Covid-19: Sự mong manh của nghệ thuật
Sự kéo dài của cuộc khủng hoảng virus corona có thể không chỉ làm thay đổi phương thức và lịch trình biểu diễn của nhiều nhà hát opera và dàn nhạc mà còn dẫn đến việc thay đổi cán cân quyền lực giữa nghệ sĩ và giới quản lý.
Khung cảnh trống rỗng của các nhà hát là chuyện quen thuộc trong thời kỳ đại dịch. Nguồn: NYT
Cơn khốn khó tài chính của các dàn nhạc
Cũng như ở châu Âu, cơn bùng phát virus corona khiến các buổi biểu diễn trên khắp Hoa Kỳ phải đột ngột tạm dừng. Vì vậy, nhiều dàn nhạc, đoàn ballet và nhà hát opera hàng đầu quốc gia này đã tạm thời cắt giảm lương nhân viên và một số đã ngừng trả lương hoàn toàn. Giờ đây, khi người ta hy vọng vaccine sẽ cho phép nối lại các buổi biểu diễn vào mùa thu tới thì lại bị một số lo ngại dập tắt bởi có thể sẽ phải mất nhiều năm nữa để phục hồi số lượng người mua vé. Nhiều tổ chức âm nhạc hiện làm việc với các tổ chức dạng công đoàn của mình để thương lượng về những cắt giảm lượng tháng dài hạn của các nghệ sĩ, điều mà họ giải thích là yếu tố cần thiết để dàn nhạc tồn tại.
Các công đoàn đóng vai trò quan trọng trong hậu trường ở nhiều tổ chức nghệ thuật. Các hợp đồng mà họ thương lượng không chỉ ấn định mức lương mà còn giúp thiết lập một phạm vi rộng những nhiều điều kiện làm việc, từ chuyện dàn nhạc phải có bao nhiêu thành viên thường trực cho đến chuyện cần bao nhiêu nhân viên hậu đài cho mỗi buổi biểu diễn và chuyện các buổi biểu diễn ngày Chủ nhật có yêu cầu trả thêm tiền hay không. Không có gì bất thường khi thấy các dàn nhạc lớn đột ngột kết thúc buổi tập giữa chừng – ngay cả khi một nhạc trưởng nổi tiếng đang chỉ huy – lúc đồng hồ diễn tập kỹ thuật số báo rằng họ sắp làm quá giờ.
Các nhân viên và nghệ sỹ nói rằng nhiều quy tắc này đã cải thiện sức khỏe, sự an toàn và nâng cao chất lượng các buổi biểu diễn; còn giới quản lý thường bực mình vì tốn thêm chi phí nếu làm theo yêu cầu này.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang đặt ra một thách thức lớn đối với các công đoàn nghệ thuật biểu diễn vốn là các công đoàn mạnh nhất Mỹ trong những thập niên gần đây. Tình thế mà họ đang phải đối mặt thật sự khác biệt. Trong khi các nghệ sỹ tại một số dàn nhạc lớn, gồm cả New York Philharmonic và Boston Symphony Orchestra, đã đồng ý với những cắt giảm lớn mà hẳn không ai có thể tưởng tượng nổi nếu diễn ra trong khoảng thời gian bình thường trước đây thì ở nhiều dàn nhạc khác, người ta lại phản đối. Một số công đoàn lo ngại rằng những nhượng bộ mà họ đồng ý với các nhà quản lý dàn nhạc có thể còn chưa đủ bởi nhiều khả năng tình trạng cắt giảm lương bổng còn kéo dài sau đại dịch. Thomas W. Morris, người đã dẫn dắt nhiều dàn nhạc lớn ở Hoa Kỳ hơn ba thập niên cho biết: “Trước đây, các thỏa thuận lao động trong các ngành nghệ thuật biểu diễn dịch chuyển theo hướng tiền lương nhiều hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Và đột nhiên điều này không còn nữa, nghệ sĩ không còn sự lựa chọn nào khác. Có thể điều này sẽ tạo ra một thay đổi cơ bản trong mô hình tổ chức biểu diễn”.
