“Chuyện nghề của Thủy”: Sống để kể lại
Trong một bài phỏng vấn đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy, người ta hỏi ông sao giữ được bản lĩnh đến vậy trước bao sóng gió ập vào các bộ phim tài liệu của mình, ông đáp: “Tôi chẳng tài cán gì đâu, chỉ có một tấm lòng, cố gắng đi đến tận cùng điều mình cho là có ích.
Tôi cũng không can trường, dũng cảm gì cả. Việc nó cần phải thế thì nó thế.” Theo Trần Văn Thủy, ông không can trường. Nhưng ông đã vào sinh ra tử trong chiến tranh để bảo vệ những cuộn phim của mình. Ông đã tìm cách đưa Chuyện tử tế tới Liên hoan phim Leipzig dù biết nếu thất bại, có thể phải trả một giá rất đắt. Ông đã đấu tranh cho những bộ phim tài liệu của mình được tồn tại, đã trải qua những hành trình thật ly kỳ, thật quái đản, mà cũng thật chua xót để đưa phim ra thế giới.
Tôi thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn. Khi tôi bắt đầu tìm hiểu về phim ảnh, đất nước đã có những bước nhảy vọt về kinh tế. Tôi bận hưởng thụ những gì mà thời hiện đại bón cho mình, những câu chuyện thời chiến tranh và thời bao cấp với tôi lúc đó chỉ là những câu chuyện cất trong lồng kính, được trưng bày trong những bảo tàng ký ức của người già. Cho đến một lần, YouTube dẫn tôi tới bộ phim Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy. Và sau nhiều năm, tôi vẫn nhớ hình ảnh những người lao động gánh gồng trên những con đường quê, và giọng kể chuyện vang lên: “Chỉ có sống cuộc sống của người đời, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn của người đời, thì may ra mới tìm được, hiểu được, nghĩ được và làm đúng được đôi điều. Nhưng cũng như chúng tôi, biết có mấy ai lại lẩm cẩm từ chối một cuộc sống đầy đủ hơn, quyền thế hơn, để sống cuộc sống như mọi người. Cái nghịch lý là ở chỗ đó.”
Lúc đó, tôi không hề biết bộ phim này cùng phần trước của nó, Hà Nội trong mắt ai, từng trải qua số phận truân chuyên ra sao trước khi được thừa nhận rộng rãi. Và cũng không thể nghĩ được. Vì như một kỷ niệm mà Trần Văn Thủy kể trong hồi ký Chuyện nghề của Thủy (tác giả Lê Thanh Dũng, Trần Văn Thủy), tác phẩm từng được giải Sách Hay 2013, Tổng bí thư lúc đó là Nguyễn Văn Linh khi xem Hà Nội trong mắt ai cũng “rất ngỡ ngàng vì những đồn thổi bấy lâu nay về bộ phim” và hỏi: “Bộ phim này nó chỉ có thế thôi à các anh?”, rồi từ đó cởi trói cho phim. Ngẫm xưa mà nghĩ đến nay, nghĩ đến những ồn ào gần đây của thị trưởng phim ảnh Việt, đến những quy chụp của một số khán giả vào một vài bộ phim điện ảnh, thật không khỏi cảm thán!
Sau 10 năm, Chuyện nghề của Thủy được tái bản, một sự kiện cần thiết trong bối cảnh có một thế hệ khán giả mới lại ra đời, có những phong trào phổ cập điện ảnh của các hội nhóm độc lập nở rộ, ví như mới đây còn có cả một tháng phim chiếu lại toàn bộ trước tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhưng ở hướng ngược lại, cũng có những bộ phận trí thức dường như từ lâu đã không còn làm việc đáng làm nữa. Xét cho cùng, cuốn sách này cho ta thấy chân dung của một intelligentsia (trí thức) ở trạng thái đáng khao khát nhất, một người đã góp phần khiến hai chữ “trí thức” vẫn đáng được nể trọng. Nói theo kiểu Plato thì đây là một nhà trí thức trong nguyên mẫu và ý niệm.
Một cách vô tình, tôi đọc Chuyện nghề của Thủy song song hồi ký của một đạo diễn khác, một đạo diễn cũng bắt đầu thành danh từ những năm 70-80, tương đối gần mốc thời gian với Trần Văn Thủy, nhưng là một đạo diễn của Hollywood, và khác với Trần Văn Thủy làm phim tài liệu, ông làm các tác phẩm hài lãng mạn. Người đó là Woody Allen.
Sự đọc song song như thế cũng vô ý gợi ra cho tôi những cách nhìn thật khác về nghề làm phim. Nếu như phim ảnh là một kiểu chạy trốn thực tại của Woody Allen, bởi với ông, thế giới trong phim lúc nào cũng quá hoàn hảo, ngay cả một chuyện đơn giản như có chuông điện thoại réo lúc nửa đêm, thì chiếc điện thoại bàn bao giờ cũng nằm ngay sát giường diễn viên, quơ tay là nắm được, khác hẳn với trong đời thật, người ta phải lồm cồm bò khỏi chăn và vấp phải đủ món đồ trước khi tới được chỗ đặt điện thoại; còn với Trần Văn Thủy, làm phim chính là xông thẳng vào thực tại, là xé bỏ tất cả những lớp màn ảo để thấy mọi thứ đúng như nó thế. Phim, có ý nghĩa gì, nếu chỉ là thêm một lời nói dối.
