“Cuộc đời và Số phận” hay “Chiến tranh và Hòa bình” của thế kỷ 20

Với một cái tên vĩ mô và bao la như vậy, bao nhiêu người sẽ đủ niềm hứng thú, đủ thời gian để vác cuốn sách lên (vác, chứ không phải cầm) và đọc từ đầu tới cuối? 

Nhà văn Vasily Grossman.

Cuộc đời và Số phận – phải chăng đó là một cái tên quá chung chung cho một cuốn tiểu thuyết? Cuộc đời của ai và số phận của cái gì? Nhất là với một cuốn tiểu thuyết dài tới 827 trang khổ lớn (theo bản dịch tiếng Việt của dịch giả kỳ cựu Thiên Nga do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành), trong đó 7 trang dùng để liệt kê tên các nhân vật – đời quá ngắn mà cuốn tiểu thuyết ấy lại quá dài.

Một cuốn tiểu thuyết dài, và lịch sử của nó cũng dài không kém. Năm 1960, năm mà Boris Pasternak qua đời vì bệnh ung thư, không lâu sau một chiến dịch chống lại ông cùng Bác sĩ Zhivago của chế độ đương thời, khi nhà văn Vasily Grossman gửi bản thảo cuốn sách này tới nhà xuất bản, người ta đã hồi đáp rằng nó sẽ không được xuất bản trong vòng 200 năm tới. Sự khốc liệt thăm thẳm của nó là nguyên nhân khiến căn hộ của Grossman bị cơ quan an ninh bố giáp, toàn bộ bản thảo, bản sao, sổ ghi chép, thậm chí cả giấy than máy đánh chữ cũng bị tịch thu, và nếu không phải có hai bản sao đã được gửi tới những người bạn thì có lẽ tác phẩm này đã bị xóa sổ, đã tuyệt chủng, đã biến mất, như rất nhiều những thân phận đã tan biến không dấu tích trong chiến tranh. Nhưng ngay cả nhà thơ Semyon Lipkin, người đã giữ một trong hai bản thảo này, mặc dù nhận định cuốn sách “là một sự mặc khải”, song cũng tin nó không thể xuất bản được, điều khiến Grossman tức giận và gọi bạn mình là đồ hèn nhát. Chỉ đến khi Mikhail Gorbachev lãnh đạo Liên Xô và đề ra chính sách glasnost *, Cuộc đời và số phận mới đến tay bạn đọc trong nước. Vasily Grossman đã không thể sống đến khi được thấy cuốn sách của mình được phóng thích. Thời điểm ấy, ông đã mất hơn 20 năm vì căn bệnh ung thư dạ dày.

Lịch sử lớn hơn nhưng không phức tạp hơn con người, lịch sử nghiền nát con người nhưng không thể dễ dàng nuốt lấy con người – mỗi số phận trong đó đều khiến cổ họng của lịch sử mắc nghẹn – bởi mỗi cá nhân đều có một lịch sử của riêng mình.

Vẫn biết rằng một bài bình luận sách không thể thiếu đi phần tóm tắt nội dung, nhưng người ta cũng tuyệt nhiên không thể giả vờ như mình có thể gói gọn một tác phẩm đồ sộ nhường này trong vài câu ngắn ngủi. Sự tồn tại của tiểu thuyết này chứng minh rằng việc đọc sách không thể nào chỉ là một thú vui. Người ta cần nhiều hơn một ý thích nhất thời hay ham muốn giải trí trong những giờ rảnh rỗi để đi đến cùng với tác phẩm, bởi hành trình đọc Cuộc đời và Số phận thực sự là một cuộc tra tấn và đày đọa xác thân lẫn tinh thần, chưa cần tới đích ta cũng đã thấy mình như một quân đoàn trong chuyến hành quân hàng trăm dặm qua thảo nguyên Kalmyk, cảm thấy mình “ở đấy, nằm trên mặt đất cứng, bất lực, không bao giờ ngóc đầu dậy được nữa”.

Nếu như Chiến tranh và Hòa bình đặt trên bối cảnh cuộc chiến tranh Vệ quốc Nga trước quân đội của hoàng đế Napoleon, thì Cuộc đời và Số phận cũng đặt trên một bối cảnh lịch sử cộng dồn của nhiều triệu con người – những năm cuối của Chiến tranh Thế giới thứ II và trận Stalingrad. Ở cả hai cuốn tiểu thuyết, lịch sử lớn hơn nhưng không phức tạp hơn con người, lịch sử nghiền nát con người nhưng không thể dễ dàng nuốt lấy con người thành một mớ bầy nhầy không tên – mỗi số phận trong đó đều khiến cổ họng của lịch sử mắc nghẹn – bởi mỗi cá nhân đều có một lịch sử của riêng mình – dù là một nhà khoa học hay một người lính trẻ, dù là một người bất đồng chính kiến hay một chính ủy viên bỗng bị vu cáo là phản bội đảng, dù là kẻ hành hình hay kẻ bị hành hình, dù là một người Do Thái hay một kẻ thù của người Do Thái, dù là lãnh đạo của Quốc xã – Hitler  hay lãnh đạo của Liên Xô – Stalin, ai cũng có một lịch sử gai góc đầy những chiếc xương dăm nho nhỏ nhưng không thể bị lờ đi.

