“Cô gái đeo hoa tai ngọc trai”: Những chi tiết giấu kín

Dù những phân tích khoa học mới đã đem lại nhiều thông tin chi tiết hơn về bức họa “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai” của họa sĩ Hà Lan Vermeer nhưng bức tranh vẫn còn lưu giữ nhiều bí ẩn cần được khám phá.


Bức họa “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai” của Jan Vermeer. Nguồn: bảo tàng Mauritshuis

Đó là kết quả của “The Girl in the Spotlight” (Cô gái trong vị trí nổi bật), một dự án nghiên cứu lớn khởi đầu vào năm 2018 tại bảo tàng nghệ thuật Mauritshuis ở The Hague, Hà Lan – nơi sở hữu và trưng bày 854 tác phẩm nghệ thuật, phần lớn của các họa sĩ Thời đại vàng của Hà Lan như Jan Vermeer, Rembrandt van Rijn, Jan Steen, Paulus Potter, Frans Hals, Jacob van Ruisdael, Hans Holbein the Younger… Trong số này “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai” là báu vật và năm 2006, người yêu tranh Hà Lan đã bầu chọn đây là bức họa đẹp nhất quốc gia.

Khi qua đời, họa sĩ Jan Vermeer (1632-1675) để lại khoảng hơn 36 bức tranh cùng nhiều nghi ngờ về một số bức không phải do ông vẽ. Dù bán được tranh với giá cao nhưng ông lại chết trong nợ nần và người vợ Catharina Bolnes sau đó phải tuyên bố phá sản. Một trong những nét thu hút lớn nhất của ông là “chất thơ của đời thường”, vẽ cảnh làm việc của những người phụ nữ cầm cái bình nâu sẫm, tay áo xắn lên rót sữa trước bức tường loang lổ, như lời nhận xét của nhà phê bình nghệ thuật Pháp Théophile Thoré. 

“Cô gái đeo hoa tai ngọc trai” cũng là một tác phẩm như vậy của Jan Vermeer. Bức tranh được cho là vẽ vào năm 1665. Đáng chú ý là nhiều bức họa vẽ chân dung phụ nữ vào thế kỷ 17 đều gắn nhân vật của mình với các thú vui như đọc sách, viết lách hay chơi nhạc, những thói quen của người phụ nữ ở tầng lớp trên thì ngược lại, “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai” khắc họa một cô gái trẻ vô danh tươi tắn như một dải ánh sáng bạc trong tăm tối, ngoái đầu qua vai và nhìn thẳng. Dường như cô đang trôi nổi, bị tách khỏi mọi vật thể quanh mình, và cũng tách khỏi những người khác… Đó là điểm thu hút bậc nhất của bức họa.

Chất liệu hé lộ bức tranh thương mại thế kỷ 17

Dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Abbie Vandivere (Phòng bảo tồn bảo tàng Mauritshuis), người phụ trách dự án, nhóm nghiên cứu đã có hai năm để kiểm tra về kỹ thuật vẽ của Vermeer và khoảng không gian tối màu ông tạo ra sau phía sau cái đầu của cô gái. Họ mới công bố kết quả nghiên cứu “Fading into the background: the dark space surrounding Vermeer’s Girl with a Pearl Earring” (Sự phai màu trong khung nền: không gian tối xung quanh Cô gái đeo hoa tai ngọc trai của Vermeer) trên Heritage Science,  một tạp chí truy cập mở thuộc top Q1 của nhà xuất bản Springer.

Họ không phải là những người đầu tiên nghiên cứu về khoảng không gian tối phía sau cô gái của Vermeer. Ví dụ vào năm 1968, Kühn và cộng sự là những người đầu tiên tập trung vào sự cấu thành của vật liệu vẽ khoảng tối này, từ đó mở ra nhiều nghiên cứu khác. Đặc biệt vào năm 1994, những người bảo tồn tranh đã dùng tia X để kiểm tra và phân tích các mẫu bé xíu bằng phần trăm cái ghim giấy được trích từ rìa mép bức tranh. Kết quả cho thấy, phần nền được cấu tạo bằng một lớp lót màu đen và được vẽ bồi lên trên bằng một lớp xanh lá cây sẫm trong mờ. Vì thế, các nhà bảo tồn đã cho rằng, nền tranh về bản chất là một “màu xanh tối, trong mờ, mịn mượt, được tạo ra để đem lại màu sắc tối hơn và đem lại chiều sâu”. 

