Chì trắng hay câu chuyện về lịch sử Hà Lan
Thoạt nghe có vẻ khó tin nhưng máy sắc ký khối phổ đã giúp các nhà nghiên cứu Hà Lan khám phá ra mối liên hệ thú vị giữa thành phần hóa học của các màu trong những bức họa và các cuộc xung đột trong lịch sử.
Điều gì sẽ xảy ra khi bạn kết hợp kiến thức khoa học với những “ngón nghề” của một thám tử trong lĩnh vực nghệ thuật? Câu trả lời sẽ khiến ai cũng phải ngạc nhiên, đó là tìm thấy những manh mối lịch sử mới, những điều đã từng bị bỏ qua trước đây. Để làm được điều này, bạn cần một cách tiếp cận liên ngành, sự kết hợp của những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, sự trợ giúp của những thiết bị hiện đại…
Đó chính xác là những gì mà một nhóm các nhà khoa học Hà Lan đã áp dụng để tìm ra bí mật trong bảng màu của các danh họa Hà Lan thế kỷ 17 thông qua 77 bức họa. Có lẽ, mục tiêu ban đầu của các nhà khoa học là quay ngược thời gian để hiểu về việc thương mại toàn cầu của quặng đã ảnh hưởng như thế nào đến sự sáng tạo của nghệ thuật. Việc theo vết chuỗi cung cấp liên quan đến màu vẽ của các nhà nghiên cứu cuối cùng đã đem lại một cái nhìn độc đáo vào những tranh chấp chính trị của thế kỷ 17, bao gồm Nội chiến Anh và xung đột Anh – Hà Lan – Pháp. “Chúng tôi nhận ra có sự thay đổi đáng kể trong thành phần đồng vị chì trắng trong thời kỳ 1642-1647,” D’Imporzano, một trong số các nhà khoa học tham gia nghiên cứu này, trao đổi với Inverse. “Sự thay đổi này trùng khớp với những sự kiện kinh tế xã hội quan trọng mà có lẽ là làm thay đổi chuỗi cung cấp chì trắng ở Hà Lan, và do đó ảnh hưởng đến các tỉ lệ đồng vị chì của chì trắng”.
Kết quả nghiên cứu được họ công bố trên tạp chí Science Advances “Time-dependent variation of lead isotopes of lead white in 17th century Dutch paintings” (Sự biến thiên phụ thuộc thời gian của các đồng vị chì trắng trong các bức họa Hà Lan thế kỷ 17).
Bí mật của chì trắng
Khi đưa những đường cọ tô các cổ áo màu trắng của bức họa Syndics of the Drapers’ Guild, vẽ chân dung những thành viên của phường hội vải vóc, Rembrandt không hề tưởng tượng ra là khoảng 400 năm sau, chính màu vẽ này có thể được dùng để khám phá ra những xung đột chính trị.
Dĩ nhiên D’Imporzano và đồng nghiệp của mình không phải là những người đầu tiên sử dụng đồng vị chì. Từ những năm 1960, nhiều nhà khoa học đã sử dụng chúng để nghiên cứu về di sản văn hóa, tìm nguồn gốc các đồ tạo tác bằng kim loại của nhiều nền văn hóa ở nhiều thời kỳ như tiền sử, Hi Lạp, La Mã cổ đại hay thời kỳ Trung Cổ sớm, và sau này là phân tích màu vẽ chứa chì. Các đồng vị khác nhau của chì được dùng để kiểm tra sự khác nhau trong chế tạo màu vẽ, bao gồm cả việc kiểm soát các đặc tính vật lý của chì và việc xác định các vùng sản xuất. Tại sao chì trắng lại quan trọng? Vì đây chính là màu vẽ được sử dụng trong các tác phẩm nghệ thuật từ thời thượng cổ đến thế kỷ 20 và được coi là màu quan trọng bậc nhất trong tất cả các màu trắng. Khi thứ bột trắng này dược trộn với một loại keo kết dính như dầu lanh, nó tạo ra một màu vô cùng linh hoạt. Nó được sử dụng để tạo ra những điểm nhấn trắng hoặc trộn với các màu khác để tạo ra những tông màu sáng hơn, hoặc cũng trở thành một thành phần của lớp nền, hoặc đơn giản là tác nhân giúp màu vẽ khô nhanh hơn. Do đó, “chì trắng là ứng cử viên hoàn hảo cho phân tích đồng vị chì. Việc phân tích này có thể giúp xác định được nguồn gốc địa lý của quặng chì – thông tin hữu dụng để truy dấu các tuyến thương mại chì và cung cấp thông tin về lịch sử của màu vẽ”, các nhà nghiên cứu viết như vậy trong công bố.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu trích mẫu chì trắng trong 77 bức họa với những thông tin xác thực về tác giả từ các bảo tàng Hà Lan như Rijksmuseum, Amsterdam, Mauritshuis, The Hague của 27 họa sĩ sống và làm việc trong thế kỷ 17 – thời kỳ được coi là hoàng kim của Hà Lan về khoa học, thương mại, quân sự, nghệ thuật. Trong thời kỳ này, những tên tuổi lớn của hội họa Hà Lan như Frans Hals ở Haarlem, Rembrandt van Rijn ở Amsterdam đều sáng tác nghệ thuật theo đơn đặt hàng của các nhà bảo trợ giàu có với nguồn thu từ buôn bán thương mại và khai thác thuộc địa.
