Cuộc đời của một nhà báo lớn
“Ngay sau khi National Geographic Society bắt đầu xuất bản các tờ báo của mình vào hơn một thế kỷ trước đây, nhà sáng lập Alexander Graham Bell được hỏi là các tờ báo của ông sẽ đề cập tới lĩnh vực nào. Ông trả lời: “Thế giới và toàn bộ những cái không có trong thế giới đó”- một phạm vi cực rộng nhưng cũng đầy hấp dẫn. Nhiều năm sau đó, Lynn và tôi đã cố gắng theo đuổi nỗ lực này…”, Tom Abercrombie, nhà báo huyền thoại của tờ Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic) viết những dòng nói trên vào tháng 5/2005, trước khi ông mất.
60 năm trước đây, một cậu bé 15 tuổi ở thành phố Stillwater, bang Minnesota (Mỹ) theo anh trai của mình tham gia vào đoàn diễu hành nhân Ngày kỷ niệm của thị trấn. Người anh, một phi công vừa từ Thế chiến II trở về, có tên là Bruce mang trên mình chiếc máy ảnh Leica mà anh mua ở Italia và bắt đầu chụp hình đoàn người diễu hành. Cậu em trai hờ hững nhìn anh trai mình một lát rồi chán, và đi ra chỗ khác tìm trò gì đó vui hơn. Cậu nhìn thấy một đứa bé trai trong đám đông đang nhăn mặt trêu các cô gái trong đám diễu hành. “Này, Bruce ơi!”, cậu gọi người anh trai. “Đây mới là cái cần chụp”. Sau đó, cậu mượn chiếc Leica của anh trai, và bức ảnh đầu tiên của cậu là về người bạn gái, Lynn.
Thế là bắt đầu nỗi đam mê báo chí của Thomas James Abercrombia, một phóng viên kỳ cựu, tượng đài báo chí của tạp chí National Geographic, người đã mất cách đây 5 năm ở tuổi 75.
Cơ duyên với National Geographic
Abercrombia đến với Hội Địa lý Mỹ vào năm 1956, sau một thời gian ngắn hoạt động trong quân ngũ. Trước đó, ông từng là phóng viên ảnh cho hai tờ báo khác là Fargo Forum và Milwaukee Journal. Những tin tức thời sự đặc sắc đã giúp ông đoạt giải Phóng viên ảnh của năm tại tờ Journal. Lúc đầu, Abercrombie không qua được kỳ thi sát hạch về sức khỏe của Geographic, nhưng Ban biên tập của tạp chí đã bỏ qua tiêu chí về sức khỏe và Tom được chính thức tuyển dụng.
“Tờ Geographic đã trải qua cả một thế kỷ tồn tại, và có thể là tờ báo viết nhiều nhất về lịch sử của nhân loại. Chúng tôi cũng có may mắn là đã trải qua nửa thế kỷ làm việc tại nơi đây. Câu chuyện của chúng tôi-thường là câu chuyện bằng hình ảnh-về cuộc đời và những kinh nghiệm từng trải của mình tại kho báu lớn nhất của chúng ta: Trái đất…” Tom Abercrombia |
Trong bài viết đầu tiên của ông ở nước ngoài, được thực hiện tại Li-băng, người ta thấy ở đó dáng dấp của một người đàn ông thấp đậm, nói chuyện hơi cộc lốc một chút nhưng lại rất tốt bụng, đúng chất người Minnesota – tức là có thể bắt chuyện với bất cứ ai. Ông phỏng vấn Tổng thống Li-băng lúc đó, Camille Chamoun và đã biến ngài Chamoun nổi tiếng cứng nhắc trở thành một người thoải mái đến mức Tổng thống đã mời Tom chụp ảnh ông và vợ của ông đang nằm nghỉ dưới một gốc cây to. Và tại một thị trấn Li-băng có tên Qabb Ilyas, ông đã lần đầu tiên tới thăm một đền thờ Hồi giáo, sự tình cờ của số phận sau này đã được ông miêu tả trong một bài báo: “Sau buổi lễ, tôi hòa mình vào đám đông, lẫn vào dòng người đi ra cửa, qua một hàng dài những người ăn mày, rồi ra một con phố nhỏ. Vừa đi, vừa nói chuyện với họ, tôi có cảm giác như mình có gì đó rất gắn bó với họ và họ cũng có cảm giác chấp nhận tôi như một người thân”.
