Chiều sâu trong sự đơn giản
Những cuốn sách nhiều hình ảnh bắt mắt, không cần có câu chuyện cụ thể mà chủ yếu liệt kê các khái niệm cơ bản như số đếm, hình cơ bản, chữ cái, màu sắc… như vậy được gọi chung là sách tranh khái niệm đơn giản (simple concept picture book). Gọi là đơn giản nhưng đằng sau cuốn sách là cả một quá trình kì công thiết kế.
Sách tranh khái niệm đơn giản là gì?
Sách tranh khái niệm cơ bản hay đơn giản, dùng để giới thiệu những ý tưởng, khái niệm sơ khai nhất cho trẻ em, tập trung ở lứa tuổi 0 ~ 6. Đây là một nguồn cung cấp thông tin hiệu quả. Những cuốn sách này thường xoay quanh các khái niệm cụ thể và đơn lẻ như: bảng chữ cái, màu sắc cơ bản, con số, phép đếm, hình cơ bản tròn vuông tam giác, sự vật quen thuộc (đồ vật trong nhà, loài vật, cây cỏ…) và các khái niệm đối lập.
Loại sách này thường ngắn, dao động trong khoảng 15 ~ 25 trang, nhiều hình ảnh, ít chữ. Khổ sách và định dạng rất đa dạng; nhưng phổ biến nhất với dạng sách bồi bìa cứng (board book), sách tương tác (lật hoặc pop up), sách có kèm con rối, sách bằng vải, bằng nhựa… Chủ yếu là các chất liệu tương đối bền và chắc chắn, hình thức nửa giống đồ chơi để phù hợp với sự nghịch ngợm, cũng như khả năng tập trung ngắn hạn của những độc giả nhí.
Khác với nhiều thể loại sách tranh khác, sách tranh khái niệm cơ bản có công năng chính phục vụ trẻ mẫu giáo và sơ sinh, hỗ trợ việc chuẩn bị nền tảng cho các bé trước khi bước vào bậc tiểu học. Thể loại này hay được coi như sách học nhiều hơn là giải trí. Tuy vậy, càng với độc giả nhỏ tuổi, việc tiếp nhận kiến thức mới thông qua đọc càng phải vui, càng ít giống việc học càng tốt, như người ta thường nói là “vừa học vừa chơi”. Cuốn sách tốt nhất sẽ là cuốn sách “dạy” mà độc giả còn không biết mình đang học.
Thế nào là một cuốn sách khái niệm cơ bản hay?
Cuốn sách khái niệm cơ bản đứng đầu danh sách bán chạy của Amazon hiện nay, sau hơn 53 năm kể từ khi ra đời là The Very Hungry Caterpillar (Chú sâu bướm háu ăn) của tác giả Eric Carle. Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1969, tới nay đã bán được hơn 50 triệu bản trên toàn thế giới, dịch ra 62 thứ tiếng (đã có tiếng Việt), được biến tấu thành nhiều định dạng phong phú, cũng như vô số sản phẩm ăn theo khác. Câu chuyện của chú sâu bướm háu ăn đơn thuần và dễ hiểu. Có một chú sâu bướm rất đói bụng nên chú ta đi ăn hết món này tới món khác; sau cùng chú hóa bướm rực rỡ. Câu chuyện có đầy đủ ba phần: mở – thân – kết, đủ mâu thuẫn và cao trào, không thiếu cái gì. Chính vì vậy cuốn sách không chỉ liệt kê kiến thức một cách khô khan, mà vẫn hấp dẫn và kịch tính.
Thông tin, kiến thức là nguyên liệu để tạo ra một câu chuyện vừa hay vừa đẹp. Khái niệm cơ bản hay đơn giản không đồng nghĩa với đơn điệu, làm thế nào cũng được.
