Chợ Lớn 1955

Đúng như tên gọi của bản dịch tiếng Việt, Chợ Lớn 1955 là những ghi chép bằng ngôn từ và hình ảnh của tác giả Gontran de Poncins về địa lí, con người của một vùng đất mà ông mới đặt chân tới và sẽ lưu lại trong bốn tháng - là Chợ Lớn vào năm 1955. Ở đây, ông quan sát phong tục, lề thói, cách người ta sống, làm việc và suy nghĩ, cái “tâm tư thế giới” của họ, đồng thời chia sẻ một số suy tưởng khi tập thích nghi với đời sống ở một xứ sở hoàn toàn lạ lẫm.

Gontran de Poncins năm 1941.

Mặc dù tác giả là một nhà nghiên cứu, và nội dung trên đây cũng ít nhiều liên quan tới nghề nghiệp của ông, nhưng Chợ Lớn 1955 không phải là một quyển sách chuyên khảo học thuật về dân tộc học, mà là một cuốn sách viết để – mượn dùng những lời phàn nàn của Lévi-Strauss khi nói về thể loại văn học phiêu lưu mạo hiểm – “thuật lại tỉ mỉ bao nhiêu chi tiết nhạt nhẽo, bao nhiêu sự biến vô nghĩa”, “khổ nạn của nghề nghiệp” mà nó “chẳng đem lại được chút giá trị nào” và “phải được coi là khía cạnh tiêu cực trong nghề nghiệp”. Thật vậy, quyển sách này chỉ đơn giản kể lại những trải nghiệm của tác giả trong cuộc du hành đến nơi mà ông gọi là một “ốc đảo văn hóa mà bất chấp những đổi thay diễn ra quanh nó, vẫn duy trì nền nếp cũ một cách toàn vẹn tuyệt vời”.

Du hành là một hoạt động diễn ra liên tục suốt lịch sử nhân loại, đóng vai trò quan trọng trong hình thành và định dạng các nền văn minh. Khởi sự từ thời mông muội với cuộc đại di cư của loài Homo Sapiens từ châu Phi qua châu Âu và châu Á, không dừng lại ở thời điểm 8000 năm trước Công Nguyên khi con người đã hiện diện khắp các lục địa, đến ngày nay hoạt động du hành vẫn tiếp diễn với nhiều mục đích khác nhau như mạo hiểm, khám phá, điều tra và chinh phạt. Tương ứng với nó là sự xuất hiện những văn bản ghi chép về du hành từ khi con người bắt đầu có chữ viết. Trường ca Odyssey của Homer thường được xem là tác phẩm đầu tiên của thể loại văn học du kí ở châu Âu, sau đó Marco Polo du kí cũng là một ví dụ tiêu biểu. Bên ngoài châu Âu, một tác phẩm được biết đến nhiều và có nội dung phong phú là The Travels (Những chuyến đi) của Muhammad Ibn Battuta người Maroc, viết về những chuyến du hành qua nhiều vùng đất khắp các châu Phi, Âu, Á. Những ghi chép tương tự sau này là các nhật kí hải trình của Christopher Columbus và Richard Hakluyt được sử dụng trong thời đại hàng hải và thực dân.