Cảm giác của thời khắc đó, hoặc những thứ tương tự như vậy đã tiếp tục diễn ra hàng ngàn lần trong suốt cuộc đời làm báo của Abercrobie, giúp ông gần gũi và được các tín đồ Hồi giáo chào đón tại trên 80 nước khác nhau. Ông luôn “đơn thương độc mã” mỗi khi ở thực địa, trong chiếc xe Land Rover được đặt hàng riêng, với những can xăng kim loại buộc trên nóc, bên cạnh đó là cả tá hộp cứng lủng lẳng, rồi thì bình nước, túi ngủ, sách, ống dẫn, dây buộc, bản đồ địa hình, các loại tẩu thuốc và một hoặc hai khẩu súng cầm tay, vũ khí tự vệ của ông.
Thánh địa Mecca trong một buổi thánh lễ, bức ảnh được Tom Abercrombia chụp và được đăng trên National Geographic số tháng 1/1966 |
“Thoạt nhìn, Abercrombie có vẻ là người thô lỗ nhưng trên thực tế, ông lại cách đối xử khá nhẹ nhàng với người khác”, phóng viên ảnh về hưu Jim Stanfield, người đã từng cùng Tom và đoàn bộ hành vượt qua sa mạc Sahara với đoàn lạc đà 400 con kể lại. “Abercrombie là một người rất chăm chú lắng nghe khi nói chuyện. Ông ấy có thể nói chuyện với một vài người trong quán cà phê trong vài giờ liền, hoặc vừa cưỡi bò Tây Tạng, vừa ngậm tẩu thuốc và huyên thuyên chuyện này hay chuyện khác với người dân bản xứ. Ông có một tinh thần rộng mở và một thói tò mò vô tận, chính những điều này khiến ông gần gũi với người dân nơi ông đến và họ cũng tin tưởng ông. Ngay cả khi ông không thể nói chuyện với người dân bản xứ bằng ngôn ngữ của họ, ông cũng luôn tìm ra cách để kết nối được với họ”.
Một người sáng tạo và tình cảm
Cách chi tiêu của ông cũng khác xa so với các đồng nghiệp. Ông trang bị tới hai khẩu AK-47 để “tự bảo hiểm” mình trong chuyến đi viết bài ở Yemen và thỉnh thoảng cũng mua cừu hoặc dê để biếu những người Bedouin (những người du mục A-rập), những người ông gặp khi viết bài. Có lần, ông mua cả chiếc máy bay Cessna 185 để phục vụ cho việc bay quanh khu vực Alaska nhưng rủi thay thực tế chiếc máy bay lại rất ít được sử dụng. Trong khi đó, báo cáo của kế toán tại đại bản doanh tờ báo cho biết ông lại chi tiêu rất dè sẻn cho những bữa ăn đạm bạc của mình ở khách sạn, với mức khoảng 17,5 USD/ngày cho cả ăn và nghỉ. Nhưng đối với Tom, một người mang dòng máu Scotland, thì số tiền đó lại có vẻ hơi nhiều rồi. Ông cũng là người viết các bài báo của mình trên mặt sau của những trang giấy đã dùng rồi, hay sử dụng bút chì cho đến khi hết cả lõi…
“Rất nhiều điều đã thay đổi trên thế giới kể từ ngày chúng tôi tới thực địa, và chưa hẳn những đổi thay đó tốt đẹp hơn. Nhiều nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên mà chúng tôi may mắn chụp được giờ có thể không còn nữa. Thay vào đó là những dòng người du lịch, những cuộc chiến ác liệt hay những cuộc cách mạng liên tục. Đất nước đa tôn giáo Li-băng bị chia rẽ vì các cơn giận dữ sắc tộc, Campuchia đã từng phải sống hàng thập kỷ dưới cơn ác mộng, Afghanistan ngập chìm trong các trận chiến, Iran thì ngày càng xa lánh Phương Tây… Nhưng dù gì đi chăng nữa, công việc của chúng tôi là ghi nhận lại lịch sử càng nhiều càng tốt, dưới giác độ của các nhà địa chất. Và đúng như nhiều người đã nói: quá khứ, đó là một đất nước khác…” – Tom Abercrombie |
Tom cũng là một người rất khéo tay trong lĩnh vực cơ khí vì ông vốn được đào tạo kỹ sư. Một lần, khi còn làm ở tờ báo Milwaukee, ông đã tự thiết kế và xây dựng một chiếc ngôi nhà đặc biệt không thấm nước phục vụ cho chiếc máy ảnh Plexiglas và sử dụng nó để chụp chiếc tàu đắm ở hồ Michigan. Sếp Bob Gilka của ông tại Milwaukee (người sau này làm Giám đốc ảnh của tờ Geographic) nhớ lại là Tom và Lynn, vợ ông, đã tìm mọi cách tiếp cận hiện vật ở mức gần nhất để chụp ảnh. Bản thân Tom đã nhiều lần nhảy xuống nước để thử chụp ảnh với ngôi nhà bảo vệ máy ảnh tự tạo của anh. Khi nhảy xuống nước, Tom buộc một đầu dây thừng vào thắt lưng, đầu kia gắn vào xe ô tô. Ông thống nhất với Lynn là nếu có chuyện gì, ông sẽ giật dây thừng và ở đầu kia Lynn sẽ chạy xe ô tô để kéo ông từ dưới hồ lên.