Trước khi bàn tới những khái niệm cơ bản mà cuốn sách này giới thiệu, ngay từ lựa chọn nhân vật cũng như bối cảnh câu chuyện của tác giả đã chọn những khái niệm quen thuộc, bản năng sơ khai, không phân biệt vùng miền hay văn hóa, sắc tộc. Sâu hay bướm hầu như ở đâu cũng có, ai cũng có thể bắt gặp trong đời sống hằng ngày. Và tất nhiên, đói bụng thì ai cũng biết cả. Chính lựa chọn này đã giúp cuốn sách không vướng phải những rào cản khác biệt về văn hóa hay trình độ nhận thức, dễ dàng được đón nhận ở bất kỳ quốc gia nào. Điều này rất quan trọng, bởi đã là khái niệm cơ bản thì cần được hiểu chính xác và giống nhau với bất kỳ đối tượng độc giả nào, dù họ tới từ đâu.
Về phần nội dung chính, chỉ thông qua vỏn vẹn 22 trang giấy, cuốn sách này đã giới thiệu được chừng này khái niệm cơ bản:
1. Số đếm
2. Các ngày trong tuần (từ thứ hai tới chủ nhật)
3. Các loại hoa quả
4. Các loại đồ ngọt
5. Màu sắc
6. Quá trình phát triển của loài bướm (trứng – sâu bướm – kén – bươm bướm)
7. Cân đối dinh dưỡng
Cuốn sách gom được nhiều khái niệm bằng cách diễn đạt ngắn gọn, mạch lạc, có tính lặp lại, công thức: “On MONDAY he ate through ONE APPLE. But he was still hungry.” (Vào thứ hai chú ta ăn xuyên qua một quả táo. Nhưng chú vẫn còn đói.) Cứ thế, câu chuyện tăng tiến dần, vào ngày thứ ba chú ta ăn hai quả lê, thứ tư ăn ba quả mận… nhằm đẩy nhanh tốc độ, nhịp điệu tiến tới cao trào. Mâu thuẫn của câu chuyện, cũng là thông điệp về dinh dưỡng, diễn ra khi chú sâu ăn quá nhiều đồ ngọt bánh kẹo, và chú cảm thấy không được khỏe trong người. Nút thắt được giải quyết khi chú sâu ngừng ăn đồ ngọt và quay lại ăn một chiếc lá tươi xanh, chú đã khá lên nhiều.
Cũng tương tự như việc học ngoại ngữ, khi từ vựng được đặt trong văn cảnh cụ thể ta sẽ nhớ tốt hơn. Những khái niệm cơ bản này được đặt trong một câu chuyện tuyến tính tự nhiên, không gượng ép, có nhịp điệu giúp độc giả nhỏ tuổi tiếp nhận dễ dàng hơn. Để viết được một kịch bản cô đọng, thú vị, không thừa không thiếu, lại giàu thông tin như thế này không hề đơn giản. Vậy nên không ít sách dòng này lược bớt phần câu chuyện, mà chỉ tập trung liệt kê, diễn giải kiến thức theo chủ đề. Không khó hiểu khi tác phẩm Chú sâu bướm háu ăn được yêu thích rộng rãi trên toàn thế giới suốt hơn 50 năm qua.
Bên cạnh phần câu chuyện chuẩn chỉnh, phần hình ảnh thể hiện cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt khi đối tượng độc giả hầu như chưa biết đọc. Eric Carle có phong cách vẽ đặc trưng với màu sắc tươi tắn, giàu sức sống, hình khối phóng khoáng, sắc nét, trong sáng, dễ nhận diện (nhìn quả táo ra quả táo ngay). Cuốn sách có phần tương tác đơn giản nhưng trực quan và hiệu quả: đục một lỗ tròn qua trang sách, thể hiện việc chú sâu ăn xuyên qua, đồng thời chiều dài trang sách cũng tăng dần theo số lượng quả đã ăn. Phần nền trắng tối giản giúp tăng độ tương phản tạo sự tập trung, khiến việc “đọc hiểu” phần hình mượt mà, nhanh chóng hơn.
