Có lúc tôi đã không muốn trở về mặt đất
Ngày 5 tháng 4 năm 2003, tôi đến sân bay Chicago. Đây là lần thứ tư tôi đến Mỹ. Vậy là tròn mười năm kể từ chuyến đi đầu tiên. Ngày ấy tôi ba mươi sáu tuổi. Những chuyến đi của tuổi trẻ lúc nào cũng hồ hởi, cũng hấp dẫn và đôi khi liều lĩnh. Nhưng ba mươi sáu tuổi thì không thể gọi là còn trẻ nữa. Có thể mắc nhiều sai lầm, nhưng có một điều không được mắc sai lầm: đó là không được phép hão huyền về chính bản thân mình. Với tuổi ấy, nếu chưa chuẩn bị những gì cần thiết cho đường đời của mình thì không chuẩn bị kịp nữa.
Đi chuyến đi dài này khi tôi đã bước sang tuổi bốn mươi sáu. Bởi thế mà tôi mang cảm giác cô đơn hơn, dè dặt hơn và nhiều lúc tâm trạng rơi vào trạng thái thật khó tả. Nhưng những chuyến đi xa lúc nào cũng quyến rũ tôi. Nó luôn luôn hé lộ cho tôi một điều gì đó. Sau mỗi chuyến đi, tôi luôn luôn nhận thấy mình quá nhỏ bé, quá khờ khạo, quá ít hiểu biết trước thế gian này. Bởi thế đối với tôi, những chuyến đi làm cho tôi được sống nhiều hơn thời gian thực của cuộc đời mình vốn có. Tôi biết được nhiều hơn những con đường, những ngôi nhà, những cái cây, những con người, những câu chuyện… Và những điều ấy làm tôi bớt đi trong lòng mình những phiền muộn, những tẻ nhạt, những tù đọng…
Chuyến đi đầu tiên kỳ vỹ nhất của tôi là chuyến đi từ bờ bên này sang bờ bên kia sông Đáy. Chuyến đi ấy khi tôi năm tuổi. Mẹ tôi sang quê ngoại của mẹ ăn giỗ và tôi được đi theo. Ngày ấy, hai bờ con sông chỉ cách nhau chừng hai trăm mét. Nhưng bờ bên kia quả là một thế giới kỳ vỹ đối với cậu bé năm tuổi là tôi. Bờ bên kia với những lùm dứa dại chạy miên man dọc bờ sông. Bờ bên kia là một cây đa cổ thụ mọc đối diện với bến đò. Con đường nhỏ chạy từ bến nước lên đến gốc đa luôn mang một vẻ đẹp kỳ diệu. Và sau con đường kia, sau những lùm dứa dại, sau cây đa cổ thụ là những ngôi nhà ẩn hiện trong những vòm lá, và sau tất cả những cái đó là dãy núi mờ xa. Và sau dãy núi mờ xa là chân trời. Hình như nơi ấy chứa đựng những khao khát và cả nỗi tuyệt vọng của tôi. Ngày còn bé, tôi thường ra bờ sông nhìn về phía bên kia sông trong những buổi chiều mùa hạ với trí tưởng tượng và lòng khao khát vô bờ. Tôi thật sự phấn khích khủng khiếp khi bước chân lên mạn đò. Và khi tôi bước đến dưới gốc đa và ngước nhìn lên cây đa cổ thụ thì người tôi run lên bởi một cảm giác lớn lao. Sự vĩ đại của những vòm lá lớn đang vang lên bởi tiếng gió đã trùm phủ tôi và tràn ngập trong tôi. Có một uy lực nào đó trong những vòm lá lớn từ trên cao đang chiếm ngự tôi. Cảm giác ấy và uy lực ấy đến bây giờ vẫn vậy. Có lẽ bởi thế mà sau này tôi thường viết về những cái cây. Những cái cây lúc nào cũng kỳ vĩ, lúc nào cũng đầy uy lực và luôn luôn tỏa sáng trong cả những đêm tối.
