Chuyện truyền nghề của nghệ nhân Ca trù Phó Thị Kim Đức

Là người nắm giữ tinh hoa của nghệ thuật Ca trù, NSƯT Phó Thị Kim Đức thường xuyên được các ca nương, kép đàn tìm đến xin truyền nghề hoặc được mời đi giảng dạy, nhưng cụ từ chối hết dù bị mang tiếng là khó tính.

“Dạy thế bằng… phá nghề”

Kỳ thực, cụ Đức không hề khó tính  hay muốn giữ “vốn cổ” cho riêng mình và con cháu trong dòng họ. Lần nào gặp cụ, người viết cũng thấy lão nghệ nhân đã ngoài tám mươi tuổi ấy đau đáu chuyện truyền nghề, canh cánh nỗi lo mất Ca trù. Thế nhưng, dạy “ào ào” thì cụ không làm được, bởi: “Dạy thế bằng… phá nghề”.

Năm xưa, dù là con nhà nòi lại có tư chất nhưng cô bé Phó Thị Kim Đức vẫn phải khổ luyện trong năm năm trời, vừa học ca vừa học gõ phách, đến khi nắm hết mọi “lòng bản” mới được phép bước lên sân khấu. Chính quãng thời gian tôi luyện nhọc nhằn trước khi chính thức được gọi là ca nương, kép đàn đã góp phần hình thành trong cụ Đức, trong mỗi một nghệ nhân thuở trước lòng kiêu hãnh, tự trọng nghề nghiệp cũng như ý thức gìn giữ “khuôn vàng thước ngọc” cho Ca trù. NSƯT Phó Thị Kim Đức không bao giờ nhận dạy Ca trù ngắn hạn, dạy bổ túc, bồi dưỡng hay nâng cao là vì: “Ca trù, học hai, ba năm còn chưa ‘sạch nước cản’, nói gì hai, ba tháng”. Ai đến mời, cụ thẳng thừng từ chối: “Các anh cần phong trào hay cần chuyên nghiệp? Nếu là phong trào thì tôi không dạy được, các anh mời người khác”.

Từ chối “phũ phàng” là vậy nhưng lòng cụ thì nóng như lửa đốt. Mỗi khi có dịp gặp NSƯT Phó Thị Kim Đức, người viết lại thấy lão nghệ nhân ngày một yếu hơn. Đôi lần cụ bảo, không đủ sức hát trọn một bài khó nữa. Có lẽ, đào nương cuối cùng của giáo phường Ca trù Khâm Thiên cũng biết, ngày về với tổ tiên chẳng còn xa. Cụ Đức cứ canh cánh nỗi lo ra đi mà không kịp truyền nghề, thì rồi những gì là “chuẩn” của Ca trù cũng mai một hết. Phải nói, cụ là người có quan điểm “giữ nghề” rất đặc biệt. Các nghệ nhân xưa đều dạy học trò theo lối truyền khẩu, không có giáo án, bởi vậy, nếu thiếu tâm, thiếu tài, các ca nương thế hệ sau này có thể dễ dàng “lòe” khán giả, và thích hát sao thì hát, gõ phách sao thì gõ, làm biến dạng Ca trù. Ngay từ những năm tám mươi, khi Ca trù chưa được khôi phục, các nghệ nhân đều phải chuyển sang hát Chèo hoặc các ngành nghề khác, cụ Đức đã âm thầm ghi chép lại những hiểu biết của mình về Ca trù, từ giai điệu, lời thơ, lá phách, khuôn, khổ đến cách đàn, cách hát, kỹ thuật múa Bài bông… Về sau, khi có điều kiện hơn một chút, cụ mới dần thu âm các bài Ca trù. Giáo án “truyền nghề” được NSƯT Phó Thị Kim Đức miệt mài thực hiện trong hàng chục năm trời. Nhưng, tìm truyền nhân không dễ. Nói đúng hơn, cụ không thấy ai đáp ứng được tâm nguyện của mình: Đó là học Ca trù để trở thành một người thầy chứ không phải để có danh đi biểu diễn kiếm tiền.