The Very Hungry Caterpillar có thể coi là một đại diện hoàn hảo về cả nội dung lẫn hình thức cho dòng sách tranh khái niệm cơ bản. Thông tin, kiến thức là nguyên liệu để tạo ra một câu chuyện vừa hay vừa đẹp. Khái niệm cơ bản không đồng nghĩa với đơn điệu, đơn giản không có nghĩa làm thế nào cũng được. Bên cạnh tác phẩm về chú sâu bướm, còn có nhiều cuốn sách khác cùng thể loại cũng chất lượng khác nữa đã được xuất bản ở Việt Nam như Thân gửi sở thú (Dear Zoo) – Rod Campbell, Ai đã bĩnh lên đầu chuột chũi (the story of the little mole who went in search of whodunit) – Werner Holzwarth & Wolf Erlbruch, Trước Sau (Before After) – Anne-Margot Ramstein & Matthias Aregui…
Hơn cả những khái niệm cơ bản
Cùng thể loại “simple concept”, tuy không phải ở định dạng sách giấy, một hiện tượng toàn cầu khác cũng đáng được phân tích đôi điều là Baby Shark, với điệu nhạc doo doo doo doo doo có lẽ đã trở thành “nỗi ám ảnh” của không ít ông bố bà mẹ.
Sách khái niệm đơn giản là một trong những loại hình cơ bản bản nhất dành cho độc giả nhỏ tuổi. Cũng giống như nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em, việc rèn dũa tư duy, gu thẩm mỹ cũng cần được bắt đầu cẩn thận từ sớm; để các em lớn lên trở thành những người lớn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Về nguồn gốc, Baby Shark vốn là một bài hát dùng trong hoạt động hội trại thiếu nhi đã có từ rất lâu. Bài hát này còn có nhiều phiên bản các thứ tiếng. Nội dung chính của bài hát cơ bản giống nhau ở hầu hết các phiên bản, có hai phần chính: giới thiệu các thành viên gia đình và cuộc đi săn của nhà cá mập. Đây là một câu chuyện đơn giản, khá tròn trịa, đủ đầu đuôi, có các yếu tố và kết cấu lặp lại, dễ hiểu, dễ nhớ. Bên cạnh đó, bài hát này cũng dễ triển khai các động tác nhảy múa, đồng diễn, phù hợp với hoạt động tập thể dành cho thiếu nhi. Tuy vậy, phải tới phiên bản Baby Shark của PinkFong (một công ty truyền thông Hàn Quốc), phát hành ngày 18/6/2016, bài hát này mới trở thành cơn sốt toàn cầu với hơn 11 tỷ lượt xem trên YouTube. Phiên bản này có một số đặc điểm vượt trội hơn so với các bản trước đó như: bản phối sôi động, tiết tấu nhanh, hình ảnh hoạt hoạ màu sắc bắt mắt, lại có thêm hai em bé xinh xắn nhảy múa phụ họa.
Bản Baby Shark của PinkFong là bản nổi tiếng nhất hiện tại, nhưng lại không phải bản tốt nhất trong việc khai thác một câu chuyện simple concept. Ra mắt sau một chút, vào ngày 27/11/2016, phiên bản của Super Simple đã có những cải tiến đáng kể. Phần lời bài hát của PinkFong giữ câu chuyện ở mức tối thiểu, mạch truyện rất lỏng:
“Baby shark, doo doo ~ (cá mập con)
Mommy shark, doo doo ~ (cá mập mẹ)
Daddy shark, doo doo ~ (cá mập bố)
Grandma shark, doo doo ~ (cá mập bà)
Grandpa shark, doo doo ~ (cá mập ông)
Let’s go hunt, doo doo ~ (cùng đi săn nào)
Run away, doo doo ~ (chạy trốn thôi)
Safe at last, doo doo ~ (cuối cùng cũng an toàn)
It’s the end.” (Hết truyện rồi)
Bản của Super Simple giống về bố cục chung và phần đầu giới thiệu các thành viên gia đình, nhưng đã bồi đắp thêm phần sau, kết hợp cùng phần hình ảnh để tạo thành một câu chuyện trọn vẹn hơn:
“Hungry sharks, doo doo ~ (những con cá mập đói meo)
Little fish, doo doo ~ (chú cá nhỏ)
Swim away, doo doo ~ (bơi đi mau)
Swim faster, doo doo ~ (bơi nhanh hơn nữa)
Safe at last, doo doo ~ (cuối cùng đã an toàn)
Bye bye sharks, doo doo ~ (tạm biệt cá mập nhé)”
Có thể thấy kịch bản của Super Simple nhỉnh hơn, do có đầy đủ: lý do mở đầu cuộc đi săn (nhà cá mập thấy đói), giới thiệu mâu thuẫn cũng như con mồi (những chú cá nhỏ), có diễn biến tăng tiến (bơi nhanh rồi nhanh hơn nữa), cao trào và giải quyết nút thắt (đàn cá nhỏ có “bảo kê” là một chú cá voi khổng lồ, khiến đàn cá mập sợ bỏ chạy). Phần diễn họa có nhiều biểu cảm, rõ tình huống và tiết tấu, có nhanh có chậm tạo kịch tính. Ngoài ra phần âm nhạc cũng phù hợp với diễn biến câu chuyện, không đều đều và lặp đi lặp lại một điệu từ đầu đến cuối. Chỉ bằng một vài thay đổi nhỏ như vậy, câu chuyện được nâng tầm đáng kể.