Ở phương Đông, du kí cũng xuất hiện từ rất sớm bằng nhiều hình thức khác nhau: từ những lời ai thán trên đường chạy nạn của Khuất Nguyên khi kinh đô nước Sở bị tấn công trong Sở từ, đến những ghi chép về chuyến đi Tây vực của Trương Khiên được Tư Mã Thiên trích dẫn trong Sử kí, hay chuyện đi chơi ngắm cảnh của các sĩ đại phu thời Ngụy – Tấn – Lục triều. Đường Tam Tạng khi ghi chép về chuyến thỉnh kinh của mình cũng thuật lại tường tận các đặc điểm địa hình, khí hậu, tôn giáo, phong tục, v.v. của từng đất nước mà ông đi qua. Ở Nhật Bản, bậc thầy haiku Matsuo Basho cũng chấp bút một quyển kí hành về những ngày dầm mưa dãi nắng của mình. Như thế, thể loại văn học du kí đã khơi nguồn từ thuở ban sơ của lịch sử loài người, sẽ vẫn tiếp tục phát triển hơn nữa chừng nào con người còn tồn tại và còn thực hiện những chuyến đi. Chợ Lớn 1955 là một sự tiếp nối trong dòng văn học này. Bài viết này trình bày chi tiết về lịch sử phát triển của văn học du kí, ngõ hầu thành lập một bối cảnh chung giữa Chợ Lớn 1955 và những tác phẩm trên, để chỉ ra được những mối liên hệ chỉ hiển lộ ra khi mà bối cảnh chung đó được thành lập, như Northrop Frye đã nhận xét trong Anatomy of Criticism: “The purpose of criticism by genres is not so much to classify as to clarify traditions and affinities, thereby bringing out a large number of literary relationships that would not be noticed as long as there were no context established for them.” (Tạm dịch: Mục đích của phê bình theo thể loại không phải để phân loại mà là để làm rõ các truyền thống và các điểm tương đồng, từ đó chỉ ra được một số lượng lớn những mối liên hệ văn chương có lẽ không thể nhận ra chừng nào bối cảnh cho chúng còn chưa được thiết lập.”). Bối cảnh chung của các tác phẩm ở đây đều bao gồm một câu chuyện chi tiết về kinh nghiệm du hành mang tính chất vật lí trong một khoảng không gian ở một địa điểm xác định.

***

Xuyên suốt tác phẩm, tác giả miêu tả cách người Trung Hoa ăn uống say sưa và sung sướng đến nỗi quên mất mọi lễ nghi không chỉ một lần.

Tuy những nội dung mô tả địa hình, xã hội, chính trị, thực hành tôn giáo, điều kiện tự nhiên, phong tục địa phương có thể xuất hiện trong các chuyên khảo địa lí hay các gazetteer thông thường, điều làm nên sự khác biệt của văn học du kí nằm ở sự tham gia mang tính cá nhân của tác giả vào văn bản: sự chủ động – dựa trên tính cách và thị hiếu riêng – khi tương tác với hoàn cảnh/địa điểm mà tác giả đến thăm. Tác phẩm do đó cũng hé lộ những giá trị, sở thích, thế giới quan của tác giả, giúp người đọc hiểu hơn hoàn cảnh xã hội mà tác giả đang sinh sống. Vì vậy, khi đánh giá một tác phẩm du kí, tác giả là một yếu tố cần được quan tâm. Gontran de Poncins là một nhà nhân học, nhưng lại thành danh với tư cách một nhà văn du kí. Cách tiếp cận nhân học đã góp phần tạo nên thành công của ông trong văn chương du kí hiện đại, khi mà thể loại du kí mạo hiểm của những người “khai hóa” phương Tây trước đó đã thoái trào, gắn liền với sự suy bại của chế độ thực dân, được đánh dấu bởi câu nói nổi tiếng “tôi ghét các chuyến viễn du và các nhà thám hiểm” của Lévi-Strauss. Thay cho thể loại lỗi thời đó, Lévi-Strauss đã viết một quyển du kí khác với một cách tiếp cận bình đẳng và nhân văn hơn đúng với tính chất nghề nghiệp của ông. Tương tự, De Poncins cũng thể hiện cái nhìn bình đẳng và nhân văn đó trong tác phẩm của mình. Từng trang viết đều thể hiện tác giả là con người thú vị, có đầu óc cởi mở và cảm tình trìu mến với những người xung quanh. 

Cuộc du hành chính thức bắt đầu khi tác giả quyết định đến cư trú trong một khách sạn đặc trưng của Chợ Lớn, để sống trong cộng đồng người Hoa, và quan sát cách họ tương tác với nhau trong các hoạt động ăn ở, giao tế, thương mại, giải trí, tín ngưỡng hằng ngày. Cách tiếp cận này dựa trên nguyên tắc cơ bản “cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt” của những nhà dân tộc học, phản ánh rất rõ ràng tính cá nhân về bối cảnh nghề nghiệp của tác giả, và nó định hình những chủ đề mà ông cố ý ghi chép trong sách.

