Chuyện thần tiên lâu đời hơn bạn nghĩ

Có bao giờ bạn nghĩ rằng, những câu chuyện thần tiên mà mình được nghe kể từ tấm bé, lại ra đời từ hơn 5.000 năm trước?

Tranh minh họa truyện kể dân gian “Anh thợ rèn và con quỷ”.

Có lẽ, hầu như không có đứa trẻ nào trên Trái đất này lại không lớn lên với những câu chuyện cổ tích và thần tiên. Thế giới đẹp đẽ vô thực, bay bổng và huyền bí ấy ẩn chứa vô vàn những con người xinh đẹp, lập nên nhiều chiến công hiển hách, những quái vật hung dữ và cả những kẻ hậu đậu đáng yêu… Chúng thường được mở màn bằng cụm từ “ngày xửa, ngày xưa, ở vương quốc nọ…” và khép lại bằng cái kết viên mãn “hoàng tử công chúa kết hôn, sống bên nhau đến đầu bạc răng long” hoặc “chàng vụng về có trái tim nhân hậu sống một cuộc đời vui vẻ, đầm ấm giữa những người chàng yêu mến”… Thế kỷ trước, những nghệ sĩ sáng tạo nên những câu chuyện thần tiên như anh em Grimm(Đức), Hans Christian Andersen(Đan Mạch) và Charles Perrault(Pháp)… đã giúp đem những câu chuyện kỳ ảo về những nàng công chúa, những yêu tinh, các khu rừng hắc ám, bùa mê định mệnh và cả tình yêu bị ngăn trở vào các cuốn sách thiếu nhi ở khắp mọi nơi. 

Nhưng những câu chuyện truyền cảm hứng cho họ đã tồn tại bao nhiêu thời gian rồi? Một nghiên cứu mới của Sara Graça da Silva, nhà nghiên cứu văn học dân gian thuộc Viện Nghiên cứu Văn học và Truyền thống, ĐH Lisbon mới, và Jamshid J. Tehrani, một nhà nhân học thuộc Khoa Nhân học và Trung tâm Đồng tiến hóa sinh học và Văn hóa, ĐH Durham, đã đề xuất ý tưởng: nguồn gốc của chúng có từ thời tiền sử. Bài báo của họ “Comparative phylogenetic analyses uncover the ancient roots of Indo-European folktales” (So sánh các phân tích phát sinh loài giúp khám phá gốc rễ cổ đại của các câu chuyên dân gian Ấn Âu), được xuất bản trên tạp chí Royal Society Open Science

Kể từ năm 2010, trên thế giới đã có những nghiên cứu về sự tiến hóa của đa dạng văn hóa cho thấy tồn tại mối liên hệ giữa nhiều loại ngôn ngữ, hành vi xã hội và truyền thống văn hóa vật chất thường phản chiếu sâu sắc những mẫu hình tổ tiên chung có thể được truy dấu hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm.

Phát hiện này cho thấy, một số câu chuyện cổ tích có tuổi đời từ 4000 đến 5000 năm tuổi chứ không phải khoảng 1.500 năm tuổi như từ trước đến nay người ta vẫn nghĩ. Theo giải thích đó thì những nhà sưu tầm cổ tích như anh em nhà Grimm đã tiếp nối những câu chuyện sẵn có trong dân gian không chỉ vài năm trăm.

Đi tìm cội rễ cổ xưa bằng phương pháp sinh học 

Sẽ có người tò mò cho rằng, bằng cách nào mà hai nhà nghiên cứu này lại có thể đưa ra một đề xuất khó tin khi di dời cột mốc lịch sử của những câu chuyện cổ tích. Bởi thật vô cùng khó để xác quyết độ tuổi của chúng chỉ bằng việc sử dụng những dữ liệu lịch sử. Thông thường, những câu chuyện kể như thế này được truyền từ đời nọ sang đời kia chỉ hoàn toàn bằng cách truyền miệng. Hầu như không thể đảo ngược bối cảnh để lần về nguồn gốc của chúng bằng các công cụ nghiên cứu truyền thống, đơn lẻ của một nhà nhân học hoặc một nhà sử học bởi không vượt qua được thực tại thiếu hụt dữ liệu lịch sử và tác động của rất nhiều điều kiện ngoại cảnh làm nhiễu loạn thông tin. Nếu trong lĩnh vực khảo cổ, việc xác định niên đại các hiện vật thường bằng kỹ thuật đồng vị carbon nhưng ở trường hợp các chuyện kể dân gian, tất cả cứ mơ hồ như thể “khắc dấu mạn thuyền” vậy.

