Chỉ dịch những tác phẩm có thông điệp mới lạ

Phạm Nguyên Trường, một trong hai dịch giả được nhận giải thưởng Phan Châu Trinh 2012 ở hạng mục giải Dịch thuật, dành cho chúng tôi trao đổi về vài quan điểm và câu chuyện dịch thuật của cá nhân ông.

Tôi đã gặp may

Đường về nô lệ (của Friedrich von Hayek), Chế độ dân chủ (của N.M. Voskresenskaia, N.B. Davletshina) hai dịch phẩm này của ông đều có chung một số phận không may mắn sau khi xuất bản. Chuyện đã qua vài năm, nhưng vẫn muốn hỏi ông, là một dịch giả, ông thấy thế nào khi những cuốn sách của mình, ra gần như cùng thời điểm, đều “bị thổi còi?”

Phạm Nguyên Trường: Có lẽ tôi với bạn có cách hiểu cụm từ “số phận không may mắn” hơi khác nhau. Đối với tôi một cuốn sách có số phận không may là cuốn sách bị độc giả quay mặt đi vì không nói được với họ điều gì mới, hay người dịch không đủ trình độ… tóm lại là không đáp ứng được đòi hỏi của độc giả. Còn bạn lại cho là cuốn sách “bị thổi còi”, tôi hiểu là không được phát hành, không được tái bản là “không may”. Đấy, nội chuyện đó đã phải làm rõ rồi, nói gì đến văn chương.

Theo tôi thì ngược lại, hai tác phẩm này đã gặp may. Đã có những người nhận ra giá trị của chúng, xuất bản chúng, mặc dù biết rằng chắc chắn sẽ gặp rắc rối, không nhiều thì ít. Chúng còn gặp may hơn nữa vì đã được độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt, nhiều người thỉnh thoảng vẫn hỏi tôi: Sao không thấy tái bản? Thế là những cuốn sách đó có số phận may mắn rồi còn gì, nếu coi tác phẩm là đứa con tinh thần của mình thì trong trường hợp này có khác nào có cô con gái đẹp, nhiều chàng trai có ý dạm hỏi? Tôi cũng gặp may vì ngoài hai cuốn bạn vừa kể, còn một cuốn nữa nhan đề là Về trí thức Nga, ba cuốn này có thể được coi là những tác phẩm đầu tay, lại được xuất bản cùng một lúc.

Có lẽ chính những người lãnh đạo ở Nhà xuất bản Tri Thức mới gặp “không may”, tôi nghe nói cũng có vài chuyện rắc rối. Và bạn đọc nữa, ý tôi là những người muốn mua, muốn đọc tác phẩm mà không tìm được ấy.

DỊCH GIẢ PHẠM NGUYÊN TRƯỜNG

Tên thật: Phạm Duy Hiển (bút danh khác: Phạm Minh Ngọc) sinh năm 1951, tốt nghiệp Đại học ở Liên bang Xô viết năm 1975, sống và làm việc ở  Vũng Tàu từ năm 1985; là dịch giả của nhiều tác phẩm triết học, khoa học xã hội và văn chương.

Những dịch phẩm chính:

N.M. Voskresenskaia, N.B. Davletshina, Chế độ dân chủ, NXB Tri Thức 2009.
Nhiều tác giả, Về Trí thức Nga, NXB Tri Thức 2009.

F. A. Hayek, Đường về nô lệ, NXB Tri Thức 2009.

S. Freud, Tâm lý đám đông và phân tích cái tôi, in chung trong tác phẩm của G. Lebon, Tâm lý đám đông, của dịch giả Nguyễn Xuân Khánh, NXB Tri Thức 2009.
Eamonn Butler, Khảo lược Adam Smith, NXB Tri Thức 2009.

Nhiều tác giả, Thị trường và đạo đức, NXB Tri Thức 2012.

A.T. Mahan, Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử 1660-1783, NXB Tri Thức 2012.