Hàng rong trước Chùa Quan Âm, Chợ Lớn 1953. Ảnh: manhhai/Flickr

Ngay từ những ngày đầu đến sống trong khách sạn của người Hoa, tác giả đã nhận ra rằng, ngoài những không gian công cộng mang tính tôn giáo thiên về các hoạt động tinh thần thường thấy như đình chùa, người Hoa dường như còn có một không gian sinh hoạt công cộng mang tính “thế tục” hơn, nơi họ có thể hưởng thụ một cách buông tuồng những lạc thú trần gian mà không bị câu thúc bởi những cấm kị như khi sinh hoạt ở chùa chiền. Những ví dụ được sử dụng khi miêu tả không gian khách sạn, như là “quảng trường thị trấn” hay “con phố nơi người ta dạo qua bước lại” đều ngầm tỏ ý biểu hiện một không gian công cộng không có tính cá nhân, dù đây là một khách sạn nơi người ta cư trú, nghe thật nghịch lí và chính điều này cũng gây ra nhiều bất ngờ cho tác giả, được nhắc đến trong suốt quyển sách.

***

Sau khi nhận xét về nơi cư ngụ ở Chợ Lớn, tác giả có cơ hội tham gia một bữa tiệc với những người Hoa. Nếu nói văn hóa được định hình bởi lối sống và sinh hoạt thường ngày, ắt không thể bàn cãi rằng không có hoạt động gì cơ bản và thường nhật hơn ăn uống. Do đó, hoạt động ăn uống và thức ăn đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu nhân học, góp phần giải thích các đặc điểm xã hội và hành vi của con người sống. Xuyên suốt tác phẩm, tác giả miêu tả cách người Trung Hoa ăn uống say sưa và sung sướng đến nỗi quên mất mọi lễ nghi không chỉ một lần. Như trong đoạn sau đây: “… khi tôi vừa gắp xong, họ lập tức thả lỏng hoàn toàn và bắt đầu tấn công các món ăn ngay tắp lự – như một bầy ong vỡ tổ! Họ vươn tay gắp hết món này đến món khác từ vô số bát đĩa trên bàn … Dù nhịp điệu có nhanh dần lên, những chiếc đũa không bao giờ va vào nhau hay cản đường nhau. Và vừa thổi phù phù – đúng là họ thổi rất mạnh – những người cùng ăn với tôi vừa bảo: “Anh thử món này đi! Ngon lắm, thử mà xem!” hay “Chấm chiếc cánh vịt này vào bát giấm kia kìa. Giấm để chấm vịt đấy!”” Tác giả đã rất thành công trong việc miêu tả sự háu đói của người Trung Hoa trên bàn ăn. Họ vừa gắp thật nhanh, lại phải thổi đồ ăn cho đỡ nóng để có thể ăn được nhanh hơn. Điều này gợi nhớ đến việc người Trung Hoa thường đùa giỡn rằng đất nước họ thuộc về những kẻ ham ăn, đến nỗi không có loài động thực vật nào là không thể chế biến thành món ngon cho được. Điều này phải chăng phản ánh nỗi thiếu ăn thường trực dai dẳng kéo dài tới thời hiện đại do dân số đông và tỉ lệ thu hoạch khi canh tác thấp, đã in sâu vào tiềm thức của người Trung Hoa niềm đam mê vô hạn với thức ăn? Thật phù hợp thay, cũng chính dân tộc Trung Hoa từ nghìn năm trước khi quan sát những vì sao trên bầu trời, đã miêu tả hình dáng của chòm sao Bắc Đẩu giống như cái muôi múc canh, nhưng nhấn mạnh thêm nó không dùng để ăn uống được.

Quyển sách này chỉ đơn giản kể lại những trải nghiệm của tác giả trong cuộc du hành đến nơi mà ông gọi là một “ốc đảo văn hóa mà bất chấp những đổi thay diễn ra quanh nó, vẫn duy trì nền nếp cũ một cách toàn vẹn tuyệt vời”.