Câu chuyện của Trần Văn Thủy, có lúc đọc mà ngỡ như đang đọc Phía Tây không có gì lạ hay Nỗi buồn chiến tranh, ở đó chiến tranh thu nhỏ con người nhiều hơn là phóng to họ thành anh hùng, nhất là khi ông lèn gạo rang để chống ẩm cho những cuộn phim quý giá hơn mạng sống của mình – vì trong đó có biết bao nhiêu câu chuyện về những trận đánh, những người lính – và không có gì ăn, ông phải đi ăn cắp một con cua của hai mẹ con nhà kia, thấy nhục nhã vì cướp đi niềm vui của một đứa trẻ; khi ông nghĩ không hiểu sao mình vẫn chưa chết ngoài chiến trường, trong khi “phải chết hàng trăm lần mới phải chứ”.
Cũng có lúc, câu chuyện ly kỳ như một bộ phim hành động, khi Trần Văn Thủy đi tìm bản phim Chuyện tử tế rồi chuyển thùng phim nặng hai chục cân lên một chiếc ô tô trên đường Bách Thảo, để người ta vận chuyển nó sang liên hoan phim ở nước ngoài. Rồi có lúc, câu chuyện như trích ra từ một tác phẩm khôi hài của Aziz Nesin, nhưng ở mức độ chua chát và cay đắng hơn nhiều, như khi chẳng ai lên nhận thưởng lúc Chuyện tử tế được giải Bồ Câu Bạc và rốt cục, cái giải thưởng mô tê ra sao, Trần Văn Thủy cũng không biết.
Và lại có lúc, câu chuyện như lấy cảm hứng từ một tiểu thuyết phi lý của Franz Kafka, khi một bộ phim đang được chiếu bình thường bỗng chốc “nhận bản án” không thể chiếu nữa, nhưng sai ở đâu thì người làm phim cũng chẳng hiểu. Trần Văn Thủy hay chàng Josef K. của làng phim tài liệu Việt đi hỏi han khắp nơi để hiểu rốt cuộc mình làm sai điều gì để còn sửa sai, nhưng chỉ được báo rằng “sai đến mức không thể sửa được”. Ngay cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ muốn xem phim cũng chẳng dễ dàng gì, phải đợi nửa tháng mới được xem.
Có một đoạn trong Chuyện nghề của Thủy, khi kể về Đặng Thùy Trâm, về những người bạn đã hy sinh trong chiến tranh, còn mình vẫn sống, Trần Văn Thủy chợt ngẫm về lẽ sống chết ở đời. Ông bảo: “Nói thế vì mình đã thoát chết hàng ngàn lần, không phải sống sót để mà ngồi đây nói khoác với nhau.” Ông nghĩ đáng lẽ mình phải chết, nhưng không, có lẽ ông phải sống để kể lại, xin mượn cái tựa đề hồi ký quá hay của nhà văn Gabriel García Márquez, Vivir para contarla, để kể một cách rất chân thật, một cách không có gì để mất, vì cũng chẳng từng có gì phải giữ ngoài lòng yêu cái cái tử tế, cái phải, cái đúng.
Với một thế hệ độc giả mới, đọc Chuyện nghề của Thủy là được ngồi bên cạnh một người tộc trưởng của quá khứ rất già nua, già như thời gian, nghe người tộc trưởng ấy kể chuyện cây đời. Điều xúc động nhất trong Chuyện nghề của Thủy đó là, Trần Văn Thủy không tuyệt đối hóa lý tưởng của mình, không tuyệt đối hóa phim mình, không tuyệt đối hóa thành công của mình, không tuyệt đối hóa cả những nỗi đau lẫn vinh quang của mình. Làm đúng, với ông, không phải để được khen, mà bởi vì phải làm đúng, bởi vì sự đúng đắn là lẽ tự nhiên. Ông có thể sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để đổi cho tác phẩm của mình được tung bay, cực đoan như thế, “điên” như thế, nhưng rồi cũng chính là ông biết rằng cả cuộc đấu tranh tìm ý nghĩa của con người cũng là vô nghĩa: “Ở đời, cái gì quan trọng thì quan trọng rồi, những xét cho cùng thì chẳng có gì là quan trọng cả. C’est la vie!”.
Đời Trần Văn Thủy làm ta nghĩ đến câu thơ của Rudyard Kipling: “If you can meet with Triumph and Disaster / And treat those two impostors just the same” – “Nếu người có thể đối mặt Khải Hoàn và Tai Họa / Và đối xử với hai kẻ dối gian ấy theo cùng một cách”. Hoặc, ông chính là “a man” (một con người) theo nghĩa trọn vẹn nhất trong câu hát của Bob Dylan: “How many roads must a man walk down before you call him a man?” Một con người phải qua bao chặng đường trước khi ta gọi đó là một con người? □