Chuyện “bát ô-tô”
Chữ có gốc gì đi nữa, một khi trôi nổi vào tiếng Việt thì nó cũng sẽ phải tự tạo ra một cuộc sống nôm na của mình thông qua quá trình trầm tích hóa. Lần theo trầm tích hóa này là điều thú vị vì nó hé cho ta thấy lối xoay xở của cách suy nghĩ cùng tâm lý của cộng đồng Việt.
Câu chuyện về sự lỏng lẻo của “chữ nghĩa nôm na” được chung vui với một câu chuyện khác mang tính văn hóa lịch sử, chuyện “bát ô-tô”.
Rất có thể là người ta đã gọi món súp gốc Pháp “pot-au-feu” (đọc là “pô-tô-phơ”) thành ra “ô-tô phở” (lược mất chữ “p” vốn không tồn tại trong tiếng Việt sau này), rồi thì đơn giản hóa nữa ra thành “tô phở” (lược mất chữ “po” khó phát âm). Rồi thì sau đó nữa, chữ “ô-tô” hay chữ “tô” được nôm na hiểu thành ra là “ cái bát to để ăn món súp này”, “bát ô-tô”, hay bát “tô”, hay “tô” để ăn món súp đó nay đã được gọi gọn lại là món.. “phở”. Tất nhiên từ món súp “pot-au-feu” đến món “phở” đã có cả một quá trình Việt hóa thú vị và sáng tạo của các đầu bếp Pháp và Việt ở trung tâm thành phố Hànội đầu thế kỉ thứ XX.
Món súp “pot-au-feu” là món súp thịt bò ăn nóng, người Việt không có súp thịt bò, chưa kể bò là thứ quí hiếm để làm thịt mà ăn, “mổ bò” là thứ thật đình đám, phải “cãi nhau như mổ bò”, có người đã viết về sự này. Sự đóng góp sáng tạo của bếp Việt vào món này là các đồ gia vị Việt, là rau thơm húng Láng, là nước mắm chanh ớt, và đặc biệt: bánh gạo trần chín sẵn thật nóng và chỉ được chan vào ở phút chót! Hà Nội được hưởng cái lạnh mùa đông, điều càng làm cho món súp này thành công. Sau này bếp Việt mở rộng “phở” ra mênh mông, thịt gà (nhất là gà trống thiến, phổ biến ở hàng phở ngon thời trước) thì rất thành công, nhưng rồi thịt trâu, thịt lợn.. cũng cố tham gia vào đây cho đủ “thành phần mặt trận”. Phở nước còn được mở tiếp sang cả phở xào, nhưng mà chưa thấy phở nướng. Và phở bây giờ tất nhiên không chỉ ở trung tâm Hà Nội như một thời, mà dọc các con đường của cả nước đâu đâu cũng đồng phục “Cơm Phở”, trên từng cây số. Phở cũng đã đủ sức để tràn đi khắp thế giới, thành từ được biết đến rộng rãi nhất trên thế giới trong số các từ tiếng Việt.
**
Có một thứ có vẻ rất không đâu vào đâu mà lại rất được gìn giữ vượt thời gian, là cái bát ăn phở (nước) phải là bát to, rộng đáy, dù cho nhiều nhà hàng nhí nhoáy tiết kiệm chỉ cho bạn lõng bõng xơ xác phở ở trong. Một người mà lại được ăn bằng cái bát thật là to, đó điều chưa từng thấy cho văn hóa quê Việt truyền thống.
Hôm nay khi bạn gọi “cho tôi một ‘tô phở’”, câu ấy dần dà được chuyển nghĩa đại chúng ra thành “cho tôi một ‘bát ((ô-)tô) phở’”.
Ăn phở trong cái bát ăn cơm con, thì chẳng còn ra gì là phở.
Phải ăn phở bằng “bát ô-tô”.
Nhưng nếu như ngay từ đầu người ta đã chấp nhận chữ viết liền, đã ghi chép những chữ viết liền như “pôtôphở”, hay “ôtôphở”, hay “tôphở”, thì rút cục chẳng có “phở” đã đành, mà cũng chẳng có cái “bát ô-tô”!