Claudio Abbado: Một đời cho âm nhạc
Nhà soạn nhạc Nga Sergei Rachmaninov từng nói: “Âm nhạc đủ cho một đời nhưng một đời không đủ cho âm nhạc.” Câu nói đó như thể tổng kết cả cuộc đời của nhạc trưởng Claudio Abbado. Bạn bè ông kể lại, vài ngày trước khi qua đời, ông vẫn còn nghiên cứu giao hưởng của Schumann, như thể mới 18 tuổi.
Bất chấp cái lạnh lẽo của mùa đông chưa qua, dòng người từ khắp nơi vẫn lũ lượt đổ về quanh Nhà hát opera La Scala mặc dù không ai được phép vào bên trong. Buổi biểu diễn này chỉ dành cho duy nhất một người thôi.
6 giờ kém 10. Cửa chính và hai cửa phụ từ từ mở rộng, để ngỏ thính phòng thênh thang không thính giả.
6 giờ. Quảng trường ồn ào bỗng nín lặng. Những chiếc điện thoại được kín đáo cất đi, đèn máy ảnh thôi chớp. Những giai điệu đầu tiên của chương hai bản giao hưởng “Eroica” (Anh hùng ca) của Beethoven vang lên, âm thanh trầm hùng phát qua loa phóng thanh khiến những khung cửa sổ nhà hát rung lên khe khẽ.
Bên ngoài, nhiều người lặng lẽ đưa tay quệt ngang mắt. Một thanh niên cao ráo theo mẹ đến đây; anh vòng tay qua ôm vai mẹ, cả hai cùng tựa vào nhau đứng im lìm. Một nghệ sĩ violin trẻ ôm khư khư hộp đàn. Một bà lão dõi cặp mắt già nua ngấn nước nhìn lên chùm đèn treo trước cửa chính nhà hát, hình như bà đang sống lại một kỷ niệm nào xa lắm…
La Scala đang gửi lời chào cuối tới một trong những nhạc trưởng được yêu mến nhất của mình.
Thành Milan đang âm thầm tiễn đưa một người con ưu tú về với vĩnh hằng.
Claudio Abbado đã ra đi ở tuổi 81, sau mười năm bị chẩn đoán mắc ung thư dạ dày.
Đám đông khổng lồ trên Quảng trường Scala, trước cửa Nhà hát La Scala,
nơi buổi hòa nhạc tưởng niệm Claudio Abbado diễn ra trong nhà hát trống không.
“Hãy lắng nghe”
Abbado yêu âm thanh của tuyết. Không phải là thứ âm thanh lạo xạo của gót giày giẫm lên tuyết, mà là tiếng tuyết rơi trong không trung, đứng trên ban công ta cũng có thể nghe thấy. Thực ra, nó chưa hẳn là một âm thanh, nó chỉ là một phần rất nhỏ của âm thanh, nhẹ nhàng như hơi thở thoảng qua rồi tan vào không hư. Chỉ những người lắng nghe được sự tĩnh lặng mới nhận biết được nó.
Abbado dường như có khả năng nghe được những cái không thành tiếng, nhưng cái tài của ông nằm ở chỗ ông có thể truyền tải được những cái vô thanh ấy tới người nghe. Daniel J. Wakin, nhà phê bình âm nhạc của New York Times, kể về buổi trình diễn Giao hưởng số ba của Mahler của Abbado năm 2007: “Với động tác hướng chiếc đũa chỉ huy lên trên, Abbado đã đưa những hợp âm cuối cùng trong bản giao hưởng lên cao vút và tan vào hư không, như đàn chim vỗ cánh bay lên trời.”
“Hãy lắng nghe” – đây có lẽ là cụm từ được ông sử dụng nhiều nhất trong các buổi diễn tập, kèm theo đó là một cử chỉ nhẹ nhàng, có khi là ngón tay đặt khẽ lên môi, có khi là một nụ cười hiền lành mà không kém phần rạng rỡ, hoặc có khi chỉ đơn thuần là cái liếc mắt nhanh. Abbado từng nhiều lần chia sẻ: “Người ta học nói, nhưng lại không học nghe. Lắng nghe là một phần quan trọng trong cuộc sống, và âm nhạc dạy chúng ta cách nghe như thế nào.”
Ngoài đời Abbado là người rất kiệm lời, có phần khá nhút nhát. Nhạc trưởng Daniel Harding phát hiện ra rằng Abbado biết rất nhiều ngoại ngữ, nhưng lúc nào cũng tỏ ra không biết gì (vẻ mặt bối rối thường trực cũng là một nét đặc trưng của Abbado), và trong các cuộc trò chuyện, ông thường giữ im lặng, nhất là khi chúng xoay quanh những vấn đề ông không tán thành. Một lần, sau bữa ăn tối với Dàn nhạc Giao hưởng London, có người mời Abbado phát biểu ý kiến. Ông đứng lên nói: “Tôi cảm ơn mọi người rất nhiều!” rồi lại nhanh chóng ngồi xuống ghế. Clive Gillinson, khi đó là nghệ sĩ cello trong dàn nhạc, nhận xét: “Đó là bài phát biểu dài nhất của ông ấy đấy.”
