Có được là người

Primo Levi là một kỹ sư hóa chất người Italia gốc Do Thái, bị phát xít Italia bắt giữ và đày đi các trại tập trung của Đức quốc xã ở Đông Âu. Sống sót sau giải phóng, ông ghi lại thực trạng các nhà tù đã kinh qua, trong một số tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Có được là người*, tác phẩm danh tiếng nhất của ông, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Levi(1) sinh tại Turin ngày 31.7.1919, là con cả trong một gia đình người Italia gốc Do Thái. Ông đỗ tiến sỹ về hóa học, hoạt động chống phát xít trong phong trào “Công lý và Tự do”. Ông và các bạn trong phong trào bị bắt ngày 13.12.1943. Tháng Giêng 1944 bị nhốt ở trại Fossoli rồi bị đưa đi đày ở Auschwitz, trại tù khủng khiếp nhất của Đức trong Thế Chiến II, cùng với 650 người Italia gốc Do Thái khác ngày 22.2.1944.

Đầu tháng Ba 1944, ông bị điều tới trại Monowitz cách Auschwitz 10 cây số để làm việc tại nhà máy cao su hóa hợp ở Buna. Đầu tiên, ông phải lao động khổ sai, rồi đến cuối năm thì sung vào phòng thí nghiệm hóa chất. Đến ngày 17.1.1945, trại Monowitz bị không lực tấn công, quân Đức di tản mang theo các tù nhân còn khỏe mạnh, nhưng bỏ lại những người nằm bệnh viện, trong đó có ông. Mười ngày sau, Monowitz được Hồng quân giải phóng. Sau đó, từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1945 còn là hành trình kinh hoàng đi qua Belarus, Romania,… để trở lại Turin vào ngày 19.10.1945.

Năm 1946, Primo Levi bắt đầu ghi lại những kỷ niệm đau thương ấy của mình trong cuốn Có được là người, in lần đầu năm 1947, nhưng không được để ý. Cả chục năm sau, cuốn sách mới được NXB Einaudi (đã từng từ chối in lần đầu) in lại, và lần này khiến Primo Levi trở thành một tên tuổi lừng lẫy khắp thế giới.

Primo Levi tiếp tục viết tiểu thuyết, làm thơ, viết tự sự và nhiều bài tham luận về nhiều vấn đề văn nghệ cũng như xã hội… Ông thường được mời đi nói chuyện với những người thuộc các thế hệ trẻ hơn. Năm 1965 ông cũng trở lại Auschwitz trong một buổi lễ tưởng niệm chính thức.

Jonathan Rosen đã nghiên cứu rất kỹ về Primo Levi. Theo ông, Levi

là một người khiêm tốn nhưng là một nhà văn và một nhà tư tưởng đầy tham vọng. Ông đối mặt những câu hỏi lớn – thiện và ác, cuộc đời và tôn giáo – với một cách nhìn độc đáo và hiện đại, vừa như một kẻ sống sót của nhà tù Auschwitz vừa như một nhà khoa học-nhà thơ đã nhuần nhuyễn cả Darwin và Einstein nhưng cũng biết rằng khoa học không thôi không thể cho chúng ta có được một tầm nhìn mạch lạc chặt chẽ về thế giới và vị trí của chúng ta trong đó.

– Levi muốn hiểu con người, và ông muốn, tự mình, trở thành một con người hoàn thiện. Ông theo đuổi cả hai mục tiêu bằng việc viết.

– Levi có vẻ nước đôi về việc được gọi là nhà văn Do Thái. Ông chưa bao giờ là kẻ tuân theo luật lệ, ông không tin vào Chúa, và ông thiếu một cảm quan về thần bí. …Levi là một người lai, một người không tương xứng với chính mình, vừa như là một nhà văn Do Thái vừa như là một nhà văn không phải Do Thái.

– Một phần thiên tài của ông thể hiện trong việc tạo ra một vũ trụ chặt chẽ mà vẫn dân chủ, hơn là cứ giáo điều. Ông không tin vào thiên khải mà vào những cuộc đối thoại của lý trí. … Ông tuyên bố rằng trí nhớ và trí tưởng tượng là tuyệt đối cần thiết nhưng không đáng tin cậy, rằng người ta phải tự nghĩ thật thấu đáo về vạn vật.

