CHUNG QUANH GIẢI NOBEL

Người Thụy Điển từng "không ưa" giải Nobel Sau khi Alfred Nobel, nhà phát minh ra thuốc nổ chết năm 1896, ông để lại tài sản khổng lồ của mình làm giải thưởng cho 5 lĩnh vực. Những giải thưởng trên lĩnh vực Vật lý, Y học, Hóa học được sự thừa nhận rộng rãi; còn ở hai lĩnh vực Văn học và Hòa bình thì gây nhiều tranh cãi hơn. Nhưng chắc ít người biết rằng suýt nữa thế giới đã không có giải Nobel, chủ yếu do di chúc của ông quá giản lược và không hoàn thiện về pháp lý. Nobel viết di chúc mà không cần luật sư, ông không mấy tin tưởng luật sư: "Nhiều luật sư chỉ kiếm sống bằng cách thuyết phục người ta tin rằng một đường thẳng là đường cong". Vì thế mà ông đã để lại gia sản khổng lồ cho một ủy ban không tồn tại, nó chỉ được thành lập sau khi ông mất.

Để che giấu số tài sản của mình ở Pháp với lãnh sự quán Thụy Điển, Nobel viết di chúc ở Paris. Ragnar Sholman, người thực hiện ý nguyện của Nobel kể lại trong cuốn “Di sản của Nobel” rằng ông đã ngồi trên đống tài sản bạc triệu của Nobel – theo đúng nghĩa đen – trong chiếc xe ngựa kéo đi khắp Paris: “Bên cạnh tôi là khẩu súng ổ quay để đề phòng trường hợp một vụ đâm xe dàn dựng sẵn, kiểu ăn cướp phổ biến ở Paris hồi đó”.


Huy chương Nobel – mẫu do Quỹ Nobel thiết kế thời kì đầu.

Huy chương Nobel cho Vật lý và Hóa học

Thời Nobel sống, việc hiến tài sản của mình cho khoa học là rất hiếm, còn việc hiến tài sản cho một giải thưởng quốc tế trao hàng năm là điều không tưởng. Chính điều đó đã gây tranh cãi. Tin tức về ý nguyện của Nobel bùng lên như thuốc nổ và gây sốc cho cả nước Thụy Điển. Nhiều thành viên trong gia đình Nobel lao vào cuộc chiến  pháp lý. Ông Sohlman đã phải thuyết phục các viện của Thụy Điển vượt qua rất nhiều vấn đề để đồng ý thực hiện việc trao giải. Nếu các viện từ chối thì cũng có lẽ không có giải Nobel. May mắn là đến năm 1900 thì Sohlman nhận được sự cộng tác. Lúc đó, cả vua Oscar II, báo chí, giới chính trị và người dân Thụy Điển thời đó đều phẫn nộ về “món quà” của Nobel – một tài sản trị giá khoảng 9,5 triệu USD ngày nay nhưng là tài sản lớn nhất thời đó. Nhưng sau khi Quỹ Nobel được thành lập năm 1900 thì vua Oscar II thay đổi quan niệm, một phần vì ông nghĩ danh tiếng của giải sẽ mang lại lợi ích cho Thụy Điển. Vua Oscar II không có mặt trong Lễ trao giải Nobel đầu tiên năm 190 – theo giải thích của Tiến sĩ Hans Jornvall, một thành viên của Quỹ Nobel – là vì bị ốm. Bắt đầu từ năm 1902, vua Oscar II và những người kế tục ngai vàng đều tận tay trao huy chương cho người được giải trong buổi lễ tổ chức vào ngày 10/10 hằng năm, kỷ niệm ngày mất của Nobel.

