Chỉ có một nguyên tắc: Phải làm khác đi
Nói về 21 đêm diễn cháy vé của hai vở nhạc kịch tại Hà Nội cuối năm 2016, đạo diễn 25 tuổi Nguyễn Phi Phi Anh cho rằng, việc cháy vé không mang lại cảm giác hạnh phúc bằng việc nhìn thấy các tác phẩm của mình sau bốn-năm năm ra mắt lần đầu vẫn được chào đón, thậm chí còn có một sức sống mới. Phi Anh đã dành cho Tia Sáng một cuộc trò chuyện ở giai đoạn vở diễn thứ ba chuẩn bị diễn 35 đêm vào cuối tháng 2-2017.
Nguyễn Phi Phi Anh sinh năm 1991 tại Hà Nội, tốt nghiệp ngành sân khấu, Đại học Hampshire, Hoa Kỳ cuối năm 2015. Anh gọi “Góc phố danh vọng” là chuyện của những con chim, “Đêm hè sau cuối” là chuyện của người ngoài hành tinh và “Mộng ước” có thể là câu chuyện tám trên xe Uber. Phi Anh chứng minh tài năng “3 trong 1” với các vai trò: biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất. (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hai mốt tuổi Phi Anh có “Góc phố danh vọng”, 22 tuổi có “Đêm hè sau cuối” và 25 tuổi là 21 đêm diễn cháy vé cùng một vở mới sắp công diễn. Lúc này, anh cảm thấy điều gì?
Lúc còn nhỏ tôi thích xem nhạc kịch. Đặc biệt tôi thích cảm giác chỉ ngồi nghe hát mà thấy được cả một câu chuyện trong các vở diễn. Rồi tôi đi học, chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó mình sẽ nổi tiếng vì những điều mình thích thú từ ngày bé như thế.
Lần dựng “Góc phố danh vọng” (năm 2012), tôi nhận được sự trợ giúp rất nhiều từ một ông chủ truyền thông và lúc này vẫn luôn nghĩ, nếu không có sự bắt đầu đó, tôi chưa chắc làm được như bây giờ. Vở diễn ra mắt công chúng, tôi đứng bên dưới và cảm thấy hạnh phúc kinh khủng khi thấy khán giả hòa vào câu chuyện kể của mình một cách đầy thích thú.
Toàn bộ diễn viên trong cả ba vở đều nghiệp dư, chưa qua đào tạo diễn xuất ở bất kỳ trường lớp nào, mỗi vở gồm 35 diễn viên. Phi Anh cho rằng, sự trong sáng của diễn viên khiến họ sáng tạo hết mình trong khi tập và diễn xuất trên sân khấu, nên anh sẽ “chung tình” với phương án sử dụng diễn viên không chuyên. Ảnh: Một cảnh trong vở “Đêm hè sau cuối”, tháng 10/2016 – tác giả: Thanh Trần.
Lần này, dựng lại cả hai vở “Góc phố danh vọng” và “Đêm hè sau cuối”, khán giả tiếp tục ủng hộ. Tôi quan sát và thấy khán giả khác trước nhiều. Năm 2012, họ đến vì tò mò, không mong chờ nhiều. Bây giờ họ đến với một thái độ khác, dù vẫn có người đến chỉ để tỏ ra “nguy hiểm”, để viết status, comment (cười)… Khi người ta lên Facebook để thể hiện bản thân nhiều hơn thì tôi cũng… cảnh giác với thái độ của khán giả hơn (cười).
Tất nhiên tôi vẫn vui, chỉ là niềm vui khác trước. Tôi vui khi tôi nhìn thấy tác phẩm của mình được diễn hằng đêm, thấy diễn viên vui, khán giả vui… Tôi nhận ra, sản phẩm của mình lúc này đã là một công trình. Điều đó không phải thể hiện bằng 21 đêm diễn, mà vì bốn-năm năm ấy nó không chết, nó vẫn sống và đang có một đời sống khác.
Nhưng ngay cả bản thân mình, Phi Anh hình như cũng bớt trong sáng đi, nếu so với thời còn là “cậu bé làm nhạc kịch” đó thôi!