Giờ đây, Vandivere và cộng sự đã phân tích lại các mẫu đó bằng những kỹ thuật hiện đại hơn, mới được phát triển trong thập kỷ này: phân tích tia X phân tán trên kính hiển vi điện tử quét (SEM–EDX), kính hiển vi điện tử truyền chùm tia ion quét (FIB–STEM), máy sắc ký khí nối khối phổ nhiệt phân methyl hóa thủy phân hỗ trợ nhiệt (THM-Py-GC/MS), máy dò huỳnh quang…


Tiến sĩ Abbie Vandivere (Phòng bảo tồn bảo tàng Mauritshuis) là người dẫn dắt nghiên cứu. 

Sự hỗ trợ của các kỹ thuật hình ảnh mới cho thấy, phần nền của Cô gái với hoa tai ngọc trai có một kết cấu gồm các lớp đơn giản. Phía trên lớp nền màu xám ấm sáng, Vermeer đã vẽ lên một lớp sơn màu đen có chiều dày xấp xỉ 10 đến 25 µm. Mặt phân cách giữa lớp nền dưới và trên gợi mở một điều là  Vermeer đã để chúng tự khô trước khi vẽ thêm một lớp trong mờ và bóng lên trên, dày khoảng 20 đến 25 µm. Họ cũng thấy, có xuất hiện của ánh xanh nhạt trong một mẫu được trích từ bên rìa trái bức tranh và màu vàng – nâu trong rìa dưới bên phải. Khi được ánh sáng chiếu vào, “ma trận” của lớp vẽ ánh lên màu vàng vàng, vài chỗ phảng phất các điểm xanh bên trong.

Vậy chúng được tạo thành từ những vật liệu nào? 

Nhiều nghiên cứu trước đây cũng đi tìm câu hỏi này nhưng kết quả lại hết sức mâu thuẫn. Ví dụ như màu đen hết từ than củi (charcoal black) đến than xương (bone black). Rốt cục, Vandivere phát hiện ra mặc dù trong màu đen có than củi nhưng không hề có than xương. Bên trong lớp nền giàu than củi, các kết quả phân tích tìm được các hạt chứa can – xi, dấu hiệu của đá phấn (chalk), hoặc cả can – xi và sun – phua theo một tỷ lệ chỉ có ở thạch cao. Mặt khác, dẫu có một lượng nhỏ phosphorus (P) trong lớp nền đen nhưng không hạt nào chứa sự kết hợp của can – xi, phốt pho và ma – giê, cho phép loại trừ than xương từ ngà voi. Một số mẫu khác có phèn (alum), bao gồm nhôm, kali và sun – phua. Kết hợp các phân tích, có thể thấy lớp nền được tạo ra chủ yếu từ than củi và chứa một lượng nhỏ vừa phải đá phấn, thạch cao, một chất màu từ đất, và có lẽ là phèn.

Cũng theo cách đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra màu vàng mà Vermeer dùng từ luteolin – một chất sinh học thường được chiết xuất từ thực vật, ở đây là cây rau rocket (Reseda luteola L., một cây họ mộc tê) giàu luteolin và cho màu vàng sáng, và thuốc nhuộm màu xanh (indigotin) từ cây chàm. Có lẽ các chất hóa học trong màu vẽ được gắn kết bằng luteolin. Mặt khác, các màu vẽ chứa đồng và chì cũng như các chất trong tự nhiên khiến cho màu vẽ khô nhanh hơn, tuy nhiên do quá ít nên các nhà nghiên cứu chưa phát hiện được nguồn gốc của đồng (họ chỉ ước đoán là Vermeer đã cho thêm một ít xỉ đồng vào màu).


