Chuyện tử tế ở Afghanistan

Afghanistan, mảnh đất của chiến tranh và thương vong, nơi theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, số lượng thường dân thiệt mạng năm 2015 lên tới mức kỷ lục là 3.545 người và 7.457 trường hợp khác bị thương, nơi tưởng chừng ở mọi nơi mọi lúc mối ưu tiên hàng đầu của con người chỉ là làm sao để sống sót tới cuối ngày, nhưng trên thực tế người ta vẫn có chỗ dành cho những giá trị cao đẹp như lòng tử tế, sách và âm nhạc.

1. Bức tường Tử tế chống lại hiện thực khắc nghiệt

Cuối năm ngoái, Bức tường Tử tế đầu tiên được dựng lên ở Mashhad, Iran, và trong ba tháng tiếp theo ý tưởng này đã lan tới nhiều thành phố khác ở Iran rồi lan sang Pakistan và tới tận Hạ Môn ở miền Nam Trung Quốc.

Khi tới Afghanistan vào tháng 2/2016, ý tưởng này đã nhanh chóng được tiếp nhận và nhiều Bức tường Tử tế mọc lên ở các thành phố Mazar-i-Sharif, Lashkar Gah, Herat cũng như các tỉnh Faryab, Takhar và Baghlan. Nhưng ở Kabul, dường như không ai quan tâm đến điều đó cho tới khi cô bé Halima Behroz 16 tuổi xem một chương trình truyền hình nói về một bức tường ở Iran. Cô quay sang nói với anh trai Abdul Latif 17 tuổi: “Chúng mình hãy làm đi!”

Hai anh em đứng lên tập hợp bạn bè và thành lập Nhóm Thiện nguyện Đèn lồng gồm khoảng 20 học sinh trung học độ tuổi 14 – 17. Sau khi huy động tiền tiết kiệm của cả nhóm cộng với khoản quyên góp của một phụ huynh, họ đã có một khoản ngân sách là 100USD, đủ để mua sơn, đinh và mua vé xe buýt cho các thành viên trong nhóm.

Họ gặp phải những thử thách đầu tiên: chủ một tòa nhà tại khu trung tâm đông đúc Shar-e Naw từ chối hợp tác bởi lo ngại rằng bức tường sẽ khiến mọi người đổ xô lại xem, và điều đó rất dễ dụ một kẻ ném bom liều chết xuất hiện. Nhóm cũng bị trường Đại học Kabul từ chối vì cho rằng điều đó sẽ làm mất mỹ quan của trường.

Cuối cùng, hiệu trưởng trường Trung học Habibia đồng ý cho nhóm sử dụng các bức tường của trường. Nhóm đã sơn bức tường màu hồng da cam và viết lên đó những dòng chữ màu xanh, trong đó có câu “Lòng nhân đạo là ước mơ của tôi”, một câu thơ nổi tiếng của nhà thơ người Afghanistan Maulana.

Tuy nhiên, một rắc rối khác lại xuất hiện: Bức tường Tử tế không nhận được nhiều sự tử tế cho lắm. Nhiều lần sau khi đã đóng đinh lên tường, ngày hôm sau nhóm quay lại thì có người đã nhổ hết đinh ra và mang đi. Những nhóm thanh niên thường tìm đến kiếm cớ gây sự với nhóm tình nguyện. Một vài người bảo thủ cũng lên tiếng chê trách khi thấy trang Facebook mà nhóm lập ra để quảng bá cho bức tường lại có hình ảnh nam nữ đứng “cặp kè” cạnh nhau, bởi trong nhóm có khá nhiều bạn nữ.

Nhưng rồi, vào tháng Ba vừa qua, trên hàng đinh mới đóng đã thấy treo hai áo phông, một áo sơ mi, một quần lính, và một áo khoác. Muhammad Hashem, người bảo vệ của trường Habibia, là “khách hàng” đầu tiên. Ông lấy chiếc áo sơ mi cho đứa con nhỏ của mình. Với mức thu nhập khoảng 85USD một tháng và bốn đứa con, hầu như ông không bao giờ dư tiền để mua sắm quần áo.

