Có thể sám hối

Như đã nêu rõ trong bài “Không thể sám hối” cuốn lịch sử bằng hình ảnh Việt Nam 30 năm chiến tranh 1945-1975 rất đồ sộ nhưng hầu hết chỉ là những bức ảnh... gần như ảnh thôi. Ngoài chiến trường thì toàn là hành quân qua suối, qua rừng, tải đạn, đọc thư nhà, chải tóc bên công sự, nghỉ ngơi cười đùa sau một trận đánh. Ở hậu phương cũng vậy, nào là ảnh dẫn giải tù binh, lau súng, sẵn sàng chiến đấu, rửa chân tay bên cạnh xác máy bay, đào công sự v.v., ảnh chiến tranh mà lại nguội như vậy thì có nên gọi là ảnh không?

Đương nhiên, cùng với những loại hình nghệ thuật khác, nhiếp ảnh giai đoạn đó cũng đã góp phần động viên tinh thần quân dân hăng say học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu giỏi. Nhưng đó không phải là chức năng chính của nhiếp ảnh. Nói cách khác nhiếp ảnh đã làm tốt việc phụ, còn việc chính là ghi nhận, là lưu giữ những thời khắc anh hùng trong 2 cuộc chiến tranh vĩ đại trải dài suốt 30 năm của dân tộc thì nhiếp ảnh Việt Nam lại không làm được. Cũng có thể hiểu rằng, các phóng viên ảnh đã cố gắng hết sức nhưng lại bằng một quan niệm nhiếp ảnh sai lầm, đầy tinh thần bố trí, sắp đặt nên đã làm méo mó hiện thực, đã làm giả hiện thực. Các nhiếp ảnh gia thời đó đã quá chú trọng đến yếu tố “đẹp” thông qua các kiểu bố cục, ánh sáng, dáng đi, thế đứng cầu kỳ mà quên mất tính chân thực, tính thời điểm là bản chất của nhiếp ảnh và đó mới chính là căn cốt tạo ra “cái đẹp” của nhiếp ảnh.
Hơn 30 năm đã trôi qua, độ lùi thời gian như vậy cũng đã đủ để bình tĩnh, nhìn nhận đánh giá lại những gì được và chưa được của nhiếp ảnh Việt Nam giai đoạn 1945-1975. So với văn học, hội họa và âm nhạc thì buộc phải nói rằng nhiếp ảnh đã không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng thật đáng tiếc khi cái quan niệm nhiếp ảnh sai lầm đã nhắc ở trên không những không chấm dứt vào tháng 4/1975 mà vẫn tiếp tục tồn tại  tới thời hậu chiến và dai dẳng sống đến tận hôm nay, nó vẫn ngự trị ở trong não của các nhiếp ảnh gia  bất kể già trẻ.
Giá như sau 1975, lực lượng cầm máy tỉnh táo nhận ra, dũng cảm nhận ra mình sai, thậm chí phải dọn dẹp tự ái sang một bên thì có phải hôm nay chúng ta đã có những bức ảnh quý giá về những ngày hòa bình đầu tiên, những bức ảnh về công cuộc xây dựng lại đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh. Chúng ta đã có những bức ảnh chân thực về một thời bao cấp nghèo khó, nhọc nhằn, với biết bao câu chuyện vui buồn. Giá như được xem dù chỉ một lần những hình ảnh đó, những hình ảnh của những năm tháng cuối cùng trước thời khắc đổi mới thì xúc động biết mấy.