Một hoạt động nổi bật khác không thể không nhắc đến trong sinh hoạt cộng đồng của người Hoa Chợ Lớn chính là thương mại. Ở đây tác giả đã nắm bắt được đặc điểm cốt lõi trong hoạt động thương mại được định dạng bởi hạch tâm văn hóa của cộng đồng: người Hoa kết thành phường hội khi buôn bán với nhau. “Anh ta thiếu món hàng mà anh cần ư? Anh ta sẽ sai người đi kiếm cho anh ở một cửa hàng khác, trong khi tiếp chuyện anh. Tóm lại cửa hàng của anh ta vô biên, hay đúng hơn, biên giới của nó là cả Trung Quốc!” Trong khi nền văn minh phương Tây, được định dạng bởi các giá trị Hy – La, đề cao tính cạnh tranh để thúc đẩy sự phát triển, thì đối với cộng đồng thương nhân Trung Hoa, động lực của phát triển nằm ở việc tương trợ với nhau thông qua các hội cộng tế. “Sức mạnh vĩ đại của anh ta nằm ở sự tương trợ. Những mối dây liên kết người Trung Hoa với nhau làm thành một mạng lưới khổng lồ bao phủ khắp hoàn cầu.” Sự tương trợ không chỉ giới hạn trong hoạt động thương mại, mà nó mở rộng ra cả mối quan hệ láng giềng. Như Khổng Khâu năm xưa bình luận về chàng Vi Sinh Cao trong câu chuyện lấy bối cảnh mượn bình giấm từ nhà bên cạnh, tác giả cũng quan sát được rằng “nếu anh thiếu cái gì ở nhà, người hầu có thể chạy ngay sang mượn hàng xóm. Người ta làm những việc kiểu này mà không phải suy nghĩ gì nhiều”.

Những quan sát của tác giả không dừng lại ở đó, ông tiếp tục hòa mình vào đời sống giải trí, nghệ thuật, các nghi thức, tín ngưỡng, mối quan hệ nam nữ, gia đình… để mở rộng thêm đến câu chuyện nữ quyền, vũ trụ quan, mỹ cảm của người Trung Hoa và có một số bình luận rất sâu sắc, chính xác đối với từng vấn đề. Bạn đọc chí ít sẽ có đôi lần thích thú với những bình luận ấy, như khi ông thán phục cách người Trung Hoa tận hưởng cái đẹp trong mọi khía cạnh của cuộc sống, “dù đó là một món ăn nấu khéo, làn da một người đàn bà, sự nhẵn mịn của một viên ngọc, hay màu sắc một chú cá.” Tác giả nhận xét rất chính xác rằng “sự hưởng thụ của họ luôn phong phú và họ có thể nồng nhiệt với hương vị của một món ăn chẳng kém gì với việc ngắm nhìn một tạo vật hiếm có hay hương thơm của một đóa hoa”. Càng về sau, người đọc càng thấy rõ hiểu biết của tác giả đã vượt qua giới hạn bề mặt, như qua cách ông lí giải về “khả năng nhận ra cái ý vị khôi hài thường phảng phất trong tất cả các thảm kịch” của người Trung Hoa ở cuối sách, khi mô tả biến cố nổ bom đánh dấu hồi kết của hòa bình ở Chợ Lớn, cũng là hồi kết của chuỗi ngày ông sống nơi đây.

***

Đường Lương Nhữ Học, Chợ Lớn 1953. Ảnh: manhhai/Flickr.