Những Bức tường Tử tế ở các nơi khác đã và đang được “tiếp tế” đầy đủ. Bức tường đầu tiên của Afghanistan tại thành phố Mazar-i-Sharif thường xuyên chật ních đồ. Những người nổi tiếng và các quan chức chính phủ nô nức tới đây để được chụp ảnh/ghi hình cảnh họ treo đồ quyên góp.

Nhóm Thiện nguyện Đèn lồng vừa nghĩ ra một ý tưởng mới: Họ sẽ kéo nhau tới tận nhà của những gia đình giàu có ở Kabul để quyên góp quần áo. Và như vậy họ sẽ có thể “tiếp tế” cho bức tường của mình.

2. Đưa sách tới những vùng đất của bạo lực

Thoạt nhìn, nơi đây không có vẻ gì giống với một thư viện cho lắm: hai giá sách với khoảng 1.600 đầu sách và tạp chí trong một căn phòng ở tầng hầm nằm sâu trong một con hẻm tồi tàn ở huyện Panjwai, tỉnh Kandahar miền Nam Afghanistan, trung tâm cuộc nổi dậy đầu tiên của Taliban trong thập kỷ 1990 và là biểu tượng cho bi kịch và những thiệt hại do cuộc chiến tranh gây ra. Thậm chí, chỉ cần nói rằng bạn đến từ Panjwai là đã đủ để khiến những người xung quanh hoảng sợ bỏ chạy.

Nhưng thông tin trên sổ theo dõi mượn sách cho thấy một phần cộng đồng ở đây, đặc biệt là những người trẻ, đang trân trọng bất kỳ cơ hội nào để thỏa mãn trí tò mò của mình. Hassanullah, 18 tuổi, vừa đăng ký mượn cuốn “Lịch sử Tổng quan”, Muhammad Rahim, 27 tuổi, mượn cuốn “Lửa địa ngục” ngày hôm trước và ngày hôm sau đã mang trả lại, cuốn sách ngay sau đó được một cậu bé 12 tuổi tên Nabi tới mượn. Taher Agha, 15 tuổi, thích cuốn “Về tình yêu và những người được yêu”, cô bé giữ cuốn sách tới 10 ngày mới đem trả. Một thanh niên khác chuẩn bị lập gia đình đạp xe 10km tới hỏi xem có cuốn “Xây tổ ấm” hay không.

Thư viện này chủ yếu là công lao xây dựng của Matiullah Wesa, một sinh viên 22 tuổi từ Kandahar và hiện đang theo học ngành khoa học chính trị ở Ấn Độ. Trong tám năm qua, tổ chức tình nguyện mà Wesa thành lập đã và đang nỗ lực mở lại các trường học bị đóng cửa vì bạo lực và mang sách tới những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc xung đột. Panjwai là điểm đến gần đây nhất của tổ chức này.

Một nỗi “phiền toái” đối với Muhammad Nasim Haidary, thủ thư và cũng là chủ nhà nơi thư viện mới đặt “bản doanh”, là sự xuất hiện của một vài độc giả nữ. Xã hội Afghanistan vẫn “kỳ thị” với việc viết tên phụ nữ ở nơi công cộng. Vì vậy, để theo dõi những người tới mượn sách, ông đã nghĩ ra cách đặt “biệt danh” cho các độc giả nữ để tránh ghi tên thật của họ vào sổ theo dõi.

Tổ chức của Wesa bắt đầu một hành trình thu thập sách trên toàn quốc từ năm ngoái, và họ thu được khoảng 20.000 đầu sách trong một chiến dịch tập trung trên mạng xã hội. Những cuốn sách này đã giúp thành lập nên bảy thư viện khiêm tốn tại các tỉnh nổi tiếng vì tình trạng bạo động nghiêm trọng nhất trong cuộc chiến: Helmand, Kandahar, Khost, Kunar và Wardak. Hiện Wesa đang rất hào hứng và anh đang lên kế hoạch mở thêm nhiều thư viện nhỏ nữa trong những năm tới.