 
Đọc hộ- Hoài Linh

Mỗi loại hình nghệ thuật có một ngôn ngữ riêng, một sức mạnh biểu đạt riêng. Người ta có thể viết chi tiết, với độ dài 13 trang giấy về cảnh xếp hàng mua thịt hoặc đong gạo vào năm 1980 chẳng hạn nhưng độ thuyết phục của nó làm sao bằng một bức ảnh. Năm ngoái, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức cuộc triển lãm chuyên đề về thời bao cấp. Sau một năm tổng kết có đến hai vạn lượt người tới xem. Đó là triển lãm rất thành công nhưng phần yếu nhất của triển lãm này chính là phần hình ảnh. Không phải là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không chú ý đến hình ảnh mà thực ra thì có chú ý, có cố gắng cũng vô ích vì các nghệ sỹ nhiếp ảnh trong giai đoạn này chỉ chụp những phong cảnh nhàn nhạt, đèm đẹp chung chung thôi. Đối với họ hình ảnh về cuộc sống, con người, về những cái diễn ra hàng ngày thì lại không đáng chụp, không phải là ảnh và không đẹp. Thế là lại một lần nữa “không thể sám hối”, một lần nữa nhiếp ảnh Việt Nam lặp lại cái khuyết điểm không thể sửa chữa. Thêm một chương nữa trong cuốn lịch sử dân tộc bằng hình ảnh bị khuyết. Thế là 2 vạn người đến xem cuộc triển lãm về thời bao cấp ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong một năm vừa qua đã mất đi một góc nhìn, thế hệ trẻ sau này sẽ mãi mãi mất đi một góc nhìn. Cái góc nhìn đặc biệt, chỉ nhiếp ảnh mới có thể làm được.
Nhưng nào đâu đã hết. Giả sử sau này Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lại nẩy ra sáng kiến làm một cuộc triển lãm nhiếp ảnh về thời kỳ đổi mới, giai đoạn 1985 đến 2005 thì bói cũng chả ra một bức nào. Trừ những bức ảnh giả kiểu như: anh công nhân cơ khí mặc áo bảo hộ lao động là thẳng nếp đang hàn hoặc các kỹ sư đang bấm nút điều khiển bảng điện tử nhấp nháy xanh đỏ hoặc các thiếu nữ ngồi cười bên máy dệt, hoặc các cô gái đang ưỡn ẹo trên cánh đồng muối…
Suốt 20 năm vừa qua, các nhiếp ảnh gia Việt Nam vẫn chỉ chú tâm vào phong cảnh thôi. Nói chính xác là họ chỉ thích “đẹp” thôi, bằng mọi giá, người cũng vậy, cảnh cũng vậy, thật giả không quan trọng, đối với họ chân thực là  một khái niệm vớ vẩn. Họ tùy tiện bày đặt, dựng, xếp, dàn cảnh tạo nguồn sáng giả và gần đây nhất là lắp ghép, cắt dán bằng máy tính. Trong khi cuộc sống diễn ra trên mọi miền đất nước trong 20 năm qua có thừa đề tài cho nhiếp ảnh. Thật nhiều những câu chuyện, những số phận, những cảnh huống mà chỉ có ở vào thời kỳ đặc biệt này, thời kỳ đổi mới, chỉ có ở Việt Nam chứ không đâu có, trước và sau đây sẽ không bao giờ có, sẽ không bao giờ lặp lại. Có biết bao thời điểm hay của cái thời điểm lịch sử đó, biết bao 1/25 giây cần bấm máy, biết bao tích tắc quý giá cần phải lưu giữ thì lại không ai bấm máy, không ai lưu giữ.
Phần đông người cầm máy mải mê chạy theo các giải thưởng của các tổ chức nước ngoài, những giải thưởng không thực chất tôn vinh nhiếp ảnh vì mục đích của họ lấy vui là chính và thường bị chi phối bởi các công ty sản xuất máy ảnh, phim, giấy v.v.. Đã có một nhà nhiếp ảnh “tên tuổi” ở phía Nam sưu tập được gần 200 giải thưởng kiểu đó, còn những người đoạt mươi mười lăm giải thì nhiều vô kể. Các giải thưởng của Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cũng chả hơn gì. Tiếng là một hội nghề nghiệp nhưng các bức ảnh đoạt giải mấy chục năm qua rất nghiệp dư và không đáng gọi là ảnh.
