Cũ mà mới

Tất cả những vẻ mặt, nét mặt, khuôn mặt trong tranh của Nguyễn Phan Bách không phải là chân dung của những con người hôm nay ở đô thị nhưng chắc hẳn cũng chưa phải đã xa xôi, xa lạ gì. Chẳng biết Nguyễn Phan Bách có định mượn xưa nói nay, dùng motif cũ để nói mới không? Làm mới được những điều cũ, tạo ra được cái nhìn mới về những cái cũ, chỉ ra được cái khác lạ của những điều quen thuộc, thế là được rồi.

Khuôn mặt của những con người hôm qua là một cái gương đặc biệt mà biết đâu ta lại có thể soi để nhìn thấy được nhiều hơn, rõ hơn về hôm nay chăng?
Qua cảnh thấy người, qua người cũng thấy cảnh tuy khó hơn. Xem những bức tranh của Bách, người xem không chỉ thấy chân dung của những con người mà thấy cả chân dung của một thời, thậm chí đằng sau những cái mặt đó là hoàn cảnh của họ. Nó vui buồn, được mất, khổ đau, hạnh phúc nhưng thật ra cũng vẫn là vạn pháp duy tâm tạo mà thôi.
Nguyễn Phan Bách quen nhìn khối hơn mảng nên anh khá thuận tay khi áp dụng “bút pháp truyền thần”, tất nhiên là một kiểu truyền thần hiện đại. Thành công của Nguyễn Phan Bách cũng chính là sự khác biệt này. Cộng với một mảng màu rực rỡ, tương phản mạnh, nóng lạnh triệt để làm cho những khuôn mặt cũ bỗng mới hơn, những thói quen lạ hơn và những con người chung chung, vô diện đó đã trở thành nhân vật.
Dù có lần lữa mãi thì những lần đầu tiên vẫn cứ đến. Nguyễn Phan Bách đã đi tìm và làm nhiều thể nghiệm để có một triển lãm này và đây cũng chính là lần đầu tiên. Những lần đầu tiên bao giờ cũng đáng nhớ.

Lê Thiết Cương

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)