Cỗ máy sản xuất cái đẹp?

Cái đẹp có vẻ thực sự cao siêu như vậy nhưng lại là chuyện thường ngày, quanh ta, mọi lúc, mọi nơi. Michelangelo từng hài hước rằng ông không làm ra pho tượng David mà chỉ ngẫu nhiên nhìn thấy nó trong khối đá mà thôi

Một lần duy nhất
Trong sản xuất tinh thần thì sản xuất  ra tác phẩm nghệ thuật là một khu vực đặc biệt. Sản xuất ra cái đẹp có tính bất định, đa nghĩa và chủ quan bởi bản thân cái đẹp cũng là bất định, đa nghĩa và chủ quan. Nó cũng là việc “sản xuất” ra tình cảm. Việc “tiêu thụ”, “sử dụng” thứ sản phẩm là cái đẹp của tác phẩm cũng bất định, đa nghĩa và chủ quan tác phẩm-người thưởng thức và môi trường giống như bức tranh-con mắt và ánh sáng xung quanh tương tác với nhau mà tạo ra “cái đẹp” chỉ một lần, cho một người duy nhất là chủ nhân của con mắt đó. Qua sự tương tác này ta có sự đồng cảm giữa người “sản xuất” cái đẹp và người “tiêu thụ” cái đẹp. Tác phẩm nghệ thuật kinh điển là tác phẩm đã tạo ra vô vàn “cái đẹp” ở vô vàn người tiêu thụ, ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều nước, nhiều chủng tộc, tức đã tạo ra sự “đồng thuận” lớn trong cộng đồng dân tộc hay nhân loại. Cái đẹp ở Truyện Kiều hay Mona Lisa là cái đẹp đạt được sự đồng thuận-đồng cảm–đồng tình rộng lớn, bền vững ở dân tộc và nhân loại. Tuy nhiên dù có trở nên kinh điển, đạt được sự đồng thuận to lớn về cái đẹp của tác phẩm thì với mỗi người-mỗi lần “tiêu thụ”-hưởng thụ cái đẹp lại ấy là “cái đẹp khác” của Kiều hay Mona Lisa. Chính điều này làm cho nghệ thuật giống tôn giáo và tình yêu. Làm cho nó luôn là thiên cổ chẳng có gì lạ mà luôn luôn mới và duy nhất, làm cho nó thành vĩnh cửu.
Như cơm bữa
Cái đẹp có vẻ thực sự cao siêu như vậy nhưng lại là chuyện thường ngày, quanh ta, mọi lúc, mọi nơi. Michelangelo từng hài hước rằng ông không làm ra pho tượng David mà chỉ ngẫu nhiên nhìn thấy nó trong khối đá mà thôi. Việc của ông chỉ là đục bỏ những phần đá thừa! Picasso cũng từng đùa khi người ta gán cho ông danh hiệu nhà tiên phong luôn đi tìm cái mới rằng ông không tìm mà chỉ “thấy” mà thôi. Nhiều thi nhân tự mãn có lý khi nói họ “xuất khẩu thành thi” mà bí quyết chỉ là lắng nghe mọi người nói gì. Một nhà sưu tầm tranh Canada nói với tôi rằng: Tranh Việt Nam rất lãng mạn và nhiều chất thơ nhưng có cái dở là họa sĩ không chú ý gì tới những cái đẹp có thật ở hàng ngày, xung quanh. Một nhà phê bình mỹ thuật Mỹ cũng “thấy lạ” là hình như nghệ sĩ Việt Nam không thích nói tới những cái đau khổ, nghèo đói, những mặt xấu của đời sống xã hội và vì thế sự mơ mộng, ngợi ca cũng không thực, ít thuyết phục. Tôi lại nhớ Mạc Ngôn từng nói về tiểu thuyết của ông đại ý rằng: người Trung Quốc như đang ngủ mê chỉ những cú sốc mạnh (mô tả những dục vọng, sự hèn kém của nhân cách…) mới lay tỉnh được. Phim Trung Quốc và cả làn sóng phim truyền hình đời thường vụn vặt của Hàn Quốc đều cho chúng ta bài học về “cái đẹp” ở rất gần mà sao ta cứ cao ngạo đâu đâu, vuốt ve, ưỡn ẹo, hời hợt. Có lẽ đó là căn bệnh phổ biến của văn học nghệ thuật ta hiện nay. Các nhà sản xuất tinh thần của ta chỉ nhăm nhăm trở thành vĩnh cửu mà quên mất cái nhu cầu cơm bữa của người dân hay sao? Một nhu cầu cơm bữa của bất kỳ ai là nhu cầu về cái đẹp và ai cũng có năng lực hưởng thụ cái đẹp dù ít hay nhiều, sâu hay nông có phụ thuộc vào trình độ văn hóa. Thật vô lối khi các nhà nghệ sĩ ế hàng cao ngạo đổ tại dân trí thấp, văn hóa đọc thấp, văn hóa nghe thấp, văn hóa nhìn, văn hóa ẩm thực thấp để biện minh cho giá trị thẩm mỹ thấp của chính mình! Những sản phẩm được làm ra bằng tiền thuế của người dân. Thật là oan ức quá!


