“Chàng chó”: Yoko Tawada và vẻ siêu trần trong nhơ nhuốc
Trong thế giới của nhà văn Nhật hiện cư trú ở Đức, Yoko Tawada, không có gì bình thường mà lại không có khả năng đột biến thành một điều bất thường.
Từ những chiếc hoa tai kim loại đến những chiếc sticker. Từ một chiếc tủ điện thoại đến một chiếc máy tính. Và ở trong novella Chàng chó (Inu muko iri, 犬婿入), tác phẩm đoạt giải Akutagawa năm 1993 của bà, câu chuyện kỳ dị cũng mở đầu bằng một cảnh trí tưởng chừng có thể cắt ra từ bất cứ đâu: một người phụ nữ vừa pha trà, vừa sờ vào vết thương đã đóng vảy trên đầu gối – Kitamura Mitsuko là giáo viên một lớp học thêm cho lũ trẻ con.
Thế rồi, Yoko Tawada bắt đầu làm nhiễu trộn thế giới ấy bằng những chi tiết khiến người ta gai mình vì sự tục tằn thản nhiên: những tờ giấy đã dùng để xì mũi đem đi lau hạ bộ sau khi đi vệ sinh, cô giáo để lộ ngực trần trước đám học sinh, đống phân gà dùng để trét lên vết thương trên chân cô giáo… “Eo ơi, bẩn quá” là lời của một học trò thốt ra khi nghe cô kể nấu cao phân gà đắp lên người. Yoko Tawada không bao giờ né tránh cái dơ bẩn, cái tục tĩu, cái nhơ nhớp. Nhưng cách bà nói về cái tục tuyệt nhiên không giống như khi ta đọc Céline – văn hào người Pháp có khả năng khiến người ta phải hoa mày chóng mặt vì sự phong phú của kho tàng những câu chửi tục. Cái tục của Tawada dường như là cái tục “made in Japan”, cái tục chỉ có thể sinh ra ở một nền văn chương từng có những thi sĩ như thiền sư Cuồng Vân (Saigyō), đặt cái tục và cái đẹp không chỉ cạnh nhau, mà còn nối liền với nhau.
Chàng chó dựa từ một tích truyện dân gian quái đản: một chú chó được giao liếm mông công chúa sau khi nàng đi vệ sinh mỗi ngày, với hứa hẹn rằng một ngày kia, chó có thể lấy nàng; thế rồi con chó lấy công chúa thật; có nhiều phiên bản kết thúc cho câu chuyện ấy, một phiên bản, nàng giết tay thợ săn giết phu quân chó của mình, lại có phiên bản công chúa cùng chó ra hoang đảo sinh sống, nàng có con với chó, nhưng sau khi chó chết, nàng và đứa con giao hợp để duy trì nói giống. Cái kết nào cũng đen tối vô song.
Một ngày nọ, có một anh chàng tên Taro xuất hiện trước ngưỡng cửa nhà cô Kitamura Mitsuko, sống cùng cô, và anh ta có lối sống không khác gì bị chó nhập: ngày ngủ, đêm thả rông chạy chơi bên ngoài và tờ mờ sáng trở về giao cấu cùng cô.
Người và chó là một chủ đề không chỉ Yoko Tawada mới khai phá. Michel Houellebecq, một nhà văn đương đại đầy khiêu khích, cũng từng mô tả một cuộc hôn nhân đổ vỡ sau khi người chồng phát hiện ra cô vợ làm tình với chó trong nhà mình. Trong Wild, một phim Đức của nữ đạo diễn Nicolette Krebitz từng chiếu trong một liên hoan phim Đức ở Việt Nam, cũng kể về một nhân viên văn phòng trẻ tuổi nuôi một con sói và từ đó bắt đầu giải phóng những dục vọng hoang dại của mình; thậm chí có một cảnh khiến ta rùng mình khi cô gái trong kỳ kinh nguyệt và con sói giúp cô liếm lấy những giọt máu kinh nguyệt.
Sự khác biệt có lẽ ở chỗ, chàng chó của Tawada về mặt hình thức vẫn là một con người, đó không phải chó theo nghĩa đen, mà chỉ có tác phong của chó. Điều đó không có nghĩa novella của bà không dấn thân vào cõi cấm sâu như những tác phẩm kia. Đúng hơn là, việc giữ danh tính người tình chó như một liên tưởng hơn là một sự thật khiến cho Chàng chó không chỉ khám phá được cái nghịch dị, cái tởm lợm, mà còn khám phá được vẻ siêu trần trong những tởm lợm ấy. Nhờ việc giữ Taro vẫn nguyên dáng hình người, bỗng hành xử giống chó sau một lần bị chó cắn – một sự suy thoái nòi giống ngược lại với những yêu quái tu luyện ngàn năm nên có thể hóa thành hình người – Tawada khiến câu chuyện siêu thực thời hiện đại của mình lửng lơ thay vì cố định nó như một mô tả về thú vui tình dục bệnh hoạn (như trong văn chương của Houellebecq). Mà chính sự lơ lửng, lại khiến câu chuyện đáng sợ hơn.