Một số tác phẩm nổi tiếng của George Orwell, Milovan Djilas…
“thổi 

Tôi thấy hiện tượng mà bạn gọi là “thổi còi” là hiện tượng rất không hay. Nó chỉ gây cho người ta cảm giác là cơ quan quản lí quá khắt khe. Bây giờ các nhà xuất bản có thể lập tức chuyển sách về các địa phương, không thể nào thu hồi được… rồi còn không gian ảo, người ta tải lên đó, ai cấm được. Tóm lại, theo tôi, đã bước sang thập kỉ thứ hai của thiên niên kỉ thứ ba rồi mà còn “thổi còi” là thất sách. Cách đây cả 100 năm, cụ Phan Châu Trinh đã hô hào khai dân trí, tức là làm cho người dân có nhiều kiến thức hơn, thế mà bây giờ vẫn còn cấm đoán cuốn sách này, cuốn sách kia; mà đấy có phải là những cuốn dâm thư hay sách dạy chế tạo bom mìn, chất nổ, khủng bố gì đâu. Tôi cho rằng đây cũng là một trong những lí do vì sao tỉ lệ người có bằng cấp của nước ta so với các nước xung quan thì khá cao, nhưng số công trình khoa học được đăng tải trên những tờ tạp chí chuyên ngành quốc tế thì lại thấp.
 
Hẳn khi dịch chúng, ông đã lường trước được chuyện “gặp may” đó?

Tôi là một “tay ngang”, không có hiểu biết gì về ngành xuất bản, quản lí xuất bản hay nói chung là “quản lí về tư tưởng” gì hết. Đối với tôi, dịch là một thú vui, một “cuộc chơi”, cũng như những người khác chơi cờ, chơi cá cảnh… vậy thôi. Lúc bắt tay vào dịch, tôi cũng ngờ rằng có lẽ khó mà xuất bản được, nhưng không xuất bản được cũng không sao. Tôi có thể đưa lên blog cá nhân. Ông Vasily Grossman, tác giả cuốn Cuộc đời và số phận, từng nói rằng muốn có tác phẩm thì trước hết phải có bản thảo đã.

Có bao giờ ông nghĩ rằng, những trục trặc khi xuất bản đã chứng minh cho những gì bên trong những cuốn sách nói là đúng đắn…

Tôi không biết các nhà quản lí “chăm sóc” một tác phẩm cụ thể nào đó vì lí do gì, nhưng tôi nghĩ đây là những cuốn sách nghiêm túc và đúng đắn vì những lí do khác hẳn. Cuốn Đường về nô lệ từng là sách gối đầu giường của các nhà cải cách ở Trung Quốc; trước đó Tổng thống Reagan của Mỹ và bà Thủ tướng Thacher của Anh từng coi đây là tác phẩm quan trọng và còn mời cả tác giả của nó, ông Friedric von Hayek, tới để tham vấn nữa. Cuốn Chế độ dân chủ là sách giáo khoa dùng trong trường phổ thông trung học ở Nga. Còn cuốn Về trí thức Nga là tập hợp những bài viết về những người có học ở nước Nga, bài đầu tiên xuất hiện từ năm 1909, bài cuối cùng xuất hiện năm 2008. Trông người lại ngẫm đến ta, đọc cuốn này ta có thể rút ra được nhiều bài học bổ ích. Tôi nghĩ vì vậy mà đáng lẽ ra những tác phẩm này phải được quảng bá rộng rãi và khuyến khích xuất bản nữa.

Không dịch những tác phẩm vô thưởng,vô phạt

Có vẻ như ông là một dịch giả đặc biệt, theo nghĩa “kiên định” trong quan điểm chọn dịch những tác phẩm bị coi là “gai góc”, rất “xung khắc” với bối cảnh quản lý xuất bản hiện nay. Phải chăng, các dịch giả khá thuận tiện trong việc tỏ bày quan điểm về xã hội gián tiếp (và cả quyết liệt) qua những dịch phẩm?

Tôi không biết mình có phải là người “kiên định” trong việc chọn dịch những tác phẩm “gai góc”, rất “xung khắc” với bối cảnh quản lý xuất bản hiện nay, như bạn nói hay không; nhưng tôi là người “kiên định” trong việc dịch những tác phẩm có những kiến thức mới lạ, dĩ nhiên là theo cách hiểu của tôi; “kiên định” trong việc không dịch những tác phẩm vô thưởng, vô phạt, chỉ tốn giấy in và làm mất thì giờ của bạn đọc. Mà người quản lí thì thường hay nghi ngờ cái mới, cái có thể gây ra những việc “lôi thôi”, làm phiền đến họ, chưa nói họ còn có thể bị cấp trên khiển trách nữa; thành ra, cứ có nhiều cơ quan quản lí là bao giờ công việc cũng diễn ra một cách chậm chạp. Bộ máy quản lí bao giờ cũng “xung khắc” với những người có ý tưởng mới, trong trường hợp này là những người dịch những tác phẩm có ý tưởng mới. Cho nên theo tôi, nên bớt cơ quan quản lí đi, bạn đọc của chúng ta thông minh lắm, người ta sẽ chỉ đọc những thứ bổ ích với họ thôi. Tôi nghĩ cơ quan quản lí chẳng nên sợ bóng sợ gió làm gì.