Ông cưới Lynn vào năm 1952. Vào thời kỳ đầu sau khi họ cưới, họ ít có cơ hội được đi ra nước ngoài cùng nhau. Mặc dầu cũng là tay máy của tờ Geographic, nhưng Lynn phải bận bịu nuôi dạy các con. Vì vậy, Tom thường phải đi làm một mình, nhiều khi cách xa nhà hàng nghìn cây số trong nhiều tháng trời. Mặc dầu phải làm việc xa nhà, nhưng những bức thư tình cảm của ông luôn được gửi tới những người thân yêu ở nhà.
Người bạn của thế giới Hồi giáo
Vào khoảng giữa những năm 1960, Tom ở Trung Đông một thời kỳ rất dài đến mức ông cảm thấy nơi đây như nhà của mình. Ông sử dụng thành thạo tiếng A-rập (cùng với tiếng Đức, Pháp và Tây Ban Nha), có thể đọc được tiếng Hàn và đặc biệt là được đặt một cái tên A-rập: Omar. Nhưng bản thân ông lại không phải là người có tín ngưỡng, ít nhất theo hiểu biết của mọi người. Trong một bản tin gửi từ thánh địa Mecca tới Tổng biên tập Melville Grosvenor, ông viết: “Xin chào và gửi tới mọi người những lời chúc tốt đẹp nhất từ thành phố thánh địa của Hồi giáo. Tôi rất vinh hạnh là chứng nhân duy nhất ở đây đang quan sát, thực hiện phóng sự ảnh và tham gia vào một trong những hoạt động nổi tiếng nhất của con người, đó là cuộc hành hương tới Mecca”.
Tom đang chụp ảnh một xác ướp Ai Cập vào năm 1976 |
Tom từng rất kín đáo khi nói về đạo Hồi giáo và về cuộc hành hương tới Mecca. Nhưng người ta chắc hẳn sẽ không còn nghi ngờ gì về lòng tin trong sáng của ông và về điều đã kết nối ông với thế giới của người Hồi giáo. Điều đó cũng thôi thúc ông, thông qua các công việc của mình để xây dựng cây cầu hiểu biết giữa thế giới Hồi giáo và Phương Tây. Tom có một lần nói rằng việc anh tự hào nhất là viết và làm phóng sự ảnh “Chiếc Gươm và bài Thuyết pháp”, đây chính là một thiên phóng sự ảnh về lịch sử của thế giới Hồi giáo được ra mắt bạn đọc vào số báo tháng 7/1972. Bài báo đã đưa ông tới Kazakhstan, nơi ông đến thăm một nhà thờ Hồi giáo ở Alma Ata và dự buổi lễ cầu kinh vào một ngày thứ sáu. Trong một bức thư gửi về nhà, ông nói đây là một trong những sự kiện cảm động nhất trong cuộc đời của ông.
“Tôi tự giới thiệu mình với tù trưởng và chúng tôi nói chuyện bằng tiếng A-rập về sự lớn mạnh của giáo đoàn Kazakhs cũ, về truyền thống và phong tục tập quán của người Hồi giáo. Rồi, những người khác bắt đầu tụ tập xung quanh. Khi tôi cho họ xem những hình ảnh về Mecca và chuyến hành hương, họ gần như đã khóc. Nhiều người đã chà tay của họ vào quần áo của tôi rồi xoa lên mặt, với mong muốn cầu may mắn từ một người hành hương đã tới thánh địa như tôi. Tôi thực sự cảm thấy bất ngờ và hạnh phúc.