Tranh minh họa truyện kể dân gian “Người đẹp và con thú”.

Nguồn gốc của những câu chuyện kể dân gian luôn là một trong những “bí ẩn lớn bậc nhất” trong nghiên cứu về chuyện cổ dân gian và việc tái cấu trúc “thông thường không chỉ đem lại việc định hình lại những khác biệt về thể loại mà còn dẫn đến sự ảnh hưởng vô cùng lớn lao giữa văn hóa truyền miệng và chữ viết”. 

Cách tiếp cận mới là mấu chốt trong nghiên cứu này. “Sự mở rộng và di chuyển của các cộng đồng dân cư cổ đại thường để lại nhiều dấu tích trong các truyền thống văn hóa của hậu duệ họ cũng như trong gene và ngôn ngữ. Hồ sơ chuyện kể dân gian quốc tế từ lâu đã mở ra một bối cảnh văn hóa phong phú để người ta có thể khám phá ra các di sản đó”, Sara Graça da Silva và Jamshid J. Tehrani viết trong công trình của mình như vậy. Để đi tìm dấu tích thời gian, họ đã sử dụng một phương pháp mới bằng việc áp dụng các phương pháp phát sinh loài so sánh của sinh học và mô hình hóa kho vận tự động (autologistic modeling) để phân tích các mối quan hệ giữa các chuyện kể dân gian, các lịch sử dân số và các khoảng cách địa lý trong các xã hội nói tiếng Ấn Âu. “Chúng tôi đã tìm thấy những mối tương quan giữa sự phân bố của một số chuyện dân gian, sự phát sinh loài, không chỉ về không gian, các mối liên hệ giữa các cộng đồng người mà còn phù hợp với các quá trình kế thừa di sản văn hóa”, hai nhà nghiên cứu viết.

Sử dụng phương pháp của ngành sinh học để đi truy ngược thời gian ư? Nghe có vẻ khó tin nhưng kể từ năm 2010, trên thế giới đã có những nghiên cứu về sự tiến hóa của đa dạng văn hóa cho thấy tồn tại mối liên hệ giữa nhiều loại ngôn ngữ, hành vi xã hội và truyền thống văn hóa vật chất thường phản chiếu sâu sắc những mẫu hình tổ tiên chung có thể được truy dấu hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Wilhelm Grimm từng cho rằng những câu chuyện dân gian Đức mà ông và anh trai Jacob của mình đã thu thập và biên soạn đều là những tàn tích của một truyền thống văn hóa Ấn – Âu cổ đại bao phủ khắp Scandinavia đến Nam Á: ‘Những lằn ranh ngoài của di sản văn hóa chung trong các câu chuyện kể… đều trùng khớp với những chủng tộc vĩ đại mà người ta gọi là Ấn – Đức và mối quan hệ này được rút ra trong các vòng nhỏ hơn quanh các khu định cư của người Đức… Tôi tin là những câu chuyện Đức không chỉ thuộc về các vùng phía Bắc và Nam của đất nước chúng ta mà còn hoàn toàn là tài sản chung của Anh, Hà Lan và vùng Scandinavia”. 

Trên một phạm vi lớn hơn, các loại chuyện kể được kể trong các xã hội cổ đại này cũng có thể đem lại những cái nhìn quan trọng vào văn hóa của họ, qua đó trao cho chúng ta những tầm nhìn mới vào việc tái cấu trúc ngôn ngữ, di truyền và khảo cổ của người tiền sử.

