Nhà thơ Việt Phương: Cỏ dọc đường trần
Người thơ ấy tựa như “Cỏ dọc đường trần" - xin mượn tên tập thơ của ông để nói về ông, người đã lặng lẽ gửi những chứng kiến về chuyển đổi của xã hội vào thơ, thơ và người là sự đan xen giữa sự duy cảm và duy lý về thời cuộc.
Đối với những người tha thiết và trăn trở với thơ Việt Phương, có lẽ sẽ là xúc phạm khi nói với họ rằng đời thơ của Việt Phương chỉ vài câu trong bài Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi là lấy làm đắt giá. Dẫu biết đời nghệ sĩ chỉ cần một vài câu thơ có giá trị vượt thời gian đã là mãn nguyện, nhưng thơ ông nào đâu chỉ gói gọn trong vài câu “Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”, “Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”.
Giữa đêm trước Đổi mới, Việt Phương đã để lại những vần thơ trĩu nặng suy tư và đậm tính phản biện. Thơ ca của ông là điểm giao cách của tính thực tế và sự tha thiết đầy tình cảm. Chính điều đó đã khiến cho tác phẩm của ông trở thành nốt nhạc khác lạ hãy còn ngân.
Đan xen giữa con người thơ và con người lý luận
Năm 1970, khi được xuất bản, tập thơ Cửa mở của nhà thơ Việt Phương đã lập tức gây nên tiếng vang lớn bởi những quan điểm đổi mới so với cách nhìn nhận của thời đại lúc bấy giờ. Giữa thời đại của lý tưởng, mấy ai đủ dũng cảm để thừa nhận nỗi vỡ mộng của mình:
“Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương
Đã chọn đường đi chẳng ai dừng ở giữa
Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường”
(Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi)
Bấy giờ, khi mọi người vẫn đang ngập tràn trong những bài thơ hào hùng và lý tưởng, ít nói đến những khía cạnh tối tăm của đời sống, Cửa mở quả thực đã mở ra một cánh cửa gợi mở những suy tư về thời cuộc. Khi ấy, “những năm 1970-1973, xung quanh chúng tôi tràn ngập thơ Tố Hữu. Nhưng rồi tập thơ Cửa mở như một luồng gió mới, làm say mê tuổi trẻ của chúng tôi. Quả thực ở thời điểm đó, đó là những bài thơ mới lạ, nói lên những vấn đề chân thực, đụng chạm đến tình cảm sâu xa của con người”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) chia sẻ tại buổi tọa đàm giới thiệu sách “Suy nghĩ về ngày mai” và Tuyển tập thơ Việt Phương do Tia Sáng phối hợp cùng Hội nhà văn tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua.
Tề tựu trong buổi tọa đàm, những người bạn thơ, người đồng nghiệp lúc sinh thời, và cả những nhà thơ thế hệ sau đã cùng nhìn lại cuộc đời của nhà thơ Việt Phương, người mà theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mô tả là “sự đan xen giữa con người thơ và con người lý luận”.
Là người đã có dịp làm việc với nhà thơ Việt Phương trong Tổ Tư vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhớ rằng Tổ tư vấn lúc ấy là những người có cái nhìn rộng mở, đầy tính phản biện về những vấn đề của đất nước. “Đấy là những người đã đóng góp rất lớn cho quá trình chuyển đổi của đất nước ta trong giai đoạn đổi mới, thoát khỏi mô hình bao cấp trì trệ. Trong đó, một người đã đóng góp rất nhiều vào việc cải cách thể chế, đó là bác Việt Phương”.
Kiến thức sâu rộng về nhà nước, pháp luật, mô hình phát triển xã hội, động lực phát triển thị trường của nhà thơ Việt Phương đã góp phần giúp Thủ tướng Phan Văn Khải đưa ra những quyết định quan trọng dựa trên cơ sở của tri thức. Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, những trăn trở của ông sau đó đã được gửi gắm vào những bài thơ và cả các bài viết của ông về những vấn đề xuất hiện trong những giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước – mà về sau được tập hợp một phần trong cuốn sách “Suy nghĩ về ngày mai”.
Hai thể loại tưởng chừng khó giao cắt, nhưng cuối cùng vẫn gặp nhau nơi Việt Phương. “Trong sách lý luận rất nhiều ý tứ là tứ thơ, và rất nhiều vấn đề lý luận bày tỏ qua thơ”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ và kể thêm rằng những người làm việc trong tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải từ lâu đã nhận ra con người thơ và con người lý luận giao hòa trong ông. “Mỗi khi trao đổi vấn đề về chính sách căng thẳng quá, bác Việt Phương lại bảo ‘Thôi, nghỉ giải lao tí nhé’. Bác đưa ra một bài thơ, và nhờ ‘Các bạn chọn hộ tôi xem bài này đặt tên là gì, tên bài chỉ một từ thôi’. Thế là lúc bấy giờ mọi người lại quay sang chuyện thơ, bầu không khí cũng nhẹ đi”.
Dù vậy, nhiều nhà thơ cùng thời đánh giá cao Việt Phương, nhà thơ Vũ Quần Phương kể. Vào lần đầu tiên gặp gỡ vào năm 1968, nhà thơ Xuân Diệu giới thiệu với ông rằng “Phương nên học anh Việt Phương nhiều điều”. Rất nhiều nhà thơ đã có thành tựu từ thời Thơ Mới trước cách mạng vẫn thường đọc thơ Việt Phương từ khi mới trên bản thảo và nồng nhiệt khích lệ ông xuất bản.
