Có một lịch sử nhìn từ núi*

Một cái nhìn đậm màu sắc địa chính trị, sẽ dễ dàng nhận thấy, địa lý Việt Nam mang đặc điểm đứt gãy lớn giữa địa hình đồng bằng và miền núi. Như thế, đứt gãy địa lí tựa một nhát chém ngọt phân đôi đồng và núi. Sự đứt gãy giữa địa hình đồng bằng và miền núi ấy đã để lại những tác động trực tiếp lên sự kiện quan trọng nhất của địa lý là con người.

Câu chuyện lịch sử theo trục Đông – Tây

Người Việt, những kẻ chiến thắng ở đồng bằng đầy quyền lực đã “kể” về, đã “sáng tạo” ra một lịch sử Việt Nam mờ nhạt yếu tố núi non, dù núi non bao phủ phần lớn diện tích quốc gia. Một lịch sử mang đậm màu sắc Việt tâm luận, vì thế, là lịch sử của đồng bằng. Lịch sử ấy là đơn tộc người vì hầu như chỉ gắn bó với các biến cố của người Việt, những kẻ tổ chức câu chuyện sử chạy dọc theo trục Bắc – Nam. Còn lịch sử Việt Nam như một chỉnh thể núi và đồng, thì còn cần phải ngước nhìn lên miền núi. Cần phải tổ chức kể lại lịch sử Việt Nam như là lịch sử đa tộc người (trong đó người Việt đa số là dân tộc sáng lập quốc gia). Miền núi tổ chức câu chuyện lịch sử theo trục Đông – Tây. Lịch sử, vì thế, cần phải được viết tiếp để có những “diễn ngôn lịch sử” đi gần hơn với các bản chất. Trục Đông – Tây đã chứng kiến sự hình thành nước Việt Nam qua giao lưu, va chạm văn hóa – chính trị dọc các con sông đổ từ núi ra biển và đồng thời là các nẻo đường mòn vùng cao dẫn lên các xã hội miền núi. Trong đấy, quan trọng nhất là sự di dân vì các lí do chính trị. Phần lớn các tộc người ở miền núi phía Bắc, thậm chí, cả người Việt trong quá khứ xa xôi là những trốn chạy, tị nạn khỏi bành trướng bá quyền quân sự Hán tộc. Và, di sản chung cho tất cả là sự lựa chọn – những lựa chọn của lịch sử: các tộc người đều tìm thấy và ở lại nơi miền đất sống mới – phần tương ứng với mảnh đất Việt Nam ngày nay. Tiếp sau đó là lòng hám lợi như một động cơ quan trọng để hai “thế giới”, núi và đồng, xích lại gần nhau. Hoạt động thương mại chưa bao giờ là tẻ nhạt giữa miền núi và miền xuôi đã làm gần hơn các khối người bị địa hình chia cắt. Ở đàng Trong, sự kết nối Việt và Thượng được tiếp tục bởi sự kế thừa quán tính thương mại Chămpa qua các “nguồn”. Ở đàng Ngoài, mờ nhạt hơn, chợ phiên và buôn chuyến đóng vai trò nối kết miền xuôi và mạn ngược. Sau nữa, là tham vọng con người, nó tồn tại như một hằng số phổ quát cho cả thiểu số lẫn đa số. Tham vọng bá quyền của các khối người trong nước Việt Nam là sự giằng co dai dẳng trong lịch sử. Ý đồ bành trướng quyền lực của Thăng Long – Phú Xuân chưa bao giờ nguôi ngoai khi ngước nhìn lên các miền cao. Miền núi, trái lại cố gắng duy trì sự tự trị và đồng thời, sự lớn mạnh của Mường, Thái và Tày báo hiệu cho những “sách nhiễu” của “man dân” nuôi ý đồ tràn lấn xuống đồng bằng. Sự va chạm quân sự ấy, tạo ra một kiểu “giao lưu” bằng tranh đấu. Tổng cộng những lí do trên, đã góp vào kiến tạo liên tục trong lịch sử diện mạo của nước Việt Nam đa tộc người ở miền núi phía Bắc, địa vực tương ứng với diện tích nước Việt Nam trước thế kỷ XVI.