Người theo chủ nghĩa “siêu lý tưởng”

 
Huy chương Nobel cho Y học

Huy chương Nobel cho Văn học

Nobel sinh ra ở Thụy Điển, và khi lên chín thì cha ông – là kỹ sư – đã đưa cả gia đình tới St. Peterburg (Nga) sinh sống. Phần lớn kiến thức cơ bản của ông là do người Nga dạy. Thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông đi du lịch khắp khi đã giàu lên. Nobel được coi là kẻ lêu lổng giàu có nhất thời bấy giờ. Đầu những năm 60 thế kỷ 19, Nobel bắt đầu làm thí nghiệm với nitrogycerin và các chất nổ khác trong phòng thí nghiệm của cha. Nhưng năm 1864 thì Emil, em trai của Nobel và bốn người khác bị chết vì tai nạn trong phòng thí nghiệm.
Dù bi kịch khủng khiếp nhưng Nobel vẫn tiến hành thí nghiệm. Và tháng 5/1866, ông đã trình diễn loại thuốc nổ hiệu quả và an toàn làm từ nitroglycerin trên dốc đá ở đường 83, giữa Đại lộ số 5 và số 8. Năm 1867, tình cờ Nobel phát hiện ra khi nitroglycerin nhỏ vào đất tảo cát (kieselguhr), nó trở thành thứ thuốc nổ dẻo và an toàn hơn hẳn nitroglycerin dạng lỏng. Ông gọi đó là dynamite, sau đó đăng kí sáng chế và bắt đầu mở nhà máy sản xuất ở Châu Âu.


Huy chương Nobel cho Hòa Bình

Nobel là người ốm yếu quanh năm, ông phải chịu chứng đau nửa đầu và vật lộn với chứng tuyện vọng. Những năm cuối đời, ông phải chịu bệnh đau ngực do nhồi máu cơ tim. Nobel chưa bao giờ giải thích vì sao lại chọn một số lĩnh vực nhất định để trao giải. Hai lĩnh vực Hóa học và Vật lý có vẻ rõ ràng vì ông là kĩ sư hóa học. Giải về Y học phản ánh huyết thống và mối quan tâm của Nobel. Ông là cháu chắt của Olof Rudbeck, giáo sư Y khoa của DDH Uppsala, người đã phát hiện ra hệ thống bạch huyết. Nobel cũng đã bàn bạc về việc thử nghiệm truyền máu. Khi còn sống, ông đã chi rất hào phóng cho Viện nghiên cứu Karolinska và phòng thí nghiệm của Pavlov ở Nga. Nobel thường viết tiểu thuyết, kịch và thơ để giải tỏa căng thẳng, điều đó giải thích tại sao ông quan tâm tới văn học.
Lý do của giải Nobel Hòa bình ít rõ ràng hơn. Nhiều người nói rằng ông muốn bù đắp cho phát minh hủy diệt. Tuy nhiên thuốc nổ của ông, trừ cho đạn pháo, còn không được dùng trong bất kì cuộc chiến tranh nào trong suốt cuộc đời ông. Quan trọng hơn, dynamite có tác dụng lớn trong khai mỏ, làm đường, kênh, làm đường hầm xuyên dãy Apls giữa Italy và Thụy Sĩ, v.v. Nobel cũng từng nói rằng các nhà máy thuốc nổ của mình sẽ chấm dứt chiến tranh còn nhanh hơn việc đàm phán hòa bình, bởi “hai quân đội có thể tiêu diệt nhau trong nháy mắt, sau đó các quốc gia văn minh sẽ phục hồi và giải tán quân đội”.
Nobel không hạnh phúc trong tình yêu. Ông chưa bao giờ kết hôn và miêu tả mình là kẻ cô đơn. Khi anh trai Nobel bảo ông viết tự truyện, ông đọc: “Alfred Nobel – kẻ dở sống dở chết đáng thương bị các bác sĩ làm tình làm tội”. Một lần khác Nobel lại tự miêu tả mình là kẻ lánh đời: “Rơi vào đống hỗn độn, tôi là kẻ theo chủ nghĩa siêu lý tưởng, chìm đắm trong thế giới tinh thần hơn là thế giới vật chất”.