Các nhà nghiên cứu đã lập được bản đồ phân bố các vật liệu mà Vermeer đã sử dụng để vẽ bức tranh.

Với những phân tích riêng rẽ, họ còn phát hiện thêm là họa sĩ đã dùng dầu hạt lanh, bổ sung thêm ít dầu hạt nho, đã được làm nóng để pha các màu sáng. 
Do đó, cô gái của Vermeer đã mặc một cái cái áo màu vàng hợp thời trang, khăn đội đầu pha màu xanh lục và vàng. “Thật ngạc nhiên biết bao khi thấy màu xanh biển (ultramarine) rất đẹp mà Vermeer đã sử dụng pha màu khăn đội đầu của cô gái. Ở thế kỷ 17, màu vẽ này thậm chí còn đắt hơn vàng”, Vandivere nói với hãng thông tấn AP.

“Câu hỏi ‘những vật liệu nào được Vermeer sử dụng và chúng đến từ đâu?’ không chỉ nói cho chúng tôi biết nguồn gốc các màu vẽ mà còn cả tình hình thương mại của Hà Lan và thế giới thế kỷ 17”, Vandivere nói về điều thú vị mà bà đã thu được trong quá trình nghiên cứu. Ví dụ thuốc nhuộm màu chàm (indigo) từ lá cây chàm được ủ lên men. Về nguồn gốc thì từ ‘indigo’ nghĩa là “đến từ Ấn Độ”, dẫu nơi này chỉ là một trong số nhiều chỗ có cây chàm mọc. Vào đầu thế kỷ 17, công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) đã được hình thành và dẫn đến việc một lượng chàm nhập khẩu từ Ấn Độ vào Hà Lan. Vào thời điểm vẽ Cô gái đeo hoa tai ngọc trai thì cây chàm đã được các con thuyền Hà Lan chở từ Tây Ấn cùng với thuốc lá, tiêu, trà, nhục đậu khấu, đường và gừng. Vandivere tiếc nuối: “Thật không may, chúng tôi không thể xác quyết về mặt khoa học là liệu chàm của bức họa từ nguồn Ấn Độ hay không. Chàm thuộc về một họ lớn với 800 loài khác nhau và thật khó để phân biệt chúng về mặt hóa học”.

Màu xanh biển ultramarine đắt đỏ mà Vandivere đề cập tới cũng thú vị không kém. Nó được tạo ra từ lazurite – một loại khoáng chất xanh sáng gồm sunfat, lưu huỳnh và clorua, được tìm thấy trong loại đá quý lapis lazuli. “Thật kỳ lạ là hầu như tất cả màu xanh biển được sử dụng trong lịch sử nghệ thuật đều đến từ một nơi trên Trái đất: chỉ có một vài mỏ khoáng chất này ở Đông Bắc Afghanistan. Cái tên ‘ultramarine’ còn có nghĩa là ‘vượt qua biển cả’ bởi một số đá lapis đã được chuyển từ tới châu Âu từ Trung Á trên thuyền, tuy nhiên chúng ta biết là phần lớn chúng đều trên một tuyến đường cổ xưa: Con đường Tơ lụa”, Vandivere lưu ý.

Việc trộn các chất liệu làm nên màu vẽ không phải không có giới hạn. Theo thời gian, việc phơi lộ trước ánh sáng khiến các màu vẽ phai đi. Các kỹ thuật hình ảnh hiện đại đã tiết lộ điều đó. Có thể về lâu dài, nó sẽ làm hư hại bức tranh và giảm sức hút của nó. Vermeer là bậc thầy về sử dụng ánh sáng: ánh sáng phản chiếu một cách khác biệt trên làn da, môi, trang phục và hoa tai cô gái. Vì vậy, những phát hiện từ nghiên cứu này sẽ giúp bảo tàng giải pháp gìn giữ kiệt tác của mình. 