– Ông cho rằng chẳng có hệ thống nào là đầy đủ. … Ông nghĩ rằng tính hiện đại đã hòa tan lòng tin lâu đời và tạo ta sự lộn xộn, và rằng chúng ta cần những nhà thơ-nhà khoa học [2 trong 1 – ĐT] mới để “phần chiết” [một thuật ngữ hóa học – ĐT] sự hài hòa từ trạng thái rối ren tăm tối” nhưng cũng để làm cho nó có thể “tương thích, đối chiếu, đồng hóa” với văn hóa truyền thống của chúng ta.

– Ông phát hiện khoa học và thi ca không chỉ tương thích, mà còn là không thể thay thế và bổ sung lẫn nhau. …Ông từng so sánh chuyện viết lách với việc chưng cất rượu, cả hai đều là cách để “lấy được những gì tinh túy”, đạt tới một “tinh thần” gắn với vật chất…

Còn nhà báo Mỹ Johathan Rosen(2) thì nhận định:

Đọc Levi để hiểu và để thích ứng với việc là một con người!

Câu chuyện Levi kể trong Có được là người gắn với chủ nghĩa bài Do Thái đáng kinh sợ ở châu Âu. Ngay khi là thanh niên ông biết rất ít về tính chất Do Thái, nhưng chính sách bài Do Thái của Mussolini đã dạy ông rằng không có cái gọi là “sự dị biệt nhỏ vui vẻ” trong lòng một đất nước Catholic. Như một người Do Thái thâm căn cố đế, ông chưa hề có tí kinh nghiệm tình dục nào trước khi gặp vợ mình Lucia vào năm 1946. Trước khi luật phân biệt chủng tộc của phát xít ban hành năm 1938 cấm người Do Thái được theo học đại học, Levi đã kịp đi học hóa ở Đại học Turin.(3)

Sau khi chế độ Mussolini sụp đổ, ông đã cố liên lạc với một nhóm du kích phía bắc Italia, rồi bị bắt vào 12.1943. Đầu tiên ở trại Fòssoli rồi hai tháng sau bị chuyển tới trại Moniwitz-Auschwitz. Một đoàn tàu chở 650 người Do Thái sau chỉ còn 15 đàn ông và 9 phụ nữ sống sót. Tuổi thọ bình quân của các tù nhân trong các Lager là 3 tháng.

Ở trong trại tập trung ông dạy tiếng Italia cho một người bạn bằng cách trích dẫn Dante. Chính từ chương “Ulysses” trong Địa ngục ông đã chọn ra một đoạn giải quyết câu hỏi hệ trọng này: “Con người là gì?”

Levi viết Có được là người dưới dạng hồi ký, chỉ rõ Auschwitz đã làm biến mất nhân dạng của các tù nhân rồi cuối cùng hủy hoại họ hoàn toàn. Khi một nhà xuất bản lớn như Einaudi từ chối bản thảo, một nhà xuất bản nhỏ đã in nó. 10 năm sau nó đã được in lại với số lượng kỷ lục; ngay ở Italia người ta đã bán hơn nửa triệu bản; sau đó được dịch ra 8 thứ tiếng và được chuyển thể cho nhà hát và đài phát thanh. Ảnh hưởng to lớn đó là nhờ văn phong nghiêm ngắn, súc tích của Levi. Tuy rằng mô tả sự tàn bạo với những sự kiện ghê rợn nhất nhưng ông giữ được ngòi bút của một nhà khoa học đang quan sát chúng, thế nhưng tác phẩm vẫn toát lên cảm xúc mãnh liệt của chủ nghĩa anh hùng của những con người phải chịu đựng những đớn đau có một không hai.

Trong một bài thuyết trình vào năm 1979, Levi đã bầy tỏ quan điểm vô cùng bi quan về loài người, coi cuộc sống là khủng khiếp. Trong cuốn sách cuối cùng ra đời năm 1986 I sommersi e i salvati, ông đã chỉ ra rằng “chủ nghĩa bài Do Thái là một phần của văn hóa Đức, không chỉ là một phát minh của bọn Quốc xã, và ông nhìn thấy sự tương tự mang tính nghịch lý giữa nạn nhân kẻ áp bức.”(4)

Động cơ để ông viết Có được là người là khát vọng muốn đưa ra chứng cứ về những nỗi kinh sợ đối với những cố gắng của bọn Quốc xã hòng hủy diệt người Do Thái. Sau này ông đã thành biểu tượng chống phát xít ở Italia. Quan điểm của ông là những trại tập trung chết chóc của Quốc xã và sự tiêu diệt người Do Thái là một nỗi khủng khiếp có một không hai trong lịch sử vì mục đích là sự phá hủy toàn diện một dân tộc do một dân tộc khác tự coi mình là thượng đẳng gây ra; một cuộc tàn sát có tổ chức và có hệ thống.