Chuyến đi nước ngoài đầu tiên là chuyến đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến Phnong Penh – Campuchia cuối năm 1979. Ngày ấy, Campuchia mới được giải phóng và lính quân đội Việt Nam có mặt ở mọi nơi trên đất nước bé nhỏ này. Con đường từ phà Niếc Lương đến Phnong Penh nham nhở dấu vết của những hố chống xe tăng. Chuyến đi ấy người ta cần một người biết tiếng Anh và thế là người ta chọn tôi. Tôi phải mặc quần áo lính và mang theo súng AK báng gập. Trên đoạn đường ấy, chúng tôi phải ngồi quay mặt về phía sau để quan sát đề phòng bị tàn quân Pon Pot phục kích. Đã có một vài chuyến xe như vậy bị súng chống tăng của tàn quân bắn. Phnong Penh những ngày đó còn tan hoang. Những người dân thành phố này bỏ chạy hoặc bị bắt dời khỏi thành phố trong thời Pon Pot vẫn chưa trở về. Trong vườn của những ngôi biệt thự, cỏ dại mọc tràn lan. Một người lính Việt Nam đã đưa tôi đi lang thang trong thành phố. Và bất chợt, tôi nhìn thấy một quả xoài sót lại trên cây trong một khu vườn còn chứa đầy bóng tối của chết chóc.
Quả xoài chín vàng. Màu vàng ấy tỏa sáng rực rỡ trong một thành phố như đã chết từ lâu. Sự tỏa sáng của quả xoài như niềm hy vọng cuối cùng và đầu tiên sau thời đại đen tối của chế độ diệt chủng. Nó như một đức hạnh, như một niềm tin còn sót lại của một dân tộc lầm lạc, rồ dại và quá bi thương. Quả xoài như một ngọn đèn, như một ngôi sao, như một gương mặt người yêu ẩn giấu đâu đó giờ hiện ra. Đêm đấy tôi đã làm một bài thơ về quả xoài. Đấy là bài thơ đầu tiên tôi làm với một sự ám ảnh. Và sáng sớm hôm sau, tôi đi qua khu vườn ấy. Tôi không còn nhìn thấy quả xoài nữa. Có thể ai đó đã hái quả xoài. Có thể quả xoài đã rụng trong đêm. Và có thể nó hiện ra cho tôi một lần và chỉ một lần rồi biến mất. Bài thơ tôi làm không thành công. Và tôi chính là kẻ đã không lưu giữ được vẻ đẹp ấy. Khi nghệ thuật không đủ quyền lực thì nó không thể giữ lại được vẻ đẹp. Tôi đã thất bại chỉ vì khả năng thi ca lúc ấy của tôi quá vụng về. Tôi lúc đó là một thi sĩ không đủ quyền lực ngôn ngữ. Có lẽ bởi thế mà cho đến bây giờ, hơn hai mươi năm trôi qua, quả xoài ấy vẫn ẩn hiện đâu đấy trong ký ức tôi. Nó đợi một ngày nào đó, với khả năng ngôn ngữ của thi sỹ, lại hiện ra như một ngọn đèn, như một ngôi sao và như một gương mặt người yêu lấp lánh trong bóng tối của cái chết. Đấy là khát vọng của tôi, và tôi nghĩ, của mọi thi sỹ trong mọi thời đại.
Tôi quá cảnh ở sân bay Narita – Tokyo trên đường đến Chicago. Tôi ngồi hút thuốc và nhìn qua cửa kính. Tokyo đang mưa. Bầu trời xám nặng. Những giọt mưa rơi vào cửa kính và chảy thành một vệt dài. Thật ý nghĩa khi được ngồi im lặng, một sự im lặng thật sự, ở một nơi mà tôi không biết ai và cũng không ai biết tôi. Khoảng thời gian ấy, tôi đắm chìm trong miên man bao ý nghĩ. Những người đến hút thuốc rồi vội vã ra đi. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đi một mình đến một nước tư bản – Australia. Tôi quá cảnh ở sân bay Singapore. Sân bay rộng mênh mông với hàng trăm cửa ra máy bay. Chính ở đấy, lần đầu tiên tôi thấy cô đơn vô cùng. Tôi ngồi im lặng ngắm những dòng người của mọi quốc tịch vội vã đi qua và biến mất. Họ là ai? Họ đi về đâu? Ai đang đợi họ? Họ mang trong lòng những nỗi niềm gì? Họ đang hạnh phúc hay đang khổ đau? Họ đang được chờ đợi đón tiếp hay họ đang chạy trốn, đang bị truy đuổi? Sân bay Singapore lúc đó như thế gian với bao số phận không thể sẻ chia, với bao câu hỏi không lời đáp, với bao cuộc hành trình về muôn hướng khác nhau, với bao bí ẩn trong mỗi sinh linh kia, rồi những chiếc máy bay rời mặt đất vào không gian bao la, rồi có thể có những tai nạn xẩy ra, rồi biến mất mãi mãi. Những đêm ngồi chờ máy bay để đi tiếp ở những sân bay quá cảnh nước ngoài, tôi thường có cảm giác muốn trở về ngôi nhà của mình ngay lúc đó. Nếu có thể làm được điều đó thì tôi chắc đã bỏ giữa chừng nhiều chuyến đi. Những bữa cơm tối bình dị trong ngôi nhà nhỏ cùng với những người thân bỗng hiện lên ấm áp lạ kỳ. Nhiều lúc tôi nghĩ, vì lý do gì mà mình để lại một chiếc ghế trống trong những bữa tối ấy. Vì lý do gì mà mình lại có thể xa những đứa con bé bỏng yêu dấu của mình để ngồi đơn độc ở một nơi xa lạ mà nếu có chuyện gì xẩy ra thì mình không thể về tới ngôi nhà của mình được. Thế nhưng sau mỗi chuyến đi xa trở về thì một chuyến đi xa khác lại lên tiếng gọi tôi. Tiếng gọi ra đi cũng quyến rũ như tiếng gọi trở về. Những chuyến đi mỗi lần lại chất thêm vào lòng tôi những kỷ niệm. Khi trở về Tổ quốc, tôi thấy mình là một kẻ giàu có. Nhưng tôi cũng thấy mình buồn bã hơn và cô đơn hơn.
Chuyến đi mà bây giờ vẫn còn lại trong tôi một sự lôi cuốn mạnh mẽ và một nỗi buồn da diết là chuyến đi Cuba gần hai mươi năm về trước. Đấy là lần đầu tiên tôi có một chuyến đi xa như thế. Ngày ấy, tôi khao khát được ra đi và đi đến chốn nào của thế gian này cũng làm tôi hạnh phúc. Cha tôi lúc đó đã về hưu. Người luôn luôn sợ hãi về tôi. Hình như tôi luôn luôn là sự bất trắc trong cuộc đời của ông cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau. Khi tôi in những bài thơ đầu tiên, cha tôi tìm cách ngăn cản để tôi từ giã thơ ca. Lúc đầu tôi không hiểu được cha tôi. Nhưng sau này cha tôi nói với anh tôi: “Bố không muốn em con bị bắt”. Tôi hiểu vì sao cha tôi mang nỗi ám ảnh ấy. Vì con của một người bạn cha tôi đã bị bắt vì mấy bài thơ anh ấy viết trong sổ tay. Hai mươi năm trước, có một anh cùng tỉnh với tôi cũng bị bắt vì những bài thơ như thế. Rồi người ta cần có một nhà thơ đọc những bài thơ ấy và nhận xét rằng những bài thơ ấy không có vấn đề gì để lấy lý do thả tự do hoàn toàn cho anh. Anh trai của người bị bắt kia đã gặp khá nhiều nhà thơ để nhờ nhận xét nhưng họ đã từ chối. Anh mang đến nhờ tôi. Tôi đã đọc bài thơ ấy và viết nhận xét rồi ký. Điều ấy làm cho cho tôi buồn mãi đến bây giờ. Khi tôi vào phòng đợi của sân bay. Cửa kính đã cách biệt mọi âm thanh từ bên ngoài. Tôi quay lại và thấy cha tôi đang đứng đó. Ông đứng bất động nhìn tôi. Tôi chỉ nhìn thấy ông nhưng không nghe thấy gì nữa. Cảm giác của tôi lúc đó giống như cảm giác của người đã chết. Linh hồn người ấy vẫn nhìn thấy người thân của họ nhưng không thể nào trò chuyện được nữa. Và lúc ấy, lần đầu tiên tôi mới thấy yêu và thương cha tôi thực sự. Lần đầu tiên tôi nghe thấy gót chân tôi chạy buốt trái tim ông suốt hơn hai mươi năm về trước.