Bí ẩn còn lại

Các nhà nghiên cứu cảm thấy hạnh phúc về những phát hiện mới của mình nhưng những người mê tranh thông thường thì còn tò mò hơn, họ muốn biết cô gái ấy là ai. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy điều đó. “Chúng tôi đã có khả năng tìm ra nhiều thông tin về chất liệu và kỹ thuật vẽ của Vermeer nhưng chúng tôi vẫn chưa biết đích xác cô ấy là ai”, Vandivere trả lời The Guardian. “Những khám phá của chúng tôi đặt cô ấy vào một không gian xác định và mang chúng ta gần hơn với cô ấy”. 
Được truyền cảm hứng từ cô gái bí ẩn, nhà văn Tracy Chevalier viết cuốn tiểu thuyết cùng tên, sau được chuyển thể thành phim, khi tưởng tượng ra cô gái là một hầu gái trong ngôi nhà của họa sĩ và giữ một vị trí quan trọng với ông. 

Có thể, cô gái có một vị trí đặc biệt thực sự và Vermeer đã dụng công để làm nổi bật cô lên. Đôi hoa tai ngọc trai cô đeo tự nó như một ảo ảnh “không hề có đường viền rõ ràng và cũng không có móc cài vào tai”, Vandivere chỉ ra. Bà cũng tìm thấy là Vermeer đã suy nghĩ và thay đổi rất nhiều vị trí của nó, phần đỉnh của khăn trùm đầu và cả phần sau của cổ. 

Ai khiến Vermeer phải suy nghĩ? Trước đây có nhà lịch sử đưa ra giả thiết đó là con gái lớn của họa sĩ, Maria, nhưng không có chứng cứ rõ ràng. 

Tuy chưa xác định được cô gái đó là ai nhưng bức tranh cho thấy, Vermeer có lẽ đã quan sát và vẽ một cách trung thực một con người sống động trong một không gian thực. Người ta có thể hình dung một cô gái trẻ đã ngồi xuống trước mặt họa sĩ làm mẫu, không hề e dè hoặc sợ hãi. Cô ấy là phàm nhân? Nhiều học giả trước đây từng phán đoán cô ấy không có thật và Vermeer đã vẽ một khuôn mặt lý tưởng hoặc phi thực bởi cô gái không có hàng mi trên mắt. Nay kỹ thuật quét huỳnh quang tia X macro mà Vandivere áp dụng đã tìm thấy những hàng mi tí xíu quanh đôi mắt của cô gái. Chi tiết này gợi mở một phán đoán, dù còn là bí ẩn thì cô gái cũng một người phàm như chúng ta và do đó, đậm chất “cá nhân” hơn. 

Dẫu sao việc lưu giữ những bí ẩn không phải là vô ích. “Cũng tốt khi một số bí ẩn về nhân vật cô gái vẫn chưa được khám phá hết, do đó mọi người đều bị cô ấy cuốn hút mạnh hơn. Điều đó cho phép mọi người có những liên tưởng cá nhân với cô gái; mỗi người đều cảm thấy kết nối của họ với cách mà cô ấy gặp ánh mắt mọi người”. 

Với bảo tàng Mauritshuis, nghiên cứu về Cô gái với hoa tai ngọc trai còn chưa bị “đóng gói”. Martine Gosselink, giám đốc bảo tàng, nói “Cô gái vẫn chưa tiết lộ thêm bí mật về nhân thân của mình nhưng chúng tôi đã biết thêm một chút về cô ấy. Và đây không phải là điểm kết thúc trong nghiên cứu của chúng tôi”. □

Tô Vân tổng hợp
Nguồn: 
https://www.mauritshuis.nl/en/explore/restoration-and-research/girl-in-the-spotlight/
https://heritagesciencejournal.springeropen.com/articles/10.1186/s40494-019-0311-9
https://www.smithsonianmag.com/smart-news/hague-shares-new-insights-vermeers-girl-pearl-earring-180974775/

Tác giả

(Visited 55 times, 1 visits today)