 Hà Trí Hiếu – Hai em bé chăn trâu(1994)

     Đặng Xuân Hòa, Tĩnh vật(1993) Sơn dầu

 Quản trị một phần của đời sống cộng đồng
Ta nói nhiều vì lúng túng nhiều về “quản lý” văn nghệ có lẽ một phần  vì mô hình quản lý tập trung vẫn được vận hành theo kiểu thời chiến và kinh tế kế hoạch. Rõ ràng không thể có một cỗ máy sản xuất ra cái đẹp theo một kế hoạch, đơn đặt hàng hay dự án. Bộ máy quản lý không thể tạo ra tác giả cũng không thể tạo ra người hưởng thụ nghệ thuật mà chỉ có thể tạo ra môi trường sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Không thể tập trung hóa khu vực sản xuất tinh thần đặc biệt này trong khi mọi lĩnh vực khác đều đang phi tập trung hóa. Tập trung làm cho mọi thứ không vào việc thực. Nó tạo ra hư danh, hư sự và tham nhũng, lãng phí tiền bạc.
Để xã hội hóa nghệ thuật, phi tập trung hóa việc quản lý  cần cắt giảm càng nhiều càng tốt tiền chi từ ngân sách các cấp cho các dự án nghệ thuật. Việc bao cấp này không có lợi gì cho sáng tạo và thưởng thức. (Tượng đài, phim “cúng cụ”, hội diễn như kiểu thi nâng bậc…). Ngân sách chỉ nên hỗ trợ một số rất ít những công trình đặc biệt của quốc gia. Tự do sáng tạo tự nó bao hàm tự do thưởng thức và không phụ thuộc vào độc quyền kinh tế. Cái ta cần là những luật lệ về hoạt động nghệ thuật tạo môi trường cho tác phẩm gặp công chúng. Khi đó nhà nước chỉ quản trị các hoạt động nghệ thuật theo luật định mà không phải lo lắng hay hao tiền vào việc sáng tác hay thưởng thức của các cá nhân.
Cần hình thành hệ thống các nhà tài trợ nghệ thuật. Trong kinh tế thị trường  cần luật thúc đẩy công việc tài trợ tức thời và hình thành các quỹ tài trợ nghệ thuật thường xuyên lâu dài. Các công ty, tập đoàn kinh tế phải có các quỹ văn hoá nghệ thuật, có trách nhiệm chi cho nghệ thuật. Các tổ chức đoàn thể xã hội, phi chính phủ cũng cần tham gia. Để làm việc này họ cần có các chuyên viên quản trị nghệ thuật được đào tạo chuyên ngành, biết luật về nghệ thuật, biết nhu cầu công chúng, biết tiềm năng của nghệ sĩ mà kết nối mọi thứ với nhau. Khu vực nhà nước cần độc quyền, dồn mọi nguồn lực tinh thần và vật chất của mình vào việc giáo dục nghệ thuật cho toàn dân và làm luật cho hoạt động nghệ thuật. Chỉ có việc này mới thực sự gây dựng nếp văn hóa, nâng dần tầm văn hóa cho mỗi người cũng như một quốc gia. Đây chính là tiện ích duy nhất về nghệ thuật mà nhà nước phải cung cấp cho họ. Nhà nuớc giáo dục, doanh nghiệp-đoàn thể tài trợ, chuyên gia quản trị có thể là một cấu trúc xã hội cần xây dựng dần dần theo định hướng của Đảng và nhà nước. Không thể có cỗ máy sản xuất cái đẹp nên những ảo ảnh về nó cũng sẽ tan dần.

Nguyễn Bỉnh quân 
Nguồn tin: Tia sáng

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)