Cổ tích Hồ Ngọc Đại

Có những người đang sống, vui vẻ, khỏe mạnh, trẻ trung, mà vẫn có cổ tích của mình, cũng hay.

Cổ tích, thì thật là đấy, mà ảo cũng có đấy.

Thực ra khái niệm “thật” tồn tại được là nhờ trong tương quan với khái niệm “ảo”. Khi không biết đến “ảo”, thì loài người ngây ngơ nghĩ rằng cái gì ở trong đầu mình cũng là “thật” cả, hơn thế nữa, là “thật muôn thuở”.

– – –

Hồi phố phường Hà Nội còn rất vắng vẻ, nhắn được anh Đại đến vui ở đâu, là anh có tài trốn nhà đi chơi được ngay đến đó, trên chiếc xe đạp của mình. Chuyện này vẫn là một bí quyết chưa thấy anh thổ lộ.

Anh Đại tài hoa về binh pháp diễn đạt “chấn động học”. Nhiều người không hiểu đó là nghệ thuật diễn giảng, là nổ mìn khởi công, mà tưởng ngay đó đã là chân lý cực đoan được đăng kí. Ngược lại thì chính anh lại không nghĩ đến đăng kí bản quyền cái binh pháp này, và để rồi đến năm 1996 thì Harlan Ullman và James Wade của Đại học Quốc phòng Mỹ đã phát triển ra lý thuyết “Shock and Awe”. Tiếc cho anh là thế.

Cái khung các khái niệm của lý thuyết của anh chằng nhau như những cột kèo: cái thẳng, cái ngang, cái nghiêng. Nếu đem riêng cái cột nghiêng của anh ra một mình, thì nó phải đổ là cái chắc. Phải xem cả cái hệ khung của anh, và đối chiếu vào thực nghiệm của anh. Nhưng chuyện này tôi lại mù tịt.

Anh hay bắt đầu show diễn thuyết bằng “tôi giả định là các bạn không biết gì về chuyện này cả”. Đã là giả định, thì mình đâu đã bị kết án, nhưng nhiều khán giả cũng lo cuống cả lên. Đây thực ra là lời đề nghị “ta quyết liệt cùng nhau vào việc nhá, từ đầu đi”.

Anh hay giảng giải về công nghệ. Nhưng anh băn khoăn, “giảng về công nghệ cho trí thức nông dân, có ăn không?” Tôi bảo “họ đã được bồi dưỡng tẩm bổ về lập trường công nghiệp rồi, lo gì.” Anh bảo “người ta nghĩ tớ nói năng cực đoan”. Tôi bảo “nghe cực đoan, hiểu cực đoan, còn kinh hơn”.

Nhiều show “nói chuyện” của anh, đông nghịt khán giả “đi xem Hồ Ngọc Đại “. Đông quá, người ta phải ngồi ra cả ở ngoài hành lang, ra cả ở ngoài sân, rồi ban tổ chức phải phóng dây bắc loa ra trần hành lang, lên cây cối. Tôi bảo “rồi anh có lẽ phải làm chương trình giảng thuyết qua loa phường.”

Nếu là nhà kinh doanh, tôi sẽ tổ chức bán vé “Show Hồ Ngọc Đại nói chuyện” ở sân vận động cho bà con đi xem, lấy thu trừ chi, chắc là phải có lãi.

Anh Đại có nhiều kiến giải thú vị về tâm lý, cá nhân, tập thể, dân tộc. Anh theo thuyết “sòng phẳng học”. Tôi bảo “dân mình hay thích chơi ô ăn quan”, anh hay nghe nhầm thành “thích chơi ô ăn gian”.

Vậy mà anh Đại cũng có lúc không thẳng, mà “ở giữa thẳng và không thẳng”. Anh bảo “để hiểu thực sự một người phụ nữ, nhất định phải đi qua chuyện ấy, với người ấy”. Tôi nghiến răng nghe, thích, nhưng chưa hiểu.

Tuy nhiên các phụ nữ hâm mộ anh Đại thì lại không chịu thuyết của anh, thường trách rằng “anh chẳng tâm lý tí nào”. Ấy là lúc anh Đại nghi ngờ lại chính mình nhất, một cách sung sướng nhất.

Anh Đại cũng có khi nhầm lẫn.

Có lần anh lên diễn đàn phát biểu, trịnh trọng “kính thưa báo Nông dân”… Đến lúc mọi người cười ồ lên mãi, thì anh mới hiểu ra là mình nhầm tên báo, tên người ta là “Nhân dân”.

Vậy nên theo thuyết “quân tử luận”, anh chưa thể đắc đạo thánh nhân được.

Anh bảo “người Việt không suy nghĩ bằng khái niệm”. Tôi hỏi “bằng gì ạ”, anh bảo “bằng bụng”. Chỗ này, cũng khó hiểu.

Chưa mấy khi thấy anh Đại ăn mặc đẹp được, cái này là điểm yếu của anh. Hay là điểm yếu chung của anh về vài môn nghệ thuật?

Anh bảo “tớ sợ nhất là bị rủ đi xem tranh”.

Lại bảo “có lần có ông họa sĩ trừu tượng có tiếng mời bằng được tớ đi xem phòng tranh của ông ấy, dưới sự tháp tùng của ông ấy.

Mình ngắm tranh, mà run. Ông ấy, thì cứ cái gáy mình mà ngắm.

Đến bức tranh có lẽ là quan trọng nhất trong đời của ông ấy, ông ấy bảo mình ‘cứ ngắm nhé, lâu lâu vào’.

Tớ không biết đặt mắt mình vào chỗ nào trong tranh ấy, nên cứ đảo mắt vòng quanh các chỗ trong tranh mãi. Cuối cùng thì tớ ra vẻ suy nghĩ, cắm hai mắt mình vào góc trên bên phải của cái tranh này.

Ông họa sĩ hồi lâu lắc đầu, lấy ngón tay khéo chỉ về góc dưới bên trái của bức tranh…”.

– – – –

Anh Đại ít uống rượu, nhưng tửu lượng lại rất cao. Một số tài năng của anh rõ ràng là không cần qua tập luyện.

Ngược lại anh rất chăm tập luyện thể dục. Môn chống tay là môn sở trường, mỗi sáng phải thực hiện được đủ “dose”. Chắc vì anh thiếu tài năng về môn thể dục nên mới phải tập luyện nhiều thế.

Mỗi lần gặp lại anh, vui thật là vui, dội vang tiếng cười.

Nhưng mỗi lần như thế, ngắm anh, tôi lại mềm lòng thêm nữa, trước thời gian.

Anh bảo.

– “Cậu ạ, chả có gì phải sợ cả. Là tớ nói cái thế giới bên kia.

Tớ đã mơ gặp nó rồi, rõ lắm rồi, mấy lần rồi, sờ sờ rồi.

Đẹp, đẹp.

Tuyệt đẹp.”

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)