Nhưng thật không dễ để xác định niên đại cho các câu chuyện kể bởi có hai trở ngại. Nếu đặt các cuộc truy ngược quá khứ này vào một sơ đồ thì thứ nhất chúng ta thấy chúng không chỉ được lan truyền “theo chiều dọc” từ các quần thể người cổ đại cho hậu duệ của họ mà còn lan truyền “theo chiều ngang” giữa các xã hội đương thời như một kết quả từ quá trình thương mại, chinh phục, phổ biến các văn bản, phá đi những mẫu hình đồng tâm của di sản chung theo góc nhìn của Grimm; thứ hai, các câu chuyện kể chủ yếu được truyền miệng nên không có nhiều bằng chứng truy nguồn gốc và phân bố về mặt lịch sử bằng phương pháp văn bản thông thường. Điều này dẫn đến những cuộc tranh luận và một số nhà nghiên cứu cho là những câu chuyện kể thần tiên có thể trên thực tế liên quan đến những văn bản văn học gần đây.

Đó là lý do họ sử dụng phương pháp mà các nhà sinh học vẫn dùng để chứng tỏ cách các loài tiến hóa trên nguồn dữ liệu Aarne Thompson Uther (ATU) Index – một bộ sưu tập hơn 2.000 dạng câu chuyện được sưu tầm từ hơn 200 xã hội, được phân loại và chỉ mục theo các nhóm như “người vợ bướng bỉnh học cách vâng lời”, “mối quan hệ giữa con người và yêu tinh ăn thịt người”… Trong đó, họ tập trung vào ‘những chuyện kể kỳ ảo”, một hạng mục gồm 275 câu chuyện về những con người hoặc vật thể có sức mạnh siêu nhiên, vì chúng là hiện thân của nhóm truyện kể đông đảo nhất về số lượng và được lan truyền rộng nhất cũng như bao gồm những chuyện kể thần tiên kinh điển nhất – chúng đều là trọng tâm của mọi tranh luận về nguồn gốc. Họ đã dò theo sự hiện diện của các câu chuyện trong 50 quần thể người nói tiếng Ấn – Âu, và tìm thấy các tổ tiên của 76 truyện kể, dò theo con đường lan truyền bằng việc sử dụng các cây ngôn ngữ.

Khắc dấu thời gian

Khi các nhà ngôn ngữ học tìm hiểu về sự tiến hóa của một ngôn ngữ, họ truy dấu theo cấu trúc ngữ pháp và ngữ âm xuyên qua thời gian. “Những gì chúng tôi quan tâm khi thực hiện nghiên cứu này là xem xem liệu có thể làm như vậy với những yếu tố khác của văn hóa hay không”, Tehrani nói. 

Tranh minh họa truyện kể dân gian “Jack và cây đậu thần”.

Phương pháp mới đã lập sơ đồ các câu chuyện thông qua các ngôn ngữ chung và sự gần gũi về địa lý, “bởi văn hóa truyền miệng, các chuyện kể dân gian sử dụng ngôn ngữ nói, vì vậy có thể chờ đợi một mối tương quan; và cũng bởi cả ngôn ngữ và các câu chuyện kể dân gian đều được lan truyền qua các thế hệ”. 

Kết quả phân tích của họ cho thấy, có một số lượng đáng kể các câu chuyện (100 trong số 275 chuyện) thể hiện mối tương quan nổi bật giữa mối liên hệ về ngôn ngữ phù hợp với việc được truyền từ các quần thể người cổ đại cho các thế hệ hậu duệ. Phần lớn trong số 100 chuyện kể này còn lưu giữ gốc tích rõ rệt sau khi so sánh thêm các mối liên hệ về không gian giữa các nhóm người nói ngôn ngữ Ấn – Âu trong các phân tích kho vận tự động. Trên thực tế, phần các các trường hợp này, sự gần gũi về không gian đều có tác động tiêu cực lên sự phân bố của các câu chuyện, điều đó phản ánh một vấn đề là các xã hội dường như có xu hướng thích loại bỏ hơn là chấp thuận những câu chuyện từ các xã hội láng giềng. 

Các phát hiện xác nhận đề xuất tồn tại đã lâu về nguồn gốc của các chuyện thần tiên của Wilhelm Grimm: tất cả các nền văn hóa Ấn – Âu đều chia sẻ với nhau những câu chuyện chung. Nhưng ý nghĩa của phát hiện không chỉ có thế. “Trên một phạm vi lớn hơn, các loại chuyện kể được kể trong các xã hội cổ đại này cũng có thể đem lại những cái nhìn quan trọng vào văn hóa của họ, qua đó trao cho chúng ta những tầm nhìn mới vào việc tái cấu trúc ngôn ngữ, di truyền và khảo cổ của người tiền sử”.

