Chuyện chiếc áo nhung đen

Hôm 28 Tết, trời se lạnh, cái lạnh mùa đông Huế, mình lên chùa Bảo Quốc dự lễ cầu siêu của thân phụ gia đình bạn. Sẵn cái áo nhung cũ vừa đem từ Đức về mình nghĩ trời lạnh và lễ cầu siêu ở chùa, áo ni hợp đây.

Lần thứ hai ngày 28/2 trong buổi mạn đàm nhân tượng anh Trịnh Công Sơn được đưa về Huế, mình cũng chọn nó mặc vào cho nhanh, khỏi lựa chính vì nó còn treo ngoài tủ.

Hai lần mặc cùng chiếc áo, bao nhiêu thương nhớ tràn về.

Đầu tiên khúc vải nhung ấy Mạ mình đã mở tủ lấy ra đưa cho mình năm 1977 khi mình trở về Huế lần đầu sau mười ba năm du học. Mạ đã cất nó khá lâu đợi con gái về, “tội nó đi học ở xa nhà”. Tấm vải nhung đen mướt êm, mềm mại lạ kỳ đến nỗi nhà văn TT hôm ấy thốt lên “chừ loại vải nhung ni không còn nữa!” Đó là vải nhung “Tây” một thời phổ biến ở miền Nam.

Kèm theo xấp vải Mạ còn đưa cho mình một cái túi gấm và dặn: “Đây là bộ nút ngọc của bà cô để lại, đơm vô áo nhung thì hạp đó con”. 

Bà cô là phu nhân của Thượng thư Nguyễn Trừng, đã cưu mang giúp đỡ cả gia tộc khi khốn khó, chúng tôi đều đội ơn bà. Bộ nút ngọc là dấu tích cao quý của người xưa để lại, mình bất ngờ được nhận lãnh từ tay Mạ, lúc ấy chưa còn biết hết, hiểu thấu hết giá trị của món “đồ xưa” thoạt trông nhỏ bé này. 

Đó là những hạt ngọc thạch màu xanh “ngọc” đúng chất, đã được thợ xưa ở Huế mài dũa tỉ mỉ bằng tay thành những hột nút có một không hai. 

Người xưa may áo, mặc áo đều có ý tứ ở hai điểm: mặt hàng hay chất liệu vải là một và bộ nút là hai. Bộ nút vừa có chức năng cài áo nâng giữ vóc dáng thân thể vừa là phụ kiện nhấn mạnh giá trị của chiếc áo. Bộ nút nơi chiếc áo dài có thể thay cho nữ trang đi cùng với áo. Ngày nay ý tưởng “nút” chỉ là thứ đóng áo nên cứ phéc – mơ – tuya (fermeture) kéo lên cái rẹt là xong, theo người xưa thì đó không phải là áo dài Việt mà lai căng. 

Ngày xưa có rất nhiều loại nút như có thể thấy trên các áo xưa còn lưu lại (ví dụ bộ sưu tập áo dài triều Nguyễn của Thái Kim Lan, mỗi áo một bộ nút: vàng, ngọc, bạc, mã não, san hô, hổ phách, ngọc trai vv), làm tăng phẩm chất cao quý của áo dài (ngũ thân), tuy nhiên đơn giản và đẹp dung dị nhất là nút thắt bằng vải cho tất cả các áo dài nam nữ. Nhìn những chiếc nút thắt bằng vải ngày xưa, mới thấy mỗi người thợ may dụng công hành đạo “may mặc” đạt mức hoàn hảo đến bờ.

Vâng người thợ may! Người thợ may chiếc áo nhung của mình cũng nên được nhắc ở đây. Nhớ được tên cũng nhờ cái nhãn “Nhà may Hùng” còn đính nơi mặt trái của cổ áo. Cái nhãn ni cũng làm mình ngẩn ngơ nhớ làm sao cái không khí rộn ràng may, mặc áo dài trong những thập niên 50, 60. Thợ may Hùng dạo ấy được các cô Đồng Khánh chấm điểm may thắt lưng ong rất chuẩn, nhấn eo vừa vặn, áo mặc trên người mềm mại óng ả. Mình vẫn còn nhớ tiệm may Hùng ở đường Trần Hưng Đạo, gian hàng nhỏ mà tấp nập nằm nhờ trong một nhà hàng lớn không còn nhớ tên. Thời ấy ông nổi tiếng may áo cách tân theo mốt mà đạo diễn Thái Thúc Nha thiết kế: vạt áo dài phết đất, nhấn eo lưng ong với vòng dây quanh bụng phía trong, cắt thẳng không nối vai mà nối tay theo khổ áo ( kiểu xưa), cổ cao theo cách bà Nhu (ở Huế dạo ấy chưa dám mặc decollete!, Áo dài hở cổ hở vai mình cho là biến thái của áo đầm, cho cái ái dài phết đất thì quần không dài hơn áo và ống bó. Nhà may Hùng thời ấy may áo cho các cô nữ sinh Đồng Khánh thập niên 50, 60 không kịp. Năm chiếc áo dài mà mình đem theo trong va- li khi sang Đức là do ông Hùng may. Sau 1975 ông dọn về Mai Thúc Loan và chiếc áo nhung này được ông may cuối thập niên 70. Cách cắt đã có thay đổi theo mốt thập niên 70 kiểu áo dài raglan, nối xéo vai và vạt không dài phết gót, có thể ngắn quá đầu gối và có thể dài hơn như trường hợp chiếc áo nhung của mình. Nhà may ấy (nay đã quá cố) đo cắt thế nào mà chiếc áo đã hơn 40 năm, đến nay mặc vẫn còn vừa, tuy có chật hơn một tí. Về sau ông còn may cho mình một cái áo nhung màu tím với một khúc vải không lấy chi làm rộng, cho nên vạt ngắn theo đúng phong cách áo raglan thập niên 70. Rất tài tình. Về sau nữa thì những chiếc áo nhung khác do những người con tiếp nối sự nghiệp ông cha vẫn theo cách của nhà may Hùng. 

Cảm ơn cái nhãn nhà may đã cho tôi nhớ cả một thời ngày xưa “áo dài Hoàng Thị”.

Mình nhớ có đọc một status về chiếc áo dài nhung với một tấm hình portrait của một quý bà mặc áo nhung thật trang nhã, đẹp thuần hậu. Khi các Mạ Huế ngày xưa mặc áo nhung mùa đông thì chỉ biết đứng đó mà nhìn không chán, mình còn nhớ bà Tuần Chi cựu Hiệu trưởng trường Đồng Khánh thập niên 50 trong chiếc áo nhung màu hột xoay, và những cô giáo trong áo màu nhung tím, hay chị của mình trong áo nhung nâu, và mới đây cô Diệu Huyền trong tấm áo nhung màu xanh lá, thật trang nhã quý phái. Tính chất nhung cura chiếc áo đưa nét thẩm mỹ vào chiều sâu của hơi lạnh sầu đông, nhưng lại đằm thắm nhu nhã lạ kỳ, làm mình cứ phải nhớ đến bài thơ Một mùa đông của nhà thơ Lưu Trọng Lư:

Đôi mắt em lặng buồn

Nhìn thôi mà chẳng nói

Tình đôi ta vời vợi

Có nói cũng không cùng…

Áo nhung có cái vẻ “không cùng” ấy, một trong muôn câu chuyện áo dài…

Còn mình thì mặc áo nhung mà cười và nói cũng…không cùng luôn!□

 Bài đăng Tia Sáng số 7/2024

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)