Chó và các biểu tượng văn hóa
Công trạng của chó đối với loài người thật là to lớn – đáng được coi là công đầu. Ở quê tôi phổ biến một dị bản về nguồn gốc cây/hạt lúa có khác với truyện Hạt lúa thần mà chúng ta thường biết. Truyện kể rằng: Lúa ngày trước to như quả dừa, đến mùa tự động lăn về nhà. Con người chỉ mỗi một việc là quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ để đón lúa về.
Ở xứ ta, tuy chó được coi trọng nhưng không là đối tượng thờ tự với đẳng bậc thần thánh. Chúng ta có nghe nhắc đến con Thiên Linh Cẩu ăn hồn người trong sự tích suy nguyên về cây nêu ngày Tết, nhưng có lẽ con quái vật này có nguồn gốc từ con Thiên Cẩu trong huyền thoại Trung Quốc. Trong tập tục tín ngưỡng, chúng ta thấy tượng chó được tạc để canh giữ lăng mộ (như tượng chó ở lăng Trần Hiến Tông/ 1344-1381, hiện bảo quản tại phòng Văn hóa- Thông tin huyện Đông Triều, Quảng Ninh), cầu (cầu Lầu ở Hội An, Quảng Nam) và nhà cửa… Điều này, cho thấy tính chất linh thính của chó, năng lực trấn giữ của nó và như vậy, trong chừng mực nhất định nó cũng được coi là một linh vật. Tuy nhiên, trong dòng chảy của thời gian, chức năng trấn giữ, do ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hoá–tín ngưỡng khác nên chó bị thay thế bằng kỳ lân, sư tử, ngũ hổ, ngũ đế, các thứ bùa chú (bùa Thái cực, bùa Tứ tung ngũ hoành) và các thứ môn thần, các loại thần trấn trạch, trấn thổ, chư vị hộ tự, hộ đền khác.
Chó đối lập với gà. Gà gáy báo hiệu mặt trời mọc, biểu thị cho ánh sáng, ban ngày, thế giới của người sống. Chó sủa thâu đêm đại diện cho bóng tối, ban đêm, cõi chết/ cõi âm. Chó nhạy với tiếng động và kêu toáng lên bất cứ lúc nào là thuộc tính có phần tương đồng với vịt nên nó là một biểu tượng có cùng ý nghĩa với vịt: liên quan đến cõi âm. Bởi vậy, vịt được dùng làm lễ vật cúng cô hồn, phổ biến nhất là vào rằm Tháng Bảy. Cũng lưu ý thêm rằng gà gáy loạn (không đúng lệ thường, nhất là đầu hôm) cũng được coi là điềm gở/xấu. Đặc điểm “loạn” này tương đồng với chó, vịt.
Trước 1945, vẫn còn phổ biến ở một số địa phương tục “chôn chó” theo người chết vào giờ trùng để trừ tà/ thần trùng. Người ta chôn trên nấm mồ của người chết một cái hũ gốm đựng một con chó còn sống: tiếng chó sủa ban đêm được coi là có tác dụng đuổi tà ma từ thế giới bên kia/ bên dưới lên trần gian để bắt ma mới, làm hại thân nhân người chết đó.
Tại một số địa phương ở xứ Nam Định, người ta dùng chó, chứ không phải lợn/ heo, để làm vật cúng trong lễ tống ôn (dịch bệnh) vào mùa viêm nhiệt. Chó khi sống: đuổi trộm; khi chết: đuổi tà ma!
Truyện Anh học trò và con chó đá và truyện Chó đá đổ máu trong Truyện cổ nước Nam (xuất bản 1932) của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (3) cho chúng ta thấy loại chó đá được đặt nơi đâu đó (đầu thôn, sân đình, đầu cầu…) ở các cộng đồng thôn làng xưa là một linh vật có khả năng biết được thiên mệnh của từng cá nhân (trong sổ Thiên Tào) và có chức năng: báo cho họ bằng lời nói, cử chỉ hay điềm triệu. Ở truyện đầu, chó đá báo cho anh học trò biết việc anh sẽ thi đỗ và ở truyện thứ hai, bọn trẻ tinh nghịch đã “nhổ một bãi quyết trầu” (nước cốt trầu) lên con chó đá, ứng với việc anh học trò dốt… sẽ đỗ đạt! Ở đây, việc chó đá có khả năng chức năng thông linh giữa trời và người đã chỉ ra nó là sứ giả của cõi thiêng, có năng lực tiên tri đượm tính chất saman giáo.
Ca dao ta có câu:
Chó đâu chó sủa lỗ không,
Không thằng ăn trộm, cũng ông ăn mày.