Những thay đổi đang diễn ra ở khắp nơi nơi và không nơi nào không khí trao đổi giữa giới lao động và giới quản lý lại gay gắt và căng thẳng hơn ở Nhà hát opera Metropolitan, một tổ chức biểu diễn nghệ thuật lớn nhất nước. Các nghệ sỹ và nhân viên khác của nhà hát, mà nhiều người trong đó đã nghỉ phép không lương kể từ tháng 4/2020, đang phản đối đề nghị của ban quản lý là bắt đầu nhận lại mức lương bị giảm xuống còn 1.500USD một tuần thay vì phải chịu những cắt giảm lương dài hạn và những thay đổi nguyên tắc làm việc. Sau khi thất bại trong việc đạt được thỏa thuận với các nhân viên hậu đài, tuần trước nhà hát đã phải đóng cửa, ngay trước thời điểm lẽ ra là chuẩn bị cho một số người chủ chốt quay trở lại với nhịp làm việc thông thường để bắt đầu dựng bối cảnh cho các vở được chọn cho mùa diễn tới.
Tuy gay gắt và căng thẳng như vậy nhưng dẫu sao Nhà hát opera Metropolitan vẫn còn có khả năng thu hút người yêu opera. Ở nhiều dàn nhạc khác, tình trạng không khá như vậy và số lượng những nghệ sỹ đồng ý với những cắt giảm lương dài hạn ngày một tăng lên bởi họ nhận ra rằng có thể phải mất nhiều năm để khán giả nhớ đến và nhà hảo tâm vẫn cảm thấy sẵn sàng tài trợ cho âm nhạc sau đại dịch.
Tuần trước, New York Philharmonic đã công bố một hợp đồng mới trong đó mức lương cơ bản của nghệ sỹ bị giảm 25% cho đến giữa năm 2023, từ 153.504USD xuống còn 115.128USD một năm. Sau đó, tiền lương có thể sẽ được khôi phục phần nào nhưng các nhạc công sẽ vẫn kiếm được ít hơn so với trước đại dịch khi hợp đồng hết hạn vào năm 2024. Dàn nhạc giao hưởng Boston, một trong những dàn nhạc giàu có nhất nước, đã đồng ý với một hợp đồng ba năm mới khi giảm lương trung bình xuống 37% trong năm thứ nhất – do mất đi 35 triệu đô la tổng thu nhập bị mất đi kể từ khi đại dịch bắt đầu – tăng dần trong các năm tiếp theo nhưng chỉ phục hồi hoàn toàn nếu dàn nhạc có được doanh thu bằng ít nhất một phần ba doanh thu tài chính hằng năm. Nhà hát opera San Francisco đã đồng ý với một thỏa thuận mới trong đó giảm một nửa tiền lương của dàn nhạc trong mùa diễn này, nhưng có thể trong tương lai gần, phần lương tháng của các nhạc công sẽ được bù đắp lại phần nào.
Nhà hát Nhà hát opera Metropolitan thất bại trong thỏa thuận với các nhân viên hậu đài. Nguồn NYT.
Covid làm thay đổi quan hệ quản lý – nghệ sĩ
Tuy nhiên, tình trạng phải đối mặt với những thách thức tài chính đã thực sự xảy ra với nhiều tổ chức biểu diễn nghệ thuật phi lợi nhuận, gồm cả Nhà hát Opera Metropolitan, trước đại dịch. Và đại dịch càng đẩy thêm họ vào thế tuyệt vọng và giờ đây họ đang chiến đấu vì sự sống còn của mình, buộc phải cho nghỉ phép hoặc sa thải nhân viên hành chính và tìm kiếm sự “mủi lòng” của các công đoàn. Susan J. Schurman, giáo sư nghiên cứu về lao động và quan hệ việc làm tại Đại học Rutgers, nói: “Các công đoàn rất không sẵn lòng nhượng bộ; nó đi ngược lại tất cả những gì mà chiến lược công đoàn đã nói với các dàn nhạc trong hơn 100 năm qua. Nhưng rõ ràng ai cũng hiểu rằng đây là một tình huống chưa từng có”.
