Chiến tranh và hòa bình
Tên gọi của triển lãm đã nói lên đầy đủ đề tài cũng như ý nghĩa các tác phẩm trưng bày lần này của họa sỹ Quốc Thái.
Tranh Cát Bà.
Chiến tranh và Hòa bình là hai chủ đề xuyên suốt bản sonata cuộc đời làm nghệ thuật của ông. Tại sao không phải bất kể một đề tài nào khác mà lại là chiến tranh. Không ai chọn được thời điểm sinh ra, không ai chọn được nơi sinh. “Người ta không thể chọn để được sinh ra / Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy” (thơ Thanh Thảo). Không ai chọn chiến tranh cả. Quốc Thái sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, ông sinh năm 1943 ở Thái Bình, quê gốc ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Ông bắt đầu cầm bút vẽ những bức tranh đầu tiên cũng là trong chiến tranh. Khoảng 10 năm đầu trong con đường hội họa của ông, từ 1965-1975. 10 năm đầu xanh tươi trẻ ấy nằm trọn trong một giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Như mọi người đều biết, từ năm 1966, số lượng lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã gần 300.000. Hải quân và không quân Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, đặc biệt là dùng máy bay B52 ném bom hủy diệt các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… Chính vì vậy mà tháng 7. 1966, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do…”. Điểm qua mấy nét chính của giai đoạn ấy để thấy Quốc Thái chọn đề tài chiến tranh hoặc đề tài ấy chọn Quốc Thái không hẳn là chọn lựa mà chính là số phận, là sự sắp đặt của hoàn cảnh, của lịch sử. Vào lúc đó, chiến tranh và Quốc Thái là một, ông là người trong cuộc, ông vẽ về chiến tranh là vẽ về cuộc sống của mình, của Hải Phòng, vẽ về chiến tranh là vẽ về cuộc sống và chiến đấu của nhân dân mình, Tổ quốc mình. Con đường của mỗi cá nhân hòa vào con đường chung, con đường lớn của dân tộc. Lịch sử hội họa Việt Nam hiện đại và lịch sử dân tộc luôn song hành chính là ở điểm này. Không có một địa điểm nào, dù nguy hiểm, dù ác liệt đến mấy mà Quốc Thái không có mặt: Tội ác giặc Mỹ hủy diệt khu Hạ Lý (1972), Bom Mỹ phá hủy phố Phan Bội Châu, Hải Phòng (1972), Tội ác của giặc Mỹ phá cầu Niệm (1972)…
Tranh cổ động
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng khi xem lại những bức ký họa của Quốc Thái, người xem vẫn thấy đầy ắp không khí của chiến tranh, của hy sinh, của máu, nước mắt… Ký họa là thể loại phù hợp nhất trong hoàn cảnh chiến tranh, cuộc sống khó khăn, họa phẩm thiếu thốn, thời gian để sáng tác những tác phẩm lớn không có. Chỉ có ký họa bằng chì than, bút sắt hoặc màu nước trên giấy mới có thể nắm bắt kịp thời những diễn biến của cuộc sống thời chiến. Và như vậy thì tác phẩm hay không, tác phẩm lớn hoặc nhỏ hoặc chất liệu sơn mài, sơn dầu… có còn quan trọng gì nữa không?
Đi lễ chùa.
Không có bất kể một cuộc chiến tranh vệ quốc nào mà lại không hướng đến mục đích cuối cùng là hòa bình. Con đường của cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc vào ngày 30.4.1975 để bắt đầu bước sang con đường hòa bình, con đường “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Và từ đây cũng khởi đầu cho một thời kỳ sáng tác mới của họa sỹ Nguyễn Quốc Thái, thời kỳ hòa bình.
Tôi luôn tự hỏi, liệu không có giai đoạn chiến tranh, không có những bức ký họa nhanh, nóng hổi, người thực việc thực ấy thì họa sỹ Quốc Thái có thể vẽ được những tác phẩm “hòa bình” đẹp đến thế, tình đến thế, lãng mạn và mộng mị đến thế hay không? Phong cảnh phố núi, Tam Bạc, Tĩnh vật, đảo Cát Bà, Đi lễ chùa, cầu Thê Húc…
Vì khao khát hòa bình thì mới phải đi qua chiến tranh. Nhưng có lẽ ở Quốc Thái, một người đã đi qua, đã sống, đã vẽ trong chiến tranh mới có thể vẽ được những bức tranh hòa bình, yêu hòa bình đến thế, những bức tranh hòa bình ấy của Nguyễn Quốc Thái có giá của chiến tranh.
Cũng như những bức tranh chiến tranh của ông đều là giấc mơ, ước mơ về hòa bình.
Tên cũng là người, cũng là phận số, Nguyễn Quốc Thái là tên cha mẹ đặt cho ông làm tôi liên hệ đến quẻ Địa Thiên Thái trong Kinh Dịch, quẻ này có một nửa âm và một nửa dương, tức là có cả chiến tranh và hòa bình. Địa Thiên Thái là trời đất thiên địa giao hòa, thái là thái bình, hòa bình và cũng là Thái Bình nơi ông sinh ra, quẻ Thái thuộc về mùa xuân (ông sinh vào mùa xuân), đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái. Có lẽ vậy chăng? nên tinh thần hội họa của ông dù là thời chiến tranh hay thời hòa bình đều nồng nhiệt, ào ạt. Ông vẽ nhiều chất liệu, nhiều thể loại ký họa, minh họa, tem thư, tranh cổ động, truyện tranh, thể loại nào cũng có dấu ấn. Ông vẽ nhiều, vẽ đều đặn mỗi ngày đến mức tôi có cảm giác vẽ như một thứ nhật ký bằng hội họa. Với Nguyễn Quốc Thái, vẽ là sống, sống là vẽ, là một. Nguyễn Quốc Thái là hội họa, hội họa là một với Nguyễn Quốc Thái. □