Cho một ngày, dài rộng *

Trịnh Thị Nhã là cô giáo, mấy chục năm đứng lớp đối diện với phấn trắng bảng đen. Rồi một ngày, Nhã trở về, trở về với hội họa, về với một thế giới khác, không phải là ngoặt rẽ mà là đi tiếp, với Nhã, vẽ là đi tiếp thôi, để được hằng ngày đối diện với những tấm toan trắng và lại là phấn, phấn màu (pastel) là chất liệu sở trường của Nhã.

Chị chờ đợi mùa mơ tới, ra chợ, chọn cho bằng được loại mơ nhỏ (lão mơ), mua về, rửa sạch, để cho ráo nước rồi lại đặt, người quen, rượu ngon, ngâm 5 năm sau mới rót ra đãi bạn. Tôi không kể lại một bức tranh “người ngâm rượu mơ”, đó là “bức tranh” trong đời thật. Trịnh Thị Nhã là người như thế, với Nhã sống cũng là vẽ và ngược lại, cuộc sống dẫu thế nào thì vẫn đẹp, sống đẹp đi đã. Chắc là chả riêng gì Nhã, ai cũng vậy thôi, sống đã, sống đi đã rồi hãy làm nghệ thuật, rồi hãy vẽ. Suy cho cùng thì sống mới khó. Với Nhã, đó không phải là cầu kỳ. Nhìn chị bày biện, sắp đặt cho ngôi nhà của mình, nhìn chị ngồi vào đàn hay dọn một bữa cơm chiều cho chồng con thì càng hiểu đó không phải là cầu kỳ, không thấy sự cố gắng mà trái lại là giản dị, bởi vì nó tự nhiên. Sống như vậy thì vẽ như vậy. Lúc này lúc khác, ai mà chẳng có lúc, có khúc phải cố gắng để sống.

Sống thì phải cố nhưng làm nghệ thuật thì không nên cố, không cố được và cố cũng không được. Với Trịnh Thị Nhã, vẽ cũng là tự nhiên thôi. Có những người thì, bắt buộc, phải đặt câu hỏi vẽ là gì? Nghệ thuật là gì? Tìm cái gì? Để làm gì? Nhưng với Nhã, vẽ tức là trở về tự nhiên. Trở về với thế giới của cỏ cây, hoa lá, quả bốn mùa, mùa nào hoa đó. Hoa báo xuân, phi yến, cẩm tú cầu. Mùa hạ vẽ sen, mùa thu vẽ cúc. Chả nhất thiết phải kỳ hoa dị thảo. Rồi quả, vú sữa, vải, mận, đào quả nào chả đẹp, hoa nào chả đẹp. Có những bức chị vẽ loài hoa gì đó, không hẳn là chị không nhớ tên của chúng nhưng có lẽ đó là những loài hoa không có tên, những vẻ đẹp không tên. Đẹp có nghĩa là đủ rồi. Đẹp là tên, hoa là tên.

Trịnh Thị Nhã là cô giáo, mấy chục năm đứng lớp với phấn trắng bảng đen, đối diện với bảng đen. Rồi một ngày, Nhã trở về, trở về với hội họa, về với một thế giới khác, không phải là ngoặt rẽ mà là đi tiếp, với Nhã, vẽ là đi tiếp thôi, để được hằng ngày đối diện với những tấm toan trắng và lại là phấn, phấn màu (pastel) là chất liệu sở trường của Nhã, hình như vẫn là tình cờ thôi, tự nhiên thì gặp, tình cờ gặp. Với Nhã, phấn màu không quá dễ nhưng cũng không quá khó về mặt kỹ thuật, mặt khác sự biểu cảm của nó rất hợp với Nhã, với đề tài hoa lá, với lối vẽ đó. Vẻ đẹp của phấn là vẻ đẹp của mong manh, dịu dàng, run rẩy, của tâm sự, của thầm thì, nhã nhặn hợp với phũ nữ, hợp với hoa. Nhã với phấn là một cuộc gặp gỡ tình cờ ít nhiều may mắn, một tình cờ đẹp.