Thật thú vị khi chúng ta có thể hình dung về việc các câu chuyện thần tiên có thể tiết lộ thêm những thông tin mới. “Những gì mà các phương pháp cho phép chúng tôi làm được điều đó còn là truy dấu những chiều kích vô cùng quan trọng của văn hóa loài người… nhiều hơn cả những bằng chứng hiển thị ở khía cạnh sờ chạm vật lý”, Tehrani trả lời.

Khi truy ngược về quá khứ, họ tìm thấy bằng chứng về một số câu chuyện kể trên thực tế là cơ sở cho việc hình thành những câu chuyện khác. Hơn phần tư trong số những chuyện họ nghiên cứu đều có những gốc rễ cổ đại – “Jack and the Beanstalk” (Jack và cây đậu thần) được bắt nguồn nhóm các câu chuyện được phân loại theo chủ đề Cậu bé đánh cắp báu vật của yêu tinh và có thể xuất hiện khi ngôn ngữ Ấu – Âu bị chia tách thành hai nhánh Đông và Tây vào khoảng hơn 5000 năm trước; “Beauty and the Beast” (người đẹp và quái vật) và Rumpelstiltskin (sau được gọi là “Những người được siêu nhiên giúp đỡ”) xuất hiện lần đầu trong những phân họ ngôn ngữ Ấn – Âu hiện đại, vào khoảng 4000 năm trước. Câu chuyện dân gian khác là “The Smith and the Devil” (Smith và con quỷ) – câu chuyện về người thợ rèn lập giao ước bán linh hồn của mình với quỷ thần để lấy sức mạnh siêu nhiên, sau đó lừa cả quỷ thần –  đã xuất hiện từ hơn 6.000 năm trước, nghĩa là từ thời Đồ Đồng. “Các câu chuyện này còn cổ hơn cả so với những gì mà trước đây chúng ta biết về chúng”, Jamie Tehrani nói. “Chúng tôi đã chứng tỏ những câu chuyện truyền miệng trong dân gian có lẽ bắt nguồn từ rất lâu trước khi xuất hiện các văn bản chữ viết”. 

“Những chuyện kể dân gian vẫn xứng đáng là những trường hợp nghiên cứu về so sánh liên văn hóa và nghiên cứu về hành vi con người, bao gồm hợp tác, ra quyết định và hơn thế nữa”.

(nhà sử học Marina Warner)

Cả bốn câu chuyện này đều có xác suất cao liên quan đến cấu trúc của ngôn ngữ Ấn – Âu nguyên thủy – một ngôn ngữ cổ đại có niên đại 6.000 năm và là “cụ kỵ” của rất nhiều ngữ hệ La Mã và Đức, ví dụ như “Anh thợ rèn và con quỷ”. Việc xếp cặp ngôn ngữ – câu chuyện cho thấy là những chuyện kể thần tiên thường bắt nguồn từ khoảng 3.000 và 4.000 năm trước.

Tehrani nói vớihãng thông tấn AP “Chúng tôi phát hiện ra một điều đáng chú ý là những câu chuyện này đã sống sót mà không cần được viết ra. Chúng đã được kể từ trước khi có sự tồn tại của nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Ý… Hoàn toàn có thể nói là chúng đã được kể bằng ngôn ngữ Ấn – Âu đã tuyệt chủng”. Đồng tác giả Da Silva thì tin là những câu chuyện như thế này có thể sống sót là do “sức mạnh của nghệ thuật kể chuyện và sức hấp dẫn từ thời thượng cổ”. 

“Bên cạnh đó, các mô típ hiện diện trong những câu chuyện thần tiên đều phi thời và mang giá trị công bằng phổ quát, bao gồm sự phân chia thành các phe tốt – xấu, thiện – ác, đúng – sai, trừng phạt – tưởng thưởng, đạo đức – đồi bại, nam – nữ”, bà cho biết thêm. “Cuối cùng, bất chấp đến việc thường xuyên bị coi là hư cấu thì những chuyện kể dân gian vẫn xứng đáng là những trường hợp nghiên cứu về so sánh liên văn hóa và nghiên cứu về hành vi con người, bao gồm hợp tác, ra quyết định và hơn thế nữa”. 

