Con gái của Beethoven? Trường hợp Minona
Đời sống riêng tư của nhà soạn nhạc là một chủ đề tái hiện trong lễ kỷ niệm 2020. Một trong những vấn đề còn ít được biết là một đứa trẻ mà người ta coi là con của Ludwig van Beethoven với một trong số những người yêu của ông.
Một cảnh trong vở “Minona” về cuộc đời người phụ nữ được cho là con gái của Beethoven.
Vào ngày 8/4/1813, Maria Theresia Selma Arria Cornelia Minona chào đời ở Vienna. Hai thế kỷ sau, Minona von Stackelberg, một người phụ nữ không kết hôn đã bị lãng quên hoàn toàn – nếu như bà không được cho là con gái của Ludwig van Beethoven. Ít nhất một vở opera về người phụ nữ này đã được công diễn lần đầu tại Regensburg, tác phẩm của một nhà soạn nhạc Estonia.
Hiện tại, trong năm kỷ niệm Beethoven, khi mọi người đang cố gắng hiểu con người bên trong nhà soạn nhạc huyền thoại, vấn đề Minona lại được đưa ra với chiều hướng mới.
Vậy sao những chuyên gia lại tuyên bố người phụ nữ này là con gái của Beethoven?
Vào mùa xuân năm 1827, Anton Schindler, thư ký và nhà quản lý của Beethoven, tìm thấy một bức thư trong một ngăn tủ bàn làm việc của nhà soạn nhạc (lúc đó đã qua đời) bên cạnh những cổ phiếu ngân hàng và những bức chân dung bé xíu của hai người phụ nữ không rõ tên.
Bức thư “gửi người yêu bất tử”
Đó là những gì chúng ta biết ngày nay, bức thư “gửi người yêu bất tử”. Những dòng chữ nguệch ngoạc của Beethoven đã được giải mã một cách cẩn thận và tiết lộ những chiều sâu nồng nhiệt và nỗi đớn đau của ông: “Thiên thần của tôi, tất cả của tôi, tình yêu của tôi (?)… Có thể tình yêu của chúng ta tồn tại như một thứ khác hơn cả sự hi sinh? … Em có thể thay đổi bởi em không hoàn toàn thuộc về tôi và tôi cũng không thuộc về em một cách trọn vẹn”. Ít nhất, bức thư này đem lại một điểm rõ ràng: Beethoven đang yêu một cách sâu sắc. Nhưng đó là ai?
Câu hỏi này không dễ trả lời. Thậm chí dù Beethoven không thực sự ưa nhìn thì ông cũng vẫn thường yêu và nhiều phụ nữ cũng đáp lại xúc cảm của ông. Nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano này rõ ràng là một người thực sự có mối quan hệ tình ái với phụ nữ (một dạng kẻ trăng hoa như cách gọi ngày nay) hoặc đơn giản là một con người của tình yêu. Tình yêu là nguồn cảm hứng sáng tạo, là “cơm ăn nước uống” hàng ngày của ông – và phụ nữ cũng cảm thấy điều này ở nhà soạn nhạc.
Các nhà nghiên cứu về Beethoven nhận diện được một danh sách ứng cử viên có thể là “người yêu bất tử” – tất cả đều xinh đẹp, thú vị – và phần lớn đều thuộc giới quý tộc.
Ai là “người yêu bất tử”?
Bức thư tình bí ẩn từ ngăn kéo bí mật được viết với ba phần nhưng không rõ là một bản sao của nó đã được gửi cho ai. Dựa vào mốc thời gian của Beethoven, “Buổi sáng ngày 6/7”, sau đó “chiều thứ hai” cũng như một số chỉ dấu khác, có thể biết thời điểm viết là mùa hè năm 1812. Vào tháng 7 năm đó, khi Napoleon bắt đầu chiến dịch mà sau kết thúc bằng thất bại ở Nga, nhà soạn nhạc 41 tuổi đến một khu nghỉ dưỡng ở Tây bắc Prague. Ông di chuyển trong vùng này và dành thời gian ở Karlovy Vary, một nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng.
Như vậy có thể xác định được hai người bạn gái của Beethoven tại vùng trong thời điểm này: Antonia Brentano và Josephine Brunsvik.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu về tình yêu của nhà soạn nhạc đã được phân làm hai phe: một bên coi người yêu của ông là Brentano và bên kia là Josephine. Theo thời gian, phe ủng hộ Josephine đang thắng thế.