Trao nhầm và bỏ sót

Di chúc của Nobel viết rằng ông muốn trao giải cho “những ai đã mang lại lợi ích lớn lao cho loài người” trên năm lĩnh vực. Có rất nhiều ứng ứng cử viên cho giải Nobel đầu tiên là những nhà khoa học lừng lẫy:  Emil von Behring (Đức), người đã chế ra vắc-xin bạch hầu; Whinelm Konrad Roetgen (Đức), nhà vật lý phát hiện ra tia X; Jacobus H. van’t Hoff (Hà Lan), tìm ra luật động hóa học và áp suất thẩm thấu trong các dung dịch.
Hệ thống tuyển chọn tìm ra người để trao giải Nobel cũng rất tốn kém. Tiến sĩ Jornvall, một viên chức của Quỹ Nobel nói việc này phải mất khoảng 1.4 triệu USD. Việc tuyên bố người thắng giải diễn ra trong tháng 10, nhưng việc tìm kiếm ứng cử viên thì đã bắt đầu từ một tháng trước đó. Đến tháng 6 thì Viện Karolinska trưng cầu ý kiến của 3.000  nhà khoa học và quản lý khoa học để tìm ra 31 nhà nghiên cứu có khả năng nhất cho giải năm sau.
Giải Nobel nhằm vinh danh phát minh, không phải cho thành tựu sự nghiệp. Những người đề cử có thể đưa ra bao nhiêu ứng cử cũng được, song họ thường không đưa ra nhiều để tránh bị “loãng”. Những tháng sau đó, một hội đồng sẽ chọn ra những ứng cử viên sáng giá nhất. Tuy nhiên có nhiều ý cho rằng trong lịch sử, các hội đồng này cũng đã nhầm lẫn và bỏ sót nhiều người. Như trường hợp tiến sĩ Egas Moniz (Bồ Đào Nha), giải Nobel năm 1941 cho phẫu thuật thùy não để chữa rối loạn tâm thần là một sai lầm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín giải. Khi đó báo chí cũng vội vã vui mừng cho rằng việc phẫu thuật thùy não đã mở ra một kỉ nguyên mới trong điều trị bệnh tâm thần. Những năm sau đó, phẫu thuật thùy não được thực hiện ở một số bệnh nhân, trong đó có cả em gái của John Kennedy. Nhờ uy tín của giải Nobel, các cuộc phẫu thuật kiểu này thường được tiến hành trong các bệnh viện hàng đầu ở nhiều nước. Nhưng kết quả là vô nghĩa. Như em gái của Kennedy, từ một người chậm chạp, bà đã thành người tàn phế sau cuộc phẫu thuật. Hai giải Nobel cho những phát minh không đáng tin cậy khác là của Johannes Fibger vì đã tìm ra carcinoma Spiroptera  (năm 1926) và Julius Wagner-Jauregg vì khám phá tiêm kí sinh sốt rét có giá trị trong điều trị bệnh não. Việc điều trị như vậy không những những không hiệu quả mà còn rất nguy hiểm.
Những vụ việc đó đã làm hội đồng xét giải thận trọng hơn nhiều. Giờ đây giải Nobel thường chỉ được trao cho những phát minh đã được kiểm nghiệm trong nhiều năm. Chính vì thế mà hội đồng bị chỉ trích vì đã chậm chễ, thường là hàng thập kỉ, giữa phát minh và trao giải. Phải mất hơn 50 năm, Peyton Rous mới được vinh danh nhờ phát hiện loại virus gây ung thư. Ngoài ra có nhiều người được cho là xứng đáng mà không được trao giải, như Herbert W. Boyer và Stanley N. Cohen. Giữa những năm 70, họ đã phát triển kĩ thuật cloning, làm cở sở cho việc cấy ghép gen và phát minh ra một loạt loại thuốc mới ngày nay.

V.A (Theo New York Times)

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)