Chúng ta từng đi qua Thiên đường với đôi mắt mù lòa

Nhà thơ giải Nobel văn chương J.Brodsky nói, khi ông không làm thơ, thế gian chỉ là một địa ngục. Đã có một thời gian dài tôi từng nghĩ như ông. Và chính thế đã có lúc ngồi trên máy bay, tôi không muốn trở về mặt đất nữa. Tôi đã từng tuyệt vọng. Và tôi đã từng lấy mọi thứ có thể để chống lại sự trống rỗng khổng lồ trong tôi.

Cũng chính thế mà tôi từng rồ dại, từng sai lầm, từng đi như một kẻ mù lòa, từng căm thù chính tôi. Có một nhà văn nước ngoài viết, ông thực sự kinh hãi con người. Khi đang ở tuổi mười tám, đôi mươi, tôi đã không tin điều ấy. Nhưng rồi tôi là nhân chứng của sự kinh hãi ấy. Tôi đã kinh hãi con người. Và đôi lần, tôi đã kinh hãi chính tôi. Tôi là một con người với một linh hồn và một thân xác. Linh hồn tôi vô hình còn thân xác tôi hiện hữu. Cái vô hình thường làm chúng ta vô trách nhiệm với nó. Trong khi đó chúng ta quá mải mê chăm sóc hay nói chính xác hơn là hầu hạ cái hiện hữu. Chúng ta đã để cho cái hiện hữu đày đọa chúng ta. Sự hiện hữu này là một hiện thực mà chúng ta phải chấp nhận. Thân xác chúng ta là thách thức lớn nhất của chúng ta. Có một lần tôi hỏi mấy người bạn nhà văn rằng họ đang sống với lý do gì? Những người được hỏi bắt đầu nhìn lại phần đời sống họ đã đi qua trong nhiều năm và nhận thấy rằng: họ đã sống như một bản năng. Những điều tôi đang nói và câu trả lời của những người bạn là một hiện thực. Mặc dù, hầu hết chúng ta luôn luôn tìm cách chống lại hiện thực đó. Bởi chúng ta sợ hãi sự vô nghĩa do chính chúng ta làm nên. Chúng ta đã bị  hiện thực giết chết. Bởi chúng ta không bao giờ chấp nhận hoặc chấp nhận với đầy ngờ vực một đời sống tinh thần kỳ diệu như ở Thiên đường ngay trên thế gian này. Chúng ta biện minh cho cái hiện thực tồi tệ của chúng ta bằng quá nhiều giá trị của đạo đức, của nghĩa vụ và của ý thức.