Ấn bản tiếng Anh của “Cuộc đời và Số phận”.

Vasily Grossman đã nỗ lực để giành giật lấy tính người cho mỗi số phận cụ thể trong một thời đại mà nỗi đau chung quá kềnh càng đã át đi những nỗi đau riêng bé mọn, trong thời đại mà con người cá nhân chỉ là những đốm mờ bị át đi bởi ánh hào quang chói lọi của đủ mọi luận thuyết chủ nghĩa. Không thể tìm đâu một đoạn văn về người mẹ nhận tin con trai mình tử trận lại khiến ta thấy mình có tội như trong Cuộc đời và Số phận. Chương sách ấy lôi ra vết thương đã bị vùi giữa hàng ngàn vết thương khác của chiến tranh – để vết thương được tồn tại như chính nó, vết thương của một người mẹ duy nhất, một mất mát duy nhất, không cách gì bù đắp cho nó bằng một vinh quang, cũng không cách gì làm nó bớt thống khổ hơn bằng một mất mát tương tự vẫn đang diễn ra từng phút từng giờ trong cuộc chiến ấy.

Không phân chia con người vào các phe, Grossman đặt tất cả họ vào nhãn “con người”. Và vì thế một người làm công việc đếm xác những người Do Thái bị chết ngạt cũng là một con người. “Thế rồi bỗng dưng, trong lúc mơ màng, nước mắt anh trào ra, thiêu đốt anh, xuyên thủng lớp vỏ cứng đã bọc kín não và tim anh”. Grossman viết như thế – khẳng định rằng kẻ đếm xác ấy cũng có não và tim. Anh ta vẫn có não và tim khi đào một nấm mộ cho hai trăm phụ nữ trẻ trong khi cười cợt “mấy ả này nóng bỏng thật đấy”, anh vẫn có não và tim khi quy những người ngã xuống chỉ còn là một con số vô tri – trung bình 48,35 cái xác trong một nấm mộ tập thể. Nhưng thế nào là 0,35 cái xác? 

Và đây, một chương về Hitler, y xuất hiện như một con người rất bình thường – trong cơn mưa phùn nhẹ rơi nơi rừng Gorlitz ở biên giới Đông Phổ và Litva, y mặc áo mưa xám, bước dưới bóng những hàng cây, muốn được một mình và hít khí trời trong trẻo: “Hắn thích rừng cây im lắng. Và hắn thích đi dạo trên thảm lá rụng mềm.” Grossman đã cho Hitler một giây phút được nghĩ về mình như một người phàm, không phải một Übermensch / một siêu nhân, chỉ là “một con dê giữa trảng cỏ”, một kẻ run rẩy trước những nỗi sợ muôn thuở về cái chết, về cái bí ẩn của thế giới bên kia, về nanh vuốt của bóng tối. Cuối cùng chúng ta cũng được thấy chính Hitler, chính hắn chứ không phải chỉ một cái tên gây khiếp hãi hay một dáng vẻ khiến những thuộc hạ nín thở kính cẩn, không chỉ là một hình tượng để căm thù hay để mỉa mai, mà là một con người.


Vasily Grossman đã nỗ lực để giành giật lấy tính người cho mỗi số phận cụ thể trong một thời đại mà nỗi đau chung quá kềnh càng đã át đi những nỗi đau riêng bé mọn, trong thời đại mà con người cá nhân chỉ là những đốm mờ bị át đi bởi ánh hào quang chói lọi của đủ mọi luận thuyết chủ nghĩa.

Còn ở phía bên kia chiến tuyến, Stalin cũng hiện ra không phải chỉ như một tấm ảnh được người ta treo trong khung kính. Ông ngồi trong điện Kremlin, có nỗi yếu lòng, có sự trầm uất, có chứng khó tiêu, có cơn chóng mặt, có cái gáy đau nhức, có nỗi ám ảnh về những người đã thất bại dưới tay ông đang “chọc thủng tầng đất đóng băng vĩnh cửu đã vùi lấp họ” và tiến về phía ông với với đôi mắt nhuốm nỗi buồn, có cả những điều đó ở ông chứ không chỉ có sức mạnh và quyền uy tuyệt đối.