Ba người học trò đặc biệt của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức

Cụ Đức không nhớ nổi mình đã từ chối bao nhiêu ca nương, kép đàn đến xin được làm học trò. Thường thì với ca nương đã đi hát hay đã có chút danh, cụ yêu cầu gõ năm khổ phách. Nếu gõ không được là coi như trượt từ vòng loại. Cụ giải thích, trong Ca trù, bộ gõ giữ vai trò quan trọng như người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, điều khiển cả ba yếu tố: ca, đàn, trống. Tiếng phách chính là linh hồn của Ca trù. Bởi thế, các ca nương thuở trước đều phải học gõ phách trước khi học hát, nhưng các ca nương thời nay thì luôn “né” gõ phách vì ngại khó hoặc chỉ học qua loa, lấy ít “vốn” đi biểu diễn. Cụ Đức đặt ra một nguyên tắc với tất cả học trò: Chưa học xong, chưa được đi hát. Riêng học trò chân truyền thì phải chấp nhận, học để làm nghệ nhân, làm thầy chứ không phải làm ca nương. Kết quả, số lượng học trò của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức đếm trên đầu ngón tay. Còn học trò chân truyền cũng chỉ có ba người (hai kép đàn, một ca nương). Điều kỳ lạ là cả ba đều “nhập môn” khi đã… luống tuổi và đã thành danh ở các bộ môn nghệ thuật khác. Đó là NSND Xuân Hoạch (Xẩm), NSƯT Đặng Công Hưng (hát Văn) và ca nương NSƯT Đoàn Thanh Bình (Chèo). Riêng Đoàn Thanh Bình là trường hợp đặc biệt nhất.

NSƯT Đoàn Thanh Bình trở thành học trò của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức khi đã ngoài ngũ tuần. Có lẽ, lịch sử Ca trù Việt Nam không có ca nương nào “nhập môn” trễ thế. Do đã “ngấm” Chèo hơn nửa cuộc đời nên khi chuyển sang Ca trù, quá trình “thoát” Chèo của  NSƯT Đoàn Thanh Bình vô cùng gian truân. Bà Bình từng chia sẻ: “Ca trù lấy hơi sâu, hơi thật còn chèo thì lại hát ‘bay’, hát giả thanh. Hai lối phát âm, đẩy hơi hoàn toàn khác nhau”. Mất năm, sáu năm trời ròng rã luyện tập, bà mới có thể hát Ca trù đúng chuẩn, không còn bị lẫn “màu”  Chèo. Học hát đã khó, học gõ phách lại càng gian nan, bởi ngoài 50 tuổi mới bắt đầu cầm bộ gõ, bàn tay khi ấy đã cứng, không được mềm dẻo như ngón tay thanh nữ, lứa tuổi lý tưởng nhất để học Ca trù. Ca trù đề cao sự chuẩn mực, ca nương phải rành cả thanh nhạc lẫn nhạc cụ; kép đàn, ngoài đàn Đáy còn phải nhuần nhuyễn cả bộ gõ lẫn thanh nhạc. Bởi vậy, mỗi một ca nương, kép đàn đều phải dồn hết tinh lực, kiên trì khổ luyện trong hàng năm trời mới có thể lĩnh hội hết “lòng bản” của Ca trù. Riêng với Đoàn Thanh Bình thì thời gian đào tạo lên đến tám năm. Trong suốt thời gian ấy, bà Bình vâng lời thầy, tuyệt đối không đi hát, toàn tâm toàn ý học tập. Còn thầy thì động viên trò: “Bình cố học nhé, bà mà chết đi thì chẳng còn ai dạy Bình, mà Ca trù cũng mất”.

Đầu năm 2013, NSƯT Phó Thị Kim Đức ra mắt CD Đàn hát khuôn Phó Thị Kim Đức với giọng ca Đoàn Thanh Bình và tiếng đàn Đáy dây tơ của Xuân Hoạch. CD không khác gì một giáo án ca trù “mẫu”, giới thiệu tỉ mỉ những bài Ca trù “kinh điển”, các thể Ca trù, các tác giả văn học…  Hôm đó, nghệ nhân Phó Thị Kim Đức chỉ hát đôi câu rồi biểu diễn tiếng phách “Trạng Nguyên” lừng danh bao thập  kỷ. Cụ để Đoàn Thanh Bình thay mình hát Tỳ bà hành (Lời thơ Bạch Cư Dị), một trong những tác phẩm khó nhất, được xem là kinh điển của nghệ thuật Ca trù. Đó như lời báo tin vui, sau bao năm “đãi cát tìm vàng”, nay cụ đã có truyền nhân, đã đào tạo được một người thầy mẫu mực, đã phần nào cất được nỗi lo mất Ca trù…

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)