Của (cú click) chuột và người
Trong cuốn tiểu thuyết kinh điển “Của chuột và người” của nhà văn Mỹ từng đoạt giải Nobel Văn chương John Steinbeck, ông mượn câu thơ của Robert Burns: “Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được” để nêu lên những tình cảnh trớ trêu của con người trong xã hội Mỹ những năm 1930. Gần một thế kỷ trôi qua, trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, cũng có biết bao nhiêu tình cảnh trớ trêu của con người chỉ vì một cú click chuột. Và nó cũng trở thành đề tài của hàng loạt bộ phim khắp toàn cầu để nói lên nỗi cô đơn hay những nghịch lý của thời đại công nghệ.
Trong phim Her, Theodore “cô đơn trong cuộc vui nhiều người”, giữa đám đông náo nhiệt trên bãi biển nhưng đang mơ tưởng đến giọng nói ảo quyến rũ của hệ điều hành thông minh.
Từ nỗi cô đơn của con người hiện đại
Theo wikipedia, năm 1991, Tim Berners Lee ở Trung tâm nghiên cứu nguyên tử châu Âu (Cern) phát minh ra World Wide Web (www) dựa theo một ý tưởng về siêu văn bản được Ted Nelson đưa ra từ năm 1985. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng trên Internet vì người ta có thể truy cập, trao đổi thông tin một cách dễ dàng.
Mạng Internet thời đầu mang lại rất nhiều tiện ích hữu dụng cho người sử dụng. Một trong các tiện ích phổ thông của Internet là hệ thống thư điện tử (email), trò chuyện trực tuyến (chat), công cụ tìm kiếm (search engine), các dịch vụ thương mại, chuyển ngân và các dịch vụ về y tế giáo dục như là chữa bệnh từ xa hoặc tổ chức các lớp học ảo.
Trong buổi đầu của thời đại Internet, khi con người còn quá choáng ngợp trước sức mạnh kết nối và phá vỡ những ngăn cách biên giới chỉ nhờ một vài cú click chuột, giới làm phim Hollywood đã bắt đầu vào cuộc cho những sáng tạo của họ. Tất nhiên, trong thời đầu, Hollywood khai thác những mối quan hệ xuất phát từ Internet còn khá lãng mạn và đến bây giờ xem lại có thể khá ngây ngô mà You’ve Got Mail (1998) của nữ đạo diễn Nora Ephron là ví dụ điển hình.
Dựa vào sức hút của hai ngôi sao nổi tiếng là Tom Hanks và Meg Ryan đã hợp tác rất thành công trước đó trong bộ phim lãng mạn Sleepless in Seattle, nữ biên kịch – đạo diễn Nora Ephron tiếp tục khai thác một câu chuyện tình lãng mạn bắt đầu từ những bức thư qua email, cho dù thời đó, mọi người còn dùng AOL để kết nối. Tom Hanks và Meg Ryan đóng vai chủ của hai hiệu sách trên cùng một khu phố – hai đối thủ cạnh tranh và ghét nhau ra mặt ngoài đời nhưng lại yêu nhau qua những bức thư trên mạng. Và dần dần khi thân phận trên mạng của họ bị lộ, họ bắt đầu yêu nhau ngoài đời thực.
Bộ phim rom-com với kịch bản khuôn mẫu và có một cái nhìn khá ngây thơ và lý tưởng về internet, nhưng không thể phủ nhận, nhờ sức hút và sự ăn ý của hai ngôi sao, nhờ cách đánh vào tâm lý “thoát ly hiện thực” nhờ internet; You’ve Got Mail vẫn trở thành một bộ phim rất ăn khách lúc bấy giờ.
Từ You’ve Got Mail (1998) đến Lars and the Real Girl (2007) hay Her (2013), chỉ trong một thời gian ngắn; Hollywood đã có một cuộc cách mạng nhận thức về những mối quan hệ lãng mạn hay khai thác những mặt trái và biến thể kỳ quặc của thời đại internet. Ở đây tôi chỉ xét trong phạm vi những bộ phim thuộc dòng lãng mạn.
