lịch sử phức tạp đi từ cấm đoán cho đến giễu nhại chê bai cộng đồng LGBTQIA+.
Từ cấm đoán đến tính dục hóa nhân vật trên màn ảnh
Theo Vito Russo, nhà sử học phim ảnh, nhà hoạt động về LGBT, tác giả của quyển sách và phim tài liệu The Celluloid Closet, điện ảnh thời kỳ đầu nước Mỹ sử dụng nhân vật đồng tính với vẻ ngoài ẻo lả, điệu bộ cợt nhả để làm yếu tố gây cười cho khán giả. Nhưng trước sự phản ứng dữ dội của Tin lành và Công giáo, vào thập niên 1930, Hiệp hội các nhà sản xuất và phát hành phim Hoa Kỳ để ban hành quy định kiểm duyệt (Production Code hay Hays Code – bộ luật Hays), nghiêm cấm việc đưa các yếu tố liên quan đến tính dục – đồng tính hay song tính vào phim. Sau cuộc bạo loạn Stonewall năm 1969 mở đầu cho phong trào dân quyền của cộng đồng LGBTQIA+, giới truyền thông bắt đầu có cái nhìn tích cực hơn và bắt đầu đưa lại những nhân vật đồng tính vào sản phẩm điện ảnh của họ. Tuy nhiên, vào thập niên 1970 và 1980, những nhân vật này có xuất hiện trên màn ảnh nhưng tính dục của họ cũng đóng vai trò gây xung đột, mâu thuẫn ảnh hưởng đến cuộc sống của những nhân vật chính hợp giới dị tính.
Phải đến thập niên 1990 truyền hình và điện ảnh mới “mở cửa” hơn với hình ảnh LGBT. tuy nhiên hình ảnh của họ hiện lên đầy méo mó với những khuôn mẫu như người đồng tính nam là người ẻo lả, “nữ tính”, đồng tính nữ là những người có tính cách và cư xử giống đàn ông (butch woman), người song tính là kẻ lăng nhăng và tính cách bất ổn. Việc trình hiện cũng giới hạn ở những nhân vật da trắng.
Tóm lại, những thời kỳ đầu trong lịch sử điện ảnh, những người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ như một công cụ để tính dục hóa, tiêu cực hóa – dưới hệ quy chiếu của cộng đồng dị tính.
Phim hoạt hình còn trải qua sự kiểm duyệt khắt khe hơn, khi nhiều phim hướng đến khán giả là phụ huynh và trẻ em. Hoạt hình dành cho trẻ em thường sử dụng chuẩn mực giới dị tính và giễu nhại, hoặc đả kích cái xấu – các nhân vật không tuân theo quy chuẩn về giới là những nhân vật phản diện. Hiếm khi đề cập trực tiếp đến vấn đề danh tính thực sự của người chuyển giới, các nhà làm phim thường dùng thủ pháp gắn mác đồng tính lên nhân vật (queer-coding).