Đặc tính ưu việt của chó là thính, rất thính. Có lẽ đó là nguyên ủy để con người nâng lên thành khả năng thấu thị siêu việt “ngoại càn khôn”. Không bàn về đặc điểm sinh học của chó, việc chó rất thính được giải thích từ câu chuyện thần thoại giải thích chuyện Cuội ở cung trăng: Cuội làm nghề đốn củi, tình cờ thấy cọp mẹ hái lá cây đa cứu sống lũ cọp con, nên đào đất bứng cây đó đem về trồng sau vườn để hái lá cứu chữa, cải tử hoàn sinh cho thiên hạ. Lũ giặc biết chuyện này, giết vợ Cuội, mổ bụng vất bỏ bộ ruột, cốt để rình xem bí quyết của Cuội. Cuội trở về thấy thây vợ mất cả ruột không biết tính thế nào đành chỉ biết ngồi khóc. Con chó thấy vậy bèn tình nguyện cho Cuội lấy lòng của mình để cứu chủ. Cuội cứu sống vợ. Khi vợ sống lại, Cuội thương con chó có nghĩa bèn nắn một bộ lòng bằng đất thay cho chó. Chó cũng được sống lại. Từ đó, vì bộ lòng chó làm bằng đất, nên bất cứ ai động vào mặt đất đều làm động đến lòng chó… nên chó rất thính – dù đó, là tiếng động nhỏ. Trong dân gian xứ ta có thành ngữ “Chó sủa trăng” và “Chó sủa ma” để chỉ việc chó sủa vu vơ – chẳng có ông/thằng nào cả. Tuy nhiên, đằng sau tầng nghĩa bóng, chúng ta thấy nó gắn với trăng và cõi âm/ma/vong hồn. Nói cách khác, biểu tượng phức tạp của con vật này, khởi đầu gắn với nguyên tố đất/thổ, trăng/nguyệt mà ý nghĩa huyền bí chúng ta đều rõ là: âm tính – biểu thị cho nguyên lý sinh sản/tính dục và cõi chết.
Chó sủa đêm biểu tượng cho bóng tối, ban đêm và bao quát hơn là cõi âm – thế giới của người chết. Theo các tác giả Từ điển biểu trưng văn hóa thế giới: chức năng huyền thoại đầu tiên của chó, được ghi nhận trên toàn thế giới là chức năng dẫn hồn, dắt con người đi trong bóng đêm của cõi chết, sau khi nó là bạn đường trong ánh sáng ban ngày của cuộc đời. Từ Anubis đến Cerbere, thông qua Thot, Hécate, Hermès, tất cả mọi nhân vật lớn dần dắt linh hồn, ở mọi giai đoạn lịch sử văn hoá phương Tây, đã mượn bộ mặt chó. Ở xứ ta, chó có chức năng liên quan đến vong hồn người chết như vậy được thấy ở tang lễ người Mường, cụ thể là ở nghi thức mở màn, gọi là Kẹ, có chức năng cắt đứt ngay mối quan hệ vẫn tồn tại cho đến lúc bấy giờ giữa người chết và những người sống bao quanh. Lễ vật dâng cúng ở đây ngoài con chó đã luộc là hai con gà trống (để nguyên con, không chặt) kèm vài quả trứng luộc và đối tượng của cuộc lễ và Cun Khôông. Cơ cấu lễ vật này biểu thị cặp đôi đối đãi giữa sống (Gà biểu tượng của ánh sáng, mặt trời, thế giới sống; trứng là biểu tượng của vật/ người lưỡng tính (androgyne) – hiểu là quả trứng vũ trụ, khai mở một kiếp đời, một sinh thể mới…) và chết (Chó: biểu tượng cõi âm, bóng tối, ma/vong hồn…). Điều này thể hiện rõ ở nội dung đoạn mo được khấn trong nghi thức này:
“Chính xưa, đời xưa, tre với nứa chung một dòng,
Chó với gà chung một dòng,
Ma với người chung một dòng;
Thầy mo ta đây, có phép thánh truyền cho
Nói ra một lời dứt khoát như mai đào đất
Như rìu chặt đứt thân cây
Thầy mo vào cắt đứt dây này
Kẻ chết hãy đi làm đi ăn với ma ở cõi chết
Người sống thì làm ăn với chị với em (với anh với em) trong làng…”
Nói chung, ở xứ ta, cũng giống như phần lớn các nước/ dân tộc khác, ý nghĩa biểu tượng của chó bao gồm hai thuộc tính đối lập lành – dữ, tốt – xấu, trọng – khinh, bởi vì một mặt chó là bầu bạn gần gũi, trung thành với chủ, tận tâm canh gác nhà cửa cho người; và mặt khác, nó là con vật còn tồn tại bản năng hoang dã: ngu như chó, ăn bẩn như chó, đồ đĩ chó… Nói cách khác chó là một biểu tượng nội tại tính nhị nguyên
Nguồn tin: Tia Sáng