Đồng bằng với tính chất thuận lợi về kinh tế, giao thông, giao thương, là vựa kho lương thực dồi dào với các vùng trồng cấy phù sa đắp bồi màu mỡ. Đồng bằng là đất tạo tiềm lực kinh tế – chính trị để lập quốc. Nên, tất yếu, kẻ nào nắm giữ được đồng bằng sẽ là tộc người cầm quyền ở Việt Nam. Trong lịch sử, về cơ bản thì là người Việt, tộc có số dân đa số áp đảo trong cơ cấu dân cư Việt Nam. Các miền núi, với sự hiểm trở của địa lý, tộc người với cấu trúc dân cư quá thưa thớt nên không thể lấn át người Việt, cũng như lấn át lẫn nhau. Những người miền núi đành cố thủ trong những khoảng rừng và núi, chia nhỏ không gian mà duy trì tự trị tộc người. Núi và rừng tạo thành thứ siêu thành quách, thách thức ý chí mọi quân đội trong quá khứ, nên luôn là nơi trú ngụ lý tưởng cho các tộc người thiểu số bị đe dọa. Miền rừng núi che chở, cưu mang cho các xã hội vùng cao. Hơn thế, còn cho họ quyền tự trị mà kiến tạo văn hóa, điều mà mọi tộc người đều mơ ước. Trong tý duy nhân học lịch sử, kẻ khác – những người thiểu số, ở thời văn hóa bộ lạc, từ kinh nghiệm sinh học, được hiểu như cái xa lạ và cái thù địch, nên cần tiêu diệt. Đến thời văn hóa nhà nước, cả Tây sang Đông, đều tự cho mình sứ mệnh văn minh, một thứ “hoa tâm” trong não trạng thôi thúc bước chân viễn chinh mang “sứ mệnh” đi khai sáng những cái khác mình “thấp kém”, “man dã” điển hình kiểu tinh thần thực dân chủ nghĩa. Những tộc người thiểu số, nạn nhân của sự “khai sáng cưỡng ép”, do đó, bị dồn đuổi dài lâu theo dòng lịch sử. Trốn chạy và tự do ở trong rừng, xây dựng xã hội và với những tộc người đủ tiềm lực, sự tự tín quân sự sẽ thôi thúc họ tràn lấn xuống đồng bằng. Nếu có thể, mọi tộc người đều muốn được như họ Quách ở Âm Công, dòng quan lang người Mường đã khiến cho vua quan triều đình Phú Xuân cay đắng nhận ra: “đời đời phản nghịch”. Lịch sử nhìn từ núi là một giằng co quân sự lâu dài của dưới đánh lên, trên đánh xuống. Một thỏa hiệp tự trị, ràng buộc lỏng lẻo, hôn nhân hòa hiếu và chấp nhận triều cống phần lớn tượng trưng, đấy là những phương án, biện pháp chính trị nhằm giải quyết tình thế núi và đồng khá phổ dụng thời trung đại. Miền núi, hay vùng biên, vì thế quan trọng hơn rất nhiều so với cái nhìn cố hữu của đồng bằng. Chủ đề giải Việt tâm, giải Hoa tâm nhằm xây dựng Đa tộc luận là một chủ đề lớn của Việt Nam mà nỗ lực mới chỉ bắt đầu. Mà dù thế nào thì cũng phải thừa nhận, luôn có một hệ quả lịch sử quan trọng của số phận nước Việt Nam, đó là, phần lớn những thế lực cách mạng trong quá khứ nổ ra, và nhiều lúc đã thành công là khởi đi từ rừng núi. Rừng núi che chở, nuôi dưỡng các nghĩa quân, cung cấp tiền bạc (qua các “nguồn”, buôn lậu, thuốc phiện,…), để từ đó, tạo tiềm lực và cơ hội cho quân khởi nghĩa tràn xuống đồng bằng. Chiếm đồng bằng thành công nghĩa là đã nắm được vận mệnh nước Việt Nam. Hệ quả này chính xác từ cổ trung đại đến hiện đại. Những người Cộng sản là minh chứng gần nhất cho việc từ miền núi, dựa vào rừng núi “an toàn khu” tràn xuống đồng bằng kháng chiến và đã thành công.