Trường hợp điển hình là nhân vật Bugs Bunny crossdress (ăn mặc chuyển giới, nhân vật ăn mặc khác với giới tính sinh học của mình) chưng diện, ăn mặc và ẻo lả như phụ nữ trong series hoạt hình Looney Tunes của Warner Bros.2 Còn phương thức khác chính là phản diện hóa những nhân vật có xu hướng tính dục khác với dị tính hợp giới, ở những nhân vật như thuyền trưởng Hook trong phim Peter pan hay Ursula trong Little Mermaid của Disney. Nhân vật thuyền trưởng Hook có trang phục điệu đà: tóc xõa dài, áo choàng luôn tung bay phấp phới, áo sơ mi hồng và chiếc lông vũ màu hồng bay bổng trên nón. Nguồn cảm hứng xây dựng nhân vật Ursula đến từ drag queen (nữ hoàng chuyển giới) Divine thừa cân, kiểu cách và có tố chất diva là nguyên mẫu của nhân vật Ursula. Bên cạnh đó, tác giả còn liên tưởng rằng những nạn nhân của Ursula là các cặp đôi dị tính theo kiểu truyền thống, Ursula muốn quyến rũ hoàng tử của Ariel nên phải học cách ăn mặc nữ tính hơn, gợi ý việc crossdressing. Và cách Ursula đang làm là phá vỡ các hình mẫu dị giới trong tình yêu.3 Hay nhân vật Ken trong Toy Story 3 của Pixar – chàng búp bê thích chải chuốt, yêu Barbie, dù là người anh lớn trong nhóm giang hồ của Lotso, nhưng anh vẫn bị nhóm đồ chơi phản diện cười cợt gọi là “cái ví đầm có chân” và “đồ chơi của con gái”.4
Sau này còn có hình thức queer-baiting (mồi câu đồng tính) là chiêu thức marketing mà ekip làm phim sử dụng nhằm thu hút sự chú ý và ủng hộ của khán giả thuộc cộng đồng queer. Thực chất trong phim, các mối quan hệ giữa các nhân vật không có sự phát triển đáng kể nào xuyên suốt phim như mối quan hệ khác giới khác. Bằng cách dùng các cảnh khiêu gợi đồng giới giữa các nhân vật nhưng không triển khai một cách sâu sắc mối quan hệ đồng tính giữa, queer-baiting như là sự trình hiện qua loa, có lệ để cho khán giả thấy rằng chí ít vẫn có người LGBTQIA+ trong đó. Tệ hơn, những mối quan hệ đồng tính luyến ái lại bị dập tắt bằng qua việc phủ nhận và chế giễu, và chỉ để củng cố tình cảm khác giới trong phim.
Những bước tiến của trình hiện khách quan và đầy đủ
Hằng năm, Liên minh Đồng tính nam và nữ chống lại sự phỉ báng (GLAAD) sử dụng bài kiểm tra Vito Russo để phân loại, chấm điểm việc trình hiện đa dạng tính dục của các xưởng phim. Bài kiểm tra phân tích cách các nhân vật LGBTQIA+ được khắc họa trong các tác phẩm hư cấu. Tiêu chuẩn gồm: phim điện ảnh hay phim truyền hình có ít nhất một nhân vật mang xu hướng tính dục rõ ràng gồm đồng tính, song tính, chuyển giới, phi nhị giới,…Xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới không chỉ là mác của nhân vật, họ phải tham gia đáng kể vào cốt truyện, việc loại bỏ nhân vật khỏi phim sẽ ảnh hưởng đến mạch phim và câu chuyện đáng kể. Điều đáng mừng là rất nhiều series hoạt hình từ trên TV, trực tuyến đến phim chiếu rạp đã dần khai thác một cách rộng mở hơn. Không chỉ giới hạn ở những nhân vật đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới, hoạt hình dần mở rộng ra cả việc trình hiện những người questioning (chưa xác định chắc chắn xu hướng tính dục và/hoặc bản dạng giới), người vô tính, người song tính, phi nhị giới…Và hơn nữa, cuộc sống, những mối quan hệ tình cảm của những nhân vật thuộc cộng đồng LGBTQIA+ cũng có được sự xuất hiện xứng tầm so với những mối quan hệ dị tính hợp giới vốn dĩ quen thuộc với màn ảnh. Những bộ phim đến từ tiếng nói trong cuộc của cộng đồng LGBTQIA+, mang góc nhìn sâu sát và đề cập đến những vấn đề thường ngày họ gặp phải. Việc xóa bỏ họ khỏi câu chuyện sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự tự nhiên và hợp lý của bộ phim.