Quả ổi và hoa may vàng – Phấn màu trên giấy

Roi và mơ – Phấn màu trên giấy nhung

Nhìn ngắm những bức tranh của Trịnh Thị Nhã thì không thể nói là Nhã mới vẽ trên 10 năm nay được, cái chất nghề bộc lộ rõ qua cái lối tả kỹ nhưng lại không bị tỉ mẩn, khô cứng. Nó  vẫn đủ buông, đủ lỏng để người xem và người vẽ được bay bổng. Một chút ít ỏi riêng riêng của Trịnh Thị Nhã chính là cái sự buông lỏng đây đó, tuỳ chỗ lúc ít lúc nhiều. Nói cách khác, hội họa của Nhã tức là hiện thực pha một chút ấn tượng. Nhã cùng với chủ nhà – hội họa hiện thực mời khách, chính xác là mời người bạn – hội họa ấn tượng tới chơi nhà mình.

Một điều nhỏ nữa, phải nói thêm (tuy nhỏ) nhưng với người đàn bà vẽ này thì cần thiết, đó là không chỉ hơn chục năm vẽ, chắc là Nhã đã “vẽ” trước đó, từ lâu rồi ngay cả khi đang còn là cô giáo (dạy Toán, Lý), “vẽ” trong lòng thôi nhưng với bản tính nữ, bản tính của Nhã, chị ấy muốn tròn việc của một con người với xã hội, gia đình, chồng con trước đã. Đó cũng là tự nhiên thôi. Cất tình yêu hội họa vào một góc để dành tình yêu đó cho đến một ngày cân bằng được cuộc sống và nghệ thuật. Đó là tự nhiên, là hài hoà. Cho nên nói đúng là: Một ngày cách đây trên 10 năm, Trịnh Thị Nhã bắt đầu ngồi xuống với giá vẽ với màu, với toan, với giấy thì  đúng hơn, đẹp hơn. Và đương nhiên cũng có thể hiểu vẽ với Nhã là mang những bức tranh trong lòng mình ra đặt lên giấy, những bức tranh đã được ấp ủ qua bao tháng năm. Vậy nên sự kỹ lưỡng, chỉn chu chau chuốt trong tranh của Nhã là kỹ lưỡng của đợi chờ, dồn nén, ấp ủ với thời gian, người xem không bị cảm giác nặng nề của gò ép, tỉa tót, tô vờn. Giả sử Nhã đến với hội họa sớm hơn thì chắc gì những bức tranh của Nhã đã có được độ chín ấy. Suy cho đến cùng thì, với nghệ thuật chẳng bao giờ là muộn cả, chẳng có bắt đầu nào muộn cả.


Hoa cúc – Sơn dầu trên vải

Hoa xương rồng – Phấn màu trên giấy

Ở vài ba bức, chị đã chớm chạm vào cái điểm mà đáng lẽ chị xứng đáng được nó, giá như nhưng thôi, để đi đến tận cùng thì sẽ phải đổi, phải mất cân bằng, phải mất tự nhiên, phải đau đớn, phải bất hạnh, phải thêm nhiều lành vỡ, thêm nhiều giông bão. Đó không phải là chọn lựa và thân phận của Trịnh Thị Nhã, không phải là Nhã nữa. Chị đã từng tự hỏi “đi tìm cái đỉnh để làm gì? ” Một câu hỏi mà ai cũng đã biết người hỏi sẽ trả lời thế nào.

Là một đồng nghiệp, tôi hiểu và đồng cảm được với Trịnh Thị Nhã, tôi không muốn bất kể một xáo động nào dù nhỏ nhất len vào ngôi nhà bình dị ấy, tôi không muốn chị sống những năm tháng tiếp theo với một tâm thế bất an, với những trằn trọc, thao thức. Phải rồi, Nhã cứ vẽ như mình muốn sẽ là Nhã nhất, như Nhã đã từng tâm sự: vẽ với mình tức là được, được sống, được sống một ngày thêm dài rộng.
———
* Triển lãm tranh tại Không gian sáng tạo Trung Nguyên, 36B Điện Biên Phủ, Hà Nội, từ ngày 13 đến 19/12/2010.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)