Tôi thừa nhận, “Góc phố danh vọng” chứa đựng đầy sự mơ mộng và trong sáng của tôi. Tôi luôn thấy may vì đã kịp viết một vở ở thời mình còn thực sự trong trẻo ấy. “Đêm hè sau cuối” đã là tác phẩm của một kẻ hám danh muốn chứng tỏ bản thân rồi. Còn khi 25 tuổi, tôi tin mình đã có nhiều trải nghiệm hơn, nhưng tôi muốn mình vẫn mơ mộng, nên khán giả cứ chờ xem “Mộng ước” của tôi ở năm mới nhé.
Nhạc kịch đối với Phi Anh là gì?
Là những câu chuyện được kể bằng âm nhạc đại chúng trên sân khấu. Có nhiều người cho rằng nhạc kịch phải hát kiểu opera, phải kể bằng những bản nhạc cổ điển. Thực ra không phải vậy. Ở thời điểm nhạc kịch ra đời, opera là âm nhạc đại chúng, nên những vở nhạc kịch cổ điển đều được tái hiện bằng các bài hát theo thể loại này. Hiện tại là thời của Pop, R&B, thậm chí EDM [âm nhạc điện tử], nên tôi muốn dùng thứ âm nhạc ấy để kể câu chuyện của thời đại mình.
Tại sao có nhiều bộ phim làm đến phần thứ 10 vẫn hấp dẫn? Tôi đặt câu hỏi ấy và nhận thấy, người ta vẫn háo hức với những phần tiếp theo vì nó chứa đựng hơi thở đời sống. Đó là bằng chứng thuyết phục tôi rằng mình không cần cố gắng làm ra cái gì đó kinh điển, nhiệm vụ của mình chỉ cần làm ra một vở kịch mà mọi người xem đều thấy một phần cuộc sống của mình ở trong đó.
Đó là lý do tôi không ngại đưa tình tiết thời sự vào các vở diễn của mình. Dù có những chuyện chỉ người xem năm nay mới hiểu được nhưng tôi không ngại. Vì sang năm nếu diễn lại, tôi có thể đưa những câu chuyện mới vào để thay đổi mà vẫn hợp lý. Và tôi cũng muốn sử dụng những thể loại âm nhạc của thời đại này vì âm nhạc chính là sự phản ánh nhịp điệu cuộc sống.
Phi Anh sử dụng những bản pop thời thượng của Lady Gaga, Britney Spears… cùng tác phẩm âm nhạc trong những vở ca vũ nhạc lẫy lừng như “Cabaret”, “Grease”, “Nine”… Mỗi vở có 17 nhạc công, đều là sinh viên nhạc viện. Một cách tình cờ, mỗi vở cũng sử dụng khoảng 17 ca khúc. Ảnh: Một cảnh trong vở “Góc phố danh vọng”, tháng 11/2016 – tác giả: Thanh Trần.
Nếu có một thứ tự ưu tiên trong tác phẩm của mình, thì thứ tự đó lần lượt là…
Nhân vật, kịch bản và âm nhạc – tôi nghĩ đó là thứ tự ưu tiên của mình. Tôi biết kịch bản rất quan trọng, nhưng nếu mình “đẻ” được một nhân vật được khán giả yêu thích ngay thì câu chuyện không còn là điều quan trọng nhất nữa. Với tôi, khi khán giả ra khỏi rạp, nếu họ cảm thấy thích cô gái này hay anh chàng kia trong vở kịch thôi là được.
Có nhân vật tốt, diễn viên sẽ có cảm hứng để sáng tạo và diễn vô cùng tốt. Còn diễn viên có giỏi tới đâu nhưng không có đất diễn, họ cũng chẳng làm gì được.
Có lẽ vì quan điểm đó nên cả hai vở đã diễn của anh đều được nhận xét: tình huống tốt, nhân vật đáng nhớ nhưng vẫn còn yếu trong khâu kịch bản. Ở vở tới, Phi Anh có định khắc phục nhược điểm về kịch bản đó?