Vào thế kỷ 17, Hà Lan là trung tâm sản xuất chính màu chì trắng và có khả năng là cung cấp đủ nhu cầu trong nước. Dẫu vẫn còn chưa biết chính xác về việc sản xuất chì trắng trong thời kỳ này nhưng có thể ước tính vào năm 1790, có khoảng 1.350 tấn chì trắng đã được vận chuyển ở các cảng Amsterdam, Rotterdam và cuối thế kỷ 18, có hơn 35 công xưởng hoạt động ở Hà Lan với sản phẩm 4000 tấn mỗi năm. Trong thế kỷ 17, cũng có một số trung tâm sản xuất chì trắng với quy mô nhỏ hơn ở Anh và Venice, vốn là nơi chế tạo chì trắng chính từ giữa thời kỳ Trung cổ đến tận thế kỷ 17.
Hà Lan đã nhập khẩu chì dưới dạng kim loại, phần lớn từ Anh, để tạo ra chì trắng thông qua việc đun nóng chảy và đúc lại thành những cuộn mỏng. Quá trình đúc này bao gồm việc xếp chồng một số nồi lên nhau, bên trong chứa giấm và những cuộn chì kim loại (hai thứ không tiếp xúc với nhau) rồi phủ bằng phân ngựa. Sự bốc hơi của a xít từ giấm cùng với CO2 và nhiệt tạo ra từ phân ngựa gia tốc phản ứng của chì kim loại dẫn đến sự hình thành chì carbonate (chì trắng) sau nhiều tuần. Màu được tách khỏi kim loại chưa tham gia phản ứng và được tái sử dung, trong khi chì trắng được làm sạch và chuyển thành sản phẩm.
Chì trắng mở cửa thế giới lịch sử và nghệ thuật
Các nhà nghiên cứu đã lập được một cơ sở dữ liệu chì trắng của 77 bức họa. Khi sắp xếp các đồng vị chì trắng lại, họ nhận thấy những thay đổi trong các tỉ lệ đồng vị chì trong chì trắng có mối liên hệ trực tiếp với các sự kiện lịch sử. Thời kỳ 1642–1647 trùng khớp với Nội chiến Anh, khi nhu cầu chì gia tăng và việc sản xuất chì ở Anh, nhà cung cấp chì chính của châu Âu, bị ảnh hưởng đáng kể, dẫn đến những thay đổi về việc cung cấp chì cho quốc tế.
Thay đổi đáng kể thứ hai sau những năm 1670 lại liên quan trực tiếp đến căng thẳng và xung đột gia tăng giữa Anh và Hà Lan (Cuộc chiến Anh – Hà Lan, 1672–1674), và Pháp (Cuộc chiến Pháp – Hà Lan, 1672–1678). Không nghi ngờ gì nữa, những xung đột lớn như vậy đã là nguyên nhân làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển chì. Các cuộc chiến tranh cũng dẫn đến nhu cầu lớn về chi để chế tạo vũ khí và đạn dược, do đó, còn rất ít chì dành cho các mục đích khác. Không thể loại trừ khả năng là tình trạng này dẫn đến việc dùng nhiều chì từ những nguồn cung nội địa và tái sử dụng chì với những thành phần khác nhau cho quá trình sản xuất chì trắng. Điều này có thể giải thích cho hai trong số mẫu được trích từ các bức họa của G. ter Borch và Frans Jansz Post được vẽ trong những năm 1670.
Không chỉ có thế, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra việc nhận diện được sự biến thiên theo thời gian trong các tỉ lệ đồng vị chì trong chì trắng còn làm giúp tăng khả năng phân biệt các tác phẩm thời kỳ đầu và cuối sự nghiệp của từng họa sĩ được khảo sát. Với phát hiện này, cơ sở dữ liệu đồng vị chì giúp các nhà sử học nghệ thuật một công cụ độc nhất vô nhị để giải thích những hiểu biết về nguồn gốc của các vật liệu mà các họa sĩ sử dụng và do đó là cả ngày vẽ của các tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, trong trường hợp này là các bức họa Hà Lan thế kỷ 17.
Có một điểm đáng chú ý là trong dù được sáng tác ở nước ngoài thì một số bức họa của các họa sĩ Hà Lan vẫn được vẽ bằng màu chứa chì trắng Hà Lan. Bức chân dung vẽ năm 1672 của Borch và bức tĩnh vật của Grueber năm 1670 lần lượt được vẽ ở Munster và Stuttgart, Đức. Sự xuất hiện của chì trắng Hà Lan có thể được giải thích là Đức và Hà Lan gần nhau, tuy nhiên khi kết hợp với những bằng chứng ghi chép, phát hiện này đã góp phần khẳng định: Hà Lan dẫn đầu thế giới về sản xuất và buôn bán chì trắng.
