Chân dung mặt
Hiện tại, quá ít họa sỹ theo đuổi chất liệu lụa. Chuyên tâm với lụa như Vũ Đình Tuấn càng hiếm, anh ấy đã hơn mười năm chỉ vẽ lụa, ngôn ngữ tạo hình hiện đại nhưng kỹ thuật vẽ lụa lại truyền thống.
Chân dung chỉ là cái cớ, mặt cũng chỉ là cái cớ, khuôn mặt chỉ còn là cái khuôn, khuôn hình mặt trong đó chứa đựng những câu chuyện. Mỗi bức tranh là một cái mặt, một cái khuôn hình mặt đóng khung một khoảnh khắc nào đó, chân dung của một khoảnh khắc nào đó.
Câu chuyện của những cái mặt này đều ít nhiều huyền ảo, hư ảo, mơ mộng, mộng mị, ám ảnh, ẩn dụ, bóng gió. Tức là người xem nhìn thấy những câu chuyện không có thật trên những khuôn mặt ấy để rồi sẽ thấy một ý nghĩa thật nào đó.
Ví dụ: Một đàn ngỗng bơi trên mặt hồ hình khuôn mặt, buổi đêm. Một cái lá che kín khuôn mặt và những con chuồn chuồn đen đang tìm chỗ trú trong cái lá – mặt đó. Một khuôn mặt đè lên một khuôn mặt khác, hòa vào nhau, che lấp nhau hay che chở nhau, ở trong nhau? Một khuôn mặt như một cái ao kể câu chuyện một người đang thả lưới, những con cá và những đôi mắt cùng bơi trong đó. Có khi khuôn mặt chỉ là một ô cửa sổ, cửa sổ hình khuôn mặt mà bên ngoài là chập trùng đồi núi. Motif đèn dầu xuất hiện nhiều, bầu đèn là những cái mặt.
Mỗi người có thể và có quyền tìm ra lời giải riêng cho mình về những ẩn dụ đó. Và không nhất thiết phải trùng khít với tác giả. Với họa sỹ, anh ấy cũng chỉ nói rất kiệm lời về các bức tranh đầy tính ước lệ của mình kiểu như: đi tìm dòng sông, cây ánh sáng, di cư, mắt đại dương, ngày trong veo, đêm sâu, khu vườn yêu v.v..
Tôi thì thấy tranh của Vũ Đình Tuấn gợi nhiều đến sự tiếc nuối những câu chuyện đã qua, thời gian đã qua, đã mất đi, cả sự vô thường và những vẻ đẹp trong quá khứ.
…Những khuôn mặt chỉ còn là cái bóng của nó. Trong cái bóng hình mặt đó, trong bóng tối, bóng râm, bóng mát đó ấp ủ những mơ mộng, những mong manh, trăn trở, trằn trọc, trắc ẩn, những vui buồn, được mất, nhớ quên, gặp gỡ,chia ly… những nỗi niềm hàng ngày và rất người.
Hiện tại, quá ít họa sỹ theo đuổi chất liệu lụa. Chuyên tâm với lụa như Vũ Đình Tuấn càng hiếm, anh ấy đã hơn mười năm chỉ vẽ lụa, ngôn ngữ tạo hình hiện đại nhưng kỹ thuật vẽ lụa lại truyền thống. Đây là một điều cần nhấn mạnh, không chỉ với lụa mà với gốm và sơn mài cũng vậy, có nhiều họa sỹ tranh thủ “tự do sáng tạo, cách tân…” để đục nước béo cò phá lụa, phá sơn mài, phá gốm, thực chất là ăn gian, cẩu thả, tay nghề kém, không hiểu biết đến nơi đến chốn về chất liệu truyền thống.
Vũ Đình Tuấn đặt một gia đình ở làng Vạn Phúc dệt loại lụa riêng cho mình. Sau khi vẽ xong, anh không bồi biểu mà căng lụa lên trên toan, đây cũng là một tìm tòi thành công. Phần lớn những bức tranh của Tuấn nền không vẽ gì, không tô gì, giữ nguyên màu lụa đối lập với phần hình có chuyển đậm nhạt và chuyển màu như là sự kết hợp đồ họa với hội họa, không dễ và không dễ đẹp nhưng Tuấn làm được, nhuần nhuyễn mà lại hiện đại hơn. Tuy là điểm nhìn siêu thực nhưng Tuấn pha thêm vào siêu thực cả đồng hiện. Nó vừa phá bỏ được không gian thực mà lại mở ra được nhiều không gian khác.
Một điều băn khoăn nho nhỏ, không hiểu sao nhòe là một đặc thù của chất liệu lụa nhưng Vũ Đình Tuấn không hề sử dụng? Giá như có thêm chút nhòe để mềm mại hơn, ướt hơn, mơ màng hơn, vu vơ hơn.
Làm nghệ thuật là đi tìm mình, đi tìm hình thức của mình. Tức là tìm cách kể, cách viết, cách vẽ thế nào, để ra được mình. Hình thức của hội họa là hình màu, bố cục, bút pháp, chất liệu… Bước đầu Vũ Đình Tuấn đã tìm thấy một hình thức hợp với mình, một bảng màu của mình… Tóm lại Vũ Đình Tuấn đã nhìn thấy mình, nhìn thấy cái mặt của mình, Tuấn đã tìm thấy chân dung của mình, chân dung – mặt mình.
Họa sỹ Vũ Đình Tuấn Năm sinh: 1973 Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương năm 1993 Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2000 Thực tập sinh ở Mỹ năm 2000-2001 |