Chuyện của những người trao gửi

Một số nhà khoa học giải thích vì sao lại quyết định trao những tư liệu, hiện vật quý giá của đời mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) chứ không phải nơi nào khác.

Băn khoăn thường thấy của không ít nhà khoa học khi tuổi đã xế chiều là họ không muốn bỏ đi cái gì trong kho sách vở, bản thảo, thư từ, ảnh chụp…, dù nó đã bị mối ăn mấy lần, trong khi thế hệ con cháu họ sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số lại không muốn giữ kho tư liệu đó, chỉ muốn số hóa để đưa lên mạng hay lưu trong USB. Vậy phải có một chỗ để phó thác.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia cũng là nơi lưu giữ đáng tin cậy, nhưng không phải nhà khoa học nào cũng muốn tư liệu của mình nằm cùng vô vàn những tư liệu của các vị lãnh đạo, những người làm chính trị, hay thuộc các lĩnh vực hoạt động khác. Họ muốn tư liệu của mình được nằm đúng chỗ của chúng: nơi lưu giữ kỷ vật của các nhà khoa học.

Một số ngành khoa học hay nhân văn cũng có bảo tàng riêng cho ngành mình, nhưng quy mô thường không lớn, dễ tạo cảm giác chen chúc, chật chội. Đơn cử như Bảo tàng Văn học, nơi GS. Phong Lê cho biết ông cảm thấy băn khoăn vì chỉ mới trưng bày tư liệu, hiện vật của những nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước “mà nhìn vào đã thấy chen chúc nhau, thấy chật chội, mỗi người chỉ được một ô nhỏ, ô của thầy Đặng Thai Mai có mỗi cái y bạ.”

Nhiều nhà khoa học đã lựa chọn TTDS, chủ yếu do ý thức trân trọng với các nhà khoa học, và đặc biệt là phương pháp xử lý, sắp xếp của Trung tâm này khiến họ cảm thấy những giá trị văn hóa, tinh thần gắn với các tư liệu, kỷ vật của mình được bảo tồn một cách nguyên vẹn nhất.

Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học đã lựa chọn TTDS, chủ yếu do ý thức trân trọng với các nhà khoa học, và đặc biệt là phương pháp xử lý, sắp xếp của Trung tâm khiến họ cảm thấy những giá trị văn hóa, tinh thần gắn với các tư liệu, kỷ vật của mình được bảo tồn một cách nguyên vẹn nhất. “Giá trị không phải ở chỗ chúng tôi lưu danh thiên cổ bằng mấy quyển sách. Không phải. Tôi nghĩ, đằng sau đó là những ký ức giúp hình dung ra thời chúng tôi sống. Những chuyện đó bây giờ chưa giá trị đâu, nhưng vài thế kỷ nữa vô cùng giá trị”, GS. Phong Lê bộc bạch.

Trường hợp của PGS Sử học Chương Thâu lại khác. Con cháu rất quan tâm coi sóc kho tư liệu của ông nhưng “sức của chúng cũng chỉ lưu giữ và bảo quản được khoảng 1/10 cái kho của tôi”, ông kể. Bởi vậy, sau khi để lại một phần cho con cháu, ông quyết định trao tặng một phần đáng kể kho tư liệu của mình cho TTDS. “Là người cả đời nghiên cứu về Phan Bội Châu và các danh nhân Việt Nam thế kỷ 20, tôi đã ký thác một phần kho tư liệu của mình cho một số nơi như Trung tâm Phan Bội Châu ở Huế hay Thư viện của Khu lưu niệm Phan Bội Châu ở Nam Đàn, Nghệ An, đồng thời đã nghĩ đến Thư viện Quốc hội, nhưng phần tôi gửi vào Trung tâm cũng là đáng kể vì tôi tin anh [Nguyễn Văn] Huy là người có tầm kiến thức, biết giá trị của tư liệu, lại có kinh nghiệm chuyên môn. Gửi vào đó, các tư liệu của tôi sẽ được bảo đảm và phát huy tốt hơn,” ông nói. Mặc dù còn giữ lại “phần cốt lõi nhất [của kho tư liệu] vì vẫn đang sử dụng chúng cho các nghiên cứu”, nhưng ông khẳng định, sớm muộn gì cũng gửi nốt phần đó, bao gồm những bản thảo viết tay các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Thanh Giản…, cho TTDS.