Trong phần cuối cùng của Chiến tranh và Hòa bình, một tiểu luận về logic của lịch sử, Tolstoy đã bác bỏ cách quy diễn tiến lịch sử về một vài cá nhân kiệt xuất, với ông, đó chỉ là những hiện tượng bên ngoài: “Nhưng quy luật của lịch sử lại liên quan đến con người. Một phân tử vật chất không thể nói với chúng ta rằng nó hoàn toàn không cảm thấy có nhu cầu hấp dẫn hay xô đẩy gì cả, và quy luật này không đúng, trái lại con người là đối tượng của lịch sử lại khẳng định dứt khoát rằng: tôi tự do, và do đó, không lệ thuộc vào các quy luật”. Ông nêu ra sự khác nhau giữa quan điểm lịch sử nhìn từ quy luật chung hay từ những cá thể đơn lẻ nằm ở chỗ “thừa nhận hay không thừa nhận một đơn vị tuyệt đối dùng làm thước đo chung cho những hiện tượng có thể thấy được”. 

Tác phẩm “Cuộc đời và Số phận” (bản dịch tiếng Việt của dịch giả Thiên Nga) do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn phát hành.

Cuốn tiểu thuyết của Vasily Grossman như kế thừa và phát triển những lý luận của Tolstoy. Một mặt, nó chống lại sự bao quát hóa con người trong một xã hội toàn trị bằng cách đi vào tâm tư của từng cá thể nhỏ làm nên xã hội ấy; nhưng mặt khác, nó cũng lý giải cơ chế một con người cá nhân vẫn lệ thuộc vào thế giới bên ngoài và phục tùng các quy luật ra sao, bất chấp sự giàu có trong tâm tưởng, sự tự do trong suy nghĩ.

Đó là câu chuyện của nhà vật lý lý thuyết Victor Shtrum gốc Do Thái, người mà trong tiểu thuyết này đã đặt ra một công trình nghiên cứu có khả năng thay đổi những hiểu biết cơ bản của nhân loại về vũ trụ, một nhân vật được cho là xây dựng dựa trên nguyên mẫu của Lev Landau – một thiên tài trong nhiều lĩnh vực vật lý với một cuộc đời không thiếu những khúc quanh.

Chính giờ khắc tương lai bấp bênh nhất, đối diện với cuộc thanh trừng chính trị từ các đồng nghiệp, biết rằng ngay cả bản chất của thế giới cũng bị coi là tầm bậy nếu như nó đi chệch cương lĩnh của những nhà lãnh đạo, lại là giờ khắc Strum có thể lớn tiếng về “quyền có lương tri” và rằng “nếu một người có sức mạnh để lắng nghe lương tri của mình rồi hành động theo nó, anh ta sẽ cảm thấy dâng trào hạnh phúc”. Để rồi khi đã được giải oan, khi những kẻ từng hạ bệ anh sau một đêm lại làm như chẳng có gì diễn ra cả, trả lại anh tất cả những gì thuộc về anh, khi anh được làm việc hoàn toàn tự do, được đối xử tử tế dù chẳng cần xin xỏ gì, thì anh lại “cảm giác bất lực, cảm giác rằng không hiểu sao anh bị thôi miên mất rồi”. Anh không còn can đảm được nữa. Anh đã tuân phục. Người ta chỉ có đủ can đảm chống lại một quyền lực hành hạ mình, ai có đủ can đảm chống lại một quyền lực “vuốt tóc ta và vỗ lưng ta”. Người ta chỉ có đủ can đảm để vứt bỏ đời mình, ai có đủ can đảm để “từ chối bánh kẹo” mà đời ban phát. 

Trong một cuộc đối thoại xứng đáng được coi như một đoạn triết luận đỉnh cao trong Cuộc đời và Số phận, Victor chuyện trò với người thầy của mình, người cho rằng sự sống chính là tự do, nếu như chất vô tri gắn liền với tính nô lệ thì sự sống gắn liền với tính tự do. Victor chất vấn lại, vậy những người trong các trại tập trung – rõ ràng là những người đang sống – họ có tự do hay không? Hay vũ trụ sẽ làm ra một chế độ nô lệ còn khủng khiếp hơn chế độ nô lệ của những thứ không sinh mạng?

Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất là như vậy. Ý chí tự do có ý nghĩa gì không, sự sống có ý nghĩa gì không, cuộc đời cá nhân có ý nghĩa gì không, nếu con người “chưa đủ tử tế hay khôn ngoan để sống một đời duy lý”? □

————————–

* Khái niệm liên quan đến tính công khai, minh bạch trong khuôn khổ perestroika (cải tổ) của Mikhail Gorbachev.

Tác giả

(Visited 91 times, 1 visits today)