Có những ý kiến cho rằng chuyện ấy thì… quan trọng gì?! Trẻ con không quan tâm tới mấy thứ đó, và chúng cũng không thể nhận ra sự khác biệt cũng như đủ nhận thức để phân tích những cải tiến ấy. Trẻ thích cái gì thì là thích cái đó, không cần lý do và không liên quan tới chất lượng. Phải chăng đây là cốt lõi trong tư duy của những lời nhận xét “trông trẻ con”, “chỉ trẻ con mới thích” đồng nghĩa với việc sản phẩm có chất lượng thấp, qua loa, đại khái? (Tương tự sự vụ tại lễ trao giải Oscar cho phim hoạt hình gần đây) Tại sao không chỉ đơn giản nói rằng sản phẩm đó dở, mà phải gán trẻ con vào như một cái mác kiểm chứng sự thiếu chất lượng?
Đây là một lối suy nghĩ nguy hiểm, đối với cả những người sáng tác cho thiếu nhi lẫn những người mua sản phẩm cho thiếu nhi. Việc đó vừa coi thường độc giả, khán giả nhỏ tuổi (không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được hết ẩn ý, lớp lang của câu chuyện nhưng không có nghĩa chúng sẽ không bao giờ hiểu hay không có đứa trẻ nào làm được vậy); lại vừa coi nhẹ việc bồi đắp gu thẩm mỹ lẫn tư duy từ khi còn bé (những người lớn không có gu thẩm mỹ, tư duy lỏng lẻo là từ đâu ra?). Đúng là không phải sản phẩm nào trẻ con thích cũng tốt, vì ở lứa tuổi đó chưa có đủ trải nghiệm lẫn kiến thức. Nhưng hiếm có sản phẩm tốt nào mà trẻ lại không yêu thích, say mê. Những sản phẩm dành cho thiếu nhi càng phải có chất lượng cao cấp, bất kể ban đầu các em có thể hiểu và tiếp thu được đến đâu. Một cuốn sách thiếu nhi hay là cuốn sách có thể đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn phát hiện thêm được những thứ mới.
Thị trường Việt Nam tồn tại những mâu thuẫn khó tháo gỡ. Nhiều phụ huynh mong muốn xây dựng thói quen đọc cho con từ khi còn nhỏ, nhưng bản thân họ lại không phải những người đọc, không thể sắp xếp thời gian cùng đọc với con. Những sản phẩm cho thiếu nhi luôn bị khắt khe đánh giá nhưng đồng thời vẫn dễ dãi để lọt vô số những tác phẩm dở. Thậm chí những sản phẩm vốn không dành cho thiếu nhi (với nhãn mác độ tuổi đầy đủ) cũng bị phán xét bằng cái lý “nhỡ trẻ con đọc, xem thì sao?” (thì là lỗi của phụ huynh không kiểm soát tốt chứ sao). Phải chăng những sự khắt khe ấy đặt không đúng chỗ, cái cần soi thì lại bỏ qua, cái không cần soi lại hoảng loạn phản ứng? Ngoài ra, lối suy nghĩ tôi từng là trẻ con rồi tôi thừa biết cũng gây hại không kém. Thật đáng tiếc nếu bỏ phí các tác phẩm hay do những ý kiến sai lệch của vài người lớn thiếu kiến thức.□