Việc nhận diện chì trắng còn giúp các nhà khoa học phân tích View of the Island of Itamaracá, Brazil – một bức họa của Frans Jansz Post vẽ năm 1637. Trong cơ sở dữ liệu của Rijksmuseum, Amsterdam, bức họa được vẽ khi họa sĩ tới Brazil, nơi ông sống từ năm 1636 đến năm 1644. Tuy nhiên, cũng có thông tin đề xuất là họa sĩ vẽ nó khi đã trở về Hà Lan. Dữ liệu về đồng vị chì đã chứng minh rằng chì trắng mà Post sử dụng giống với màu trắng trong các bức tranh của Hà Lan vào nửa đầu những năm 1600. Vào thời điểm này, Hà Lan là nước sản xuất chì trắng lớn trên thế giới, nhưng không có ghi chép nào đề cập đến việc buôn bán chì trắng sang Brazil. Do đó, dữ liệu đồng vị mở ra ba khả năng: 1. Bức tranh được Post vẽ trong thời gian đầu sống ở Brazil và ông đã mang theo chì trắng Hà Lan; 2. Bức tranh được vẽ tại Brazil với chì trắng Hà Lan nhập khẩu từ Hà Lan và Nam Mỹ; 3. Bức tranh được họa sĩ vẽ ở Hà Lan, và có thể được vẽ ngay sau khi ông trở về vào năm 1644. Các nhà khoa học thận trọng cho rằng, cần phải nghiên cứu thêm về lịch sử để làm rõ kịch bản nào là đúng, vì dữ liệu đồng vị chỉ có thể xác quyết bức tranh có lẽ được vẽ trước năm 1647.
Có hai bức vẽ khác Portrait of Rycklof van Goens, Governor-General, Portrait of Cornelis Speelman, Governor-General of the Dutch East Indies do M. Palin vẽ tại Jakarta, Indonesia đều sử dụng chì trắng Hà Lan. Do đặc trưng của tỉ lệ đồng vị chì Indonesia khác với châu Âu nên nó ngụ ý chì trắng Hà Lan đã được trao đổi sang Indonesia trong thế kỷ 17 hoặc có khả năng là bức tranh được một nghệ sĩ khác vẽ tại Hà Lan. Do đó cần phải có thêm nghiên cứu để xác định khả năng này.
Bức Cimon and Pero do W. Drost, học trò của Rembrandt trước đây được cho là vẽ trong những năm cuối đời của ông khi ở Ý. Phân tích đồng vị chì không chỉ chứng minh rằng bức tranh được vẽ từ chì trắng Hà Lan (đồng vị khác với chì trắng Ý) mà còn có thể xác định thời gian vẽ tranh vào khoảng năm 1650, khi họa sĩ còn ở Amsterdam (dữ liệu lịch sử xác nhận thông tin này). “Dấu hiệu đồng vị của bức họa này tương đồng với một trong những bức họa ở xưởng họa của Rembrandt trong cùng thời gian, vì vậy nó được vẽ ở Amsterdam”, D’Imporzano nói.
“Vào thời điểm này, Venice và Hà Lan là những nơi sản xuất chính của màu vẽ này”, D’Imporzano nói thêm. “Và bởi vì nguồn chì khác nhau- người Hà Lan dùng chì Anh còn Venice dùng nguồn khác – chì trắng được tạo ra ở hai nơi khác biệt với đặc điểm đồng vị đặc trưng, dễ nhận biết”.
Trong tương lai, việc áp dụng phương pháp phân tích này có thể giúp các nhà lịch sử nghệ thuật và các bảo tàng xem xét lại những bức tranh gây tranh cãi về nguồn gốc, xuất xứ cũng như hiểu hơn về cách các họa sĩ sáng tác và đi lại khắp châu Âu vào thế kỷ 17.
“Đây thực sự là một dạng truyện trinh thám mà không cần đến một Sherlock Holmes nào cả, chỉ cần một nhóm nghiên cứu với những chuyên môn khác nhau – nhà sử học, nhà sử học kinh tế, sử học nghệ thuật, nhà hóa phân tích”, tiến sĩ hóa học Francesca Casadio tại Viện nghiên cứu Nghệ thuật Chicago nhận xét. “Khi nghĩ rằng những bức tranh của Hà Lan thế kỷ 17 có thể kích thích các nhà nghiên cứu ‘ngoại lai’ tìm hiểu về hóa học, tôi có cảm giác ấm lòng bởi nó thực sự cho thấy đó là kỹ năng người ta có thể cần để trở thành nhà khoa học và trở thành nghệ sĩ. Và đó còn là khía cạnh tốt của việc trở thành một con người theo đúng nghĩa: yêu khoa học và yêu nghệ thuật”.□
Tô Vân tổng hợp
Nguồn: https://www.upi.com/Science_News/2021/12/01/lead-paint-artist-attribution-study/6221638375409/
https://www.inverse.com/innovation/17th-century-lead-paint-holds-chemical-secrets