Josephine Brunsvik
Nhiều tác phẩm âm nhạc của Beethoven đã thể hiện tình yêu, trong đó có sáu biến tấu “Ich denke dein” (Anh nghĩ về em), vốn được đề tặng một cách chính thức cho Josephine và Therese, và Andante favori, với mô típ ban đầu được diễn giải như một phiên bản mã hóa của tên “Jo-se-phii-ne”.
Trước khi Minona ra đời
Josephine sau đó đã lấy một bá tước và trở thành nữ bá tước – một cú đánh rất nặng vào nhà soạn nhạc. Sau khi bá tước von Deym, người chồng đầu tiên của Josephine, qua đời vào năm 1804, tình yêu của họ bùng lên một lần nữa. Những bức thư tràn ngập say mê từ Beethoven tới Josephine, viết giữa năm 1804 và 1809, đã được biết đến vào những năm 1970. Ngôn ngữ trong những bức thư này cũng giống như bức thư trong ngăn kéo bí mật. Tuy nhiên sau đó mối quan hệ giữa Josephine và nhà soạn nhạc tan vỡ – nhưng có lẽ không phải là mối liên hệ cuối cùng giữa họ.
Josephine Brunsvik dường như là một người phụ nữ giàu tình cảm: trong suốt cuộc đời, bà có 8 người con với những người khác nhau. Ít nhất hai trong số 8 người con này, Marie Laura và Emilie, đều là con ngoài hôn thú. Cha của hai đứa trẻ, Christoph von Stackelberg và Karl Eduard von Andrehan, đều là những thầy dạy đàn của nhà Brunsvik như Beethoven – một mẫu hình nổi bật.
Vào mùa hè năm 1812, Josephine bị người chồng thứ hai bỏ rơi và theo em gái Therese, bà cảm thấy cô đơn và rối bời.
Minona bị “cha” cho “đi đày”
Minona, con gái thứ bảy của Josephine, sinh vào đầu tháng 4/1813 – chín tháng sau bức thư “Gửi người yêu bất tử”. Theo giấy tờ thì cô là con gái của Christoph von Stackelberg, người sau đó lấy Josephine.
Therese Brunsvik quan sát thấy chị gái hầu như không quan tâm đến đứa trẻ và trên thực tế bà đã gần như trao Minona cho em mình khiến Theresa phải dùng sữa dê của một trang trại gần đó nuôi cháu.
Minona có phải là con của Beethoven?
Minona, cùng với chị cô bé là Marie von Stackelberg, sau đó phải rời mẹ. Cha họ đã đưa họ tới Estonia và họ lớn lên trong một xã hội bị cô lập tại Tartu. Chỉ sau khi Stackelberg qua đời thì Minona mới được trở về Vienna, và chết năm 1897 ở tuổi 84. Bà nói tiếng Đức với giọng Baltic và bị coi là lập dị. Tuy nhiên, cảm hứng về số phận bất thường của Minona đã khiến nhà soạn nhạc Jüri Reinvere viết vở opera “Minona”, lần đầu tiên công diễn vào tháng 2/2020 tại Regensburg. Trong suốt thời gian nghiên cứu libretto, Reinvere đã khám phá được những chất liệu thú vị trong chính đất nước mình: Minona từng được cho là một đứa trẻ có tài năng âm nhạc và rất giàu sức sống, thậm chí cô còn nổi loạn chống lại các phương pháp giáo dục áp đặt của Stackelberg – dẫu cho cuối cùng ông ta đã bẻ gẫy ý chí quật cường của cô. Reinvere khắc họa số phận của Minona dưới cái bóng của hai người đàn ông nghiêm khắc và duy tâm: Beethoven và Stackelberg.
Dẫu ngày nay Christoph von Stackelberg được coi là người cha tàn bạo thì trong thời của mình, ông là người cải cách giáo dục, được truyền cảm hứng từ nhà sư phạm Thụy Sĩ Johann Heinrich Pestalozzi được xem như người cấp tiến. Ông là người lập trường học cho con cái của nông dân và thúc đấy sự phát triển của tiếng Estonia, do đó ông được ghi lại trong lịch sử Estonia như người thành lập hệ thống trường công quốc gia.
Tuy nhiên Minona von Stackelberg có thật là con của Beethoven? Bức ảnh hồi trẻ của bà, một bằng chứng của những người tìm hiểu về Minona, cho thấy bà chỉ giống nhà soạn nhạc chút ít. Nó có thể giải thích được đôi chút nhưng có lẽ, chỉ có một phân tích di truyền mới có thể làm sáng tỏ vấn đề, tuy nhiên những xét nghiệm như vậy chưa được tòa án cho phép sớm thực hiện.
Anh Vũ dịch
Nguồn: https://www.dw.com/en/beethovens-daughter-the-minona-case/a-53076310