“Nhạc trưởng quyền lực nhất thế giới”
Trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình, không phải cất công tìm kiếm hay vận động, Abbado lần lượt được mời dẫn dắt những dàn nhạc và nhà hát danh tiếng nhất trên thế giới, trong đó có La Scala, Dàn nhạc Giao hưởng London, Nhà hát opera Vienna, và Dàn nhạc Giao hưởng Berlin (việc ông trở thành nhạc trưởng chính của Dàn nhạc Giao hưởng Berlin năm 1989 đã khiến giới phê bình âm nhạc kính cẩn gọi ông là “nhạc trưởng quyền lực nhất thế giới”). Ông được coi là người đã nâng tiêu chuẩn biểu diễn của các dàn nhạc đương đại lên một tầm cao mới.
Có lẽ người nghe nhạc sẽ nhớ Abbado nhiều nhất ở những tác phẩm của Mahler. Qua bàn tay chỉ huy của ông, những bản giao hưởng của Mahler trở nên thanh thoát, mượt mà, và du dương hơn. Ngoài ra, ông còn là “người phiên dịch” xuất sắc cho Schubert, Rossini, Bruckner, Berg, và Bartók. Ông không thực sự nổi bật với Mozart; còn với Brahams, ông có thái độ nghiêm túc và trung thành, trong khi với Beethoven, ông trở thành một nhạc trưởng truyền thống sẵn lòng học hỏi phong cách hiện đại.
Phong cách chỉ huy của Abbado có một vẻ ung dung tự tại đáng ngạc nhiên. Ông hiếm khi đánh nhịp – phương tiện giao tiếp chủ yếu của ông với dàn nhạc là đôi mắt.
Abbado không điều khiển âm nhạc mà coi mình chỉ là người phục vụ cho âm nhạc. Không la hét như Toscanini, không dữ dội và uy nghiêm như Karajan, bằng sự dịu dàng như chính cái tĩnh lặng mà ông hằng trân trọng, Abbado vẫn có được những gì ông mong muốn. Dưới sự dẫn dắt của ông, các thành viên trong dàn nhạc học cách lắng nghe lẫn nhau – Abbado nổi tiếng là người có mối quan hệ tốt với các nhạc công; ông còn trao cho họ sự độc lập và tự do cần thiết, nên mỗi buổi biểu diễn là sự thăng hoa của cả dàn nhạc về cả mặt kỹ thuật và cảm xúc.
Abbado không chấp nhận những giới hạn trong cuộc sống cũng như trong âm nhạc. Ông nhìn mỗi bản nhạc bằng con mắt tò mò của một cậu bé. Với ông, âm nhạc là điều kỳ diệu: nó được tạo ra, biến mất, rồi lại quay về để chờ đợi lần tái sinh tiếp theo – vì thế mà một bản nhạc không bao giờ được chơi hai lần như nhau. Với ông, không có gì là hoàn thiện cả, và luôn luôn có điều gì đó mới mẻ để khám phá. Tuy vậy, đôi khi ông lại bị coi là kẻ quá cầu toàn khi yêu cầu các nhạc công phải tập đi tập lại cho đến khi ông nghe được đúng cái âm thanh ông cần nghe. Khi còn là nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng London, trong quá trình diễn tập các bản giao hưởng của Mahler, Abbado đã khiến các thành viên dàn nhạc bực mình chỉ vì: “Trong khi chúng tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt tập luyện cho Abbado, ông ấy vẫn cứ đi ghi âm thử với các dàn nhạc khác; ông ấy coi chúng tôi cứ như là sự lựa chọn thứ hai hay thứ ba nào đó vậy,” một nghệ sĩ trumpet phàn nàn.
Viên gạch lát đường cho thế hệ trẻ
Những nỗ lực cống hiến của Abbado cho sự phát triển của nền âm nhạc cũng thật đáng nể, đặc biệt là sự phát triển của thế hệ nghệ sĩ kế cận. Ông đã thành lập ít nhất sáu dàn nhạc, phần lớn dành cho các nghệ sĩ trẻ. Daniel Harding cho biết: “Tôi chắc chắn rằng trong số các nhạc công thuộc các dàn nhạc ở châu Âu hiện nay, không có ai là chưa từng một lần có mặt trong những dàn nhạc của ông ấy.”
Abbado cũng không ngần ngại giới thiệu nhạc phẩm của các nhà soạn nhạc đương đại như Luigi Dallapiccola hay Luigi Nono – có lần nhiều thính giả bảo thủ đã bỏ ra về khi thấy Abbado chỉ huy nhạc phẩm đương đại. Lý giải về quyết định của mình, Abbado nói: “Khi còn sống, Beethoven cũng là một nhà soạn nhạc đương đại đấy thôi, và lúc đó chẳng có mấy người hiểu được nhạc của ông ấy. Vì thế, ở bất kỳ thời đại nào, khi một nhà soạn nhạc lớn xuất hiện, chúng ta cũng phải lắng nghe, và tìm hiểu họ.”