Sức mạnh rừng núi

Nhưng miền núi (phía Bắc) không phải là một cái gì đó chung chung, thống nhất. Miền núi là hàng loạt những tiểu vùng tộc người, mà trong đấy, nổi lên bốn trung tâm quyền lực chia sẻ theo địa chính trị và nhân khẩu: Mường – Tày – Thái – H’mông. Sự không [thể] tràn lấn đến các địa vực của “đối phương” ở các tộc người nắm quyền lực miền núi, được hiểu như bị/được đặt định bởi sự chia cắt của những khối núi quá lớn không thể vượt qua, như Hoàng Liên Sơn phân chia Đông và Tây miền núi phía Bắc. Đồng thời, với một cơ cấu dân cư hạn chế, các tộc người chủ thể núi rừng không thể tràn lấn vào nhau. Điều này thể hiện khá rõ ở Tây Bắc khi Mường và Thái có một sự phân chia địa vực ảnh hưởng, mà quan sát, chúng ta nhận thấy không phải cách trở địa hình mà chỉ do giới hạn về dân số. Tất cả, ràng buộc nhau, tạo thành những phân khu tiểu tự trị, xoay quanh hạt nhân là nhóm tộc-người-chủ-thể-vùng, tạo thành “thế giới” miền núi ở miền Bắc nước Việt Nam trong quá khứ, với tính chất xuyên quốc gia bởi địa vực tộc người là một liền kề trong địa lí đa quốc gia, chia cắt không tuân theo não trạng quyền lực đồng bằng. Quyền lực miền núi, sự thực, mang tính chất tự trị phá bỏ các ranh giới quốc gia. Các tộc người thiểu số trong quá khứ, luôn di chuyển và liên kết sức mạnh dễ dàng với đồng tộc ở Vân Nam và Lào, điều còn nhận thấy khá rõ ở người H’mông. Ngày nay, sự “phá” biên giới quốc gia, “giải lãnh thổ hóa” và dễ dàng liên kết giữa các tộc người chuyển trọng tâm chủ yếu vào liên kết văn hóa và kinh tế.

