Còn mãi với thời gian

Thuộc lớp họa sĩ của thời kỳ đổi mới, nhưng Mai Đắc Linh không vội vã “đổi mới” bằng cách thay đổi đột ngột các kỹ thuật sơn mài truyền thống, đi tắt bằng sơn Nhật rẻ tiền, hoặc đắp quá nhiều chất liệu thô tạp lên bề mặt tranh, gây các cơn sốc phù du nhất thời như một số họa sĩ ngày nay thường làm.

Vượt qua tính tả kể thông thường chi ly mệt mỏi, vượt qua sự nghèo nàn của bảng màu sơn mài mỹ nghệ vốn nặng nề son then, vượt qua con mắt nệ thực gò bó, hạn chế một thời của ngôn ngữ sơn mài mà ta thường gặp, Mai Đắc Linh đã tìm thấy cho mình một đường đi riêng thầm lặng, hữu ích. Đó là con đường trở về cội nguồn tìm những cảm hứng tinh thần từ nghệ thuật Đông Sơn thượng cổ để nối mạch với tư duy nghệ thuật hiện đại.

 
Hồi sinh – Sơn mài

Có một điều chắc chắn là Linh phải say mê nghệ thuật cổ lắm lắm, yêu văn hóa truyền thống tới mức dường như các hoa văn trang trí cổ, ký tự cổ, các hình trang trí kỷ hà, hình sao, mặt trời, hoa sen, cá, chim hạc, uyên ương… luôn tồn tại đầy ắp trong tiềm thức, tâm trí của nghệ sĩ. Và bất kỳ lúc nào chúng cũng có thể được khơi dậy sống động, được chuyển hóa nhuần nhuyễn thành một hệ thống ngôn ngữ riêng, với những ký hiệu riêng, độc đáo, để rồi đan kết lại thành những nhịp điệu trang trí mới, đặc sắc. Khi cân bằng trong hài hòa đăng đối, khi là các nét vạch tự do ngẫu hứng, các đường lượn bay bổng nối mạch trong không gian, tạo nên những tác phẩm Khoảnh khắc, Một mình, Vượt vũ môn, hay những Giấc mơ bay, Bài ca mùa hạ, Ánh sáng tâm linh… Đó là những bố cục lóe sáng bất ngờ, những tác phẩm cao nhã, thăng hoa đặc biệt của sáng tạo.
Tranh sơn mài của Linh cùng một lúc chứa đựng nhiều yếu tố: vừa giàu tính tượng trưng, trang trí, vừa trừu tượng xen lẫn có hình, đem lại cho ta những rung cảm thẩm mỹ đặc biệt, đa tầng. Có gì đó rất thân quen ở một đời sống nội tâm sâu sắc, trầm lặng, hay một thế giới tâm linh thấm đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Và có gì đó cũng rất mới mẻ ở các bảng màu tươi sáng, quí hiếm, ở cách diễn đạt linh hoạt, ở ngôn ngữ đồ họa khúc triết, mạch lạc, mang tinh thần hiện đại trên sơn mài.
Cùng là trở về với cội nguồn, đặt cầu nối xuyên suốt từ truyền thống sang hiện đại, con đường nghệ thuật của Mai Đắc Linh về tinh thần không khác với con đường nghệ thuật của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là bao.

 
Bài ca Bát Nhã, 2005- Sơn mài

Song, ngôn ngữ nghệ thuật ở họ có những sự khác biệt rõ ràng bởi tính cá nhân cũng như sự khác biệt về thế hệ. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm tìm thấy nhiều cảm hứng ở nghệ thuật chạm khắc trang trí đình làng Bắc bộ thế kỷ 17- 18 và ông dừng chân nhiều ở đó với các chủ đề Tiên nữ, Múa cổ… trong khi Mai Đắc Linh với con mắt đồ họa hiện đại lại hướng về Đông Sơn thượng cổ. Sau 10 năm miệt mài lao động sáng tác trên chất liệu sơn mài, Mai Đắc Linh đã tạo ra cho mình một dấu ấn riêng, một phong cách riêng, tinh tế, nhất quán, nổi bật tính đồ họa. Thành công của anh thêm một lần nữa khẳng định ưu thế của ngôn ngữ trừu tượng, tượng trưng và trang trí trên chất liệu sơn mài trước ngôn ngữ tả thực.
Sinh năm 1970, tuổi Canh Tuất, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1993, khoa Đồ họa, Mai Đắc Linh còn rất trẻ, cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Thuộc lớp họa sĩ của thời kỳ đổi mới, nhưng Linh không vội vã “đổi mới” bằng cách thay đổi đột ngột các kỹ thuật sơn mài truyền thống, đi tắt bằng sơn Nhật rẻ tiền, hoặc đắp quá nhiều chất liệu thô tạp lên bề mặt tranh, gây các cơn sốc phù du nhất thời như một số họa sĩ ngày nay thường làm. Linh trân trọng tinh hoa của kỹ thuật sơn mài truyền thống, gìn giữ những vẻ đẹp bền óng sâu thẳm của sơn ta. Tuy nhiên, anh không dừng ở đó. Qua nhiều trải nghiệm và lao động nghệ thuật bền bỉ, với tài năng và mẫn cảm đặc biệt trời cho, Mai Đắc Linh dường như có thêm được những bí quyết về kỹ thuật và màu sắc cho sơn mài. Bảng màu sơn mài trong tay anh rộng mở với những gam màu mới lạ, bất ngờ, giàu sắc độ, và nghệ thuật sơn mài của anh như đang tới thì khai hoa kết trái.


Bông sen lớn, 2002 – Sơn mài

Tranh sơn mài của Mai Đắc Linh đạt tới những mảng màu trong suốt như đá quí. Có những gam vàng chanh, cẩm thạch ngọc ngà quí hiếm. Những thái thanh lam, thái thanh lục, xanh rêu, ghi đá, đỏ trầm… lung linh nối nhau trong một nhịp điệu trang trí sang trọng, bí ẩn, cuốn hút, điểm xuyết bằng những dải hoa văn hay những đường viền dát vàng óng ánh. Tất cả đưa ta vào một miền cảm thức đặc biệt linh thiêng, huyền bí, nơi thì thầm những dòng chảy gợi về một quá khứ vàng son uy nghi, lộng lẫy, một phương Đông trầm mặc thành kính, một đạo Phật từ bi, siêu thoát, tan hòa trong thiên nhiên vũ trụ.
Và đâu đó từ trong bóng tối sâu thẳm hoang vu nơi trần gian, ta vẫn thấy những dải ngân hà lấp lánh sao, những đài sen rực rỡ hào quang vẫy gọi miền cực lạc.
Với hơn 20 tác phẩm sơn mài kích thước lớn, sang trọng, đẹp đẽ, bày ở triển lãm Còn mãi với thời gian, ghi lại dấu ấn cá nhân trong sự giàu sang bản sắc văn hóa dân tộc, nghệ thuật sơn mài của Mai Đắc Linh tự thân đã mang những giá trị thẩm mỹ lẫn tinh thần nhân văn cao quí. Và từ đó cũng đánh dấu một sự sang trang đẹp đẽ của nghệ thuật sơn mài hiện đại Việt Nam./.

Bùi Như Hương

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)