Mở cửa để nhìn thẳng vào những vấn đề nổi cộm trong đời sống
Sinh thời, nhà thơ Việt Phương luôn tâm niệm câu thơ của Paul Eluard:
Tất cả vấn đề là nói hết
Mà tôi thì thiếu ngôn từ, thiếu thời gian và thiếu lòng dũng cảm.
Nhưng làm sao có thể nói rằng nhà thơ Việt Phương là một người thiếu lòng dũng cảm? Giữa một thời nhiều biến động đến thế, ông đã bản lĩnh cất lên tiếng nói của mình, đi ngược lại những điều tưởng chừng là lẽ thường lúc ấy.
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, khi chủ trương tuyên huấn “Nghe đài đọc báo của ta/ Không nghe đài địch ba hoa nói càn” thì nhà thơ Việt Phương lại viết “Mở đài địch như mở toang cánh cửa/ Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai”; ông cho rằng “Việt Phương bị chê là điều dễ hiểu. Tầm nghĩ ấy chưa là tầm nghĩ phổ cập”.
Bên cạnh nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Ngô Thế Oanh, nhà thơ Vũ Quần Phương là người tuyển chọn cho cuốn Tuyển tập thơ Việt Phương. Trong lời đề bạt đầu sách, ông kể rằng khi Cửa mở ra đời, giới làm thơ hy vọng Cửa mở sẽ mở thêm cho thơ những không gian riêng và một cách nhìn thẳng về những vấn đề cộm lên trong đời sống. “Cửa mở bị phê phán. Nhưng tinh thần mở cửa của Việt Phương ở lại với lòng người như một gợi ý tỉnh thức, quả cảm và tự tin”.
Thời điểm sáng tác, nhà thơ Việt Phương đang trăn trở về những vấn đề về phát triển đất nước. “Bác vẫn thường cập nhật các tài liệu nghiên cứu quốc tế về toàn cầu hóa, phát triển, khoa học công nghệ”, bà Phạm Chi Lan nhớ lại. Không chỉ các chuyên gia trong nước, các học giả nước ngoài cũng vô cùng trân quý nhà thơ. Với vốn kiến thức sau nhiều năm được dự phần vào các hoạt động chính sách, chiến lược ở nhiều lĩnh vực của đất nước, ông sẵn sàng ngồi trao đổi, tranh luận sòng phẳng với các chuyên gia do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) và Tổ chức Hợp tác phát triển Quốc tế Canada (CIDA) gửi đến.
Theo bà Phạm Chi Lan, nhà thơ Việt Phương là một trong những người khá sớm trong giới lí luận Việt Nam đưa các vấn đề về tốc độ phát triển của KH&CN ra để thảo luận, và nhắc nhở Việt Nam phải lưu ý, bởi nếu không chúng ta sẽ bị tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Khi mọi người hãy “còn tô đẹp cuộc đời để mà tin”, những trăn trở trước thời cuộc ấy đã đưa ông đến những câu thơ gây sóng gió, khiến tập thơ Cửa mở khi ấy phải hứng chịu nhiều chỉ trích. Song tinh thần mở cửa ấy, theo nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, “đã làm nên một phần thơ chống Mỹ rất khác” lúc bấy giờ.
Mang theo những ước mơ héo hắt
Những tâm hồn què quặt còn thơ
Những hạnh phúc chưa về đã mất
Đường xa đi chen chật oán thù
(Năm xưa, buổi lên đường)
“Khi tôi đọc tập thơ Cửa mở, tôi nhận ra chúng ta không thể làm thơ vuốt ve, ca ngợi mãi được nếu muốn khắc họa một cuộc dấn thân đầy máu xương thế này”, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kể. Một người cũng chịu ảnh hưởng bởi thơ Việt Phương là nhà thơ Thanh Thảo. Với tinh thần ấy, nhà thơ Thanh Thảo khi ấy ở chiến trường miền Nam đã viết nên Thử nói về hạnh phúc, Một người lính nói về thế hệ mình. “Đó là cách chúng ta nói về dân tộc mình bằng thơ. Cứ thế, từ anh, chúng tôi tiếp tục làm nên câu chuyện của ngày hôm nay.”
Dù vậy, ngay cả khi chìm đắm mình giữa những trăn trở day dứt, nhà thơ Việt Phương cũng không quên những xúc cảm lạc quan và hồn nhiên trong mình:
Đời đẹp quá. Sáng hôm nay chủ nhật
Cây đầu hè quen đến mất màu xanh
Bỗng bừng nở chùm hoa tươi mát nhất
Hay niềm vui đất nước tặng cho mình? (Đêm trắng)
Đã sáu năm kể từ ngày nhà thơ Việt Phương qua đời. Nhìn lại cuộc đời của ông, có lẽ đôi lời phác họa của nhà văn Nguyễn Bình Phương là những lời ngắn gọn mà xác đáng nhất: “Đó là người có một quan điểm riêng, một hệ thẩm mỹ riêng, một giọng điệu và một phong cách văn chương riêng. Tác phẩm của nhà thơ Việt Phương xuất hiện ở điểm giao cách giữa sự chừng mực của một cán bộ, với sự phóng túng của một thi sĩ – hay nói cách khác là điểm giao cách giữa cái thực tế của một người hoạch định kinh tế và tình cảm của một nhà thơ. Chính điểm giao cách ấy đã khiến cho không chỉ tác phẩm của nhà thơ Việt Phương mà cuộc đời của chính ông cũng tạo được sức cuốn hút với nhiều người, cả những người duy cảm và những người duy lý.”□