Tôi không biết những người dịch khác có quan điểm như thế nào, nhưng, như đã nói, tôi chỉ dịch những tác phẩm có những thông điệp mới lạ. Tất nhiên đấy cũng là một cách bày tỏ quan điểm về xã hội, một cách gián tiếp, như bạn nói. Nhưng tôi dịch những cuốn sách đó vì tôi không viết được chúng, chứ nếu đủ sức viết được những điều đó (mà không phải là đạo văn) thì chắc chắn là tôi đã viết rồi, quan điểm của tôi sẽ được trình bày một cách trực tiếp hơn, dễ hiểu hơn.
 
Nếu bạn bảo tôi dịch sai thì có lẽ tôi sẽ cãi

Phê bình dịch thuật vài năm gần đây là chủ đề nóng trên các mặt báo. Nếu một thời, dịch giả ẩn sau những cuốn sách thì bây giờ, anh ta đứng vào trung tâm các cuộc tranh luận dịch thuật. Lao động dịch thuật có vẻ như được công chúng quan tâm hơn. Với một người dịch triết, văn học, khoa học xã hội “tạt ngang” từ ngành vật lý, xin ông cho biết những điều trên có tạo thêm áp lực cho công việc của một dịch giả?

Tôi coi đây là tín hiệu tốt. Là một bước trên con đường dân chủ hóa về mặt học thuật. Trước đây, có thể chỉ có dịch giả mới có nguyên tác, hoặc nhiều lắm thì trong nước cũng chỉ có một vài cuốn nguyên tác thôi, người đọc lại kém ngoại ngữ, thành ra người ta có thể dịch sai mà không ai biết. Bây giờ bạn đọc có thể tìm được nguyên tác một cách dễ dàng, và có nhiều người biết ngoại ngữ hơn, dịch sai là họ phát hiện ra liền. Nhưng tôi không hề thấy áp lực vì tôi dịch là để đáp ứng nhu cầu nội tâm của chính mình, rồi sau mới chia sẻ với bạn đọc, cho nên tôi làm việc chậm rãi, trước hết là để tìm trong những tác phẩm mình đang dịch những câu trả lời cho những vấn đề đang diễn ra xung quanh, tôi phải hiểu kĩ từng câu, từng chữ rồi mới gõ lên bàn phím. Tôi là người “tạt ngang” như bạn nói, cho nên càng phải thận trọng; khi dịch những tác phẩm lớn, tôi thường để hai phiên bản (tiêng Nga và tiếng Anh) cạnh nhau, còn khi có file mềm thì chép một đoạn bằng cả hai thứ tiếng lên máy tính, đọc cả hai cùng một lúc để chắc chắn là mình không hiểu sai, nhưng đặt câu thì nương theo nguyên tác. Ngay từ tác phẩm đầu tiên tôi đã làm như thế rồi, cho nên tôi không sợ áp lực. Bạn có thể bảo tôi dịch không hay, cái này thì tôi không dám cãi, nhưng nếu bạn bảo tôi dịch sai thì có lẽ tôi sẽ cãi, mặc dù như có người đã nói: người là con vật rất hay sai.

Trong bối cảnh sinh hoạt học thuật hiện nay, theo ông thì dịch giả đứng ở đâu, một nhà khai minh hay đơn giản chỉ là kẻ chuyển ngữ văn bản thuần túy, hoặc chỉ là một việc như bao việc khác?

Tôi cho rằng câu hỏi này quá bao quát, tôi không thể trả lời hộ cho những người dịch khác được. Chỉ cần vào một nhà sách lớn và nhìn vào tựa sách là ta sẽ thấy ngay rằng nếu tập hợp tất cả những người dịch lại thì ta sẽ được xã hội Việt Nam thu nhỏ, xã hội có gì thì tập hợp những người dịch cũng có những thứ đó, người thì ước muốn khai minh, kẻ thì chuyển ngữ văn bản thuần thúy, kẻ thì dịch để kiếm tiền, kiếm danh… tôi nghĩ là đủ hết.

Xin cảm ơn ông.

GIẢI THƯỞNG VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH 2012:

Giải Văn hóa và Giáo dục: Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen) và Vũ Đức Hiếu (Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường);

Giải Việt Nam học: Tiến sĩ phương Đông học và Việt Nam học người Pháp Philippe Langlet;

Giải nghiên cứu: Giáo sư Lê Thành Khôi;

Giải dịch thuật: Phạm Nguyên Trường và Chu Tiến Ánh.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)