Trên bình diện văn học, một yếu tố quan trọng để đánh giá một tác phẩm du kí là khả năng gợi lên hình ảnh bằng việc xây dựng những bức họa ngôn từ sống động khiến người đọc như có thể “nhìn thấy được”, giúp họ hình dung mình đang thực sự chia sẻ trải nghiệm với tác giả. Để xây dựng hiệu quả hình ảnh như vậy, người viết phải sử dụng một dạng ngôn ngữ mang tính “giác quan” nhiều hơn tính “trí tuệ”. Ngoài ra, việc dùng phép so sánh là không thể tránh khỏi. Rõ ràng, De Poncins là một người xuất sắc trong lĩnh vực này, với khả năng miêu tả sống động và những phép so sánh xác đáng, nhưng đôi khi rất lạ lùng của ông: ví các cô gái nhảy ngồi xe tay đến vũ trường “như những thần tượng được đưa rước một cách nhanh chóng và kín đáo đến các điện thờ”, “vịt quay bóng lưỡng lấp lánh như những xác ướp được thắp sáng từ bên trong, bong bóng cá nhẹ như bọt biển”, còn trứng bách thảo là “những khối cầu màu lục xám cứ như mấy con mắt nhìn tôi chòng chọc”. Không chỉ hình ảnh, những cảm quan khác như nghe, chạm, ngửi và nếm cũng được ông sử dụng một cách linh hoạt và hiệu quả, như khi tả “tiếng rung chuông của những người bán rong, tiếng leng keng chói tai của những chiếc xe tay, và tiếng è è ngắt quãng của một con tàu chở đoàn kịch lưu động chạy ngược dòng kênh”, hay người thợ mài dao “cầm một cái kéo Tàu cắt lách cách vào không khí”.

De Poncins cũng thể hiện cái nhìn bình đẳng và nhân văn đó trong tác phẩm của mình. Từng trang viết đều thể hiện tác giả là con người thú vị, có đầu óc cởi mở và cảm tình trìu mến với những người xung quanh.

Văn học du kí thường mang cấu trúc ít nghiêm ngặt hơn nhiều thể loại văn chương khác. Ít nghiêm ngặt bởi tuy đều có nội dung tường thuật câu chuyện du hành tại các nơi chốn và thời gian cụ thể, nhưng các tác phẩm du kí được sáng tác bằng nhiều hình thức khác nhau, như trường thi của Homer, nhật kí hải trình của Columbus, bài ca dạng Từ đặc trưng nước Sở của Khuất Nguyên, biền văn tứ lục thời Lục triều. Với Chợ Lớn 1955, Gontran de Poncins kết hợp hai hình thức thể hiện là văn xuôi và kí họa. Những bức kí họa của tác giả – về một góc phố, một cây cầu, hay hình dạng của những người Hoa trong Chợ Lớn – cũng là một đặc điểm đáng nhắc đến trong quyển sách này. Như trên đã nêu, yếu tố quyết định sự thành công của văn học du kí là tính gợi hình, tuy vậy, chữ viết có những giới hạn của chính nó trong việc truyền tải hình ảnh, và việc lồng ghép nhiều bức kí họa đã giúp chia sẻ cho người đọc trọn vẹn hơn ấn tượng về Chợ Lớn qua cái nhìn của tác giả. Đây không phải là điều mới mẻ, sau những nghiên cứu về giới hạn của văn học và hội họa, từ năm 1892 ở châu Âu Georges Rodenbach đã tiên phong thêm ảnh chụp vào cuốn Bruges-la-Morte để minh họa khung cảnh một thành phố trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, lợi thế của thủ pháp kí họa mà De Poncins sử dụng là đồng thời nắm bắt những nét nổi bật nhất trong thần thái của các đối tượng quan sát không ngừng chuyển động, và thể hiện rõ ấn tượng mỹ cảm của tác giả trước các đối tượng ấy.

Nếu như những điều được nhắc trên đây đã đủ sức nặng để thuyết phục bất cứ người đọc nào dành thời gian cho Chợ Lớn 1955, bạn đọc yêu lịch sử văn hóa Việt Nam hẳn còn có thêm một lí do không kém phần quan trọng: cuốn sách này giúp bù đắp phần nào khoảng trống tư liệu văn hóa về đời sống ở một miền đất độc đáo và quan trọng bậc nhất vùng Sài Gòn – Gia Định. Và nó lại được ghi chép và gìn giữ ngay trước thềm những biến thiên lịch sử quan trọng, nên có được tính chất tươi mới và trọn vẹn khác hẳn với những biên khảo của các nhà nghiên cứu sau này. Bởi vậy, dù không tránh khỏi một số cách mô tả hay quan điểm có thể khiến độc giả ngày nay thấy khó đồng tình, đây vẫn là cuốn sách xứng đáng được đón nhận ở cả hai vai trò đại diện cho dòng văn học du kí hiện đại, cũng như đại diện cho các tác phẩm văn học của người phương Tây viết về phương Đông.□

 

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)