Những ngày cuối đời
Trong cuộc đời làm báo của mình, Thomas Abercrombia đã đi khắp các châu lục, học được 4 thứ tiếng, và… chết hụt với số lần nhiều đến mức ngay cả ông cũng không thể nhớ nổi. Những gì mà ông để lại là 43 bài phóng sự bất hủ đăng trên tạp chí National Geographic, trong đó có những bài báo đồ sộ, kỳ công mà trước đó chưa từng có ai thực hiện được. 38 năm làm nghề báo, Abercrombia từng viết và thực hiện các phóng sự ảnh ở rất nhiều nước, khu vực và địa điểm như Nhật Bản, Campuchia, Tây Tạng, Venezuela, Tây Ban Nha, Australia, Alaska, Brazil. Phóng sự ảnh đầu tiên của ông là về Bắc cực. Đáng kể nhất trong số các tác phẩm của ông là 16 bài báo viết về thế giới Hồi giáo từ năm 1956 đến năm 1994, những bài báo đã giúp độc giả của National Geographic hiểu rõ hơn về một thế giới tôn giáo trước đó vẫn còn xa lạ với người Phương Tây. |
Mặc dù có rất nhiều kinh nghiệm nhưng sự nghiệp của Tom tại Geographic đã kết thúc vào năm 1994. “Tom chưa bao giờ vui hơn khi chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết trước khi lên đường đi viết bài: những công việc như đóng gói đồ đạc, nghiên cứu kỹ bản đồ, lên kế hoạch…”, Lynn nói. Nhưng chính điều này khiến bà lo ngại: “Tôi chẳng biết ông ấy sẽ như thế nào khi về hưu. Tuy nhiên ông ấy cũng là người chẳng bao giờ nhìn lại phía sau. Ông cũng thích ở nhà, làm những chiếc thuyền, ăn trưa với những bạn thân… Tất nhiên, ông vẫn cứ là một con người hay đi lang thang. Đôi khi, ông ra đường và đi bộ tới 2-3 tiếng, có lúc chỉ để nói chuyện với một người hàng xóm hoặc một vài người khách đặc biệt nào đó mà ông vô tình gặp trên đường. Tóm lại, ông dường như sinh ra chỉ để đi”.
Ông kéo lê cuộc đời còn lại với những ký ức, những câu chuyện về cuộc đời làm báo của mình tại những bàn ăn trưa và ngay cả khi những câu chuyện này đã được in ra thì các cuốn sách vẫn không thú vị bằng chính những câu chuyện từ miệng ông kể lại. Những chiến công của ông sau đó được tiếp tục được nhắc lại tại Đại học George Washington, nơi ông được mời nói chuyện với “đôi ủng ở chân”, hay tại văn phòng của National Geographic, nơi các thế hệ nhà báo và phóng viên ảnh thế hệ kế cận luôn chào đón sự viếng thăm của ông, coi đó là một một vinh dự lớn.
Vào những tháng cuối đời, ông dùng để theo đuổi thú vui cuối cùng-xem thiên văn cùng với đám trẻ con. Ngay cả trong mùa đông cuối cùng, Tom, với chiếc mũ beret trên đầu, vẫn đi ra sân sau vào mỗi tối, nghiên cứu bầu trời với chiếc kính thiên văn mà Lynn mua cho ông nhân dịp giáng sinh. Con người kỹ sư lại nổi dậy ở trong ông và ông tìm cách cải thiện tính năng của chiếc kính thiên văn. Rất nhanh, ông đã lắp một chiếc khung mới cho chiếc kính thiên văn, làm từ các mảnh của kính thiên văn cũ. Ngay khi vừa rời chiếc kính thiên văn mà ông dùng để quan sát rất kỹ bầu trời, ông thường tìm kiếm các thông tin về những ngôi sao mà ông đã thấy trên bầu trời và đọc bất cứ cuốn sách nào về vũ trụ mà ông vớ được.
Đối với Tom Abercrombie, dường như ông vẫn đang tiếp tục công cuộc chinh phục và thám hiểm một vùng đất nào đó.
Hoàng An dịch từ National Geographic