Chuyến bay đi Mỹ là chuyến bay dài nhất mà tôi từng đi. Trước kia đi Mỹ, tôi thường đi máy bay của hàng không Hàn Quốc. Từ Seoul đi New York thường mất mười bốn tiếng đồng hồ. Từ Tokyo đi Chicago gần hơn hai tiếng. Nỗi sợ hãi nhất khi ngồi trên một chuyến bay dài như thế không phải là một tai nạn. Vì tai nạn có xẩy ra thì ngay sau đó người ta chẳng còn biết gì nữa. Mà nỗi sợ hãi lớn nhất chính là mang cảm giác của sự bất động. Người ta không có cảm giác người ta đang bay với tốc độ ghê gớm (khoảng 900 km/h). Tất cả như đứng im. Tất cả như đã chết. Tất cả như đã cách biệt hoàn toàn với thế gian. Lúc đó, tôi thèm được nhìn thấy tán lá si xao động trong gió trên ban công tầng hai nhà tôi. Thèm được nghe tiếng chuông gió vang lên lúc gần sáng khi trời trở gió. Những chuyến đi Mỹ trước đây, hầu hết thời gian tôi ở nhà một người bạn, một nhà thơ Mỹ, Kevin Bowen. Trên mái hiên cổng sau của nhà ông có treo những chiếc chuông gió. Tôi đã có những buổi chiều ngồi đó cho đến khi bóng tối tràn ngập ngôi nhà và nghe tiếng chuông gió vang lên. Và lúc đó, tôi nhận ra tôi thực sự là một kẻ lãng mạn và yếu đuối. Tiếng chuông gió luôn làm tôi thổn thức. Âm thanh giản dị ấy vang lên thật mơ hồ và lan xa, xa mãi. Tiếng chuông gió làm cho không gian trở lên thanh sạch lạ kỳ. Còn trên máy bay, tiếng động cơ rì rì như ở một thế giới khác. Ngồi trên máy bay ở độ cao 10.000 mét như vậy, chỉ có duy nhất một hình ảnh hùng vĩ và bi tráng nhất mà một lần tôi nhìn thấy. Hình ảnh đó làm tôi muốn lao qua ô cửa máy bay ra ngoài. Đó là ban mai.
Lúc ấy, chiếc máy bay tôi đi đang bay trên một thảo nguyên mây bất tận. Và ban mai thức dậy trên thảo nguyên mây ấy. Một không khí cổ xưa tràn ngập con người tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn tin đó là hình ảnh chính xác của ban mai khởi nguyên. Hùng vĩ và bi tráng. Đơn độc và tinh khiết. Lúc đó, tôi như một cái cây, như một con thú nhỏ ngước nhìn ban mai với sự quyến rũ vĩ đại mang đầy sợ hãi và bừng tỉnh. Lúc đó, sự rực rỡ của ban mai ùa vào tôi như sự ban phước của Đấng tối cao. Giá lạnh, bóng tối, cô đơn… vụt tan biến. Thay vào đó là sự hân hoan như một tiếng rống vang bỗng dội lên. Không. Dù có nói thế nào thì tôi cũng không tả hết được hình ảnh ban mai ấy. Cảm giác lúc đó làm con người muốn òa khóc. Bao nhiêu sợ hãi, bao nhiều đày đọa, bao nhiêu tăm tối và bao nhiêu điên rồ của con người trên mặt đất đã bỏ lại phía sau như không còn cơ hội trở lại nữa. Nó cho ta cảm giác như lần đầu tiên ta được gọi đúng tên mình. Như lần đầu tiên ta có quyền được trong sạch. Như lần đầu tiên ta có quyền được ngủ mà không mang theo một nỗi phiền muộn và sợ hãi nào. Như lần đầu tiên ta được trút bỏ áo quần và nằm trên những vầng mây giống như đứa trẻ sơ sinh nằm trong tã lót trăng sực mức mùi hồ. Nó như ban mai đầu tiên sau bất tận của bóng tối, của giá lạnh và cô độc. Nó không giống bất kỳ ban mai nào trên trái đất mà tôi đã gặp. Bởi trên lưng trời kia tôi chỉ có một mình. Tôi giống như một người cổ đại đứng trên đỉnh đồi trước ban mai và hú lên trong sự cô độc đến kinh hãi và hân hoan thống thiết. Hành khách quanh tôi đang chìm sâu trong giấc ngủ. Mà cho dù họ có thức thì sự hiện diện của những con người xa lạ kia liệu có ý nghĩa gì với tôi không?
Ôi ban mai, ban mai, người chảy trong máu thịt tôi với toàn bộ sự tinh khiết, rực ấm, sinh sôi, bất tận, huy hoàng và cả thổn thức. Người đã cứu tôi ra khỏi bóng tối của giá lạnh, sợ hãi và cô đơn. Và trong ánh sáng huy hoàng của ban mai ấy, tôi đã có một khoảng khắc không muốn trở về mặt đất của chúng ta.
Nguồn tin: Trích từ bản thảo cuốn sách Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng