Có lý do chính đáng nào để thích Patrick Modiano?
Có lẽ không có một lý do chính đáng nào để say mê Patrick Modiano.
Patrick Modiano. Nguồn: mosaicmagazine.com
Ông viết quá nhiều nhưng dường như chỉ đang viết cùng một cuốn sách. Năng suất của ông ngang với một tác gia trinh thám, nhưng ít ra với trinh thám, chắc không ai lại nhầm vụ Chuyến tàu tốc hành phương Đông với Mười người da đen nhỏ. Còn với Modiano, chúng lẫn lộn vào nhau. Không thể nhớ ra ai đã ngồi ở quán cafe đó, ai đã biến mất, ai đã loanh quanh trên những đại lộ ngoại vi Paris, bởi tất cả dường như đã ngồi đó, đã loanh quanh, đã biến mất, như tro bụi khi hỏa thiêu không phân biệt nổi của người nào với người nào.
Patrick Modiano cũng không phải người đầu tiên viết về một Paris cũ xưa đang tan rã. Tự ông thừa nhận thế, vì trước ông, đã có Charles Baudelaire. Chẳng hạn, bài thơ Le Cygne nằm trong tập Les fleurs du mal (Hoa khổ đau), đề tặng cho Victor Hugo, bài thơ mà Vũ Đình Liên đã dịch thế này: “Dòng sông nhỏ đầy tràn nước mắt / Bỗng tự nhiên gợi nhắc trí ta / Carrousel 1 bữa đi qua / Paris phố cũ bây giờ còn đâu / Thành phố đổi thay mau chóng quá / Đổi thay nhanh hơn cả bóng người / Khu này nhớ lại mắt tôi Chỉ thấy một đống ngược xuôi ván lều” Và chính Hugo nữa cũng đã mượn Nhà Thờ Đức Bà để ngậm ngùi một Paris không còn như trước: tòa kiến trúc lộng lẫy qua mỗi thời đại lại được trùng tu, cái ta đang thấy đây vẫn là nó đấy, mà cũng không còn là nó, mọi thứ vẫn còn đây nhưng đã mất đi đâu. Vì lẽ đó, Modiano tuyệt nhiên không phải người đầu tiên giao du với những bóng ma quá khứ của đô thành Paris.
Patrick Modiano lại càng không phải người Pháp đầu tiên trôi dạt. Flâneur, đó là một từ tiếng Pháp không thể dịch, tạm hiểu là một người dạo bước không mục đích. (Lại là) Charles Baudelaire đã đặt flâneur là tượng trưng của văn nghệ thời hiện đại: “Đám đông là lãnh địa của anh, cũng như không khí đối với loài chim và nước đối với loài cá. Đam mê của anh và nghề nghiệp của anh là nhập vào đám đông. […] Anh, tình nhân của thế gian, có thể được so sánh với một tấm gương rộng lớn như đám đông, một kính vạn hoa được ban cho ý thức, mỗi chuyển động của nó biểu trưng cho một họa tiết của cuộc đời” 2.
Hay là nói rằng ta thích Modiano vì thói hiếu kỳ với số phận những người xa lạ nơi ông, và như thế, mọi thứ quanh ta bất giác trở nên mờ ảo và không vững chãi? Ví như trong tiểu thuyết Hoa của phế tích, có một đoạn khi nhân vật chính làm quen với một người đàn ông mà anh đã để ý suốt nửa năm qua, không vì gì, chỉ vì chiếc áo màu hạt dẻ bợt màu và dáng vẻ ngập ngừng bước sâu vào mưa tuyết. Trong Con chó mùa xuân, một chàng trai lập danh sách tên từng người mà một nhiếp ảnh gia đã chụp chân dung. Dường như những con người của Modiano chưa từng nghĩ cần phải gìn giữ thời gian cho những điều có ích. Nhưng ngay cả điều này, cũng không do Modiano khởi xướng. Vẫn là Baudelaire từng viết: “Bạn còn nhớ bức tranh (vì rõ ràng nó là một bức tranh) được viết bởi cây bút quyền lực nhất của thời đại này có tên Người đàn ông trong Đám đông? Ngồi trong một quán cafe, nhìn ra cửa sổ, một người mới ốm dậy đang tận hưởng khung cảnh mọi người đi qua, và nhận dạng chính mình khi ngẫm nghĩ về tất những ý nghĩ đang chuyển động quanh anh […] Cuối cùng anh lao vào đám đông kiếm tìm một người anh không biết, người có gương mặt mà khi anh thoáng thấy, có ở đó một luồng sáng quyến rũ anh.”
Sách của Patrick Modiano được Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển giới thiệu ngay sau khi tuyên bố ông thắng giải Nobal văn chương 2014. Nguồn: AP
Tóm lại, không có lý do chính đáng gì để ta mê say Patrick Modiano đến thế. Vậy mà, một khi đã lạc bước vào những đại lộ rối rắm của Modiano, không ai còn muốn tìm ra đích đến, cũng không ai muốn ra khỏi đó nữa. Ta giận vì ông viết quá ngắn, trong khi ta còn muốn theo chân ông, vì thế mà ta lại đọc tiếp cuốn sau, nhưng khi ta còn chưa biết điều gì đang diễn ra thì chuyến đi lại đã kết thúc. Cứ như thế, ta không thôi đọc tiếp Modiano, đi đi lại lại cùng một vòng như thế.
Đúng, Modiano viết đi viết lại một cuốn sách, nhưng theo cái cách như Van Gogh vẽ đi vẽ lại hoa hướng dương hay Monet vẽ đi vẽ lại ao hoa súng. Chúng không giải thích hay làm sáng tỏ điều gì, trường phái văn chương lần mò một lời giải sẽ chỉ đưa người ta đến cơn “cực khoái” một lần, hết là thôi; còn với Modiano, người ta chờ ở ông một loại cảm giác: cảm giác đang trôi trong một nơi rất thân quen nhưng không hề thân thuộc. Các nhân vật của ông thuộc lòng bản đồ của Paris, nhưng những con người, những nơi chốn, những địa chỉ chuội khỏi họ, vừa có thật vừa không có thật, họ đi mãi mà không thể chắc chắn về sự tồn tại của đích đến. Còn ta chìm đắm mãi giữa những khu phố mê cung của Modiano, biết rằng kiểu gì cũng sẽ có một người cha tan biến, một người mẹ diễn viên, một ai đó mất tích, một ai đó khác mất căn cước, một tấm hình, ta rõ rành rành cấu trúc truyện của ông, nhưng vẫn không thể nắm bắt điều ông muốn nói.
Modiano có thể cũng không là người đầu tiên viết về một đô thị tan rã. Nhưng ông đã chống lại tan rã một cách thật là đặc biệt. Từng có lần, ông nói thế này về sự trở lại của những “điệp khúc” trong văn chương ông: “Giống như là một nhiếp ảnh gia cố gắng bắt lấy ai đó từ những góc khác nhau và ảnh chụp ra đều không hoàn toàn chuẩn xác.”
Không, Modiano không viết, ông đang chụp ảnh, ông chụp ảnh ra một tiểu thuyết. Chiếc máy ảnh ẩn dụ là vũ khí của ông để đọ sức với thời gian. Đọc Modiano giống như giở một quyển an-bom ảnh, những bức ảnh kết thành một đường dây cốt truyện mơ hồ, nhưng những mắt xích quan trọng nhất lại thiếu, mỗi tình tiết không nối liền mà chỉ là những đoạn cắt rời của thời gian, giữa chúng là khoảng hẫng, và người đọc nhảy cóc qua các khung hình. Những người lớn trong căn nhà bow-window trong ngôi làng nhỏ của Paris đã đi đâu trong đoạn kết của tiểu thuyết Kho đựng nỗi đau? Không ai biết, chỉ có lời của cảnh sát: “Một chuyện rất nghiêm trọng đã diễn ra”. Suốt toàn bộ cuốn truyện chưa đầy trăm trang ấy, Modiano ra dấu cho ta bằng những lá thư, những vẻ đột nhiên buồn bã, những tiếng động cơ xe, những vị khách đến chơi nhà, thế rồi, biến mất hết. Ta đang sống trong thế giới bấp bênh như vậy đó.
Trong tiểu thuyết Con chó mùa xuân, nhân vật kể truyện (hay chính hiện thân của Modiano) kết bạn với một nhiếp ảnh gia. Anh nhận kiểm kê toàn bộ những tấm ảnh mà ông đã chụp, một hành động sắp xếp vô nghĩa như ai đó cố gắng đặt cuộc sống vào vị trí. Anh tin rằng ký ức hoạt động với cơ chế của một tấm ảnh Polaroid; dù ký ức có đang hôn mê, chỉ cần một kỷ vật xuất hiện, là ngay lập tức bừng thức trong tâm trí. Có nhiều cách hiểu về Con chó mùa xuân, một cách hiểu có thể là: đây là một câu chuyện về nghề viết. Ngay đoạn đầu, vị nhiếp ảnh gia và nhân vật tôi đã có cuộc bàn luận về viết. “Người ta viết bằng các từ, còn ông, ông tìm sự im lặng. Một bức ảnh có thể diễn đạt sự im lặng. Nhưng còn các từ thì sao?” Nhân vật tôi hứa sẽ tìm cách tạo ra sự im lặng bằng các từ. Anh đã làm được. Modiano đã làm được, bằng cách chẻ đứt thời gian, lấp đi những phần quan trọng, lấy nét vào một vài điểm ngẫu nhiên. Cũng nhờ đó, ông chống lại được thời gian. Ông né tránh đối mặt với tảng thời gian khổng lồ sập xuống, ông chỉ chiến đấu với từng mảnh khoảnh khắc, cứu lấy những ký ức đơn lẻ.
“Từ thăm thẳm lãng quên”, một trong những cuốn sách của Modiano được dịch ra tiếng Việt. Nguồn: Sách Khai tâm.
Patrick Modiano cũng có thể không phải flâneur đầu tiên tò mò về thế giới, ông không phải người đầu tiên “lữ hành giữa không gian đô thị, không gian hiện đại, nhưng mãi mãi nhìn về quá khứ 3”, cũng không phải kẻ tò mò đầu tiên coi “thành phố là một văn bản để viết xuống, để đọc lên, để viết lại, để đọc lại. Một flâneur nhàn nhã đi qua thành phố, lắng nghe lời tự sự của nó 4”. Nhưng cuộc bộ hành của ông không nhằm để tích lũy một “bữa tiệc ngon cho đôi mắt” nói như Balzac, hay nó cũng không diễn ra vì ‘một mục đích cao quý hơn một người tản bộ thuần túy, một mục đích lớn hơn là sự vui thích nhất thời với ngoại cảnh. Anh đi tìm một thứ không thể xác định được mà có lẽ chúng ta được phép gọi nó là chủ nghĩa hiện đại 5” nói như Baudelaire. Modiano ở giữa những thứ đó, không chỉ tản bộ thuần túy, nhưng cũng không đi tìm một triết học cuối cùng, có khi nhân vật của ông dừng lại ngắm một con chó, tự hỏi nó đi đâu. Những mẫu nhân vật dấn thân luôn tìm được cái cần tìm, nhưng nhân vật của Modiano càng đi càng không rõ mình đang tìm gì, thậm chí mình có phải là mình không, họ tan rã trước khi cuộc đi chấm dứt. Không một nhà văn đương đại nào có thể trống rỗng hóa những cuộc đi (hay chính cuộc đời) như Modiano. Ông làm được điều đó chỉ bằng một đoạn ngắn ngủi thế này: “Hết rồi. Tôi chẳng còn là gì nữa. Lát nữa thôi, hẳn tôi sẽ đi ra khỏi khu vườn này đến một bến tàu điện ngầm, rồi một nhà ga và một bến cảng. Khi các cổng sắt đóng lại, hẳn từ tôi sẽ chỉ còn lại cái áo gió mà tôi mang, cuộn lại thành một nắm, trên băng ghế.” Khác với đồ vật, con người trong tiểu thuyết của Modiano phi vật chất, không chỉ dễ dàng bị vo viên mà còn như một nhúm thủy ngân rất dễ bay hơi. Những nguyên tố làm nên con người lỏng lẻo đến mức có thể hòa tan với một bức tường người ấy dựa lưng vào.
***
Ông không coi điều ông làm là đáng kể, ông chỉ coi mình là “một tù nhân của ký ức về Paris” – tôi nghĩ cần nhắc lại điều này, một tù nhân, không phải một người giải phóng xúc cảm, như người ta vẫn nghĩ về bất cứ bộ môn nghệ thuật nào. Viết, với Modiano, có lẽ là một thực hành chạy trốn, theo kiểu diễn giải của ông thì là “lái xe trong sương mù”. Rất dễ nhận thấy, nhiều nhân vật chính trong tiểu thuyết của Modiano là nhà văn, nhưng họ lại thường tự đặt ra cho mình những việc lưu trữ, lập danh sách, những công việc nhàm chán của một thư ký văn phòng. Điều đó đem đến sự đồng cảm, rằng ngay cả nghệ thuật cũng không cao hơn cuộc đời, nó thực ra cũng chỉ là một dạng đày đọa khác của cuộc đời.
Chỉ thế thôi đã là lý do chính đáng nếu ai hỏi vì sao ta say mê Patrick Modiano.
—
1. Vòng quay ngựa gỗ
2. Trích trong tiểu luận Le peintre de la vie Moderne của Charles Baudelaire
3. Trích Eye-swiping London: Iain Sinclair, Photography and the Flâneur, tác giả Kirsten Seale
4. Trích Streetwalking the Metropolis: Women, the City and Modernity, tác giả Deborah Parsons
5. Trích trong tiểu luận Le peintre de la vie Moderne của Charles Baudelaire