Nhưng tại một số tổ chức, gồm cả công đoàn tại Met và tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật John F. Kennedy ở Washington, nhân viên đang cáo buộc ban quản lý cố lợi dụng khủng hoảng để thúc đẩy những thay đổi trong hợp đồng công đoàn mà họ đã mong muốn từ lâu. Peter Gelb, tổng giám đốc của Met, muốn cắt giảm 30% lương nhân viên và chỉ khôi phục một nửa số tiền cắt giảm đó khi doanh thu phòng vé phục hồi. Ông hy vọng sẽ đạt được hầu hết các khoản cắt giảm bằng cách thay đổi các quy tắc làm việc. Trong một lá thư tháng trước gửi cho đại diện công đoàn của xấp xỉ 300 nhân viên tại Met, một công đoàn thành viên của Liên minh quốc tế người lao động sân khấu (International Alliance of Theatrical Stage Employees), ông viết: “Cuộc khủng hoảng y tế đã làm trầm trọng thêm sự yếu kém về tài chính trước đây của Met khi đe dọa chính sự tồn tại của chúng tôi”. Ông cũng viết rằng năm ngoái trung bình Met phải chi 260.000USD cho một nhân viên hậu đài làm việc toàn thời gian, bao gồm cả tiền trợ cấp. “Để Met có thể đứng vững trở lại, tất cả chúng ta sẽ phải nhượng bộ và hy sinh tài chính,” ông Gelb nói với các nhân viên trong một cuộc gọi video tháng trước.
Có 15 công đoàn khác nhau hoạt động tại Met, và trong khi các nhà lãnh đạo của một số công đoàn có quy mô lớn nhất cho biết sẵn sàng đồng ý với một số khoản cắt giảm và họ đang cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của những thay đổi sau đại dịch và đánh giá lại các quy tắc làm việc mà từ lâu họ đã đấu tranh – đặc biệt là sau khi có rất nhiều nhân công ở dàn nhạc, dàn hợp xướng và vô số nhân viên hậu đài phải chịu đựng cảnh nhiều tháng không được trả lương. Qua tổ chức công đoàn thuộc Liên đoàn nhạc công Hoa Kỳ, dàn nhạc của Met cho rằng ban quản lý “đang lợi dụng tình cảnh tạm thời này để rút ruột hợp đồng lâu dài của chính những nhân viên góp phần tạo ra các buổi biểu diễn”. Tuy vậy Leonard Egert, giám đốc điều hành của Hiệp hội nghệ sỹ âm nhạc Hoa Kỳ, đại diện cho các thành viên của dàn hợp xướng, nghệ sỹ độc tấu, vũ công, quản lý sân khấu và những người khác tại Met, nói rằng các công đoàn đều nhận ra thực tế khó khăn mà Met gặp phải và sẵn sàng thỏa hiệp. “Chẳng qua là chẳng ai muốn tương lai gặp rủi ro”, ông nói.
Ở Washington, các nhân viên hậu đài tại Trung tâm Kennedy cũng đang đấu một trận tương tự. David McIntyre, chủ tịch một công đoàn, cho biết ông đã có những cuộc đàm phán gay cấn với Trung tâm Kennedy trong nhiều tháng về yêu cầu cắt giảm 25% tiền lương mà tổ chức này đưa ra, điều mà các thành viên công đoàn rất khó chấp nhận sau khi nhiều người trong số họ đã ra đi mà không được trả lương từ tháng ba. Ban quản lý cũng đang đòi hỏi những nhượng bộ, chẳng hạn như loại bỏ việc trả lương gấp rưỡi vào Chủ nhật, một sự thay đổi sẽ là vĩnh viễn thay vì chỉ giới hạn trong đại dịch. Các nhân viên hậu dài của công đoàn đặc biệt phẫn nộ vì Trung tâm Kennedy đã nhận được 25 triệu USD từ gói kích thích kinh tế liên bang được thông qua vào tháng Ba.
