Của Khỉ và Người

Lịch sử của hành tinh khỉ được những người làm phim Rise of the Planet of the Apes thời sự hóa: Thay vì loài người bị chiến tranh bom nguyên tử tiêu diệt, tạo điều kiện cho loài khỉ tranh đoạt quyền thống trị, như kịch bản năm 1963, loài khỉ trong bộ phim mới đã tiến hóa nhờ sai sót trong phiêu lưu khoa học của con người.

Bị bủa vây giữa những tin tức chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, nợ nần, dịch bệnh, động đất, tai nạn lò phản ứng hạt nhân… tôi quyết định đi xem một phim giải trí Hollywood. Rise of the Planet of the Apes thuộc loại phim khoa học giả tưởng, tôi định xem để thư giãn hai tiếng đồng hồ, khỏi phải suy nghĩ gì cả. Nhưng hóa ra phim này hơi “cổ điển”.

Mấy năm trước, một nhà phê bình văn học Mỹ đã xét lại điều tưởng như đã mặc định rằng các học giả chỉ nghiên cứu văn học “cổ điển”. Ông cho rằng những tác phẩm thực sự cổ điển không chỉ gồm những tác phẩm được các thế hệ độc giả nối tiếp nhau đào sâu và đọc mới, như Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoy hay Chuông nguyện hồn ai của Hemingway. Tính chất cơ bản của tác phẩm “cổ điển” là nó có sức sống lâu dài và nói lên những điều độc giả luôn quan tâm. Nếu vậy thì những câu chuyện được kể đi kể lại dưới nhiều hình thức và trở nên phổ biến có đáng được coi là cổ điển? Chẳng hạn chuyện Quỷ nhập tràng Frankenstein của Mary Shelley, xuất bản lần đầu năm 1818, và nổi tiếng suốt hai thế kỷ, cho đến nay.

Frankenstein là tác phẩm khai dòng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Cùng với tiểu thuyết kinh dị, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết diễm tình, tiểu thuyết huyền bí… các tiểu thuyết thể loại này (genre fiction) được coi là tiểu thuyết bình dân (popular fiction) hay tiểu thuyết đại chúng, chứ không được coi là văn học, bất chấp sự thành công về thương mại lẫn sức sống dai dẳng của chúng. Sự tràn lan của văn hóa bình dân (pop culture) trong mấy thập niên gần đây rõ ràng đẩy tiểu thuyết bình dân lên một vị trí sáng sủa trong khi tác phẩm “văn học” ngày một khuất sâu vào vùng kinh viện thâm nghiêm. Điện ảnh (và game) tích cực sánh vai cùng những tác phẩm thể loại này. Xu hướng một số nhà phê bình ngày nay là không kỳ thị thể loại nữa. Được coi là “cổ điển” những tác phẩm qua được sàn lọc của thời gian, bất kể thể loại.

Frankenstein xứng đáng được đánh giá lại. Đó là câu chuyện về một nhà khoa học xuất chúng khao khát sự bất tử, chống lại cái chết bằng biện pháp khoa học: anh ráp nối những bộ phận của những xác chết khác nhau để tạo ra một cơ thể sống khác. Ý đồ kháng lại tự nhiên của tác giả thể hiện trong nguyên tựa “The Modern Prometheus”. Theo thần thoại Hy Lạp thì Prometheus đã dánh cắp lửa của Thần Zeus đem cho loài người, sự nổi loại này khiến Prometheus bị xiềng vào vách núi cho ó bươi gan. Chàng Prometheus hiện đại thậm chí còn đặt tên cho sinh vật mình sáng tạo ra là Adam. Nhưng Adam này bị coi như quỷ nhập tràng, và nổi tiếng với cái tên của người tác tạo ra hắn: Frankenstein.

Gần hai trăm năm qua Frankenstein sống dai dẳng trong nỗi lo âu ăn sâu vào tiềm thức con người về tai họa tiềm tàng trong khoa học và xã hội công nghiệp, khi nhà khoa học/con người ngày một chứng tỏ khả năng cạnh tranh quyền năng sáng tạo của Thượng đế, biến đổi tự nhiên. Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên ngày càng căng thẳng. Con người hiện đại một mặt dùng trí tuệ biến đổi tự nhiên phục vụ lợi ích con người, một mặt lo sợ hậu quả khó lường được. Những người chỉ trích sự “lộng quyền” của các nhà khoa học dùng câu chuyện quỷ nhập tràng Frankenstein để răn đe, cho nên có những từ như Franken-foods, thực phẩm quỷ nhập tràng. (Chúng ta không xa lạ gì với thực phẩm “quỷ” này: heo, vịt, gà “siêu thịt”, trái cây rau củ đã được biến đổi gien để có chất lượng và hình thức tiếp thị hấp dẫn nhứt.) Những người ủng hộ “tiến bộ khoa học kỷ thuật” tin rằng việc họ đang làm trong các phòng thí nghiệm chẳng khác mấy việc tự nhiên đã đang làm từ tạo thiên lập địa đến nay. Vạn vật trong tự nhiên luôn biến đổi, có loài tiến hóa, có loài thoái hóa, diệt vong. Tai họa nằm ở chỗ khác chứ không nằm trong sự biến đổi. Sự mâu thuẫn và nỗi lo âu này được khai thác trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật trong suốt 200 năm qua, một thí dụ là Hành tinh của Khỉ (Planet of the Apes).

Hành tinh của Khỉ được xuất bản lần đầu năm 1963 bằng tiếng Pháp, La planète des singes, tác giả là Pierre Boulle, nhưng được công chúng khắp thế giới biết đến qua bộ phim Mỹ Planet of the Apes. Phim thành công đến nỗi Hollywood sản xuất thêm 4 tập tiếp theo, rồi làm thành phim truyền hình, phim hoạt hình, sách truyện tranh, và nhiều sản phẩm thương mại khác. Năm 2001 phim được làm lại, và năm 2011 Rise of the Planet of the Apes được tung ra như một phim giải trí mùa hè gặt hái thành công rực rỡ về mặt doanh thu trên khắp thế giới. (Phim chiếu ở Việt Nam với tựa Cuộc nổi dậy của loài khỉ). Sự thành công này hứa hẹn sự ra đời của chuỗi phim tiếp theo cùng chủ đề này.

Rise of the Planet of the Apes chỉ là tập mở đầu. Trong một phòng thí nghiệm ở San Francisco, Mỹ, một nhà khoa học trẻ, tên Will, thí nghiệm trên những con tinh tinh một loại thuốc bổ óc (nhằm trị bệnh lãng quên của người già). Một con tinh tinh trong thời gian dùng thuốc đã sinh ra một tinh tinh con, tên Caesar, có bộ óc đặc biệt thông minh. Caesar được Will nuôi dưỡng trong gia đình mình sau khi tinh tinh mẹ bị giết vì bạo loạn và kế hoạch nghiên cứu sản xuất thuốc bổ óc của anh bị hủy bỏ. Caesar lớn lên, phát triển trí tuệ và tình cảm như một con người. Thỉnh thoảng Caesar có những cơn nghịch phá, xúc cảm mạnh đưa tới bạo động bộc phát, nhưng xét cho cùng không khác mấy những cơn “dở chứng” của người tuổi “teen” choai choai. Thế nhưng một con tinh tinh choai choai không thể được chấp nhận trong cộng đồng dân cư trung lưu của xã hội loài người. Caesar phải bị nhốt vào chuồng thú với những con khỉ khác. Ở đó Caesar nhận thức số phận vật thí nghiệm bị giam cầm của nòi giống tinh tinh trong cái thế giới loài người thống trị. Bị đối xử tàn bạo, Caesar tập hợp và lãnh đạo đồng loại nổi dậy, chạy thoát về rừng già, nơi chúng nhận là quê hương, tự do giữa thiên nhiên hùng vĩ. Đó là sự khởi đầu của hành tinh khỉ.

Thử đọc lại truyện Hành tinh Khỉ để hình dung ý đồ của những nhà làm phim. Thuộc loại khoa học viễn tưởng, truyện kể về những phi hành gia khởi hành từ Trái Đất, do bị tai nạn phải đáp xuống một hành tinh xa lạ nơi loài người là những nô lệ ù ù cạc cạc, bị loài khỉ thống trị. Khỉ ở hành tinh đó có trình độ khoa học kỷ thuật và tổ chức xã hội tương tự như loài người trên Trái Đất ở thế kỷ 20. Một trong những phi hành gia người đã tìm hiểu lịch sử của hành tinh và phát hiện một sự thật mà loài khỉ thống trị không chịu nhìn nhận: Trước đây ở hành tinh khỉ, chính loài người làm chủ, nhưng loài người đã thoái hóa trong khi loài khỉ tiến hóa và vươn lên, cuối cùng soán ngôi vị thống trị hành tinh. Phi hành gia người tìm cách thoát được hành tinh khỉ để trở về Trái Đất. Thời gian đã trôi qua mấy trăm năm trên mặt đất, và người về từ vũ trụ nhận ra Trái Đất cũng đã trở thành hành tinh khỉ.

Truyện được viết vào thời thế giới đang chiến tranh lạnh, nên nguyên nhân thoái hóa của loài người là cuộc hủy diệt nhau bằng bom nguyên tử. Nhân loại nay đã bước sang thời đại mới. Mặc dù tai họa hạt nhân vẫn là mối đe dọa thường trực, nhưng nhiều nguy cơ khác đã trồi lên, khẩn cấp hơn, và đáng sợ hơn, như đại dịch chẳng hạn. Trong thập niên qua chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện những virus bị biến đổi gien có khả năng lây lan và giết người nhanh chóng. Những nỗ lực của các khoa học gia nhằm điều tiết tự nhiên theo lợi ích cá nhân và các tập đoàn quyền lực càng tăng nỗi lo âu của nhiều người.

