Chương trình nghị sự: Lịch sử trong ống tay áo không cài
Trong “Thế giới những ngày qua”, cuốn hồi ký mà thật ra là lá thư tuyệt mệnh và phút hồi quang phản chiếu dài dằng dặc của nhà văn người Áo Stefan Zweig trước khi cùng vợ tự sát vì không chịu nổi những đêm đen còn trải dài trước mặt của chiến tranh thế giới, Zweig kể lại lần quay về thành Vienne cuối cùng vào năm 1937, một năm trước sự kiện Anschluss sáp nhập Áo vào Đức, và trong khi những lãnh đạo châu Âu đang thương lượng cùng Adolf Hitler, Zweig đã trông thấy những người Áo vô tư chân thật mặc áo smoking và áo đuôi tôm đi dự vũ hội, họ nối đuôi nhau đi mua quà Giáng Sinh trang trí nhà cửa, không hề hay biết những cơn ác mộng đang ngấp nghé, không hề hay biết nhiều người trong số họ sẽ phải mặc áo tù, không hề hay biết về trại tập trung.
“Vienne già nua mà tôi yêu thương”, Zweig đã viết như thế. Và sau khoảnh khắc ấy, những gì đẹp đẽ của nước Áo còn lại trong ông là hình ảnh Sigmund Freud, suýt bị kẹt lại tại Vienne của Đức Quốc Xã, quả cảm và trí tuệ, bất chấp nỗi đau thể xác của cái chết đang gần kề, vẫn nhất mực không chích morphine vì không muốn mất đi sự tỉnh táo của mình.
Khi đọc L’Ordre du Jour (theo bản dịch của Phạm Duy Thiện là Chương trình nghị sự), tiểu thuyết ngắn đoạt giải Prix Goncourt năm 2017 của nhà văn người Pháp Éric Vuillard, tôi dường như đã được thoáng qua cái cảm giác như Zweig chứng kiến nơi Freud, cảm giác về một trí tuệ vẫn gắng gượng khước từ bất cứ loại thuốc giảm đau xoa dịu nào để rờ thật kỹ vào gương mặt phù nề, húp híp, sưng tấy của lịch sử.
Câu chuyện bắt đầu bằng một mô tả rất ciné, đầu tiên là một cú máy establishing (toàn cảnh), từ xa đến gần, từ đằng sau đến cận mặt, về buổi hội kín với hai mươi bốn quý ông mặc hai mươi bốn chiếc áo choàng đen, hoặc hạt dẻ, hoặc màu cognac, tại sảnh dinh thự Chủ tịch Quốc hội, làm ta nghĩ đến một buổi hội kín Illuminati hay một bữa tối cuối cùng với những vị tông đồ dùng bữa với “giáo chủ”. Đó là buổi gặp gỡ của hai mươi bốn nhà đại tư bản Đức, mà đế chế của họ hầu như vẫn còn vững mạnh đến tận hôm nay. Tất cả họ đến đây để gặp Quốc trưởng, để quyên tiền cho Quốc xã, quyên tiền cho hồi chuông báo tử của một nền hòa bình, quyên tiền cho giấc mộng hận thù và cơn thú tính tập thể của Hitler cùng đồng bọn. Có quen không những cái tên như Bayer, BMW, Siemens, Allianz, Shell, Opel, Agfa? “Họ là những chiếc xe hơi của chúng ta, những chiếc máy giặt của chúng ta, những sản phẩm lau chùi của chúng ta, những chiếc đài phát thanh báo thức của chúng ta, bảo hiểm nhà của của chúng ta, pin đồng hồ của chúng ta”. Chẳng phải cay đắng lắm ư khi những đồng tiền đến từ cuộc sống văn minh ngọt ngào tươi đẹp của con người lại quay trở lại làm vốn cho cuộc tàn sát con người và phòng hơi ngạt tận diệt ý nghĩa của việc làm người?
Chân dung những kẻ bán đứng nhân loại và những kẻ mua chuộc họ lần lượt hiện ra. (“Trong các con có kẻ muốn nộp ta”, đáng tiếc làm sao con người không có khả năng nhìn thấu mọi sự và thấy trước mình sẽ bị bán đứng như Jesus, con người chẳng biết gì cho đến khi thấy mình trước họng súng). Vuillard mô tả những nhà công nghiệp giàu có kia thật tầm thường, thậm chí, thật đáng thương hại biết bao, họ hắt xì hơi vào những chiếc mùi soa, họ khạc nhổ vào găng tay, họ gãi mũi – họ làm những điệu bộ chẳng khác chi những tay nhà buôn thô kệch hay những tay chủ tiệm cầm đồ nhãi nhép. Ấy vậy mà một nhúm những kẻ đó đang chễm chệ nắm giữ lá số của nhân loại, bất chấp việc trông họ chẳng có vẻ gì thần thánh hay vĩ đại hay xứng đáng với trọng trách ấy, bất chấp họ giống như những “con thạch sùng đứng bằng hai chân sau”.