Trong Lars and the Real Girl, Ryan Gosling, nam diễn viên điển trai đang lên của Hollywood vào vai Lars Lindstrom, một chàng trai trẻ nhút nhát, vụng về sống ở một thị trấn nhỏ hẻo lánh. Lars gần như không thể kết nối và tìm thấy mối quan hệ lãng mạn của mình với những người phụ nữ trong đời thực. Và thay vào đó, anh mang về nhà cô gái trong mơ của mình: một con búp bê tình dục mà anh ta đặt mua từ internet. Nhưng tình dục không phải là thứ mà Lars tìm kiếm từ con búp bê này, mà là một mối quan hệ sâu sắc thực sự có ý nghĩa đối với cuộc sống nhàm tẻ của anh ta.
Trong bộ phim Her của đạo diễn Spike Jonze, mối quan hệ của thời đại internet còn kỳ quặc và đi xa hơn nữa khi nhà làm phim này khai thác câu chuyện tình lãng mạn giữa một người đàn ông cô đơn với… một hệ điều hành thông minh nhân tạo đầu tiên trên thế giới qua giọng nói quyến rũ của một cô gái ảo.
Theodore (Joaquin Phoenix đóng) là một người đàn ông cô đơn và có lối sống nội tâm, làm nghề viết thư cho những người gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc bản thân. Cảm thấy chán nản sau khi ly dị cùng người tình từ thuở ấu thơ Catherine (Rooney Mara), Theodore đặt mua một hệ điều hành máy tính có trí tuệ nhân tạo và khả năng học hỏi, giao tiếp như con người. Theodore muốn hệ điều hành này mang giọng nữ và tự nhận là “Samantha” (qua giọng lồng tiếng thực sự quyến rũ của cô đào Scarlett Johansson). Theodore bị mê hoặc bởi khả năng học hỏi và phát triển tâm lý của cô. Họ nhanh chóng trở nên thân thiết thông qua những cuộc tranh luận về tình yêu và cuộc sống. Samantha chứng tỏ mình luôn là người độc thân, có tính hiếu kỳ và quan tâm, thông cảm và không đòi hỏi.
Jonze thai nghén ý tưởng cho bộ phim này từ đầu thập niên 2000, lúc tìm thấy bài báo về một trang mạng sử dụng trí thông minh thuật toán nhân tạo để giao tiếp với con người. Sau khi thực hiện I’m Here (2010), một bộ phim ngắn có cùng chủ đề, Jonze tiếp tục trở lại với ý tưởng này và biến nó thành một bộ phim dài. Her tạo được tiếng vang lớn vào năm 2013 và mang lại cho Spike Jonze giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Từ mối quan hệ với búp bê tình dục trong Lars and the Real Girl đến say đắm vì một giọng nói ảo qua hệ điều hành máy tính thông minh trong Her, các nhà làm phim Hollywood đã cho thấy nỗi cô đơn tận cùng của con người trong thời đại Internet. Hình ảnh của Lars ôm con búp bê câm lặng trong gia đình người anh trai nhưng cảm thấy “được chia sẻ” hay Theodore “cô đơn trong cuộc vui nhiều người” giữa đám đông náo nhiệt trên bãi biển nhưng đang mơ tưởng đến giọng nói ảo quyến rũ của hệ điều hành thông minh là hai hình ảnh tiêu biểu trong hai bộ phim này cho thấy con người càng ngày càng mất kết nối với cuộc sống thực, thất vọng với những mối quan hệ bằng xương bằng thịt giữa người với người và tìm đến những mối quan hệ ảo mà họ thấy được tin cậy và thấu hiểu.
“Nó không chỉ là một hệ điều hành, mà còn là một ý thức” – câu quảng cáo về hệ điều hành thông minh trong bộ phim Her cho thấy máy móc đang càng ngày càng trở nên “người” hơn hay ngược lại, con người đang ngày càng trở nên lệ thuộc vào máy móc, thậm chí cả về mặt tình cảm.
Một cây bút phê bình bình luận về Her như sau: “Ngọt ngào, đầy xúc cảm và khôn khéo, Her của Spike Jonze chỉ đơn thuần sử dụng cốt truyện khoa học viễn tưởng để truyền tải sự chế giễu hài hước và khôn ngoan về thực trạng giữa những mối quan hệ của con người ở thời hiện đại”.