Ngày ngày, chúng ta thức dậy nặng nề và vội vã. Chúng ta vội vã ăn sáng, vội vã đến công sở và làm những công việc với một sự gắng gượng. Rồi chúng ta nhòm ngó nhau, chúng ta mưu mô, chúng ta tranh giành nhau, chúng ta thù hận nhau, chúng ta hạ bệ nhau, đàn áp nhau và giam cầm nhau. Rồi chúng ta vội vã ăn trưa. Rồi chúng ta ngạo mạn một cách ngu xuẩn. Rồi chúng ta tự mãn một cách đê tiện. Chúng ta vội vã mua sắm. Chúng ta vội vã xây dựng nhà cửa. Chúng ta vội vã tích lũy tiền, vàng. Rồi chúng ta vội vã từ công sở trở về nhà. Vội vã ăn tối và lăn ra ngủ với đầy khát thèm của ý thức chiếm đoạt trong ngày mai. Cái vòng quay ghê tởm này đã không tha bất cứ một kẻ nào. Nhưng có những kẻ nhận ra điều ấy và tìm cách thoát khỏi nó. Nhưng không ai dám nói anh ta hoàn toàn thoát khỏi cái vòng quay ấy khi anh ta vẫn mang trên mình một hiện hữu: thân xác. Thân xác ở đây, chính ta, sự tồn tại của dục vọng. Nhưng đó lại không phải là điều hệ trọng nhất. Điều quan trọng nhất là anh ta luôn luôn ý thức được điều đó và hành động cho sự tự do của tâm hồn mình. Đã có một lần tôi mơ thấy mình bay lơ lửng trên cao và nhìn xuống thế gian. Tôi chắc không chỉ mình tôi đã mơ như thế. Và từ trên cao tôi nhìn thấy chính tôi đang cùng biết bao người khác đang chen chúc trên những con đường trên mặt đất. Một cảnh tượng hỗn loạn và thật tội nghiệp hiện ra trước mắt tôi. Khi chúng ta thoát ra khỏi chúng ta để quay đầu nhìn lại chính chúng ta, chúng ta mới thật sự kinh hãi về những năm tháng chúng ta đã sống và đang sống. Chẳng lẽ chúng ta, những kẻ được quyền cất giữ những giấc mơ đẹp, lại hiện ra thật tồi tệ và đầy đọa đến như thế kia. Và trong đám đông bất tận đang chen chúc, đang nguyền rủa nhau, đang mưu mô, đang độc ác, đang lầm lạc, đang tuyệt vọng, tôi thấy những đôi mắt ngước lên. Họ đang cầu xin và mơ ước được đến Thiên đường một ngày nào đó. Và trong những người ngước mắt lên mơ đến một Thiên đường đã có quá nhiều người gục xuống bởi tuyệt vọng về chính điều họ mơ đến.  Họ không đủ kiên nhẫn đợi chờ cái ngày họ được đến Thiên đường. Họ đã gục ngã trong bóng tối của vô vọng. Họ đã mắc một sai lầm lớn nhất khi họ nghĩ đến Thiên đường như một nơi chốn kỳ diệu đến kinh hãi ở phía thẳm xa kia.
Nhưng với tôi, Thiên đường ở ngay cạnh chúng ta, chỉ cách một lớp áo, một làn da và nói cho đúng hơn thì Thiên đường ở ngay trong lòng bàn tay của chúng ta. Nhưng chúng ta đã không tin và không nhìn thấy điều ấy.Tôi đã có lần nói chuyện với một Linh mục về Thiên đường. Tôi nói với ông rằng: Nếu Thiên đường chỉ là nơi trong suốt, nơi chúng ta một màu xanh lơ lửng trôi, nơi chúng ta không cần đến giọng nói và ánh mắt, nơi không có những cái cây và những hồ nước… thì có lẽ tôi phải xem lại rằng tôi có muốn về nơi ấy hay không? Bởi tôi, cụ thể con người tôi, càng ngày càng thấy rằng ở chính nơi làng quê tôi, nơi thành phố tôi ở, tôi đã thấy Thiên đường hiện ra và tôi đã được sống trong cảnh huy hoàng kỳ vĩ ấy. Tôi đã từng có những chiều đi chân trần trên cánh đồng rực vàng của lúa chín với cõi lòng thanh sạch vô cùng. Lúc ấy, tôi được chìm đắm trong hương lúa, trong gió từ những chân trời vô tận thổi về và trong bầu trời trong vắt. Và lúc ấy, một giai điệu ngọt ngào từ đâu đó dâng lên mãi tràn ngập tâm hồn và thể xác tôi. Và tôi tin hơn bao giờ hết đấy là một hình ảnh đích thực của Thiên đường. Tôi nói với một người bạn rằng khi bạn cúi xuống bên người thân yêu của bạn và nói: Anh hạnh phúc biết nhường nào thì lúc đó một hình ảnh của Thiên đường xuất hiện. Khi bạn đốt những ngọn nến lên vào một buổi tối trong ngôi nhà của bạn và rót rượu vang đỏ vào những chiếc cốc pha lê cùng âm nhạc, cùng lời thì thầm kỳ diệu về những điều kỳ diệu nào đấy với bạn bè quanh bạn thì đấy là một hình ảnh của Thiên đường. Khi bạn thức dậy trong buổi