Xu hướng mới cởi mở với cộng đồng LGBTQIA+ đang dần trở nên phổ biến hơn, khởi nguồn từ các series truyền hình từ TV đến Netflix. Đã có một thời, series phim Thuỷ Thủ Mặt Trăng ở Nhật Bản khi qua thị trường Bắc Mỹ cũng bị “bẻ thẳng” (straight wash) lại mối quan hệ đồng giới giữa các nhân vật nữ. Năm 2018, Steven Universe là series hoạt hình về đề tài coming-of-age (trưởng thành ở thanh thiếu niên) đầu tiên trên Cartoon Network được đánh giá cao về việc trình hiện cộng đồng LGBTQIA+ trên màn ảnh, và được giải thưởng GLAAD đầu tiên cho hạng mục Chương trình Trẻ Em và Gia Đình xuất sắc. Biên kịch Rebecca Sugar, một người phi nhị giới đã đưa cảnh đám cưới đồng giới đầu tiên lên màn ảnh. Tương tự, series Gravity Falls trên Disney Channel cũng đã ghi nhận sự tiến bộ khi đưa hai nhân vật đồng tính và có sự phát triển rõ ràng về mối quan hệ của họ. Một số series hoạt hình cho người lớn trên Netflix mạnh dạn khai thác những vấn đề nhức nhối: như người chuyển giới phải hứng chịu những câu hỏi vô duyên, ác ý từ người dị tính (nhân vật Natalie trong Big Mouth bị những nam sinh cho rằng liệu việc chuyển giới có phải để cô dễ dàng vào trong lều xem lén các bạn nữ thay đồ không), người song tính bị coi là “lăng nhăng”, “thích thử cảm giác mới lạ” trong mắt người xung quanh (nhân vật Jay) hay việc người vô tính công khai với người bạn của mình mà không bị phán xét (nhân vật Todd trong Bojack Horseman).
Sự chuyển biến cởi mở hơn cũng đến từ các hãng phim lớn cho trẻ em, tuy vẫn còn dè dặt và chậm chạp. So với phim truyền hình, phim điện ảnh có bước tiến chậm hơn, đầu tiên là phần hai của bộ phim Bí kíp luyện rồng nhà Dreamworks đã đưa câu chuyện về một cặp đôi đồng tính lên màn ảnh. Mặc dù, Disney vẫn đang chịu sức ép lớn từ Đảng Bảo Thủ (trường hợp sự kiện Don’t Say Gay năm 2022- Nói Không Với Đồng Tính) cũng như khả năng không được đón nhận ở các thị trường lớn như Trung Quốc, các quốc gia vùng Trung Đông vốn nặng nề định kiến về cộng đồng người LGBTQIA+, nhưng những bộ phim gần đây cho thấy sự cởi mở và nỗ lực của những người trong cộng đồng tham gia vào quá trình trình hiện. Pixar đã có sự tiến bộ rõ rệt kể từ Onward khi bắt đầu không tính dục hóa nhân vật LGBTQIA+. Onward đã cho một nhân vật cảnh sát đồng tính nữ xuất hiện thoáng qua. Việc xuất hiện này dù có khiếm khuyết là việc cắt bỏ nhân vật này không ảnh hưởng đến câu chuyện chính, nhưng đã cho thấy sự tiến bộ của ekip làm phim khi quyết định trình hiện nhóm thiểu số/yếu thế qua màn ảnh. Bước tiến lớn khi phim ngắn “Out” (tên Việt: Công khai) ra mắt trên series Pixar Spark Shorts vào Tháng tự hào. Trong phim, một chàng trai đồng tính quyết định chuyển nhà cùng với người bạn trai của mình, nhưng bố mẹ anh bất ngờ đến thăm nhà khiến anh rơi vào tình huống khó xử. Chàng trai chưa hề công khai (come out) cho phụ huynh biết, và lúc này anh và chú chó cưng trải qua tình huống hoán đổi thân xác dở khóc dở cười. Cái kết có hậu là chàng trai nhận được sự chấp nhận của bố mẹ về người bạn trai và họ đón một bữa tiệc vui vẻ. Điều này xảy ra tương tự với Lightyear (2022), khi nhân vật Alisha Hawthorne – vị cảnh sát vũ trụ da màu ở đầu phim lập gia đình với người bạn đời là nữ, có con và cô cháu gái Izzy sau này gia nhập vào đội quân của Buzz. Không chỉ là người đồng đội kiệt xuất của chàng cảnh sát Buzz Lightyear, Alisha là động cơ thôi thúc Buzz trở thành một người lãnh đạo tốt và sửa đổi tính cách để trở thành một người có tính nam lành mạnh. Xuyên suốt phim, Alisha là hình mẫu, linh hồn của câu chuyện bên cạnh nhân vật trung tâm.