Với sự xuất bản các tác phẩm của nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn trong những năm 1960 và 1970, thế giới đã đưa ra sự tương đồng giữa các gulag – nơi giam giữ đàn áp những người bất đồng chính kiến trên quê hương của Solzhenitsyn – và các Lager (những trại tập trung kiểu Đức quốc xã), nhưng Levi phản đối. Tỉ lệ người chết ở các gulag là khoảng 30%, trong khi ở các Lager là 90-98%; mục đích của các Lager là xóa bỏ người Do Thái; không trừ một ai; không có ai từ bỏ dạo Do Thái; bọn Quốc xã đối xử với người Do Thái như là một sắc tộc hơn là một tôn giáo.(5)

Levi không chú ý đến việc mình có phải là trí thức Do Thái hay không. Chính luật phân biệt chủng tộc của bọn phát xít và các trại tập trung Quốc xã đã khiến ông cảm thấy mình là người Do Thái. Ông đam mê hóa học và đâu nghĩ mình sẽ viết văn; thế nhưng, Auschwitz “đã biến tôi thành một nhà văn.”(6)

Giờ thì xin mời bạn đọc hãy cầm lên cuốn Có được là người. Ngay từ đầu là bài thơ với cấu trúc gây tò mò với những giả định thức như đang mời gọi độc giả đưa ra đánh giá, nhận định.
Bài thơ bóng gió về sự đối xử với những con người như thể không bằng nô lệ, cùng với ánh mắt soi xét của tác giả rằng là liệu một người tù thì có thể giữ lại được nhân tính của mình hay không. Bài thơ giải thích cho nhan đề và đưa ra cái tứ của câu chuyện: nhân tính nằm giữa phi nhân tính.(7)

Nào, hãy bắt đầu nhé:
Các anh, sống đời yên ổn
Trong căn nhà ấm áp của mình,
Các anh, tối đến trở về nhà
Có đồ ăn nóng sốt, có bạn có bè:
Xem thử đây có được là người
Quần quật trong bùn lầy
Không biết đến bình yên
Đánh nhau vì nửa miếng bánh
Chết vì một câu Có hay Không.
Xem thử đây có được là đàn bà,
Không tóc tai, không tên tuổi
Không còn sức mà nhớ
Đôi mắt trống rỗng và vòng tay giá lạnh

Thực ra, trong bản gốc thì “vòng tay giá lạnh” được viết là “tử cung giá lạnh”. Trời ơi! Thế mới đích thực tột đỉnh nhân văn chứ! Dịch giả Việt Nam đã vì nói tránh mà làm hỏng bản gốc.
Như cánh cò ủ rũ mùa đông.

Các anh nghĩ xem cảnh này cảnh gì:
Tôi dặn các anh những lời này
Hãy khắc sâu vào tâm khảm
Dù đang ở nhà hay đang đi xa
Dù đang ngủ ngon hay là đã dậy
Hãy nhắc con cháu điều này.
Còn nếu không sẽ tan hoang nhà cửa,
Bệnh tật sẽ đổ vào người,
Con cái ngoảnh mặt quay đi.

Liệu giống người có tái lập câu chuyện này nữa hay không, tôi nghĩ, khả năng Không là có thể, và khả năng đó hình như nằm trong tay tất cả những người được đọc cuốn sách này.

—–

(*) Primo Levi, Trần Hồng Hạnh dịch, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành tháng 10/2010.

 (1) Phần tiểu sử Primo Levi có tham khảo từ: http://www.tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=513

(2) Nguồn: http://www.tabletmag.com/arts-and-culture/books/13240/exceptional-spiritedness/

(3) Nguồn tham khảo: http://kirjasto.sci.fi/primo.htm

(4) Nt.

(5) Nguồn tham khảo: http://en.wikipedia.org/wiki/Primo_Levi

(6) Nguồn: http://www.guardian.co.uk/books/2008/jun/13/primo.levi

(7) Xem: http://en.wikipedia.org/wiki/If_This_Is_a_Man

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)