Cứ vài ba năm, người Hà Nội lại sáng tạo ra một từ mới…

Tôi nhận thấy cứ vài ba năm người Hà Nội lại sáng tạo ra một từ mới hoặc một cách diễn đạt mới - bao giờ cũng độc đáo, hóm hỉnh và lan tràn rất nhanh trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.

…Ở Đại học Harvard, theo lời mời của GS Huệ Tâm Hồ Tài, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Đông Á, tôi nói chuyện với các bạn đồng nghiệp và sinh viên về một số hiện tượng đáng chú ý trong văn học Việt và Tiếng Việt hiện đại. Một sự bất ngờ là điều được cử tọa chú ý và thảo luận sôi nổi là chuyện vui tôi kể về sự sáng tạo từ của người Hà Nội. Tôi nhận thấy cứ vài ba năm người Hà Nội lại sáng tạo ra một từ mới hoặc một cách diễn đạt mới – bao giờ cũng độc đáo, hóm hỉnh và lan tràn rất nhanh trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Nói về ưu điểm của mình, người Hà Nội nói là “hơi bị” ưu điểm. Người Hà Nội không nói: “Tôi nhảy giỏi” mà lại nói “Tôi nhảy hơi bị giỏi”. Người Hà Nội không nói: “Tôi giỏi tiếng Anh” mà lại nói: “Tôi hơi bị giỏi tiếng Anh”. Người Hà Nội không nói “Đôi giầy của tôi là giày xịn” mà nói: “Đôi giầy của tôi hơi bị xịn”… Đã “hơi” lại còn “bị”, quả là hai lần khiêm tốn. Nói về ưu điểm của mình mà lại “hơi bị”, dường như có sắc thái hóm hỉnh, tự trào – “Tôi hơi bị nhảy cảm”, “Tôi tiếp thu hơi bị nhanh”, “Trí nhớ tôi hơi bị tốt”, “Tôi hơi bị khỏe”… Với cách diễn đạt này, cả Hà Nội đang trở nên khiêm tốn, mà cũng không hẳn là khiêm tốn.

Cũng thời gian gần đây, người Hà Nội nói gì cũng “vô tư”, cái gì cũng “vô tư”. Mời một người bạn đi uống bia và anh ta nhận lời: “Được, tôi đi ngay! Vô tư!” mà không nhận lời cũng “vô tư”! Khen hay chê đều “vô tư” cả. Bài này tốt, đăng “vô tư”! Bài này kém, không đăng được, “vô tư đi!”; Từ “vô tư” ở cửa miệng người Hà Nội mang nhiều sắc thái: Hóm hỉnh, hồn nhiên, cởi mở… Dù là tranh thủ hay thách thức người đối thoại, bao giờ cũng vui vẻ, thân tình. Qua lời nói thân tình của người Hà Nội, “vô tư” từ một đạo đức cao xa đã trở nên gần gũi, thoải mái, thỏa đáng… Ai cũng có thể vô tư, cả Hà Nội trở nên vô tư… Một bước tiến thực sự về tinh thần do phép màu nhiệm của ngôn từ. Buổi hôm ấy, cử tọa bắt mấy từ của người Hà Nội rất nhanh. Lúc ra về nói chuyện với một cháu Việt kiều, thấy cháu nói tiếng Việt không sõi, tôi hỏi: “Cháu có hiểu những điều tôi nói hôm nay không ?” cháu nhoẻn miệng cười và trả lời: “Cháu hơi bị hiểu. Chú nói chuyện vui lắm. Muốn nghe chú nói nữa.” “Vô tư đi!”

Mấy năm gần đây, người Hà Nội thích dùng từ “hoành tráng”. Cái gì cũng có thể “hoành tráng”. Hỏi người Hà Nội “Hoành tráng là gì?” chắc nhiều người lúng túng. Nhưng xem ra họ dùng từ này rất trúng. Bát phở thông thường giá hăm nhăm ngàn, nay có một bát phở giá một trăm năm mươi ngàn thì chẳng có cách nói nào tốt hơn gọi nó là một bát phở “hoành tráng”. Mỗi người như gửi vào từ này một “sắc thái” riêng thể hiện ở ánh mắt, nụ cười khi nói, và chính “sắc thái” đó làm tăng sức thuyết phục cho ý nghĩa của từ được sáng tạo hồn nhiên. Đây cũng là một biểu hiện của cái vẫn được gọi là “tài hoa” của người Hà Nội.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)