Tóm gọn lại, nhìn xã hội miền núi phía Bắc Việt Nam trong quá khứ thì có thể dễ dàng nhận ra, nổi lên bốn thế lực tộc người Mường, Thái, Tày và khá đặc thù với H’mông là có thể áp đặt ý chí chủ thể lên các tộc người nhỏ bé, phụ cận khi thì mạnh mẽ, khi thì mờ nhạt. Mường, Thái, Tày luôn có sự chi phối mạnh lớn lao hơn (kể cả so với H’mông) bởi lịch sử ảnh hưởng dài lâu, cấu trúc quyền lực hoàn chỉnh, cơ cấu dân cư đông đảo so với các tộc người thiểu số còn lại. H’mông mờ nhạt hơn, đến muộn, không có tổ chức xã hội hoàn bị bằng ba tộc vành đai Mường – Thái – Tày, nhưng như một kẻ không chịu khuất phục bởi cá tính bất khuất, H’mông đã tìm kiếm ảnh hưởng của mình trên các đỉnh núi và có sự thành công nhất định. Tất cả những biến động lịch sử ở miền núi, mà sự phức tạp của nó đã để lại một bức tranh hỗn độn trên hai nền màu chủ đạo. Trong đấy, vết màu loang Mường – Thái – Tày là chủ yếu, bao trùm lên khắp miền núi phía Bắc, tạo nên dải quyền lực miền núi thấp (con số cao độ cư trú tương đối là dưới 800m so với mực nước biển). Mường – Thái – Tày tạo thành dải quyền lực, hay vành đai quyền lực quan trọng nhất của thế giới miền núi phía Bắc. Đại thể, quyền lực người Mường nằm chủ yếu ở Bắc trung bộ (núi Thanh Hóa) kéo dài đến một phần Tây Bắc (Hòa Bình). Người Thái chủ nhân phần Tây Bắc còn lại gây ảnh hưởng rộng lớn. Thái chỉ chịu dừng ảnh hưởng của mình ở Sơn La, nơi tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình. Người Tày, xuất hiện từ rất lâu đời, được cái Sừng Trời – Khau Phạ – Hoàng Liên Sơn chia cắt, che chắn để không phải chịu sức ép lớn va chạm quân sự với nhóm Thái – Mường Tây Bắc, hay ngược lại. Tày làm chủ toàn miền núi Đông Bắc. Mường – Thái – Tày tạo ra vành đai quyền lực chủ chốt của miền núi Việt Nam, và là đối tượng va chạm, hay liên kết quyền lực chủ yếu với những người Việt ở đồng bằng. Về cơ bản, vành đai quyền lực Mường – Thái – Tày có thể được chấp nhận như sức mạnh “bản địa” của Việt Nam. Dù bản địa là cái gì đó rất mơ hồ, nhưng ở đây hiểu cách khá chung chung, là đã lâu đời – trước hay tương ứng với sự ra đời của Đại Việt vào thế kỷ thứ X. Mường được chấp nhận như một trong lớp người cổ ở Bắc bộ. Tày chủ nhân bộ Tây Vu có từ trước Công nguyên ở miền núi phía Bắc. Thái muộn hơn, cũng có lịch sử (ngót) ngàn nãm ở trên đất Việt Nam ngày nay. Đến muộn hơn rất nhiều, vào khoảng ba thế kỷ trước, người H’mông đầy dữ dằn, liên tục va chạm quân sự với các tộc người “chủ thể” ở miền núi Việt Nam. Chối từ cơ hội ở lại các vùng đất thấp, người H’mông bỏ lên ở đỉnh núi của những núi – phần địa hình cao nhất của toàn miền núi để tìm kiếm một đất-sống-không-phụ-thuộc. Chấp nhận quy thuận tương đối và một hình thức cống nạp tượng trưng với các tộc người của dải quyền lực miền núi thấp. Người H’mông, như vậy, lặp lại cấu trúc mô hình quan hệ chính trị tự trị đúng kiểu của dải quyền lực miền núi thấp với triều đình người Việt ở đồng bằng, ràng buộc lỏng lẻo và tượng trưng. H’mông đã duy trì nền tự trị trên các đỉnh núi, chạy khắp Bắc và Bắc trung bộ, gọi là vùng núi cao, núi của miền núi (con số cao độ cư trú tương đối là trên 800m và lên đến hơn 1.600m so với mặt nước biển). Trên đỉnh núi, rất phân tán, người H’mông thiết lập một kiểu quyền lực tộc người phòng thủ dựa vào huyết thống khá tập trung. Trong lịch sử, H’mông ít nhiều đã áp đặt được ý chí của mình lên các tộc thường là rất nhỏ bé ở trên miền núi cao. H’mông tạo nên vành đai quyền lực lớp trên cùng của miền núi – vành đai hay dải quyền lực đỉnh núi.

[Trích trong “Những đỉnh núi du ca, một lối tìm về cá tính H’Mông”, NXB Thế giới. 2014]



* Tiêu đề và các tít phụ do Tia Sáng đặt

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)