Vậy sự thật là gì? McIntyre nói: “Họ chỉ đang cố gắng đạt được sự nhượng bộ từ chúng tôi bằng cách tận dụng một đại dịch khi không ai trong chúng tôi làm việc”. Eileen Andrews, người phát ngôn của Trung tâm Kennedy, nói rằng một số công đoàn mà nó làm việc cùng đã chấp nhận những khoản cắt giảm lương, bao gồm các nghệ sỹ cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, và rằng cần thực hiện việc phục hồi sau đại dịch với “sự hy sinh chung”.
Vậy có lối thoát?
Các tổ chức âm nhạc rõ ràng đã mất hàng chục triệu USD doanh thu bán vé và triển vọng của các hoạt động tài trợ mà họ vẫn dựa vào để tồn tại vẫn chưa tiến triển. Trong khi đó các cuộc đàm phán công đoàn diễn ra trên mạng lưới cuộc gọi video thay vì quanh những chiếc bàn phòng họp điển hình, cả hai bên đều nhận ra sự mong manh của tình trạng tài chính.
Ở một số khía cạnh, đại dịch đã làm thay đổi cục diện đàm phán. Các công đoàn, vốn thường có uy lực cực lớn vì có thể dựa vào các cuộc đình công để tạm dừng các buổi biểu diễn, tuy nhiên điều đó giờ đây lại không thể khi chẳng có buổi biểu diễn nào để tạm dừng. Uy lực của ban quản lý cũng đã thay đổi. Trong khi lời Met đe dọa rằng sẽ khóa cửa không cho nhân viên hậu đài vào nhà hát trừ khi họ đồng ý với những khoản cắt giảm đã bớt tính uy hiếp hơn vào một thời điểm mà hầu hết nhân viên không làm việc, lời đề nghị bắt đầu thanh toán cho những người lao động đã ra đi mà không được trả lương từ tháng tư để đổi lấy các thỏa thuận dài hạn có thể khó cưỡng lại.
Tại một số tổ chức, ký ức về sự tàn phá của các tranh chấp lao động gần đây đã giúp thúc đẩy sự hợp tác trong cuộc khủng hoảng lần này. Tại Dàn nhạc Minnesota, nơi một vụ đóng cửa gây áp lực đầy cay đắng đã khiến phòng hòa nhạc tối đèn trong 16 tháng từ năm 2012, ban quản lý và các nghệ sỹ đã đồng ý cắt giảm 25% lương cho đến hết tháng tám. Và Dàn nhạc giao hưởng Baltimore, tổ chức từng vướng phải tranh chấp lao động gay gắt năm ngoái, đã xoay xở đạt được thỏa thuận về hợp đồng năm năm vào mùa hè này, cắt giảm mạnh lương của nhạc công ngay từ đầu trước khi tăng dần trở lại.
Lần gần đây nhất mà một cuộc khủng hoảng tầm quốc gia ở mức độ này ảnh hưởng đến mọi tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong nước là trong cuộc Đại suy thoái, khi các tổ chức tìm cách cắt giảm để bù đắp cho sự sụt giảm hoạt động từ thiện và doanh thu bán vé, gây ra những cuộc đình công, những vụ đóng cửa gây áp lực và những tranh chấp gay gắt. Meredith Snow, chủ tịch Liên đoàn quốc tế các nghệ sỹ giao hưởng và opera, tổ chức đại diện cho nhạc công, nói rằng giới lao động và giới quản lý dường như đang làm việc với nhau một cách thân thiện hơn so với lần đó – ít nhất là cho đến lúc này.
Bà Snow, nghệ sỹ violin của Dàn nhạc Los Angeles Philharmonic nói: “Ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng chúng ta cần trở thành một bộ mặt thống nhất, chúng ta không thể cãi vã nhau nhiều hơn nữa bởi việc duy trì sẽ dẫn đến việc cả hai đều sẽ xuống dốc. Bạn phải đi cùng nhau hoặc bạn sẽ chết chìm”.
Julia Jacobs
Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://www.nytimes.com/2020/12/17/arts/music/performing-arts-unions-pandemic.html