Năm ngoái, sau khi được Quốc hội Ý bầu làm thượng nghị sĩ suốt đời, Abbado đã dành khoản tiền lương nghị sĩ của mình để gây quỹ học bổng cho các nghệ sĩ trẻ vì ông cho rằng âm nhạc “giúp con người ta chung sống với nhau một cách tốt đẹp hơn.”
Âm nhạc cho mọi người
Nhạc cổ điển xưa nay vốn được coi là thú vui xa xỉ của giới thượng lưu. Nhưng dưới “triều đại” của Abbado, quan điểm đó sụp đổ hoàn toàn. Với tình yêu và niềm tin kiên định vào sự kỳ diệu của âm nhạc, Abbado không ngừng nỗ lực phổ cập âm nhạc tới mọi tầng lớp, mọi đối tượng trong xã hội. Khi còn là vị nhạc trưởng trẻ tuổi của La Scala, vốn là nơi ra vào của tầng lớp quý tộc xưa nay, ông không ngần ngại tổ chức các buổi hòa nhạc cho giới công nhân. Ông còn năn nỉ ban lãnh đạo giảm giá vào cửa cho thính giả trẻ tuổi, thậm chí nhiều lần mở cửa tự do cho công chúng bình dân vào xem các bộ phim opera trong nhà hát lộng lẫy này.
Abbado còn dùng âm nhạc làm phương tiện an ủi vỗ về những số phận bất hạnh. Năm 2009, ông chỉ huy Giao hưởng “Tragic” (Bi thương) của Schubert tại L’Aquila khi thành phố mới trải qua một trận động đất lớn. Năm 2012, cũng sau một trận động đất nghiêm trọng tại vùng Emilia-Romagna, Abbado đã cùng dàn nhạc của mình tới đó biểu diễn để quyên tiền nhằm xây dựng lại nhà hát Comunale lâu đời ở đây. Năm 2013, ông tham gia chương trình biểu diễn lưu động tại vùng đông bắc Nhật Bản, nơi xảy ra trận sóng thần khủng khiếp năm 2011; trong khi đó, Dàn nhạc Mozart mà ông làm giám đốc nghệ thuật đang biểu diễn cho các bệnh nhân nhỏ tuổi và tù nhân ở Bologna. Những dàn nhạc khác của ông cũng không ngừng nỗ lực đẩy mạnh giáo dục âm nhạc cho trẻ em và thanh niên tại những khu vực bị coi là kém phát triển về văn hóa.
Ước nguyện 90.000 cây xanh
Nổi tiếng là một người nhút nhát, ít nói, nhưng những ai có cơ hội được ông mở lời trong một dịp hiếm hoi nào đó hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những quan điểm hết sức cương quyết của ông. Ngoài âm nhạc, Abbado cũng thích nói về triết học, nghệ thuật, và thậm chí cả chính trị.
Dòng họ của Abbado đã trải qua 13 đời sinh sống ở thành Milan, và ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc – cha là nghệ sĩ violin, còn mẹ là nghệ sĩ piano. Bên cạnh niềm say mê âm nhạc từ bé, ông còn được mẹ truyền cho mối quan tâm tới chính trị. Dưới thời phát xít, mẹ của ông từng bị bỏ tù vì lén nuôi một đứa trẻ người Do Thái. Abbado ủng hộ đảng cộng sản – tổ chức chống phát-xít tích cực nhất đương thời – nhưng trên thực tế: “Tôi không thuộc về đảng phái nào cả. Quan điểm của tôi rất rõ ràng: tôi ủng hộ tự do. Tôi phản đối tất cả những gì chống lại tự do.”
Abbado là một người yêu thiên nhiên (ở nhà riêng của mình ông trồng tới 9.000 cây), nên theo lẽ tự nhiên, ông quan tâm tới môi trường. Năm 2010, khi thành phố Milan mời ông về biểu diễn kỷ niệm 50 năm ngày ông thực hiện buổi công diễn ra mắt ở La Scala và lần đầu tiên ông trở lại nhà hát sau 25 năm, Abbado đã yêu cầu chính quyền thành phố phải trồng đủ 90.000 cây xanh. Dự án này sau đó đã không được thực hiện vì thành phố cho rằng làm như vậy tốn kém quá.
Tuy nhiên, trước sự ra đi của Abbado, mới đây Thị trưởng Giuliano Pisapia đã trịnh trọng tuyên bố sẽ thực hiện nguyện ước của Abbado – Milan sẽ trồng đủ 90.000 cây xanh. Một quyết định đáng hoan nghênh, nhưng có lẽ vẫn còn chưa xứng đáng với một nhân cách vĩ đại như Claudio Abbado.
Khánh Trang và Thanh Nhàn tổng hợp