Con người luôn khao khát vươn lên cái sạch sẽ, thì đã đành; nhưng một mặt khác, lại thầm kín bị điều khiển bởi lòng ham muốn cái tởm lợm, cái ô uế. Trong Bút ký dưới hầm, Dostoevsky từng ví von, đại loại là: con người nào phải là phím đàn piano, cho nên cứ ban cho anh ta tất thảy những ân phúc, nhấn chìm anh ta trong bong bóng hạnh phúc, để anh ta chỉ có việc ngày ngày đi ngủ và ăn bánh, không phải anh ta không biết ơn những thứ ấy, nhưng với tất cả lòng biết ơn, anh ta vẫn sẽ tìm đường tự hủy mình trong cái nhơ nhuốc, vì chỉ điều đó chứng minh anh ta là một con người. Chiếu theo cách này thì ăn nằm với một chàng chó cũng là khao khát để xác quyết rằng tôi là người, với toàn bộ ngữ nghĩa của cái từ ấy.
Việc giữ danh tính người tình chó như một liên tưởng hơn là một sự thật khiến cho Chàng chó không chỉ khám phá được cái nghịch dị, cái tởm lợm, mà còn khám phá được vẻ siêu trần trong những tởm lợm ấy.
Khi Han Kang được xướng giải Nobel Văn chương năm nay, nhiều người tiếc vì nhà văn nữ châu Á đầu tiên được vinh danh tại đây không phải là Yoko Tawada. Nhưng có lẽ, đặt Han Kang và Yoko Tawada cạnh nhau mà chỉ để xem ai xứng được trao giải hơn ai thì phí phạm quá. Văn chương của hai người phụ nữ này có những giao điểm thú vị hơn thế.
Nếu như Han Kang viết về một người phụ nữ bỗng một ngày từ chối ăn thịt, rồi dần không ăn gì cả, thì trong một truyện ngắn mang tên The Talisman (Bùa hộ mệnh)trong tập truyện Where Europe Begins (Nơi châu Âu bắt đầu) cũng có một phụ nữ bỗng bị ám ảnh bởi ý tưởng rằng có một người ngoài hành tinh đang chiếm lấy cái máy tính của cô, rồi chiếm lấy cơ thể cô, và rồi quyết tâm nhịn ăn vì cảm thấy có quá nhiều độc tố trong đó. Cả hai nhân vật nữ ấy bạo lực thân xác mình để chống lại những bạo lực từ bên ngoài. Họ không ăn là để cắt đứt nguồn dưỡng chất của những thế lực ngoại lai đang từng bước chiếm hữu hay biến đổi mình.
Yoko Tawada và Han Kang cũng có những mối quan tâm chung về ngôn ngữ. Hai nhà văn không ngừng đi tìm đến cái cùng đích của việc: ngôn từ xét cho cùng đại diện cho cái gì? Ở một bài viết trước về Han Kang trên Tia Sáng, ta đã cùng đọc tiểu thuyết Greek Lessons, nơi những buổi học tiếng Hy Lạp cổ, một ngôn ngữ chết, dẫn đường tìm lại cái tinh khiết của ngôn ngữ và giới hạn mà một từ ngữ có thể biểu đạt. Yoko Tawada cũng có không ít truyện ngắn và tiểu luận về sự chuyển dịch ngôn ngữ có khả năng thay đổi những gì ngôn từ đại diện như thế nào. Chẳng hạn, ở bài viết From Mother Tongue to Lingustic Mother (Từ ngôn ngữ mẹ đẻ tới mẹ ngôn ngữ), bà kể về những chiếc bút chì, trong tiếng Nhật là enpitsu, tiếng Đức lại là Bleistift, tuy nói là cùng biểu thị một thứ, nhưng khi nhắc về chúng bằng hai ngôn ngữ khác nhau, bà cảm thấy như đang xử lí những món đồ khác nhau. Và những cây bút chì quả thực vận hành trong tiếng Nhật khác với tiếng Đức: người Nhật không bao giờ nhân cách hóa bút chì, người Đức thì có. Hay ở vở kịch Tháp Babel của các loài vật, Tawada mường tượng ra cuộc chuyện trò của các loài vật sau một trận hồng thủy, vì mỗi loài vật không thể hoàn toàn hiểu được nhau nên ngôn ngữ trở nên bấp bênh, ngữ nghĩa trượt đi và nhờ thế mà thế giới quan được xếp đặt lại.
Khơi ra như vậy để thấy, giải Nobel tuy mỗi năm chỉ trao được cho một người, nhưng lại có thể gợi lên rất nhiều người khác, và chính cuộc đàm luận hậu Nobel để tìm những đường hầm xuyên qua những tiếng nói văn học mới là quan trọng, chứ không phải so sánh xem ai được nhận giải mới xứng tầm.
Nobel hay không Nobel thì sao? Nhà làm phim người Đức yêu nước Nhật, Wim Wenders, khi đọc Yoko Tawada, đã cảm khái viết một bài thơ, trong đó ông mở đầu bằng hành động cởi mũ mà cúi đầu trước tác giả. Ông bảo, tất nhiên là lúc đọc sách ông không đội mũ, cái mũ chỉ là tưởng tượng, tất nhiên là ông không đọc sách ở một nơi có thể dễ dàng đứng lên mà cúi đầu – ông đọc ở trên máy bay – nhưng ông vẫn muốn cúi đầu trước bà trong tâm tưởng, và nhất định không phải là một cái gật đầu nhẹ nhàng của người Đức, mà phải là cái gập đầu của người Nhật, tức là gập nửa thân người ở góc 90 độ, và giữ tư thế ấy trong một lúc, chiếc mũ tưởng tượng gần như chạm xuống sàn nhà.
Chỉ có sự kính cẩn nhường vậy mới xứng với Yoko Tawada.□
Bài đăng Tia Sáng số 21/2024