Chính vì các nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đã dồn hết tâm huyết, tài năng, trí tuệ cho kiểu chụp sáo mòn, rỗng tuếch, giống nhau như đúc. Tất cả các bức ảnh đều mơ mộng, vô thưởng vô phạt, từ phong cảnh  đến các kiểu người mẫu, áo dài áo ngắn (để in lịch, in post-card). Cho nên mãi mãi sẽ chẳng bao giờ có nổi một cuốn sách ảnh về những năm tháng đã qua nữa. Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa trừ nhiếp ảnh. Nhưng rất may, giống như thời chiến tranh, một lần nữa chúng ta lại gặp may, các tác giả nước ngoài lại đóng vai chính, lại làm và làm được những điều mà người trong cuộc bỏ qua. Họ đã ghi nhận một cách trung thực những gì đang diễn ra trong suốt mấy chục năm qua. Xin dẫn ra một số đầu sách để bạn đọc tiện tham khảo: Le Viet- Nam (của hai tác giả Pháp Philippy Body và Jean- Léo Dugast), Vietnam- A portrait (của Tim Hall và Alain Evrard), A World of Decent Dreams- Vietnam Images ( của nữ nhiếp ảnh người Mỹ Ellen Kaplowitz), và Vietnam- spirits of the Earth ( của  Mary Cross)v.v..
Nhân đây cũng muốn nhắc đến cuốn sách vĩ đại “Chiến tranh giải phóng Việt Nam” của Isikawa Bundo với lời đề tựa của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi muốn nhắc đến với một tấm lòng, một sự biết ơn của một người Việt Nam, một người yêu thích nhiếp ảnh. Nếu không có ông thì chúng tôi đã không được nhìn thấy cuộc chiến tranh đúng như nó vốn có.
Tuy âm thầm nhưng vài ba năm gần đây, một làn sóng mới của nhiếp ảnh Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện. Những lỗi lầm của lớp người đi trước đằng nào cũng không sửa chữa được thế thì cách sám hối duy nhất đối với những tay máy trẻ là hướng ống kính vào đời sống để trả lại nhiếp ảnh về đúng vị trí của nó. Có thể kể ra vài ba cái tên như Trần Việt Đức, Lê Anh Tuấn, Việt Thanh, Hoài Linh, Xuân Trường v.v..
Trần Việt Đức chuyên trang phóng sự của Sài Gòn Tiếp Thị với các vấn đề bức thiết, nóng hổi đang diễn ra hàng ngày.
Lê Anh Tuấn là phóng viên ảnh tự do, anh tập trung khai thác các đề tài lớn như môi trường, giáo dục, đô thị hóa thông qua các nhân vật cụ thể, hoàn cảnh, địa chỉ cụ thể.
Việt Thanh là phóng viên của VietNam News, anh có điều kiện đi nhiều, gặp nhiều, lại được học hành bài bản ở nước ngoài. Điểm nhìn của Thanh khá quyết liệt, nó thô nhám nhưng đó chính là đời sống, mang đậm hơi thở đời sống, một đời sống đang vận động, đang đổi thay.
Hoài Linh quan tâm đến đời sống đô thị và câu chuyện của những người lao động ở đồng bằng sông Hồng.
Xuân Trường tập trung vào đề tài miền núi nhưng tất nhiên không phải là phong cảnh sương mù, ruộng bậc thang mà là những con người ở vùng cao Hà Giang…
Chính vì tiếp xúc với những tay máy trẻ này mà tôi rút ra được một kết luận rất quan trọng: Cái lỗi lớn nhất của nhiếp ảnh Việt Nam trong nửa thế kỷ qua là mải mê chạy theo hình thức mà quên nội dung. Với nhiếp ảnh chỉ cần chụp cái gì chứ không cần chụp thế nào. Ngược hoàn toàn với các môn nghệ thuật khác… và còn vài vấn đề nữa.
Xin xem tiếp bài 3: “Nhiếp ảnh là gì?”
ảnh trên cùng: Qua cánh cửa khoa Nhiễm của bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, Chị H đang bón sữa cho chổng, cả 2 đều bị nhiễm HIV, anh chồng thì vào giai đoạn cuối. Chi H từng là gái mãi dâm truyền bệnh cho chồng. Anh C, 21 tuổi làm nghề phụ xe mới biết mình nhiễm HIV 2 tháng nay. Chúng ta nghĩ gì về mấy người này? Họ là con người đừng bỏ rơi họ! Đó là quan điểm của tôi! – Ảnh Trần Việt Đức

Lê Thiết Cương

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)