Lịch sử của hành tinh khỉ được những người làm phim Rise of the Planet of the Apes thời sự hóa: Thay vì loài người bị chiến tranh bom nguyên tử tiêu diệt, tạo điều kiện cho loài khỉ tranh đoạt quyền thống trị, như kịch bản năm 1963, loài khỉ trong bộ phim mới đã tiến hóa nhờ sai sót trong phiêu lưu khoa học của con người. Và con người còn phạm nhiều sai sót nghiêm trọng khác trong quan hệ xã hội của họ, cũng như trong quan hệ với tự nhiên, với các loài khác. Đây cũng là một chủ đề gây xúc động và suy nghĩ trong Khởi đầu của Hành tinh của Khỉ.

 Con người hiện đại thế kỷ 20 đã “tấn công” tự nhiên, và tự nhiên thế kỷ 21 bắt đầu ra đòn giáng trả. Mối quan hệ giữa người và tự nhiên không còn một chiều “con người chinh phục tự nhiên” mà đang diễn ra chiều ngược lại “tự nhiên dạy con người” những bài học đau đòn để biết thế nào là chung sống hòa bình với muôn loài. Có thể đây là chủ đề lớn sẽ được khai thác sâu trong chuỗi phim tiếp theo vào những mùa hè sau.

Hollywood sản xuất phim hè tất nhiên để giải trí, nhưng để thành công lớn họ phải tung ra sản phẩm đánh trúng vào mối quan tâm của đại chúng. Khán giả ngày nay không còn ưa cái thông điệp cổ lỗ sỉ “Coi chừng bọn man rợ nổi dậy gây tai họa cho chúng ta”. Khán giả trẻ tây phương xem Rise of the Planet of the Apes cảm thấy áy náy bất bình về cách chúng ta đối xử với những con tinh tinh (tự nhiên) và họ ít nhiều đồng ý rằng“ chúng ta có lỗi với tự nhiên”, và “xã hội chúng ta chưa hoàn hảo”.

Một số nhà phê bình coi Rise of the Planet of the Apes là một loại phim cổ điển – cổ điển kiểu văn hóa đại chúng Mỹ. Tuy là thể loại giả tưởng, nhưng bộ phim này, cũng như Frankenstein, là tấm gương phản chiếu xã hội con người, khiến cho độc giả và khán giả nghĩ ngợi đến những giá trị sâu sắc hơn, có tầm nhìn xa hơn về sự phát triển văn hóa và xã hội. Không chỉ thay đổi một chi tiết để nâng cao chủ đề của bộ phim, Khởi đầu của Hành tinh của Khỉ còn thể hiện những thủ pháp nghệ thuật điêu luyện với sự hổ trợ của kỷ xảo điện ảnh. Dù là phim giải trí mùa hè, đây là một phim hay, và “nhân vật” chính, con tinh tinh Caesar, đã chinh phục được trái tim hàng triệu khán giả. Có những chi tiết thực sự rung động và mang tính biểu tượng nghệ thuật đẹp. Chẳng hạn ở nhà, con tinh tinh Caesar có một thế giới riêng trên gác xép, nơi nó thường ngắm nhìn thế giới bên ngoài qua ô cửa sổ tròn. Khi bị nhốt vào chuồng khỉ giữa những bức tường kín mít phẳng lì, Caesar đã vẽ lên tường ô cửa sổ tròn và ngồi thẩn thờ, ánh mắt biểu cảm một nỗi nhớ nhà da diết. Nó nhớ và trông đợi Will, “người thân” của nó, gia đình nó, niềm tin của nó, kẻ đã cam đoan là việc giam cầm nó chỉ là tạm thời, đã hứa là sẽ trở lại đưa nó về nhà. Khi Will trở lại đứng bên ngoài song sắt và không thể thực hiện lời đã hứa, Caesar diễn tả cuộc vỡ mộng và sự chuyển hướng tư duy bằng hành động xoá đi ô cửa sổ giả, đối diện với bức tường nhà tù, và mưu tính cuộc tìm kiếm tự do từ những đồng loại đồng cảnh ngộ trong chốn giam cầm.

Khởi đầu của Hành tinh của Khỉ cũng như Frankenstein là những câu chuyện về quan hệ giữa chúng ta với tự nhiên, và hậu quả khôn lường khi chúng ta trở nên quá tự tin và ngạo mạn. Sự thực là khoa học và nỗ lực can thiệp/biến đổi tự nhiên của các nhà khoa học đã đem lại sự phát triển nâng cao đời sống con người trên khắp thế giới. Khởi đầu của Hành tinh của Khỉ là phim giải trí nhưng cũng là phim cổ điển về đòn giáng trả của tự nhiên vào những cố gắng tăng tốc hay lèo lái qui trình tiến hóa trong tự nhiên. Từ Prometheus đến Frankenstein đến Khởi đầu của Hành tinh của Khỉ con người luôn tác động tự nhiên để cải tạo cuộc sống của mình, đồng thời thường xuyên lãnh chịu những tác động nghiệt ngã bất ngờ của tự nhiên. Cái thế lưỡng nan này càng ngày càng gay go hơn khi con người tạo ra xã hội kỷ nghệ và hậu kỷ nghệ với dân số ngày càng đông đúc.

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)