Tại Bảo tàng Dân tộc học, tháng 4/2006, nhà điêu khắc Martini (Australia) trưng bày tác phẩm Con thuyền cứu rỗi. Có thể gọi đây là tác phẩm điêu khắc hay sắp đặt cũng được. Nó gồm một con thuyền thật, mà bà mua từ những người dân chài miền Trung, bỏ hết phần vỏ, chỉ giữ lại phần xương, rồi cài những mái chèo là tạo hình như Phật bà Quan âm (mô phỏng từ tượng Phật bà Quan âm Nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp).
Nơi Nerine Martini (sinh 1968) sinh ra và lớn lên ở bờ biển phía Tây nước Úc, giáp với sa mạc. Nước mặn và cát thì nhiều, nước ngọt rất hiếm và khao khát về sự sống trở thành ý tưởng thường trực trong các sáng tác. Đối với người Việt Nam, chiếc ghe bầu Hội An này, hay những con thuyền nói chung, chính là cuộc sống trên sông nước của một dân tộc trồng lúa nước và buôn bán trên sông. Nó chuyên chở hàng hóa trong vùng như nước mắm, rau thơm, thóc gạo và buôn bán trong các khu vực với Trung Quốc, Malaysia, Indonesia hương liệu và đồ gốm, là sự sống thường nhật của người Việt, mà Martini đã từng thấy qua những người dân di tản, và lần này thấy trên sông nước Trung Nam bộ. Trước khi làm tác phẩm này, Martini chưa tới chùa Bút Tháp, nhưng đã xem những tượng Phật (bản sao) tại Bảo tàng Mỹ thuật. Những bàn tay Phật thon thả như những búp sen đang và đã nở gợi nên một ý tưởng kết hợp giữa con thuyền và cánh tay Phật. Thực ra là một bộ xương thuyền được đặt nổi trên mặt nước và những cánh tay Phật đồng thời là mái chèo được sơn son thếp vàng. Đầu thuyền vẽ hình con mắt như là sự cảnh báo, cái nhìn vào nỗi thống khổ, như biểu tượng tay và mắt Phật đã nhìn thấy, cảm nhận và cứu vớt chúng sinh. Martini là một nghệ sỹ nhạy cảm. Những sáng tác khác của bà cho thấy sự quan sát tinh tường, lòng cảm thông đơn giản với người xung quanh và khả năng thâm nhập văn hóa. Từ chiếc xe ôtô của hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963 tại Sài Gòn để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm, bà biến thành một tác phẩm điêu khắc vào năm 2005 như hình thức của một Stupa – tháp mộ Phật được tô mầu sắc rất thanh nhã trong ý tưởng hòa bình. Cảm giác về những người thiệt mạng trong Chiến tranh dẫn tới tác phẩm “Bầu trời những người tử trận” (năm 2003) bao gồm những viên đá xanh rải trên bờ biển như những dòng sông đá. Và lần này là sự sống len lỏi mà đầy vắng lặng như con thuyền, cũng như lòng bác ái cần có trong đời sống. Bản thân con thuyền là của người lao động và chính họ cứu vớt họ, cũng như chính người lao động là thể hiện của sự cứu rỗi. Khi xem tác phẩm này, họa sỹ Đặng Thị Khuê nói: “Chúng ta có tất cả các vấn đề, có chất liệu để làm nên tác phẩm, nhưng tại sao chúng ta không nhìn ra để sáng tạo. Có lẽ ta thiếu sự nhạy cảm văn hóa như họ”.
Con thuyền cứu rỗi, 2006, điêu khắc sắp đặt, chất liệu từ chiếc ghe bầu ở Hội An.
Nerine Martini sinh năm 1968 tại Perth, Australia. Tốt nghiệp trường nghệ thuật Claremont, Perth năm 1988. Tốt nghiệp bằng thạc sỹ nghệ thuật điêu khắc Học viện Nghệ thuật thuộc Đại học New South Wales, Sydney. Hiện tham gia giảng dạy về Sắp đặt tại trường Đại học Nghệ thuật Huế.
Phan Cẩm Thượng
(Visited 1 times, 1 visits today)