3. Chơi nhạc vì tương lai quê hương

Trong phòng tập tại trường Đại học Hunter, bang Manhattan, chàng trai 19 tuổi Elham Fanoos đang ngồi chăm chú luyện đàn trên bàn phím piano, một loại nhạc cụ xa lạ với quê nhà ở Afghanistan.

Fanoos sinh năm 1997, một năm sau khi Taliban vào Kabul và bắt đầu lãnh đạo chính quyền. Dưới sự cai trị của Taliban, âm nhạc gần như bị loại trừ khỏi đời sống, các đĩa CD nhạc và nhạc cụ bị tiêu hủy còn các nghệ sĩ bị bỏ tù; tuy vậy, cha anh, một ca sĩ nhạc cổ điển người Ấn Độ, vẫn âm thầm hát và luyện giọng. Từ nhỏ Fanoos đã học chơi tabla, một cặp trống nhỏ vỗ bằng tay truyền thống trong vùng. Nhưng khi anh 12 tuổi, lúc này Taliban đã bị đẩy lui, cha anh khuyến khích chơi một nhạc cụ quốc tế, như piano chẳng hạn. Cùng thời điểm này, Viện Âm nhạc Quốc gia Afghanistan, học viện âm nhạc duy nhất tại đất nước này, được nhà âm nhạc học Ahmad Sarmast thành lập. Xuất thân là một trẻ mồ côi nên ông quyết định rằng một nửa số học viên sẽ đến từ các trại trẻ mồ côi và trẻ em đường phố. Nhiều học viên vừa học vừa làm, có người đi bán trứng luộc, có người bán túi nilon dạo.

Khi danh tiếng của nhạc viện tăng lên, những mối đe dọa từ phiến quân cũng ngày một gia tăng. Năm 2013, dàn nhạc của họ tới Mỹ biểu diễn tại Phòng Hòa nhạc Carnegie Hall và Trung tâm Kennedy và khi trở về Kabul, trong lúc dàn nhạc đang chuẩn bị cho một buổi biểu diễn thì một kẻ đánh bom liều chết trà trộn vào đám khán giả ngồi phía sau ông Sarmast. Trong vụ nổ đó, ông Sarmast bị thương nặng và buộc phải đóng cửa trường một thời gian. Fanoos buộc phải đi tới chỗ khác để tập nhạc. Anh nảy ra một ý tưởng: khách sạn sang trọng nhất ở Kabul có một chiếc piano đặt ở sảnh nhưng ít khi được dùng nên anh sẽ tới đó chơi “trộm”.

Khi Fanoos đang chơi Chopin, bảo vệ lăm le cầm vũ khí đi vào, nhưng sau vài phút họ đã dịu lại. Buổi biểu diễn ngẫu hứng của anh đã dẫn tới sự ra đời của một buổi hòa nhạc chính thức cho cộng đồng ngoại giao ở Kabul.

Về phía Fanoos, buổi hòa nhạc tại Carnegie Hall và các chương trình biểu diễn của anh trên YouTube đã đưa anh lọt vào tầm ngắm của giới âm nhạc New York.

“Tôi đã nhìn thấy cậu ấy trên YouTube và khá sửng sốt trước trình độ và “độ chín” trong cách chơi của cậu bé,” Geoffrey Burleson, giám đốc chuyên ngành piano tại trường Đại học Hunter, cho biết. Hiện ông đang là thầy dạy của Fanoos tại đó.

“Fanoos là một dấu hiệu cho thấy những thay đổi tích cực tại Afghanistan,” ông Sarmast nói, “rằng không ai có thể quay ngược lại bánh xe của lịch sử. Kể cả Taliban hay bất kỳ ai khác.”

Fanoos ước mơ trở thành một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. Anh tâm sự: “Tôi muốn thế giới này có thêm nhiều nghệ sĩ piano người Afghanistan nữa. Tôi muốn thể hiện một khuôn mặt mới và tích cực của người dân Afghanistan, những người có thể làm điều gì đó hữu ích cho thế giới.”

Quỳnh Ca tổng hợp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)