***
Quá trình trình hiện những nhân vật cộng đồng LGBTQIA+ của những người trong cuộc không chỉ cho thấy sự cởi mở và dần chấp nhận của xã hội trong việc đưa hình ảnh cộng đồng bị lề hóa lên màn ảnh, mà còn cho thấy những vấn đề định kiến còn tồn tại trong đời sống hằng ngày, những chủ đề mang tính thời sự như vấn đề công nhận hôn nhân hợp pháp, quyền chuyển đổi giới, việc lề hóa những người không tuân theo sự nhị nguyên của giới,.. Bất kể là phim hoạt hình trẻ em hay phim hoạt hình người lớn, việc trình hiện cộng đồng LGBTQIA+ vẫn cần thiết để những người trưởng thành cảm thấy bản thân được công nhận hơn trong việc công khai (come out) với người thân, bạn bè và người yêu, được sống đúng với con người mình mà không bị quy chụp xu hướng tính dục/bản dạng giới với tính cách trong mối quan hệ tình cảm, công việc. Việc trình hiện trên phim hoạt hình cho trẻ em tuy còn gây ra tranh cãi, nhưng với trẻ ở lứa tuổi thiếu niên cảm nhận bản thân mình khác với chuẩn mực dị tính, chúng có sự tự tin và sự tích cực trong việc học hành, vui chơi. Cha mẹ cũng cần biết để có thể học cách dần chấp nhận và hiểu rằng con mình vẫn là một cá thể có sự yêu thương, cá tính riêng và thuộc về gia đình.□
——–
1 Trong phim Nimona, nhân vật Nimona là người phi nhị giới. Để tôn trọng bản dạng giới của nhân vật, người viết xin được phép dùng từ “họ” (ngôi xưng “they/them” theo tiếng Anh) để nhắc đến nhân vật này.
Tài liệu tham khảo:
[1] Ito, Robert. “How ‘Nimona’ Helped Its Creator Explore His Emerging Identity.” The New York Times, The New York Times, 30 June 2023, www.nytimes.com/2023/06/30/movies/nimona-nd-stevenson-profile.html.
[2] Bravo, Ana. “A Content Analysis of LGBTQIA+ Representation in Anime & American Animation.” Digital Commons @ CSUMB, Capstone Projects and Master’s Theses, May 2022, digitalcommons.csumb.edu/caps_thes_all/1329/.
[3] Brown, Adelia. “Hook, Ursula, and Elsa: Disney and Queer-Coding from the 1950s to the 2010s: Published in Johns Hopkins University.” Johns Hopkins University, 21 Sept. 2021, mackseyjournal.scholasticahq.com/article/27887-hook-ursula-and-elsa-disney-and-queer-coding-from-the-1950s-to-the-2010s.
[4] Finklea, Bruce William. “Examining Masculinities in Pixar’s Feature Films: What It Means to Be a Boy, Whether Human, Fish, Car, or Toy.” University of Alabama Institutional Repository, University of Alabama Libraries, 1 Jan. 1970, https://ir.ua.edu/handle/123456789/1977.
[5] Thế nào là bức bối giới? – FTM Vietnam Organization
https://www.facebook.com/ftm.vietnam/photos/a.1581019805523201/ 2626797677612070/?