sáng mùa xuân, bạn nhìn qua ô cửa và thấy hoa mận nở trắng trong vườn, bạn ngửi thấy mùi hương quyến rũ và tinh khiết vô tận của hoa Mộc, bạn khẽ khàng bước vào khu vườn của bạn, lòng bạn vang lên giai điệu của đất trời và ngập tràn ánh sáng dương gian thì đó là một hình ảnh của Thiên đường. Bạn thử hỏi những hình ảnh kia, màu sắc kia, giai điệu kia, ánh sáng kia và những gương mặt thân yêu kia có phải là những hình ảnh lộng lẫy nhất và yên bình nhất không? Bạn thử hỏi bạn có mong ước nào hơn là được sống, được mở tâm hồn mình trước tất cả những điều kia không? Không. Không còn gì đẹp và yên bình hơn thế. Tất cả những cái đó không phải ở trên chín tầng mây. Tất cả những cái đó đang hiển lộ trước bạn kia ngay từ khi bạn sinh ra, nói đúng hơn là từ khi bạn hiển lộ trên thế gian này. Nhưng bạn và bao người khác và cả tôi đã từng đi qua những hình ảnh ấy mà chúng ta không biết. Dục vọng quá lớn làm chúng ta mù quáng. Chúng ta không tìm được một hình ảnh lộng lẫy, một khoảng khắc yên bình, một giai điệu diệu kỳ ngay trong thế gian chúng ta đang sống. Thiên đường không phải là một thửa ruộng bên cạnh một thửa ruộng khác là Địa ngục. Khi một con người nhận biết được vẻ đẹp tuyệt đỉnh của đời sống thì Thiên đường lại được mở rộng ra với một “diện tích” bằng người đó. Thiên đường chỉ không hiển hiện ở những nơi nào không có sự nhận biết vẻ đẹp của thời gian ấy và không gian ấy. Khi chúng ta nhận biết được những vẻ đẹp của thiên nhiên và của sự sống thì nghĩa là chúng ta nhận biết được Thiên đường. Thiên đường không phải là nơi chốn chúng ta được đến đó sau khi chết. Nó hiển hiện mọi nơi mọi lúc trừ nơi u tối và lú lẫn của con người. Trong buổi nói chuyện ở Trung tâm Giao lưu Văn hóa Quốc tế tại Hà Nội năm 2005, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhìn các thính giả và nói: Tôi thấy các quí vị ở đây đều là những người thành đạt, có quyền lực và có tiền của, nhưng tôi không nhìn thấy những gương mặt mang sự yên bình. Sự yên bình, nói một cách đơn giản nhất, chính là Thiên đường. Khi sự yên bình tràn ngập lòng ta thì mọi đói khát, mọi bệnh tật, mọi mưu mô, mọi ngờ vực, mọi tăm tối, mọi tham lam, mọi độc ác… trong ta biến mất. Thiên đường là nơi chốn làm cho con người được sống như thế. Nhưng chúng ta đã không nhận ra được điều ấy. Chúng ta đã lao vào những trò chơi tồi tệ của quyền lực và dục vọng. Và trò chơi ấy đã lôi chúng ta đi một đoạn đường bằng cả cuộc đời mình. Chúng ta kết thúc cuộc đời chúng ta trong lú lẫn, trong hoang tưởng, trong giày vò, trong tính toán, trong đày đọa và trong tuyệt vọng. Và ngay cả đến lúc đó, chúng ta vẫn cầu nguyện để được bước vào lãnh địa của Thiên đường. Đấy là sai lầm ngớ ngẩn nhất của chúng ta. Và bởi vậy, chúng ta là những kẻ đi qua Thiên đường với đôi mắt mù lòa. Những gì tôi nói một cách đơn giản nhất trong những dòng chữ đơn giản này không mang tính tôn giáo hay thần học. Tất cả chỉ là sự chiêm ngưỡng của tôi, của chúng ta trong đời sống mà chúng ta đang sống mà thôi. Và tôi tin sau khi được trút bỏ thân xác nặng nề và đau đớn, chúng ta đều được ban phước kể cả kẻ lầm lạc cho tới những vị Thiền sư. Chúng ta sẽ được phép thiêng cho thấy Thiên đường. Và chúng ta sẽ kêu lên kinh ngạc: Đó là nơi chốn tôi đã từng đi qua trong cuộc đời mình. Bởi ở đó vẫn là những cái cây ấy, dòng sông ấy, ao đầm ấy, hoa cỏ ấy, ánh lửa ấy, những con cá ấy, những cánh chim ấy và những gương mặt người ấy. Chỉ có điều tất cả những cái đó đều ngập tràn ánh sáng, ngập tràn âm nhạc và sự yên bình mà những khoảng khắc ấy chúng ta ít nhất một lần đã gặp trên thế gian mà chúng lại bước qua vì không nhận ra.     

Nguyễn Quang Thiều 

Nguồn tin: từ bản thảo cuốn sách “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng”

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)