Hai nhà nghiên cứu cảm thấy tự tin về các phát hiện của mình. Họ đã xử lý các câu chuyện giống như xử lý thông tin di truyền, vốn được truyền qua các thế hệ. “Chúng ta không phát minh ra văn hóa qua từng thế hệ”, Tehrani nói. “Ngược lại, chúng ta được kế thừa rất nhiều từ thế hệ trước”.

Marina Warner, nhà nghiên cứu về lịch sử của truyện thần tiên, đánh giá công trình này “rất cuốn hút”. “Những gì thú vị với tôi là nó chứng tỏ một cách sâu sắc cách sức mạnh sáng tạo của tưởng tượng thuộc về con người, về cách đem lại ý nghĩa của thế giới con người bằng những lối kể chuyện sáng tạo bất chấp những khác biệt”, bà nói. “Trong trường hợp của Anh thợ rèn và con quỷ, đó là một câu chuyện về sự khôn lanh – kẻ chuyên đi lừa đảo bị lừa. Nó cho thấy một phiên bản cổ xưa về sự bất chấp khó khăn của con người và với sự khôn lanh, con người có khả năng kháng cự lại. Nó là một dạng hài hước mà người nghe có thể cảm nhận được”.

“Người đẹp và con thú” cho thấy một dạng tương tự của trí tưởng tượng, bà cho biết thêm. “Nó đem lại ý nghĩa về mối quan hệ của chúng ta với thế giới tự nhiên – loại trừ mối lo. Con thú xác định cưới một người phụ nữ và sau đó câu chuyện chuyển hướng; hoặc là cô ấy sẽ giết con thú, hoặc là cô ấy phát hiện ra con thú sẽ trở thành người khi cô hôn nó”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng thuận với phát hiện này. John Lindow, một nhà văn hóa dân gian tại ĐH California, Berkeley, lưu ý là từ điển ngôn ngữ Ấn – Âu nguyên thủy về nghề nghiệp với kim loại cũng có giới hạn và từ “smith” (thợ rèn) có thể không tồn tại. Nếu đây là sự thật thì có nghĩa phiên bản “Anh thợ rèn và con quỷ có thể không ra đời sớm như vậy, ông nói.

Tuy nhiên, bản thân họ vẫn biết rằng vẫn còn những điểm khuyết thiếu trong nghiên cứu và làm dấy lên một câu hỏi phổ biến là tại sao nhiều cộng đồng dân cư lại có xu hướng chấp thuận một số câu chuyện kể từ những cộng đồng hàng xóm trong khi lại loại bỏ một số câu chuyện kể của cộng đồng khác. Nhiều nghiên cứu lý thuyết về tiến hóa văn hóa cho rằng các mẫu hình đa dạng văn hóa thường được định hình bằng các thiên kiến lan truyền địa phương (parochial transmission biases), ví dụ như thói quen tuân thủ quy định/luật lệ, chứng sợ cái mới…, ngăn cản sự trao đổi thông tin giữa các nhóm người và bảo vệ những đặc điểm riêng biệt của địa phương. Do đó, họ cho rằng những phát hiện của mình về những khác biệt về phát sinh loài và phân bố không gian của chuyện kể dân gian sẽ đem lại một bối cảnh văn hóa phong phú để tìm hiểu hơn nữa vấn đề này.

Có phải đã đến lúc sử dụng các hồ sơ lịch sử và manh mối chữ viết để tìm hiểu về lịch sử truyền miệng của một nền văn hóa? Không hẳn, hai nhà nghiên cứu cho biết. “Tất nhiên, cách làm này không loại bỏ được giá trị của việc tìm tòi các hồ sơ văn hóa để tìm bằng chứng về nguồn gốc và sự phát triển của các câu chuyện truyền miệng”, họ viết trong công bố. □

Bội Linh tổng hợp

Nguồn: 

https://www.sciencenews.org/article/no-fairy-tale-origins-some-famous-stories-go-back-thousands-years
https://royalsocietypublishing.org/doi/10.1098/rsos.150645

Tác giả

(Visited 94 times, 1 visits today)