Trong khi đó, cây bút nổi tiếng Todd McCarthy của The Hollywood Reporter gọi đây là “một tác phẩm thăm dò và tò mò ở một trật tự cao”. McCarthy nghiên cứu tiền đề câu chuyên và cho rằng mối tình hư ảo này xuất sắc hơn mối quan hệ giữa Ryan Gosling cùng con búp bê trong Lars and the Real Girl… Ông còn khen ngợi kịch bản của Jonze bởi tính tường tận về những gì mà con người mong muốn ở tình yêu và các mối quan hệ mà họ đang ngày càng đánh mất trong đời thường.
Nghịch lý của công nghệ và mạng xã hội
Trong thời đại công nghệ và sự lệ thuộc ngày càng lớn của con người vào mạng xã hội, giới khoa học cho rằng năng lực chú ý của chúng ta đang giảm sút rõ rệt. Trong một bài báo nói về Nền kinh tế chú ý (attention economy) có nhan đề “Chúng ta đã trở thành con tin trong kỷ nguyên số” của tác giả Đào Trung Thành trên tờ Tuổi trẻ cuối tuần (ra ngày 13.1.2019) tôi đọc được thông tin sau: “Theo những nghiên cứu gần đây, khoảng thời gian tập trung chú ý (attention span) của một người trung bình đã giảm từ 12 giây xuống còn 8 giây, còn ít hơn sự chú ý của con cá vàng, được cho là có khả năng tập trung 9 giây.”
Trước đây, chúng ta hay sử dụng cụm từ “não cá vàng” để mô tả một ai đó có khả năng trí nhớ kém hay mất tập trung, nhưng thậm chí giờ đây, sự tập trung của cá vàng còn vượt qua chúng ta và cách ví von đó đã trở nên lỗi thời.
Trong bộ phim Robot and Frank (2012) – một bộ phim độc lập cũng rất thông minh kể câu chuyện hai người con gửi đến một con robot để chăm sóc người cha già của họ, ta thấy được con người hiện đại càng ngày càng tin tưởng vào công nghệ và cho rằng nó là giải pháp thay thế cho con người, thậm chí cả chăm sóc người già. Robot and Frank là một bộ phim cho thấy rõ về sự đánh mất bản sắc cá nhân và sự riêng tư của con người trong thời đại kỹ thuật số.
Trong khi đó, với bộ phim Disconnect (2012) ta thấy rõ con người không chỉ tin tưởng công nghệ mà càng ngày càng lệ thuộc vào nó. Những ứng dụng thông minh của công nghệ ngày càng trở nên hoàn hảo và không thể thiếu đối với cuộc sống hiện đại, nhưng đồng thời nó cũng làm cho con người càng ngày càng trở nên xa cách với nhau hay gặp rắc rối, khó khăn trong việc kết nối với người thân, bạn bè ở ngay bên cạnh mình hơn là một kẻ xa lạ không quen biết trên mạng.
Một trong những bộ phim tâm lý, hình sự rất thành công của năm ngoái đưa chủ đề này lên cao hơn và thông minh hơn là Searching (bộ phim này được chiếu ở Việt Nam có nhan đề là Truy tìm tung tích ảo).
Lars giới thiệu bạn gái là búp bê tình dục với gia đình, bè bạn.
Trong bộ phim hình sự siêu hiện đại được kể chuyện chủ yếu qua các thiết bị công nghệ mà chúng ta sử dụng hằng ngày để giao tiếp, người cha David Kim (John Cho đóng) đã lần theo những manh mối mà Margot, cô con gái mình để lại trên chiếc laptop cá nhân trước khi cô bé biến mất không tăm tích.
Searching không phải là bộ phim đầu tiên đặt ra vấn đề này, cũng không phải là bộ phim đầu tiên sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh để kể chuyện. Năm 2014, bộ phim hình sự Open windows hay năm 2015, bộ phim kinh dị Unfriended đã từng khai thác chủ đề và cách kể chuyện tương tự.
Tuy nhiên cả hai phim này đều không thành công khi chỉ mới chạm đến bề mặt của câu chuyện, chưa đưa ra được những cái nhìn phản biện xã hội sắc sảo và khiến khán giả phải bất ngờ với cú “twist” theo phong cách của bậc thầy phim kinh dị Alfred Hitchcock khiến đoạn kết đảo ngược 180 độ như Searching.
Nhất quán về phong cách kể chuyện, bộ phim được mở đầu với đoạn hồi ức được kể lại thông qua những kỷ niệm hạnh phúc của gia đình David Kim với những hình ảnh, video, nhật ký riêng tư được lưu lại trên máy tính cá nhân của anh.