Làm mọi thứ tốt là mong ước của tất cả người làm sáng tạo. Khi viết kịch bản, tôi luôn đặt ra câu hỏi: Có làm gì để bất ngờ hơn được không? Tôi chọn điều khác biệt gây ấn tượng hơn là sự an toàn. Chặt chẽ không phải là ưu tiên của tôi.
Tôi thích nhân vật phải đáng nhớ, và câu chuyện phải luôn thay đổi bất ngờ. Tôi luôn tạo cho nhân vật của mình sống ở một thế giới mà chuyện gì cũng có thể xảy ra, đôi khi tôi muốn gây bất ngờ chỉ vì tôi thích thế nên ngay cả diễn viên cũng thoải mái sáng tạo trong khi tập. Tôi chỉ có nguyên tắc duy nhất: cùng nhau sáng tạo không ngừng.
Nhưng giới chuyên môn nhận xét, âm nhạc và kịch bản đôi chỗ vẫn còn rời rạc, anh lý giải về chuyện đó thế nào?
Nhận xét đó là hoàn toàn đúng. Hiện nay tôi sử dụng các bản nhạc ngoại và viết lời Việt dựa theo câu chuyện của mình. Phần nhạc tôi sử dụng chủ yếu để diễn tả cảm xúc nhân vật chứ chưa có phần đối thoại bằng âm nhạc, dù tôi cũng muốn nhân vật được trò chuyện với nhau nhiều hơn nữa bằng âm nhạc.
Nhưng tôi phải nói thêm rằng, nhạc kịch Broadway cũng đã nhiều lời thoại hơn rồi, dù lời thoại của họ chủ yếu vẫn là âm nhạc. Để làm được như sân khấu Broadway cần một người sáng tác riêng. Một cách nghiêm túc, tôi chưa làm được và tôi cũng không muốn làm. Lý do là tôi thấy cái ngữ điệu trong giọng nói của người Việt rất đặc thù và tôi muốn tận dụng điều đó. Tôi trân trọng những ý kiến nhận xét nhưng vẫn giữ quan điểm của mình.
Đến bao giờ thì các tác phẩm của Phi Anh sẽ có người viết nhạc riêng, để thêm một bước nữa lên chuyên nghiệp?
Một cách chuyên nghiệp thì sự phân quyền trong một tác phẩm nhạc kịch rất rõ ràng, nhiều khi có tới ba bộ phận sáng tạo riêng biệt: người viết kịch bản, người viết nhạc, và người viết lời. Đạo diễn là người cuối cùng sáng tạo trên cơ sở dữ liệu ấy nên nó cho phép rất nhiều biến tướng của một vở diễn, nó cũng cho phép tạo ra sự linh hoạt cho một tác phẩm, có thể diễn ở nhiều hoàn cảnh, nhiều sân khấu khác nhau. Còn vở diễn của tôi thì chắc chắn không làm như thế được. Thậm chí nếu không phải sân khấu ấy1 chưa chắc đã hay, không phải dàn diễn viên ấy chưa chắc đã thành. Nhìn cách nào đấy, tác phẩm của tôi còn nhiều bó buộc.
Tôi thừa nhận mình chưa đủ trình độ để tạo ra một tác phẩm chuyên nghiệp như đã kể. Khi mọi người hỏi tôi tại sao không tìm một người viết nhạc riêng, thì câu hỏi đầu tiên bật ra trong đầu tôi là: Viết có hay không? (cười). Tôi biết Việt Nam có rất nhiều người giỏi, nhưng người Việt không giỏi hợp tác, cá nhân tôi cũng thế, không giỏi hợp tác. Tôi vẫn có nỗi lo, người viết nhạc sẽ viết về thế giới của riêng họ, thế giới đó liệu có phù hợp với tôi không, nên ngày chuyên nghiệp đó chắc còn xa lắm.
Cảm ơn những chia sẻ của Phi Anh!
Thủy Liên thực hiện
————
1 Hội trường L’Espace, Hà Nội, với gần 250 chỗ.