Trong số hơn 800 nhà khoa học đã gửi gắm niềm tin vào TTDS, GS Sinh học Hà Đình Đức là một trường hợp đặc biệt khi ông tặng đến hai khối tư liệu cho TTDS, một của bản thân và một của GS Đào Văn Tiến – “người thầy số một” của ông. “Từ những năm 1970, thầy bắt đầu chuyển cho tôi giữ hộ những tư liệu viết tay hoặc đánh máy, trong đó có những bản thảo, bài báo, ghi chép từ những năm 1940,” ông kể. Ông đã tỷ mẩn sắp xếp và thống kê di sản của thầy thành một danh mục gồm 18 trang mà sau này khi thầy được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, ông đã gửi danh mục đó cho Hội đồng xét tặng giải như một tài liệu tham khảo. “Thật sự thầy đã nghiên cứu những gì ngay cả khoa và bộ môn cũng không biết hết vì thầy bắt đầu nghiên cứu từ những năm 1940 với những ông thầy Pháp ở Viện Đại học Đông Dương. Chúng ta mà không ghi chép thì bản thân cũng chẳng nhớ mình từng làm gì ấy chứ. Thầy tôi qua đời năm 1995 thì năm 1996 được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.” Sắp tới, GS Hà Đình Đức cùng vợ chuyển đến một căn hộ chung cư để được ở gần con cái. Kho tư liệu chất đầy nguyên căn phòng 24m2 ở ngôi nhà cũ không tìm được chỗ ở căn hộ mới. Bản thân các con ông – người làm nghề kiến trúc, người làm kinh doanh – “quan tâm gì đâu đến những thứ đó”. “Giữ mà không dùng hết, không khai thác hết thì cũng phí” nên khi được ngỏ lời, ông đã quyết định tặng cả hai khối tư liệu cho TTDS.

Nữ giám đốc điều hành trẻ tuổi của TTDS Trần Bích Hạnh cho biết, hầu hết các khối tư liệu, hiện vật của các nhà khoa học đã được tiếp quản kịp thời, nhưng cũng có những trường hợp được tiếp nhận trong tình trạng bị hư hại nặng. Điển hình là khối tư liệu, hiện vật của GS Tôn Thất Tùng. Là người trực tiếp làm việc với hồ sơ của GS Tôn Thất Tùng, chị Hạnh kể, vị Giáo sư khả kính có thói quen ghi chép tỉ mỉ công việc từng ngày và ông để lại rất nhiều sổ tay, thư từ trao đổi với bạn bè quốc tế, hình vẽ các trang thiết bị phẫu thuật mà ông quan sát được trong các chuyến đi nước ngoài và ảnh chụp. Thế nhưng sau khi Giáo sư qua đời gần 30 năm, không có trung tâm lưu trữ nào ngỏ ý với gia đình ông về khối tư liệu, hiện vật đó, cho tới khi TTDS tìm đến vào tháng 10/2011 – bà Tôn Nữ Ngọc Trân, con gái của Giáo sư, cho biết. Vậy mà cũng phải mất hơn nửa năm, vợ và các con gái của Giáo sư mới đủ quyết tâm “chia tay” khối kỷ vật của người thân gồm hơn 4.000 tư liệu và hiện vật, khá nhiều trong số đó đã bị biến dạng do thời gian và điều kiện bảo quản hạn chế tại tư gia. Bà Trân không khỏi tiếc nuối, “giá như trao tặng kho tư liệu cho Trung tâm sớm hơn vì ở Trung tâm, chúng được giữ gìn tốt hơn. Như cuốn nhật ký Điện Biên Phủ của cha chúng tôi giờ được scan màu, ai cũng có thể xem chứ bản gốc thì gần như rã ra rồi, chúng tôi không dám sờ đến.” Trong số 200 bức ảnh GS Tôn Thất Tùng để lại cũng chỉ còn chưa đến 10 bức nguyên vẹn nhưng TTDS cho biết vẫn giữ hết để bảo quản.

Hoạt động lưu trữ, bảo tồn, triển lãm bằng tài trợ của tổ chức tư nhân, liệu khi nguồn tài trợ đó không còn, điều gì sẽ xảy đến với những tư liệu, hiện vật mà các nhà khoa học đã gửi gắm cho TTDS? Các nhà khoa học nghĩ sao về tình huống này? Chúng tôi đã chuyển câu hỏi trên đến một số nhà khoa học hoặc thân nhân của họ. “Thế gian vật đổi sao dời, chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhưng Trung tâm bảo quản giúp [tư liệu, hiện vật] được ngày nào là tốt ngày ấy,” bà Tôn Nữ Ngọc Trân e dè, trong khi PGS Chương Thâu tỏ ra hết sức lạc quan: “Tôi chưa nghĩ đến tình huống đó, nhưng dẫu có thế nào, các thế hệ con cháu sẽ vẫn phải tiếp tục nghiên cứu về các thế hệ đi trước chứ, vì vậy lo gì không có người tiếp quản.” 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)