Năm ngoái, trong một số báo Tia Sáng khác, tôi từng viết về Chuyện người lính tốt Svejk, một đại hài kịch về lịch sử, khiến những sự kiện bão táp của châu Âu trở thành trò tầm xàm bá láp qua cái vẻ hoàn toàn nhả nhớt một cách vô tri của anh lính Svejk. Nhưng cuốn sách của Vuillard thì không thế, dù zoom vào những ống quần dơ bẩn, những vết ố cà phê, những chiếc bánh kẹp phô mai trắng, cuộc huyên thuyên về cú giao bóng nhanh như pháo đại bác của một vận động viên quần vợt giữa ngài Thủ tướng Anh Chamberlain cùng tay đại sứ Quốc Xã Ribbentrop trong lúc Đức xâm chiếm Áo – tức là cũng zoom vào những thứ tầm phào, đôi khi lố bịch một cách đau đớn, nhưng cuốn sách này lại không thể khiến ta phá lên cười. Nhoẻn miệng cười cũng không. Ngay cả khi đoàn quân thiết giáp của Hitler bị kẹt cứng như một đống sắt vụn nối đuôi nhau trên đường tiến về nước Áo, cái hình ảnh bỉ bôi và đặc biệt hài hước ấy cũng không làm cho ta thấy nhẹ nhõm hơn với những gì đã qua, mà để cho ta tự hỏi rằng, cớ sao chiếc động cơ hỏng hóc kia, đội quân ì ạch ùn tắc kia, cuộc thị uy đáng xấu hổ kia lại vẫn không thể bị chặn đứng.
Hitler điên rồ, đáng sợ, hẳn rồi. Nhưng Hitler, y rồi cũng chết. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Vuillard đã mở đầu và kết thúc cuốn tiểu thuyết chỉ dày hơn trăm trang của mình bằng câu chuyện về những nhà tư bản, những kẻ mà cuộc đời họ tưởng như chỉ xoay quanh việc làm ra những chiếc xe đạp ngây thơ. Đi một vòng lại về với họ, những nhà bảo trợ cho một thời đại cực hình. Bởi con người thì chết nhưng những pháp nhân đó thì không chết, không có nữ thần quay tơ số phận nào cho những siêu tập đoàn. Chúng mới đích thực là những vị thần bất tử. Và chăng, Hitler rồi cũng bị vạch trần, nhưng có những siêu tập đoàn sau bấy nhiêu năm vẫn sáng chói như biểu tượng thịnh vượng của nền công nghiệp Đức.
Có một chi tiết trong L’Ordre du Jour về một cửa hàng đạo cụ ở California nơi tái tạo lại tất cả những phục trang, đồ dùng đặc trưng của mọi thời kỳ để dàn dựng trong các bộ phim điện ảnh Hollywood, và trước cả khi người Đức tuyên chiến thì những bộ đồng phục của lính Quốc Xã đã có mặt ở đó, đợi được mặc trong phim. Lịch sử là một cuộc thao diễn chỉ xảy ra một lần thôi, nhưng là một lần cho mãi mãi, để rồi từ đó những diễn cảnh lịch sử được nhào nặn đi nhào nặn lại trong những bộ phim, để giải trí, để làm ta xúc động, để nhận giải, để kiếm tiền, để kiếm rất nhiều tiền. Lẽ nào đó là mục đích tối hậu của lịch sử ư, phải giết nhiều người như thế và tàn nhẫn như thể chỉ để cuối cùng ta có những kịch bản thống thiết cho khán giả, có những buổi chiếu phim kéo dài hàng mười mấy phút vỗ tay. Còn đội quân phát xít dù có mang tâm hồn quái vật đến đâu thì theo thời gian, âu cũng chỉ còn là những vai diễn phản diện, cùng lắm là những vai diễn phản diện kinh điển, như tay chỉ huy trại tập trung Kraków-Płaszów máu lạnh Amon Goeth trong Bản danh sách của Schindler, ngồi trên ban công chĩa khẩu súng trường về phía xa nơi một cô bé Do Thái đang buộc dây giày, bắn vào đầu cô như bắn một con gà lôi nhỏ, rồi lại chĩa sang một phụ nữ vô tội ngồi cầu thang, lại bắn, và sự kinh tởm dành cho Goeth của lịch sử lẫn lộn trong niềm say mê với Ralph Fiennes, người diễn viên đã nhập vai xuất sắc cho nhân vật ấy.
“Sự thật tản mát trong đủ loại cát bụi”, Vuillard viết trong chương về cửa hàng đạo cụ ấy. Có lẽ là như thế, lịch sử được tìm thấy trong những câu chuyện, nhưng sự thật thì phải tìm trong những tua rua, những mảnh rời, những thứ tưởng như không kể ra câu chuyện nào cả, như một mặt trái túi áo vest không cài kĩ của tay độc tài run rẩy Schuschnigg hay một bộ đồ trượt tuyết mà y đã tròng vào người để cải trang đi một chuyến sang Đức gặp Hitler nghe chất vấn và dọa nạt. Và sự thật cũng lởn vởn quanh ta, có thể là trong những thùng dầu nhớt chạy máy hằng ngày được chảy từ bên kia đại dương, trong những vỉ thuốc đặc trị do một đại tập đoàn sản xuất mà ta uống khi đau ốm, trong chất phản quang mà ta tiêm vào người để chụp những ổ tai biến trong cơ thể. Dù sao thì vẫn phải sống tiếp và không thể cứ nhìn mãi vào quá khứ – lời biện hộ này luôn phát huy tác dụng. Ngay cả nhận thức về sự thật, nếu chẳng đem lại điều gì tốt đẹp, thì con người thà chọn một lời nói dối. Con người phải sống cho hiện tại, đó là sức mạnh mà cũng là nỗi hổ thẹn của con người.□