Mạch phim tiếp diễn xuyên suốt với thời lượng đến 90% diễn ra trên màn hình máy tính hay các thiết bị cầm tay thông minh. Có lẽ vì lý do đó mà bộ phim này chỉ mất 13 ngày để quay (thuộc vào loại ngắn kỷ lục đối với một bộ phim truyện dài) nhưng mất tới 2 năm để dàn dựng và hoàn thiện phần hậu kỳ.
Khi vợ của David bị ung thư và qua đời, mối quan hệ giữa hai cha con không còn được như trước. Mỗi người đều trốn vào một ốc đảo riêng mình, chỉ trò chuyện với nhau thông qua những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi tại nhà, những tin nhắn hay cuộc gọi video call, face time qua điện thoại di động.
Chỉ đến khi cô con gái Margot biến mất không tăm tích với 3 cuộc gọi nhỡ trong đêm mà David ngủ quên không nghe máy, anh mới giật mình phát hiện ra anh biết quá ít về con gái mình, những mối quan hệ bạn bè hay những nơi cô bé thường lui tới.
Tuyệt vọng vì không tìm ra bất cứ manh mối nào, David chỉ còn cách duy nhất là truy cập vào máy tính cá nhân mà Margot bỏ quên ở nhà, lần tìm theo những “dấu vết” nhỏ nhất mà cô để lại trên các account cá nhân của các mạng xã hội khác nhau để rồi phát hiện ra những bất ngờ của thế giới ảo.
Searching có cách kể chuyện thông minh và sáng tạo, rất gần gũi với khán giả hiện đại. Là một bộ phim thuộc thể loại hình sự, đạo diễn khiến khán giả hồi hộp thót tim mà không cần phải dàn dựng những màn rượt đuổi nghẹt thở, những pha đấu súng căng thẳng hay hình ảnh một ông bố thiện chiến một mình hạ gục cả một băng đảng mafia như cách mà bộ phim hành động Taken của Liam Neeson từng khai thác.
Searching là một bộ phim thuộc thể loại hình sự thông minh và giàu sáng tạo của biên kịch, đạo diễn gốc Ấn Aneesh Chaganty. Bộ phim dài đầu tay của đạo diễn mới 27 tuổi này lập tức nhận được sự khen ngợi nồng nhiệt của giới phê bình với hai giải thưởng tại Sundance – LHP độc lập quan trọng nhất của giới làm phim tại Mỹ.
Khi trình chiếu rộng rãi vào cuối tháng 8 vừa qua, bộ phim có kinh phí chỉ 1 triệu USD này thu về tới 70 triệu USD, trở thành một trong những phim độc lập thành công nhất của năm nay.
Trong phim Searching, khi con gái mất tích, David chỉ còn cách duy nhất là lần tìm theo những “dấu vết” nhỏ nhất mà cô bé để lại trên các account cá nhân của các mạng xã hội.
Sự hồi hộp mà đạo diễn mang đến chủ yếu là nhờ nhịp điệu dồn nén với những cuộc tìm kiếm dấu vết của người cha thông qua những phần mềm của mạng xã hội ảo. Chúng như một ma trận thách đố anh, khiến anh đau lòng bởi nhận ra mình biết quá ít về cuộc sống riêng tư của con gái.
Câu chủ đề của bộ phim: “Con gái của David Kim mất tích. Anh ta không thể biết được cô bé ở đâu cho đến khi anh phát hiện ra cô bé là ai” thể hiện rất rõ chủ đề của bộ phim, khiến người xem ám ảnh về những thông điệp ẩn mà bộ phim đặt ra.
Sự cách biệt thế hệ, sự thiếu kết nối của những thành viên cùng một gia đình trong xã hội hiện đại hay nghịch lý của công nghệ đã biến bộ phim hình sự thông minh này trở thành một tác phẩm độc lập có chiều sâu chứ không đơn thuần là một bộ phim giải trí.
Thông qua bộ phim này, đạo diễn Aneesh Chaganty đã dẫn dắt khán giả lần theo một cuộc tìm kiếm trong vô vọng của người cha, đồng thời để lại một câu hỏi lớn: những thiết bị công nghệ thông minh được sáng tạo ra để kết nối chúng ta đến gần nhau hơn hay chia rẽ và đẩy chúng ta ra xa nhau hơn? □